Thánh lễ Truyền Dầu tại Nhà thờ Chính tòa Văn Hạnh

2883 lượt xem

Vào lúc 9h00, sáng Thứ Ba Tuần Thánh, ngày 16/4/2019, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, chủ chăn Giáo phận, đã chủ tế Thánh Lễ Truyền Dầu tại nhà thờ Chính tòa Văn Hạnh. Đồng tế với Đức cha toàn thể Linh mục đoàn đang mục vụ tại Giáo phận. Thánh lễ có sự hiện diện đông đảo các Chủng sinh, Tu sỹ và Giáo dân.

Đây là thánh lễ Truyền Dầu đầu tiên của tân Giáo phận Hà Tĩnh, ngoài việc làm phép dầu Bệnh nhân (OI), dầu Dự tòng (OS), và thánh hiến dầu Thánh (SC), Lễ Dầu còn diễn tả mối dây hiệp nhất và hiệp thông sâu sắc giữa Đức Giám mục và các Linh mục trong Giáo phận qua nghi thức lặp lại lời tuyên hứa khi chịu chức linh mục.

Sự quy tụ và đồng tế với Đức giám mục trong Thánh Lễ Truyền Dầu hôm nay nhằm để chứng kiến và cùng cộng tác với ngài trong việc thánh hiến Dầu Thánh. Đồng thời, qua cử hành Phụng vụ này các linh mục cũng bày tỏ tinh thần đồng chia sẻ gánh nặng mục vụ với Giám mục trong sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và quản trị Dân Chúa. Như thế càng làm sáng tỏ tính duy nhất của chức tư tế và việc hiến tế của Chúa Kitô trong toàn thể Hội Thánh.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô đã khai triển đoạn Tin Mừng theo thánh Luca tường thuật chuyến hồi hương long trọng của Đức Giêsu. Sau khi đã giảng tại Capharnaum và nhiều nơi khác, Đức Giêsu trở lại làng quê Nazareth và công bố sứ vụ tương lai – sứ vụ “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 6, 18…). Câu Tin Mừng này như “vận” vào sứ mạng của Đức cha Phaolô trong cương vị tân Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh đã được Đức Hồng y Filoni, Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng, nói đến trong lá thư gửi cho ngài nhân ngày nhận nhiệm sở Giáo phận Hà Tĩnh. Theo đó, sứ vụ “dấn thân loan báo Tin Mừng phải là sứ vụ ưu tiên của Giáo phận, bởi vì, theo Công đồng Vatican II: ‘Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là người được sai đi, vì cội nguồn của Giáo hội gắn liền với việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha’ (TG. 2). Hơn nữa, những khó khăn mà truyền thống văn hóa và cơ cấu xã hội-chính trị tại Việt Nam đang đặt ra cho công cuộc loan báo Tin Mừng cách khẩn thiết nhất trên mảnh đất này. Đức Hồng y mời gọi tiếp tục quan tâm cách đặc biệt đến việc dấn thân cho công lý và hòa bình, một lĩnh vực nhạy cảm đối với người Công giáo tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nền tảng căn bản phải là hy vọng cánh chung, Vương quốc của Thiên Chúa. Theo Đức Hồng y Filoni, đừng bao giờ xen lẫn lãnh vực chính trị vào lãnh vực tôn giáo, càng không nên đưa vào cử hành phụng vụ những lời ca hay câu nói mang màu sắc khác.

Hẳn nhiên, “người ta không ngồi để loan báo Tin Mừng, mà phải đi, phải ở tư thế lữ hành” – Đức cha Phaolô nhắc lại những lời rất sâu sắc và hết sức ấn tượng của Đức thánh cha Phanxicô. “Các mục tử không sống nơi bàn giấy, như một nhà quản trị xí nghiệp, nhưng sống giữa đại chúng, trên những con đường trần gian, như Đức Giêsu. Các mục tử mang Đức Giêsu đến nơi mà Ngài chưa được nhận biết, nơi Ngài bị làm biến dạng và bị bách hại. Mục tử không hài lòng sống trong tiện nghi, chẳng thích cuộc sống êm đềm và không ngại mất sức lực, không coi mình là ông hoàng, mà sẵn sàng dốc tận tâm tận lực cho tha nhân, triệt để phó thác cho Thiên Chúa. Nếu mục tử tìm chỗ dựa và những bảo đảm trần thế, ngài sẽ không phải là một tông đồ đích thực của Tin Mừng”. Nhưng ưu tiên hàng đầu của con người ra đi trên cánh đồng truyền giáo phải là con người cầu nguyện, vì “đối với linh mục, cầu nguyện không chỉ là một hình thức mộ đạo, mà là một nhu cầu; không chỉ là một cam kết giữa muôn một, mà là một sứ vụ bất khả thay thế: mỗi ngày chúng ta phải khẩn khoản trình lên Thiên Chúa những con người và những tình trạng khốn cùng”.

Cuối cùng, Đức cha Phaolô đã nêu lên vài điểm nhấn mục vụ.

Thứ nhất, ngài mời gọi các Linh mục hãy khuyến khích tiến trình chuẩn bị hôn nhân và đồng hành với các gia đình, nhất là các gia đình trẻ. Vì nhu cầu cuộc sống ngày càng gia tăng, nhiều gia đình trẻ đã tìm công việc làm ở nước ngoài. Hiện tượng này đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng rất nghiêm trọng: Gia đình chia ly, vợ chồng ly tán. Biết bao gia đình tan hoang, hôn nhân đổ vỡ, bao nhiêu đứa trẻ trở thành “mồ côi” khi cha mẹ con sống! Với tư cách là mục tử, chúng ta phải làm gì, nên làm gì và có thể làm gì để góp phần giải quyết vấn đề này?

Thứ hai, ngài đặc biệt kêu mời các linh mục quan tâm đến giới trẻ. Vì giới trẻ chính là tương lai của xã hội và Giáo hội. Thế giới tương lai tốt đẹp hay không lệ thuộc rất nhiều ở người trẻ. Tuy nhiên, mấy năm nay, có thêm một thực tế đau lòng: giới trẻ bỏ học và rời quê đi làm lao động phổ thông. Tương lai của đất nước và Giáo hội sẽ ra sao với hiện tượng này?

Thứ ba, ưu tiên quan tâm đến người nghèo. Yêu thương người nghèo nghĩa là chiến đấu chống lại mọi hình thức nghèo đói, tinh thần và vật chất. Với tư cách là tông đồ của bác ái, hãy đi tới những vùng ngoại ô của xã hội, cũng như của Giáo hội. Áp dụng Kim Chỉ Nam của Giáo phận, bắt đầu từ năm nay, Đức cha Phaolô kêu gọi lập quỹ người nghèo ở mức độ Giáo xứ cũng như Giáo phận để hỗ trợ những hộ gia đình neo đơn, già nua, bệnh tật…

Giáo hội là một dân tư tế được thánh hóa bởi các Bí tích và được sai đi lan truyền khắp thế giới, tỏa lan hương thơm Tin Mừng của Chúa Kitô Đấng Cứu thế (2Cr 2,14-16). Ước mong những lời giáo huấn của vị chủ chăn Giáo phận sẽ thành hiện thực, mang lại nhiều niềm vui cho đoàn con cái Giáo phận nhà Hà Tĩnh.

Pet. Duy Lượng

Có thể bạn quan tâm

Trả lời