Suy Niệm Chúa Nhật V Thường Niên B

2019 lượt xem

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 5 Thường Niên B
Lời Chúa
: G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1,29-39

MỤC LỤC

  1. Hành trình hạnh phúc – TGM Giuse Vũ Văn Thiên
  2. Hãy Tin Tưởng Vào Thiên Chúa Toàn Năng – Antôn Nguyễn Văn Độ
  3. Một Ngày Làm Việc Của Chúa Giêsu – Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Hữu
  4. Con Người Không Chỉ Là Một Cái Xác – Giuse Lê Danh Tường
  5. Đi gieo Tin Mừng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

1. Hành trình hạnh phúc – TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Một tác giả đã viết: “Hạnh phúc không phải là đích đến. Nó là một hành trình kết thành từ nhiều lựa chọn. Trên con đường đời, bạn có thể chậm rãi bước trên những lối đi êm mát với bao hoa cỏ xinh tươi quấn quýt bên mình; hoặc bạn có thể băng băng tiến về phía trước để đuổi theo những sắc mầu lấp lánh ở cuối chân trời, nơi bạn thấy hiển hiện ánh cầu vồng mê hoặc, nhưng thực ra chỉ là một khoảng không vô định. Tất cả tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn” (Tìm về sức mạnh vô biên, nxb Văn Hóa, tr. 7). Với những dòng trên, tác giả muốn nói với chúng ta: hạnh phúc chẳng phải ở đâu xa, mà ở bên cạnh và trong tầm tay của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ coi hạnh phúc như một mục đích, chúng ta sẽ dồn hết sức lực để đi kiếm tìm, như thể mục đích đang ở xa xa phía chân trời. Nhưng tiếc thay, khi đi kiếm tìm hạnh phúc như vậy, chúng ta quên mất hạnh phúc đang ở xung quanh mình. Mặt trời vẫn luôn hiện hữu, nhưng những người khiếm thị lại không nhìn thấy mặt trời. Không ai dựa vào sự kiện những người khiếm thị để khẳng định mặt trời không tồn tại. Dù cuộc đời còn nhiều gian nan thử thách, những niềm vui và hạnh phúc ngọt ngào vẫn luôn hiện diện bên ta. Một cách cụ thể, trong cuộc sống, chúng ta có bao niềm vui nơi bạn bè, gia đình và môi trường xã hội. Hãy có cái nhìn lạc quan và trân trọng những giá trị đang hiện hữu xung quanh. Đối với người tin Chúa, mỗi giây mỗi phút trong đời đều là những cơ hội để chúng ta nhận ra tình thương bao la của Ngài. Mỗi hoàn cảnh đều có thể là cơ hội để ta thực thi lòng mến Chúa yêu người. Thời gian là một quà tặng vô giá của Thiên Chúa. Biết trân quý thời gian và sử dụng thời gian để làm những việc có ý nghĩa là nỗ lực đạt tới sự hoàn thiện.

Ông Gióp trong Cựu ước là một người đạo đức và sống đẹp lòng Chúa. Nhưng rồi, chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều điều rủi ro xảy đến cho gia đình ông, làm ông mất hết con cái cũng như cơ nghiệp. Ông lâm vào cảnh bất hạnh chỉ trong vài ngày. Ngay người bạn đời của ông cũng xỉ vả và bỏ ông mà đi. Trong cơn đau khổ, ông đã suy nghĩ về sự vô nghĩa của cuộc đời: “Vừa nằm xuống tôi đã nhủ thầm: khi nào trời sáng; mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: bao giờ chiều buông. Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng”.

Tâm trạng của ông Gióp cũng là tâm trạng của một số người trong cuộc sống của chúng ta hôm nay. Họ luôn cảm thấy cuộc đời này vô vị. Họ bất mãn và nhìn cuộc đời với lăng kính u buồn. Thay vì quan tâm đến người khác, họ chỉ muốn người khác quan tâm đến mình. Họ phàn nàn trách Chúa, trong khi Ngài ban cho họ biết bao cơ hội để cải thiện đời sống. Tuy vậy, nếu ông Gióp nhìn cuộc đời với cái nhìn bi quan, thì ông lại không bao giờ xúc phạm Chúa. Ông tin Ngài sẽ giải cứu ông và cuối cùng, Chúa đã phục hồi cho ông những gì đã mất, đem lại cho ông danh dự và niềm vui. Sau những tháng ngày gian truân, ông được bù đắp xứng đáng. Tài sản có được tăng gấp nhiều lần so với trước đó. Lòng kiên trì phó thác nơi Chúa đã giúp ông ta nhận được muôn hồng ân Chúa ban.

Như thế, mỗi người cần nhận ra những điều tốt đẹp Chúa ban, đồng thời chu toàn bổn phận của mình trong cuộc sống. Chúng ta hãy nghe thánh Phaolô nói về chính mình: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! tôi mà tự ý làm việc ấy thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công”. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, thánh nhân cũng không quên sứ mạng quan trọng là giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người. Ông luôn tận dụng thời gian tối đa để thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, vì ông coi đó là một bổn phận Chúa trao. Kể cả trong lao tù, thánh Phaolô cũng không quên nhiệm vụ quan trọng này. Nhờ việc rao giảng Lời Chúa mà ông tìm được niềm vui và nghị lực, bởi ông thấy những hiệu quả của công việc ông đã làm, đó là những cộng đoàn Kitô hữu được thiết lập và phát triển (Bài đọc II).

Nếu chúng ta cảm thấy cuộc sống lặng lẽ trôi một cách vô nghĩa, là vì chúng ta chưa biết sử dụng thời gian một cách đúng đắn, nhằm để đem lại hạnh phúc cho mình và cho tha nhân. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi, mặc chúng ta có để ý hay không. Dòng sông cuộc đời vẫn âm thầm chảy, dù con người thánh thiện hay tội lỗi. Nếu chúng ta biết trân trọng thời gian như một quà tặng của Thiên Chúa, thì thời gian sẽ mang lại biết bao điều tốt đẹp, và mỗi ngày sống đều đong đầy ý nghĩa. Thánh Máccô kể lại một ngày sống và làm việc của Chúa Giêsu. Những cụm từ chỉ thời gian cho chúng ta thấy đó là một ngày rất bận rộn. Buổi sáng, Chúa giảng dạy và chữa bà nhạc mẫu của ông Phêrô đang cảm sốt; buổi chiều cho đến khi mặt trời lặn, Chúa chữa rất nhiều bệnh nhân, kể cả người bị quỷ ám; sáng sớm tinh mơ, Chúa đến nơi thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha. Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cuộc sống của Chúa Giêsu luôn là một cuộc lên đường. Người không dừng lại ở một nơi, nhưng tiếp tục đi đến các làng mạc để loan báo Tin Mừng. Lộ trình của Chúa không có điểm kết thúc. Chúa Giêsu làm việc miệt mài, quên cả thời gian để đem niềm vui và hạnh phúc cho hết mọi người. Những việc làm của Chúa Giêsu tập trung ở ba khía cạnh: thứ nhất là rao giảng Tin Mừng; thứ hai là chữa lành các bệnh nhân đủ mọi tật nguyền; thứ ba là cầu nguyện. Ba khía cạnh này đã tạo nên sự quân bình trong đời sống. Đó cũng là mẫu mực cho đời sống Kitô hữu của chúng ta. Cần phải kết hợp khía cạnh “động” và khía cạnh “tĩnh” để tạo nên một thế quân bình. Những giây phút tĩnh lặng trong cầu nguyện sẽ giúp chúng ta nhìn lại công việc chúng ta đang làm. Những hoạt động hằng ngày là hoa trái của những suy tư và cầu nguyện trước nhan Chúa.

“Lương thực của Thày là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thày” (Ga 4, 3). Noi gương Chúa Giêsu, mỗi chúng ta hãy chuyên cần làm việc, tùy theo khả năng và địa vị của mình. Bí quyết của hạnh phúc là hãy sống vì người khác và đem cho họ niềm vui. Càng dấn thân phục vụ anh chị em, chúng ta càng thấy cuộc đời có ý nghĩa, và như thế, chúng ta càng cảm nghiệm được niềm vui. “Nhàn cư vi bất thiện”, cuộc sống quá nhàn rỗi sẽ làm chúng ta cảm thấy đơn điệu, lạc lõng và tìm đến những thú vui trần tục.

Chúng ta đang chuẩn bị đón xuân Tân Sửu. Thời điểm cuối năm nhắc chúng ta nhìn lại những việc đã làm. Cuối năm cũng là lúc nhìn lại chặng đường đã đi. Có những con đường lệch lạc được tô vẽ bằng những màu sắc hấp dẫn nhiều người muốn đi. Có những con đường ngay chính nhưng phải ngang qua cửa hẹp ít người muốn vào. Người tin Chúa cần phải cẩn trọng, vì có những ngã rẽ làm chúng ta đau khổ suốt đời.

Năm Canh Tý sắp qua có biết bao biến động, do thiên tai và nhất là do đại dịch Covid-19. Phải chăng đây là những dấu chỉ thời đại, nhắc nhở chúng ta suy tư về sự mỏng giòn của kiếp con người. Những dấu chỉ thời gian này cũng mời gọi chúng ta có trách nhiệm hơn đối với tha nhân, với môi trường và với thiên nhiên vũ trụ. Đừng đổ lỗi cho Chúa như một số người vô thần. Trái lại, hãy nhận ra quyền năng của Ngài xuyên qua những hiện tượng xảy đến trong cuộc sống.

Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn tích cực về cuộc sống hôm nay. Bởi lẽ giữa những thử thách chông gai và bon chen tính toán, tình yêu Chúa vượt lên trên tất cả. Những nhỏ nhen sẽ qua đi và tình yêu tồn tại mãi. Đừng luôn than phiền vì những người xung quanh thiếu thiện cảm. Bạn hãy tự xét mình xem mình có tạo được thiện cảm với họ hay không. Đừng quá chú trọng đến những thất bại bạn gặp trên đường đời; nhưng hãy nhớ đến những thành công nho nhỏ bạn đã đạt được. Đừng bất mãn vì cuộc đời đen bạc; hãy vui mừng vì xung quanh ta có biết bao bạn thân. Người tin Chúa còn vui mừng vì luôn được Chúa chở che, dìu dắt thương yêu trên mọi nẻo đường đời.

Hãy yêu mến cuộc sống hiện tại và hãy chuyên tâm làm việc thiện, vì tất cả những gì tốt lành chúng ta làm ở đời này, sẽ theo chúng ta đến cõi trường sinh. Ước gì ngay ngày hôm nay, chúng ta biết quý trọng những người xung quanh, vì họ là những người Chúa gửi đến cho chúng ta để đồng hành cùng chúng ta trên đường về quê trời. Như thế, hạnh phúc chẳng ở đâu xa mà ở bên cạnh và xung quanh chúng ta. Hạnh phúc không phải là một đích điểm, mà là một hành trình.

2. HÃY TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Nếu như Chúa nhật thứ IV Thường niên, Chúa Giêsu đã thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình tại Capharnaum, chứng tỏ chỉ có Chúa là Đấng toàn năng và là Thánh, thì bước vào Chúa nhật V Thường niên, sứ vụ Thiên sai của Người được tiếp tục thi hành. Là Thiên Chúa quyền năng trong lời nói cũng như trong hành động. Chúa chữa lành những người bị quỉ ám, danh tiếng Người nhanh chóng lan truyền khắp mọi nơi. Uy quyền của một Thiên Chúa được tỏ lộ trong hành động, Chúa mở mắt cho người mù, làm cho kẻ què đi được, người điếc nghe được, nói chung là họ sung sướng vui mừng; mọi người đều …thán phục; các thần ô uế phải vâng lệnh. Cụ thể hơn, Chúa Giêsu hiện diện ở đâu thì ở đó người ta ngỡ ngàng và thán phục. Họ hỏi nhau: Người này là ai vậy, mà ngay cả thần ô uế cũng phải tuân lệnh? Quyền năng của Chúa xác nhận thẩm quyền lời Người giảng. Người không chỉ nói mà còn làm. Công trình của Thiên Chúa được thể hiện cả bằng lời nói lẫn việc làm nơi Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu thực thi sứ mạng, bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa Cha qua việc rao giảng và các hành động quan tâm, giúp đỡ người đau bệnh, người nghèo đói, các trẻ em và người tội lỗi.

Hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đang ở Capharnaum, trung tâm thi hành sứ vụ của Chúa, đúng hơn là nhà ông Simon Phêrô: “Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê” (Mt 1,29) . Ở đây, chúng ta khám phá ra một gia đình lắng nghe và thực hành Lời Chúa (Lc 8,21). Bà nhạc gia ông Phêrô bị cảm sốt đang nằm trên giường, Chúa Giêsu tiến lại gần, Người cầm tay bà, một cử chỉ vượt quá những gì mà sách Tin Mừng đã trình bày như: Chúa đưa tay ra và đụng lên người bệnh, tại nhà ông Simon Phêrô, Chúa cầm tay bà và nâng đỡ bà dậy.

Cử chỉ này khiến mọi người phải thốt lên: Thiên Chúa thật quá đỗi hạ mình xuống để tìm kiếm chúng ta, và vì thế mà phẩm giá con người được tìm kiếm được nâng lên!… “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa để ý lưu tâm? ” (G 7,17). Tôi muốn biết tại sao Thiên Chúa lại muốn đích thân đến với chúng ta và tại sao chúng ta không phải là những người đến với Thiên Chúa trước? Việc Chúa Giêsu làm trong Tin Mừng hôm nay, không phải là thói quen của người giàu đi đến người nghèo, ngay cả khi họ có ý tốt lành.

Phần chúng ta, chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nhưng có một trở ngại ngăn cản chúng ta: mắt chúng ta bị mù lòa, không thể tiếp cận được Chúa là Áng Sáng; chúng ta đã bị liệt trên giường bệnh, khiến chúng ta không thể đạt tới sự vĩ đại của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Đấng Cứu Độ chúng ta, một lương y tốt lành và là bác sĩ của tâm hồn chúng ta, ngài đã từ trời cao hạ mình xuống, đến với con người, làm cho đôi mắt ốm yếu của con người thấy được ánh vinh quang huy hoàng của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa Cha đã đến gần với người nghèo và những người đau khổ mà người ta đưa đến với Chúa để được chữa lành. Bằng cử chỉ đưa bàn tay, Chúa đụng chạm tới họ, nguồn mạch sự sống tuôn trào, họ được giải thoát và được cứu.

Hết thảy mọi người đều tìm kiếm Chúa Giêsu, chỉ có một số người bị buộc đưa đến, vì “lòng chúng ta còn khắc khoải cho tới bao giờ được nghỉ ngơi trong Chúa” (Thánh Augustinô).

Nhưng, cùng một cách thức chúng ta tìm kiếm Chúa vì chúng ta cần đến với Chúa để Người giải thoát chúng ta khỏi sự ác và sự xấu, Gióp là nhân chứng về điều đó (x.Gob 7,1-4.6-7). Người đến với chúng ta và đến gần hơn để có thể làm điều mà chúng ta không thể làm được một mình. Người đã trở nên yếu đuối để cứu chuộc chúng ta là những người yếu đuối, “Tôi đã tự cứu mình bằng mọi giá” (1Cr 9,22).

Vẫn có một bàn tay đầy sức mạnh vô hình đang chìa về phía chúng ta, những người đang bị bủa vây bởi muôn điều xấu, như ông Gióp, bị Satan bủa vây tư bề, ông vẫn một mực trung thành kêu xin cùng Chúa. Chúng ta cũng có thể “vươn lên và bước tới” bằng lời cầu nguyện, cụ thể như Chúa: “Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó”(Mc 1,35).

Trong thời đại dịch, chúng ta càng phải cậy dựa và vững tin vào Chúa hơn, để Chúa đến đưa tay ra cứu chúng ta khỏi giường bệnh tật, tội lỗi và chán nản, làm cho chúng ta sống vui, sống hạnh phúc trong Chúa và với mọi người.

Lạy Chúa, chúng con kêu cầu Chúa, xin cứu giúp chúng con. Amen.

3. MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA CHÚA GIÊSU – Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu

Tin mừng của thánh Mác-cô hôm nay trình bày cho chúng ta một ngày làm việc của Chúa Giê-su:

– Một ngày chữa bệnh và xua trừ ma quỷ rất thành công, nhưng không tự mãn khoe khoang, không muốn cho mọi người nói về mình, khi mà “giờ của Ngài chưa đến”. Ma quỉ biết Chúa là ai. Chúng muốn công bố cho mọi người biết sự hiểu biết của chúng về Chúa, nhưng chúng làm thế không phải vì yêu mến Chúa, muốn giúp đỡ Chúa, mà là chúng thù ghét Chúa, chống phá Chúa và muốn làm hỏng công trình cứu độ của Chúa theo ý Chúa Cha.

