Sự chết sẽ đến đối với tất cả mọi người. Đó là điều chẳng ai – một khi đã sinh ra và đảm nhận sự sống – có thể tránh được. Chết – đó là một thực tại đau đớn nhất, tàn khốc nhất, mà cũng khó hiểu nhất của kiếp nhân sinh. Chính sự bí nhiệm của nó và chính bởi chưa ai có kinh nghiệm về nó một khi chưa thực sự đi qua nó, cho nên lắm lúc cái chết khiến việc sống của chúng ta trở nên thật nực cười. Nhưng, đó là nụ cười chua xót, bi ai. Tuy thế, mỗi một người khi đứng trước vấn đề sự chết lại có những góc nhìn, thái độ khác nhau. Và, có thể nói được rằng, chính cách nhìn về cái chết sẽ quyết định cách sống của chúng ta.
Chết – dù là một mầu nhiệm không thể hiểu thấu, một thực tại tàn khốc và đau đớn, một thực tại mà bất cứ người nào đối diện cũng đều đầy những thắc mắc và sợ hãi, thế nhưng, nó đã trở nên rất đỗi bình thường mà lắm lúc chúng ta lãng quên. Bởi vì, cuộc sống quay cuồng với “cơm, áo, gạo, tiền”, hay “công danh, sự nghiệp” nhiều khi khiến con người không có thời gian mà nghĩ đến cái chết. Có lẽ, chỉ những ai thực sự phải đối diện với cái chết mới là kẻ suy gẫm về nó cách nghiêm chỉnh nhất.
Tuy chưa trực diện với cái chết, chưa trải qua nó, nhưng đứng trước sự “ra đi” của biết bao người thân yêu, hay của hàng triệu người đang mỗi ngày lần lượt nối gót nhau đi vào cõi chết, chúng ta không khỏi thắc mắc, gẫm suy về cái thực tại đau thương ấy. Chết là gì? Chết có ý nghĩa gì? Tại sao lại phải chết? Và, nếu là người có Đức Tin như tôi, làm sao mà chúng ta lại không đặt vấn đề: khi Chúa nỡ vô tình đưa con người vào thế giới, rồi lại bắt họ ra đi trong vô vàn cách thức có khi quá thảm khốc và đau đớn như thế! Có một cảm giác bất lực, thất vọng. Có một sự mâu thuẫn, phẫn uất, chua chát. Quả thật, đó là điều rất đỗi phi lý.
Từ vấn nạn sự chết cũng tiếp tục nảy sinh vô vàn những vấn nạn không tài nào giải đáp. Lắm lúc nó khiến chúng ta có cảm tưởng Tạo Hóa “đùa giỡn” thật quá đáng đối với con người. Tại sao lại có mặt tôi trong thế giới? Tại sao tôi phải sống để rồi phải chấp nhận cái quy luật bất di bất dịch của cái chết? Nếu chung cuộc của cuộc sống là cái chết, thì những phấn đấu, những ảnh hưởng, những cố gắng… của con người liệu còn có ý nghĩa gì? Đúng như tác giả Thánh Vịnh đã kêu lên:
“Chúa được lợi gì khi con phải chết,
được ích chi nếu con phải xuống mồ?
Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa
và tuyên dương lòng thành tín của Ngài” (Tv 30, 10).
Chết. Có lẽ đó là một thực tại bình thường nhất của kiếp người. Chết. Đó là một chân lý mà chẳng ai phí sức để tranh cãi. Tất cả mọi người đều phải bước qua cái ngưỡng cửa của cái thực tại muôn đời kia. Người giàu chết – người nghèo cũng vậy. Người thông minh chết – kẻ ngu đần cũng không tránh khỏi. Người già – người trẻ, đàn ông – đàn bà, người đau ốm – kẻ khỏe mạnh, bậc vĩ nhân – kẻ hạ nhân, người thánh thiện – kẻ tội đồ… tất cả đều chẳng ai thoát khỏi cái án tử đã viết sẵn ngay khi họ vừa đảm nhận cái gọi là sự sống.
“Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết” (Tv 49,11-13).
Cả chúng ta – những người đang sống. Chúng ta cũng đang tiến dần về cái chết dù chúng ta có nghĩ đến nó hay không.
Chết. Có vô vàn cách thức mà tử thần tìm đến với người ta. Chết vì già. Chết vì bệnh tật. Chết vì tai nạn. Chết đuối. Chết vì bị giết. Chết vì bế tắc, tự mình tìm đến cái chết: tự tử. Chết vì đột tử. Chết đói. Thậm chí chết vì no. …
Đứng trước cái chết nhiều khi chúng ta có cảm giác vô vọng. Bởi lẽ, cái màn đêm u tối của sự chết có vẻ bao trùm hết toàn cõi nhân sinh. Nó có một sức mạnh ghê gớm mà chẳng gì có thể ngăn chặn được. Nó chẳng bao giờ ngừng lại trong việc chiếm đoạt lấy sự sống của mỗi một con người. Ôi, cứ nghĩ đến cái sức mạnh ghê gớm của sự chết ta lại có cảm tưởng đời sống thật vô nghĩa biết bao.
Thế nhưng, trong mấy mươi năm cuộc đời, chúng ta thực sự nghiêm chỉnh nghĩ đến sự chết được mấy ngày? Có lẽ, rất ít. Ít khi chúng ta đụng chạm đến cái vấn đề chung cuộc của kiếp người này. Bởi, hầu hết ai cũng chắc chắn rồi mình sẽ phải ra đi và rằng dẫu có nghĩ đến nó cũng chẳng giải quyết được gì. Hơn nữa, cứ nghĩ đến chuyện chết lắm khi lại khiến người ta cảm thấy nhác sống. Nhác sống cũng bởi chán nản và bất lực trước cái kết cục đã được định đoạt rồi.
Nhưng, cũng lắm lúc người ta thực sự ưu tư về cái chết và về cái chung cuộc của cuộc đời mình. Đó là khi trực diện với cái chết. Chỉ khi thực sự đối diện với cái chết, chúng ta mới nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Nhà văn Nam Cao viết: “Có lẽ chết đói là một cách chết mà chúng ta sợ nhất trong bao nhiêu cách chết. Ta có thể liều chết để kiếm ăn”.[1] Ở đây, chúng ta không bàn đến chuyện chết đói có phải là đáng sợ nhất như Nam Cao nói hay không. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể thấy ngoài những bệnh nhân nan y, những phạm nhân sắp chịu án tử hình,… thì chỉ khi thật sự đói chúng ta mới có một cái nhìn đối diện với cái chết. Đói, một khoảnh khắc có lẽ rất đặc biệt đủ để chúng ta trực diện với cái chuyện chết mà cũng chưa khiến chúng ta chết.
Chết. Một thực tại không thể hiểu thấu. Không thể chạm đến sự chết thực sự khi còn sống, dù có trực diện với nó đi nữa. Chết. Một mầu nhiệm. Tính cách mầu nhiệm của sự chết có lẽ cũng bởi do người ta chưa có một kinh nghiệm nào về cái cõi sau cánh cửa sự chết. Chúng ta chỉ có kinh nghiệm về những cái trong cõi đời này và do đó thật khó (nếu được chọn lựa) để chấp nhận đánh đổi những cái đang có với cái chưa hề biết. Có thế mà dù chúng ta có già đi, mất hết sức lực, khó khăn trong mọi sinh hoạt… thì khi đối diện với cái chết, chúng ta vẫn cứ ước ao được sống. Ngay cả những người có đức tin vào một cuộc sống vĩnh cửu cũng thế thôi. Khi đối diện với cái chết, ai cũng cảm thấy sợ hãi và muốn dành giật với tử thần mạng sống của chính mình.
Chết quả là đáng sợ. Chết, nếu không đáng sợ thì sao ngay cả Đấng là Con Thiên Chúa từ trời cao lại đổ cả mồ hôi máu ra khi đối diện với nó chứ?[2] Do đó, việc con người kinh hãi trước cái chết cũng là lẽ thường thôi.
Nói về cái chết với đầy những bất lực, phẫn uất, chua chát như thế không có nghĩa là chúng ta để mình rơi vào lối sống bi quan, yếm thế, chờ chết hay theo kiểu ‘thôi thì chết đi cho rồi’. Nhưng, suy gẫm về cái chết là để chúng ta có một cái nhìn nghiêm túc về cái sống. Tác giả Thánh Vịnh đã có một lời cầu xin mang đầy ý nhắc nhở bản thân rằng: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, / ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Tv 90, 12). Nghĩa là, bởi dù thế nào đi nữa thì chúng ta cũng đang tiến dần về cái chết, cho nên chúng ta phải nghiêm túc mà ý thức về từng phút giây mình đang sống. Để nhờ sự ý thức này, chúng ta không để lãng phí sự sống đã được trao ban cho chúng ta, nhưng là tận dụng sự sống này mà tìm kiếm một sự sống vĩnh cửu như lòng hằng khát khao. Như triết gia Socrates tâm niệm vậy: “Suy cho cùng, triết lý đích thực chỉ là một sự tập luyện, một sự đón trước cái chết.”[3]
“Thân phận người như cánh hoa sớm nở tối tàn. Bỗng có đó trên cõi đời với bao náo động không ngừng, rồi cũng bỗng vụt mất vào cõi lặng ngàn đời như áng mây đã tan dần sau rặng núi. Bao là thành công, bao là thất bại cũng chỉ như khối nước đá, như chùm bọt tan. Bao lẽ ghét thương, bao tranh đấu đoạn trường, bao nỗi vinh nhục một thuở rồi cũng vỡ vụn như hạt sương mai, như bong bóng nước mà thôi. Khổ vui, lành dữ còn có quan trọng gì khi tất cả đã chìm vào giấc mộng nghìn thu.
So với thời gian vô tận, vĩnh hằng, trăm năm phận người có đáng là chi. Ví như cái chớp mắt, như cơn gió thoảng thôi mà. Tỉnh ngộ để nhận biết sự hư ảo của cõi trần. Tỉnh ngộ để tìm đâu đây một ý nghĩa sống còn cho phận người mỏng manh.
Thôi tranh đấu, thôi bon chen, thôi chà đạp nhau.
Thôi luyến tiếc, thôi trách móc, thôi vội vàng.
Sống vui cho trọn mỗi phút giây và hướng đến cõi đời đời. Sống sao cho đời thật đầy ý nghĩa để đến lúc ra đi khỏi phải luyến tiếc, khỏi phải thất vọng, khỏi dằn vặt…”[4]
Có lẽ, đó phải là sống theo một lối sống mà thánh Têrêsa nhỏ đã đề nghị, đã cầu xin, và đã sống: “Xin cho con sống mỗi phút giây cho trọn đầy yêu thương!”.
Sương Thiên Linh
[1] Nam Cao, Tuyển Tập Nam Cao, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2016, “Truyện ngắn: Quên Điều Độ”, tr.360.
[2] X. Lc 22,44; Mc 14,33-36; Mt 26,37-38.
[3] Plato, Đối Thoại Socratic 1 (Dịch giả: Nguyễn Văn Khoa), Hà Nội, Nxb. Tri Thức, 2017, Phaedo (Về Linh Hồn), tr.288.
[4] Một chút suy gẫm, diễn ý của người viết từ bài thơ thiền “Cuộc Đời Qua Mắt Tôi” của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Bài thơ được chép tại Thiền Viện Trúc Lâm, Đà Lạt: “Chiếc thân tứ đại khói, / Sinh hoạt thế gian mây. / Thành công khối nước đá, / Thất bại chùm bọt tan. / Nhục vinh bong bóng nước, / Thương ghét hạt sương mai. / Khổ vui trong giấc mộng, / Lành dữ bóng chim bay. / Tháng ngày cái chớp mắt, / Còn mất nước trăng lay. / Chung cuộc cơn gió thoảng, / Viên mãn bầu trời trong.” (Chú thích: người viết).
Có thể bạn quan tâm
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12