Thập giá – Câu trả lời tuyệt hảo cho mọi đau khổ…

1283 lượt xem

Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật tất yếu mà không một ai tránh khỏi. Đó là quy luật bất di bất dịch từ muôn đời và cho đến muôn đời. Dù là vua chúa, vương tôn quý tộc; dù là người nắm trong tay sức mạnh quyền lực hay tiền tài; dù là chính trị gia, doanh nhân giàu có hay văn nhân nghệ sĩ; cho đến những người dân thấp cổ bé miệng… không ai có thể tránh khỏi cái vòng tròn nghiệt ngã ấy.

Con người bất lực trước thực tại đáng sợ ấy. Cho nên, từ lâu con người đều học biết để chấp nhận nó. Để rồi, con người bớt đi những cảm xúc oán trách, chán chường hay lo âu, sợ hãi mà tập trung vào việc tạo lập và tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Thế nhưng, cuộc đời đâu có dễ dàng đến thế. Con người chấp nhận quy luật tất yếu muôn đời kia nhưng rồi cũng đâu tránh khỏi những đau khổ chợt đến. Đau khổ, nghịch cảnh cứ như những cơn gió vô tình hung hăng, rình rập, chực chờ lướt qua cuộc đời con người.

Một người cha trên đường đến bệnh viện để chăm sóc người vợ mới sinh ra hai cô công chúa xinh đẹp, bỗng dưng tai nạn cướp mất sinh mạng ông: Vợ mất chồng trong cái ngày hạnh phúc vì gia đình có thêm một cặp sinh đôi; hai cô con gái mất cha ngay khi vừa mới chào đời. Hay rộng hơn, một ngôi làng mấy trăm con người đang sống vui vẻ, an bình, đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, bỗng dưng cơn bão ập tới, lướt qua và phá đổ tất cả, lại còn gây nên bao cái chết thương tâm: Con mất cha; vợ mất chồng; anh mất em;… Và vô vàn những khổ đau trong cái bể đời nước mắt này. Đầy dẫy những nghịch cảnh trong đời sống con người. Con người hỏi: Tại sao lại xảy ra như thế? Thiên Chúa ở đâu? Trời có mắt không hỡi Trời?…

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nói về mấy loại sự dữ:

1. Sự dữ luân lý: Do tội mà ra. Từ đó có thể nói rằng do chính con người gieo rắc sự dữ cho nhau và cho thế gới mình sống.

2. Sự dữ vật lý hay thể lý: Do vũ trụ đang vận hành như một cuộc lên đường tiến về vĩnh cửu, tiến về sự trọn hảo. Cho nên, những cái “bánh răng” nhiều lúc chưa ăn khớp với nhau, chưa bám chặt vào nhau và gây ra những chệch choạc, những “đổ vỡ” mà muôn loài muôn sự nó mang trong mình phải chịu chung số phận.

Thế nhưng, con người lại hỏi: Tại sao lại là tôi gánh chịu những tội ác của kẻ khác? Tại sao lại là tôi gánh chịu những “đổ vỡ”, những bất toàn của vũ trụ? Tại sao vì người đàn ông kia trong lúc say rượu mà gia đình tôi, con tôi phải chết, phải gánh lấy hậu quả khốc liệt, bi thảm? Tại sao vì sự đồi bại thú tính của gã kia mà con gái tôi trở thành nạn nhân, phải gánh hậu quả? Tại sao quê hương tôi, gia đình tôi lại phải gánh lấy hậu quả tàn phá khốc liệt của cơn bão kia? Tại sao chúng tôi phải đón nhận những điều oái oăm, những sự dữ khốc liệt, những hậu quả khổ đau mà không do lỗi của chúng tôi?

Mầu nhiệm. Đó là một mầu nhiệm. Sự dữ hay đau khổ, hay nghịch cảnh xảy đến trong đời sống con người thực sự là một mầu nhiệm. Không thể giải thích thỏa đáng. Không có câu trả lời rốt ráo tận cùng cho những bí ẩn của nó.

Nhưng, phải chăng chúng ta bất lực trước sự dữ nên chúng ta quy cho nó là “mầu nhiệm”, và thế là chấm hết? Thôi tìm hiểu. Thôi kêu xin. Thôi than van. Thôi oán trách. Cứ cắn răng chịu đựng cho đến khi chịu đựng đón lấy sự dữ cuối cùng, sự dữ lớn nhất trong đời: SỰ CHẾT. Bởi có tìm hiểu cũng chẳng thấu đáo. Có kêu xin cũng chẳng nhận được câu trả lời. Có than van, thậm chí là oán trách thì Thiên Chúa vẫn làm thinh.

Phải chăng Thiên Chúa cứ thích để sự dữ xảy đến cho con người, thế mà sao Ngài lại là Đấng yêu thương? Phải chăng Thiên Chúa thích thử thách con người bằng đau khổ, bằng sự dữ, thế thì Ngài lại chẳng ác nghiệt quá ư? Hay tại Ngài bất lực trước sự dữ, vậy sự toàn năng của Ngài ở đâu? Tại sao Ngài lại hoài im lặng?

Mùa Chay thánh, mùa kỷ niệm biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa làm người là thời điểm thuận lợi cho chúng ta chiêm ngắm về mầu nhiệm sự dữ và đau khổ. Nhìn người con dấu ái duy nhất của Thiên Chúa chết tất tưởi trên Thập Tự Giá, chúng ta biết rằng: Thiên Chúa chẳng thích thú gì với sự dữ; Ngài cũng chẳng hề bất lực trước sự dữ.