Theo ý Chúa Cha, thì trước khi được tôn vinh, Chúa Con – Đấng Cứu Độ, phải giảng dạy, làm phép lạ, chịu chống đối và sau hết phải chịu chết trên cây thập giá. Nhưng khi nói đến Đấng Cứu Độ, dân Do-thái chỉ nghĩ đến một Đấng Mê-sia chính trị trần tục, đánh đuổi đế quốc Rô-ma, giải phóng đất nước, mở rộng lãnh thổ, đem lại một nền an ninh thịnh vượng vật chất cho dân tộc Do-thái. Chính vì thấy trước mối nguy hiểm như vậy mà Chúa Giê-su cấm không cho ma quỷ tiết lộ cho mọi người biết Ngài là Đấng Cứu Độ.

– Một ngày bận rộn với công việc rao giảng Tin mừng, chữa bệnh và xua trừ ma quỉ, nhưng vẫn dành thời giờ cho việc cầu nguyện: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt. Chúa đã trỗi dạy, đi đến một nơi vắng vẻ và cầu nguyện ở đó”. Chúa là Thiên Chúa làm người, nhưng Ngài vẫn không ngừng cầu nguyện. Ngài cầu nguyện để luôn giữ sự thông hiệp với Chúa Cha, lãnh ý Chúa Cha, tạ ơn Chúa Cha đã tín nhiệm Ngài và xin Chúa Cha chúc lành cho ngày làm việc của Ngài.

– Một ngày lo chuyện gia đình của những người thân thuộc (chữa bệnh cho mẹ vợ Phê-rô), nhưng không quên đi đến các làng xã chung quanh, để rao giảng Tin mừng và thi ân giáng phúc: “Chúng ta hãy đi đến các làng khác, để rao giảng Tin mừng cho họ, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”.

Chiêm ngắm một ngày làm việc của Chúa Giê-su, ta rút ra được những bài học thực hành sau:

– Chúa Giê-su làm biết bao phép lạ, nhưng lại không muốn người ta ca ngợi mình cách bất chính. Vậy, ta đừng bao giờ phô trương công đức, tìm tiếng khen của người đời, nhưng hãy tìm vinh danh Chúa.

Thành công, ta không kiêu, nhưng hãy nói: “Tạ ơn Chúa, tôi chỉ là đầy tớ vô dụng. Nếu không có Chúa ban ơn thêm sức, tôi chẳng làm được việc gì”.

Thất bại, ta không chán nản, thất vọng, nhưng hãy vững lòng trông cậy vào Chúa và khiêm nhường nhận lỗi: “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

– Cầu nguyện và làm việc là nhịp sống của Chúa Giê-su. Không bao giờ Chúa làm việc mà lại không cầu nguyện. Nên ta đừng bao giờ gạt Chúa ra khỏi đời sống sinh hoạt của ta, nhưng hãy mời Chúa nhập cuộc với ta, cùng đồng hành với ta, soi sáng cho ta biết những việc phải làm, ban ơn và chúc lành cho công việc của ta, từ khởi sự cho đến hoàn thành…

– Chúa Giê-su rảo khắp các làng mạc xứ Palestina để rao giảng Tin mừng và thi ân giáng phúc. Cho nên, ta đừng bao giờ ‘đóng khung Đạo’, ‘đóng khung Tin mừng’ trong nhà thờ, trong những buổi cầu kinh dâng lễ… Nhưng hãy đem Đạo vào đời, đem Tin mừng vào trong cuộc sống, để Đạo được vào đời và Tin mừng được ảnh hưởng sâu rộng trong mọi lãnh vực xã hội nhân loại.

Nếu chúng ta làm được như vậy, đời sống của chúng ta chẳng khác gì đời sống của Chúa Giê-su trong Tin mừng hôm nay và khi ấy chúng ta thoát khỏi cái sự khốn khổ mà thánh Phao-lô nói đến: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9,16). Amen.

4. CON NGƯỜI KHÔNG CHỈ LÀ MỘT CÁI XÁC – Lm. Giuse Lê Danh Tường

Trong Chúa Nhật trước chúng ta đã được thánh Marco cho thấy uy quyền trong lời giảng dạy của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã đến để rao giảng cho người ta về mầu nhiệm Nước Trời. Ngài đã đến với sứ mạng để kéo con người lên, đưa con người trở về với Thiên Chúa trong vinh quang Nước Trời. Thế nhưng dân chúng đã hiểu lầm sứ mệnh của Đức Giêsu. Họ đã mong chờ một vị cứu tinh với nhãn quan trần tục và quẩn quanh trong thân xác ở đời này.

Sứ mệnh của Đức Giêsu

Bài Tin mừng Chúa nhật này nổi lên hình ảnh Đức Giêsu tận tụy xoa dịu những đau khổ của con người. Ngay sau khi chữa người bị thần ô uế ám nơi hội đường Capharnaum, Đức Giêsu đến nhà mẹ vợ của ông Phêrô để chữa bệnh cho bà. “Chiều đến, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. Đức Giêsu đã cúi xuống để xoa dịu tất cả các bệnh nhân. Cả một ngày, Đức Giêsu đã làm việc không biết mệt mỏi vì lòng yêu thương dân chúng.

Hôm sau dân chúng lại tiếp tục kéo đến. Thế nhưng người ta đã bắt gặp cách hành xử lạ lùng nơi Đức Giêsu. Đêm đó Ngài đã đi ra một nơi vắng vẻ để cầu nguyện với Chúa Cha. Sáng ra, khi ông Phêrô mời Ngài về để tiếp tục chữa bệnh thì Ngài đã từ chối và lên đường đi nơi khác. Ngài đã không tiếp tục chữa bệnh cho họ ở đó. Phải chăng Ngài không còn thương họ nữa?

Sự thường người ta dễ dàng dừng lại trong vinh quang hiện tại để tận hưởng. Đức Giêsu đang nổi danh và được nhiều người kéo tới với Ngài. Nhưng Ngài không dừng lại với những vinh quang chóng qua ấy. Sứ mạng mà Ngài đến trong thế gian là để nâng con người lên, kéo họ ra khỏi cảnh trầm luân, đưa họ vào trong đời sống mới trong vinh quang vĩnh cửu.

Ông Gióp trong bài đọc thứ nhất đã thốt lên với tất cả trải nghiệm của ông về cuộc đời này: “Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở!” (G 7,6-7). Nếu chỉ quẩn quanh ở đời này thì quả thực cuộc sống nó chẳng là gì. Nó vô nghĩa và trống trơn.

Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai cũng đã khẳng định với dân thành Corintô rằng “Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng” (Cr 1, 22-23). Ngài không tìm vinh quang ở đời này, nhưng là hướng về vinh quang bất diệt, hướng về những giá trị trường cửu.

Bệnh tật yếu đau của con người cần được chữa lành và xoa dịu. Nhưng Đức Giêsu muốn cứu giúp người ta thoát khỏi khổ đau ấy cách tận căn. Ngài muốn kéo người ta ra khỏi sự nô lệ của tử thần, ra khỏi u mê của tội lỗi, ra khỏi bàn tay thống trị của ma quỷ để được trở nên thanh sạch vui sống trong bình an hạnh phúc Nước Trời với Thiên Chúa, cả ở đời này và đời sau.

Sứ mệnh của Đức Giêsu là đưa mọi người trở về với Thiên Chúa trong vinh quang Nước Trời. Thế nhưng dân chúng lại mong chờ những thứ tạm bợ ở thế gian mà thôi.

Dân chúng hiểu lầm sứ mệnh của Đức Giêsu

Sống trong hoàn cảnh bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, dân Do thái chỉ mong chờ vị cứu tinh đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ của đế quốc. Họ mong chờ có ngày được độc lập, mong chờ một vị vua tài ba lỗi lạc để lãnh đạo dân. Tất cả những gì họ mong chờ chỉ đáp ứng cho đời sống hiện tại ở trần gian.

Họ đã lầm tưởng Đức Giêsu đến để đáp ứng cho họ những chuyện đó mà thôi. Khi thấy Đức Giêsu chữa lành mọi thứ bệnh tật, có uy quyền khiến ma quỷ cũng phải tùng phục, thì dân chúng đã mường tượng ra một vị vua mà họ đang mong chờ. Ngài sẽ cứu họ khỏi đế quốc Rôma, sẽ chữa trị mọi bệnh tật cho họ, sẽ làm vua của họ.

Nếu Đức Giêsu thuận theo dân chúng để rồi họ sẽ tung hô Ngài làm vua; Nếu Đức Giêsu không ở lại với Chúa Cha nơi thanh vắng để bám chặt vào sứ mệnh chính yếu của mình, thì cả thầy lẫn trò đã chìm đắm trong vinh quang trần thế.

Việc Đức Giêsu từ chối trở lại với dân chúng và yêu cầu các môn đệ lên đường đi đến nơi khác đã khiến dân chúng phải tự hỏi Đức Giêsu là ai? Thánh Marco muốn người ta khám phá Đức Giêsu từ từ từng bước, xuyên qua những thực tại trần thế, những việc làm cụ thể của Đức Giêsu để nhận ra khuôn mặt thực của Ngài, sứ mệnh thực của Ngài. Một Đức Giêsu Cứu Thế.

Đến với Đức Giêsu – vị Cứu Chúa

Không phải chỉ những người Do thái năm xưa mới hiểu lầm sứ mệnh của Đức Giêsu. Ngày hôm nay không ít người vẫn còn đang hiểu lầm về Ngài.

Người ta tìm đến với Đức Giêsu nhưng để học hỏi những điều hay lẽ phải nơi Ngài trong thân phận là con người mà thôi. Với họ, Ngài cũng chỉ giống những hiền giả vĩ đại trong lịch sử như đức Khổng Tử, đức Lão Tử, đức Phật Thích Ca hay như một triết gia vĩ đại nào đó bên trời Tây.

Có những người đến với Đức Giêsu chỉ vì Ngài đã từng làm phép lạ chữa lành bệnh tật ai đó hay giúp họ ăn nên làm ra. Họ đến với Giêsu để cầu mong sự an nhàn thịnh vượng nơi cuộc sống hiện tại mà thôi.

Thậm chí có những người còn nhìn Giêsu như là kẻ ru ngủ nhân loại. Họ tìm cách gạt bỏ Giêsu, gạt bỏ tất cả những ai theo Giêsu. Đối với họ, Ngài là hiểm hoạ cho nhân loại nên phải đóng đinh Ngài vào cây thập giá mà treo lên khỏi mặt đất, tách Ngài rời khỏi nhân loại.

Không! Đức Giêsu là vị Cứu Chúa của chúng ta. Ngài đã đến trong thế gian với tất cả lòng yêu mến con người. Tâm hồn Ngài luôn khát khao mòn mỏi mong cứu lấy chúng ta. Ngài chính là Thiên Chúa. Ngài đã sống thân phận con người để cảm thông nâng đỡ mỗi người chúng ta.

Chúa Giêsu không chỉ cứu giúp, không chỉ chữa lành thân xác chúng ta; không chỉ chữa lành những vết thương trong tâm hồn chúng ta ở đời này. Ngài muốn kéo chúng ta lên. Ngài muốn chúng ta mở to mắt và nhìn thấy thân phận cao quý của mình mà tiến lên; Ngài muốn con người thực sự trở lại là tác phẩm kỳ diệu của Tạo Hóa. Trên hết, Ngài đưa chúng ta ra khỏi bàn tay của tử thần và đưa tất cả chúng ta vào đời sống sung mãn, vượt lên trên những bình diện hạn hẹp của cuộc sống này.

Bạn hãy đến với Chúa Giêsu, hãy chiêm ngắm Ngài trong dung nhan là một con người và là Thiên Chúa nữa. Chính Ngài sẽ nâng đỡ bạn. Chính Ngài sẽ cứu vớt bạn khỏi mọi nỗi ô nhục. Chính Ngài sẽ là nguồn bình an và là niềm hy vọng vĩnh cửu cho cuộc đời bạn.

Lạy Chúa Giêsu, vị Cứu Chúa của đời con, xin Ngài cứu lấy con cho khỏi mọi sự dữ và dẫn dắt con tiến về Trời cao.

5. Đi gieo Tin Mừng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Đoạn Tin Mừng hôm nay tóm tắt một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Qua những hoạt động của một ngày làm việc, Chúa Giêsu đưa ra những chỉ dẫn khuôn mẫu cho người đi gieo Tin Mừng.

Chỉ dẫn thứ nhất: Tin Mừng phải được rao giảng. Ngày Sabbát, Chúa Giêsu vào Hội đường, đọc Sách Thánh và giải nghĩa. Việc đọc và diễn giải Lời Chúa là một phần quan trọng của đời sống người môn đệ. Vì Tin Mừng phải được rao giảng. Lời Chúa phải được công bố. Người môn đệ phải say mê rao truyền để cho Lời Chúa trở thành ánh sáng soi đường cho con người, hướng dẫn tư tưởng, lời nói, hoạt động của con người. Chính Lời Chúa hướng dẫn con người đi trên đường Sự Thật để đạt được Sự Sống.

Chỉ dẫn thứ hai: Tin Mừng phải chứng tỏ bằng yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục. Chúa Giêsu đã làm chứng về điều đó. Ra khỏi Hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon. Bà nhạc của ông đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà để chữa bà khỏi bệnh. Thực ra Chúa có quyền năng chỉ cần đứng ngoài cửa phán một lời cũng có thể chữa bệnh cho bà nhạc ông Simon. Hơn nữa ở vào thời phong kiến với quan niệm nam nữ thọ thọ bất thân, việc cầm tay phụ nữ có gây nên dị nghị. Nhưng Chúa Giêsu đã đến tận giường cầm tay bà. Điều này nói lên lòng yêu thương kính trọng. Chúa không chỉ chữa bệnh mà còn muốn bày tỏ tình người, sự quan tâm âu yếm đối với người bệnh và cả sự kính trọng đối với phụ nữ nữa.

Chỉ dẫn thứ ba: Tin Mừng phải đem đến tự do. Mà quỉ luôn muốn giam cầm con người trong vòng nô lệ. Bị ma quỉ trói buộc con người mất hết ý chí, không còn làm được việc lành, chỉ có thể làm theo mệnh lệnh ma quỉ. Tin Mừng của Chúa có sức giải phóng con người. Giải phóng khỏi sự trói buộc của ma quỉ. Giải phóng khỏi những mặc cảm. Giải phóng khỏi những thói tục hủ lậu, những mê tín cấm ky. Nhờ đó con người có thể vươn lên, sống xứng đáng với phẩm giá và có thể làm việc lành phục vụ Nước Chúa. Bà nhạc của Simon là một thí dụ điển hình. Khi được khỏi bệnh, bà liền đi đứng và làm việc phục vụ Chúa.

Chỉ dẫn thứ tư: Tin Mừng phải được kín múc từ cội nguồn Thiên Chúa. Sáng sớm, Chúa Giêsu đến nơi vắng vẻ cầu nguyện. Suốt ngày bận rộn với con người, Chúa Giêsu phải dành buổi sáng sớm để cầu ngyện. Điều đó cho thấy, đối với Chúa, việc cầu nguyện là quan trọng biết bao. Chúa Giêsu cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, tìm sự hướng dẫn sáng suốt cho cuộc đời. Vì thế trước khi bắt tay vào làm việc, Chúa cầu nguyện với Đức Chúa Cha để múc lấy nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.

Người môn đệ muốn dẫn thân rao giảng Tin mừng, mở rộng Nước Chúa không thể đi ra ngoài những chỉ dẫn khuôn mẫu của Thày Chí Thánh. Phải biết múc lấy nguồn sức mạnh ở nơi Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Coi việc cầu nguyện như cội nguồn của hoạt động, như điểm mấu chốt để đi đến thành công. Chuyên tâm học, đọc, suy gẫm Lời Chúa để có thể thấu hiểu và trình bày cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời rao giảng bằng chính đời sống yêu thương bác ái. Sự yêu thương kính trọng sẽ đưa con người tới tự do, có thể lam những việc tốt đẹp, góp phần vào việc phục vụ Tin Mừng.

Lạy Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin hưỡng dẫn chúng con đi trên đường của Chúa Amen.

CÂU HỎI GỢI Ý

1- Bạn hãy thử tóm tắt những việc Chúa Giêsu làm trong một ngày.

2- Bạn tha thiết với việc rao giảng Tin Mừng, bạn sẽ làm gì để cho việc rao giảng Tin Mừng có kết quả tốt đẹp?

3- Lời nói phải đi đôi với việc làm. Bạn áp dụng câu nói này thế nào trong đời sống đạo của bạn.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

Có thể bạn quan tâm