Tha thứ là phương dược chữa lành

1232 lượt xem

Bộ phim ngắn với nhan đề Xưng tội được giải nhất liên hoan phim Công Giáo quốc tế 2016, kể câu chuyện một linh mục trẻ giải tội cho một hối nhân. Nhưng oái oăm thay vị hối nhân ấy lại là người mà 20 năm trước đây vì lái xe trong tình trạng say rượu đã đâm chết người cha của vị Linh mục. Ông ta gây tai nạn rồi bỏ chạy khỏi hiện trường, để mặc người cha xấu số quằn quại trên vũng máu cùng với cậu con trai mới lên 5 lên 6 kêu khóc thảm thiết trong tuyệt vọng.

20 qua là quảng thời gian mà vị hối nhân ấy phải sống trong đau khổ dằn vặt bởi sự lên án của tòa án lương luôn. Và ông quyết định đi xưng thú tội lỗi của mình vì ông biết ông sắp chết vì bị ung thư ruột giai đoạn cuối. Ông muốn được TC tha thứ và muốn được gia đình nạn nhân tha thứ trước khi chết.

Quỳ trước tòa giải tội, ông đau đớn thú nhận tất cả. Những giọt nước mắt sám hối không ngừng chảy cùng với những tiếng khóc nức nở nghẹn ngào. Ông muốn có được cái chết trong thanh thản và bình an. Ông nói rằng, sau khi xưng tội xong, ông sẽ đến đầu thú với cảnh sát và đến xin gia đình nạn nhân tha tội. Dĩ nhiên lúc này ông chưa biết vị Linh mục đang giải tội cho ông, đang ban ơn tha tội cho ông chính là đứa trẻ bị ông bỏ lại cùng với người cha xấu số 20 năm về trước.

Đạo diễn đã mô tả phút giây xung đột căng thẳng của vị Linh mục khi nghe hối nhân nhắc đến địa điểm vụ tai nạn xẩy ra. Vị Linh mục nhớ lại một sự kiện đau lòng 20 năm về trước vào đêm 20/11/1995, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của người cha, và kẻ gây tai nạn đã bỏ trốn… Cảnh tượng máu me chảy lênh láng trên đường và tiếng kêu khóc thảm thiết của đứa trẻ Cha tôi là người tốt, cha tôi không làm gì nên tội…, cứ dần dần hiện về trong tâm trí ngài. Một tràng chuỗi của người cha bị văng ra và đứa trẻ đã kịp giữ lấy bên mình cho đến hôm nay khi đã là Linh mục. Cha giải tội khóc, hối nhân khóc, và ngài trách ông: Ít ra ông cũng phải đem cha tôi đến bệnh viện, chứ sao lại bỏ chạy như vậy?

Lúc này cha đứng dậy, rời tòa giải tội đến đỡ hối nhân dậy, vì ông gục xuống trong đau đớn. Vị Linh mục khuyên ông đừng nói nữa, hãy nghĩ ngơi chút. Ngài trở lại ghế lấy chiếc áo khoác đắp lên người ông. Sau đó ngài ra quỳ trước tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, tay cầm tràng chuỗi của người cha mà suốt 20 năm qua ngài giữ nó như một báu vật, như một vật bất lý thân. Ngài đọc kinh Lạy Cha, đọc trong nghẹn ngào: Xin cha tha lỗi cho những người đã có lỗi với con… Và ngài nhìn lên bức tượng Chúa Giêsu chịu chết treo trên thánh giá, ngài nhìn bức tượng Đức Mẹ ôm xác Chúa Giêsu khi đưa xuống khỏi thánh giá, ngài nhìn thấy khuôn mặt rướm máu của Chúa Giêsu… Thế là điều tưởng như không thể tha thứ được đã có câu trả lời cho vị Linh mục trẻ, người đang đối diện với kẻ thù, đối diện với kẻ đã đang tâm bỏ lại người cha kính yêu dãy dụa trên vũng máu sau khi gây tại nạn 20 năm về trước. Giá như lúc đó, ông ta đưa cha đến bệnh viện thì có lẽ ngài không phải sống trong cảnh mất cha suốt 20 năm qua.

Một lần nữa, cha chỗi dậy đến đỡ ông cụ lên và nói: Tự đáy lòng tôi tha thứ cho ông. Và như để an ủi, như để giải tỏa nỗi dày vò đeo bám lương tâm ông, vị Linh mục đã nói dối là cha tôi không chết trong vụ tai nạn đó mà ông đã được đem đến bệnh viện, được kịp thời cứu chữa nên đã nhanh chóng bình phục sau đó… Vị hối nhân mừng vui và vỡ òa tiếng khóc. Ông muốn gặp nạn nhân và xin được bồi thường. Nhưng cha tôi đã chết ba năm rồi, vị Linh mục lại nói dối.

Kính thưa…,

Quả đúng tha thứ là phương thuốc thần hiệu giúp con người thoát khỏi ngục tù của hận thù, thoát khỏi sự dằn vặt đau đớn của tòa án lương tâm.

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, qua cuộc đối thoại với thánh Phêrô, cho chúng ta thấy sức mạnh của sự tha thứ. Chỉ có tha thứ mới hóa giải được bạo lực và hận thù. Với Chúa Giêsu tha thứ không có giới hạn về thời gian và không gian, tha thứ cũng không quen đếm số lượng và không biết đặt dấu chấm hết: “Không phải tha thứ đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.

Qua đó Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng tha thứ phải là thái độ sống hằng ngày của người kitô hữu: Tha thứ cho người đã làm ta thất vọng, tha thứ cho người đã xúc phạm đến ta bằng những lời nói ác ý, những hành động bội phản và lừa dối làm cho ta bị tổn thương… Không thể kể hết những điều chúng ta cần phải tha thứ cho nhau.

Và tha thứ, trước hết đưa lại niềm vui sống, sự an bình, thanh thản cho chính chúng ta, giúp chúng ta thoát khỏi sự giam hãm trong ngục tù của hờn oán. Câu chuyện cảm động trong phim Xưng tội cho chúng ta thấy việc tha thứ cho nhau như một phương dược có tác dụng chữa trị những nỗi đau âm ỉ trong tâm hồn con người. Như lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisie diễn tả: Chính khi thứ tha là khi được tha thứ.

Vì thế, cần phải tha thứ không ngừng, phải thường xuyên sống tinh thần hòa giải, nếu chúng ta muốn có một tâm hồn an bình, một gia đình hạnh phúc và một cộng đoàn yêu thương. Lướt thắng được cơn thịnh nộ, bạo lực và trả thù là điều kiện cần thiết để vui sống. Thánh Phaolô đã khuyên: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26).

Nhưng để sống tinh thần yêu thương tha thứ, cần có một cuộc lột xác, cần cởi bỏ đi con người cũ với chua cay gắt gỏng, với nóng nảy giận hờn, với la lối thóa mạ, để mặc lấy chính Đức Kitô, để thấm nhuần tinh thần khiêm nhường và hiền lành của Đức Kitô, biết vượt qua những sự khác biệt, vượt qua những thành kiến tiêu cực mà người này có về người kia, biết chấp nhận nhau, chịu đựng lẫn nhau trong ý hướng tích cực.

Nhìn vào cuộc sống con người từ xưa tới nay, người ta thấy, chính thái độ giận hờn, thù ghét và thích được báo oán… đã tạo ra biết bao nhiêu đổ vỡ, bất hạnh trong đời sống gia đình, trong cộng đoàn hay toàn xã hội; Hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay cần những tấm lòng biết tha thứ để kiến tạo hòa bình. Đức Thánh Cha Phanxicô trong diễn từ nhân kỷ niệm 800 năm ơn Tha Thứ tại Assisi, ngày 4/8/2016, đã nói rằng: Thế giới ngày nay cần sự tha thứ khi có quá nhiều người đang bị lôi cuốn vào những bến bờ oán giận và hận thù, bởi vì họ không có khả năng thứ tha. Họ hủy hoại cuộc sống riêng của mình và cuộc sống của những người xung quanh hơn là tìm kiếm niềm vui của sự thanh thản và bình an. Và một nhà giáo dục người Mỹ cũng nói rằng: Sự tha thứ là chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay của hận thù. Nó là sức mạnh có thể phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ.

Mùa Chay là mùa giúp ta nhận ra yếu đuối, khiếm khuyết của mình để được Chúa thứ tha, và để Chúa có thể làm điều đó chỉ cần chúng ta cũng biết tha thứ cho nhau. Amen./.

BBT

Có thể bạn quan tâm

Trả lời