Thiên Chúa đã phá vỡ sự im lặng. Thiên Chúa đã cất tiếng trả lời bằng chính cái chết của Lời. Và, Ngài đã trả lời một lần cho tất cả những khổ đau của chúng ta chịu đựng hay sẽ xảy đến cho chúng ta.

Bởi vì: Nếu Thiên Chúa im lặng, nếu Ngài bất lực trước sự dữ thì đã chẳng có việc Ngôi Lời từ bỏ vinh quang, mặc lấy xác phàm và trở nên một con người đúng nghĩa ngoại trừ tội lỗi. Nơi mầu nhiệm Nhập Thể, ta có thể thấy Thiên Chúa đã hạ mình xuống cho đến tận cùng để đồng hóa với thân phận tôi đòi của chúng ta. Ngài đã sinh ra và đã sống chính cuộc sống của chúng ta. Vì thế, chúng ta không thể than trách là Ngài quá cao xa nên Ngài đâu có thấy hiểu nỗi thống khổ của chúng ta chịu được.

Đức Giêsu đến sống giữa chúng ta và hoạt động không ngưng nghỉ để giúp chúng ta hòa giải với Thiên Chúa, hòa giải với nhau và với cả vũ trụ. Ngài đến và Ngài nâng chúng ta dậy từ giữa những đổ vỡ, từ đau khổ. Và rồi, chính Ngài cũng chấp nhận cả cái chết nữa, một cái chết đầy đau khổ đến tột cùng. Cái chết đó như một giải thích trọn vẹn cho những đau khổ mà chúng ta chịu.

Hình ảnh một Giêsu đầy lo âu, sợ hãi đến độ mồ hôi và máu rỉ ra trong vườn Cây Dầu năm xưa là minh chứng rõ ràng nhất, là câu trả lời đầy đủ nhất về chuyện Thiên Chúa chẳng thích thú gì với đau khổ cả. Chính Ngài nếm trước những gì Ngài sẽ chịu và Ngài đã cảm thấy đau đớn đến tột cùng. Đến nỗi, Ngài phải thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể xin cho con khỏi uống chén này”.

Cho đến khi thực sự trải qua cuộc khổ nạn, cho đến khi bị bắt, bị kết án bất công, bị đánh đạp tàn nhẫn, bị điệu đi dưới sức nặng của Thập Giá trong tiếng cười chê, chửi rủa của loài người, rồi bị treo trên cây Thập Giá không một mảnh vải che thân, Con Thiên Chúa vẫn trung thành với hai tiếng Xin Vâng theo Thánh Ý của Thiên Chúa Cha.

Trên cây Thập Giá, Đức Giêsu đã ôm lấy tất cả mọi khổ đau của nhân lại trong sự “vắng mặt” của Thiên Chúa Cha. Quả thế, Thiên Chúa Cha đã rời bỏ Đức Giêsu để cho Ngài chịu đựng khổ đau, để cho Ngài một mình gánh chịu tất cả đau khổ của nhân loại mà đi vào sự chết trong nỗi cô đơn. Có nỗi đau nào lớn hơn nữa? Có sự dữ nào tàn ác hơn? Và, chúng ta cũng đừng quên nỗi đau của Thiên Chúa Cha. Nỗi đau của một người cha chịu trước cái chết bi thương của Người Con Duy Nhất, đồng bản thể với Người đang gánh chịu lúc ấy.

Nếu Thiên Chúa là chúng ta, chắc chắn Ngài cũng sẽ hỏi “TẠI SAO?”.

Nhìn lên Thập Giá, chiêm ngắm cái chết đau thương của Đức Kitô, có thể chúng ta cũng chưa hoàn toàn trả lời thỏa đáng được câu hỏi ‘tại sao lại tồn tại sự dữ và tại sao đau khổ lại xảy đến cho tôi?’. Tuy nhiên, nhìn lên Thập Giá và chiêm ngắm Con Thiên Chúa chịu chết, chúng ta có một đảm bảo chắc chắn rằng: Thiên Chúa thấu hiểu rõ ràng nhất về khổ đau, Thiên Chúa trải qua nỗi đau cũng lớn nhất và Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

‘Thiên Chúa yêu thương chúng ta’. Đó là điều chắc chắn nhất trong mọi điều chắc chắn mà chúng ta có thể biết được. Điều đó đã được minh chứng cách rõ ràng nhất bằng chính cái chết đau thương của Đức Kitô trên Thập Giá. Đó là đảm bảo cho những gì mà chúng ta có thể trải qua. Đó là cách để chúng ta đón lấy những đau khổ có thể xảy đến bất chợt trong đời mà thưa lên hai tiếng “XIN VÂNG”.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết nhìn lên Thập Giá để chiêm ngưỡng một tấm hình hài vô giá đang ôm trọn những khổ đau của nhân thế trong đó có mỗi một chúng ta. Để rồi, sự đảm bảo của tình yêu Thiên Chúa giúp ta đón nhận những nghịch cảnh, can đảm trong đau thương, và hy vọng vào sự Phục Sinh chiến thắng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Sương Thiên Linh
Yên Lạc sơn, 04.04.2017

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận