Thư gửi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021

1166 lượt xem

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2021

Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư này kéo dài đã làm xáo trộn mọi thứ, ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đặc biệt liên quan đến việc dạy học của các thầy cô và việc học của sinh viên học sinh. Trong yêu thương và chia sẻ, trong thích nghi và nỗ lực, quê hương chúng ta đã từng bước phục hồi những thiệt hại do đại dịch gây ra. Đối diện với thực tế hàng ngày, chắc chắn quý thầy cô đã và đang phải bối rối lo lắng trong phương pháp dạy và học mới.

Nhân dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam sắp đến, bằng lá thư này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn, sự cảm thông và khích lệ chân thành đến tất cả quý thầy cô, những người mà tôi biết rằng trong lúc này đang hết sức mình thích nghi với những khó khăn trước mắt, để tiếp tục thực thi sứ mạng cao cả của mình. Sự phấn đấu này làm tôi nhớ đến lời khuyến khích của Thánh Phaolô: “Được ơn phục vụ thì phải phục vụ. Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo” (Rm 12, 7). Từ lời khuyến khích này, trong tầm nhìn Kitô giáo, tôi cũng muốn chia sẻ đến quý thầy cô một vài suy nghĩ của riêng mình.

  1. Dạy và học online – một thách đố mới.

Trong ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, ngành giáo dục đang phải đối diện với nhiều bất cập chưa có tiền lệ. “Dạy và học online”, cụm từ này đặt cả thầy lẫn trò trong sự lúng túng và ngỡ ngàng với phương pháp dạy và học mới, kéo theo nhiều vấn đề nan giải mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Truyền thông xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo mô tả bức tranh toàn cảnh của cả nước trong việc chuẩn bị cho năm học mới bằng phương pháp trực tuyến và truyền hình đầy dẫy những thử thách.

– Chất lượng giáo dục sẽ ra sao, phải soạn thảo giáo án thế nào, dạy cách nào để khi dạy trực tuyến không bị nhiều người bình luận bàn tán, điều đó làm các thầy cô luôn ở trong tâm trạng lo lắng, căng thẳng?

– Chất lượng giáo dục sẽ ra sao, vì trong phạm vi giáo dục, thì cần sự hiện diện trực tiếp thầy cô và trò, nhưng học trực tuyến thì khác, khoảng cách này bị giới hạn hoàn toàn?

– Chất lượng giáo dục sẽ ra sao, khi một số học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến hay học qua truyền hình vì thiếu thiết bị học tập, đường truyền internet bị gián đoạn, học sinh ở các vùng, miền khác nhau học trực tuyến không đạt được kết quả học tập tốt như ý muốn? Và còn nhiều nữa…

Khi nêu lên những vấn nạn nầy, tôi ước mong được chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục nói chung, với thầy cô và học trò trong thời điểm dịch bệnh kéo dài này. Đồng thời, tôi cũng ước mong ngọn lửa nhiệt huyết của quý thầy cô đừng suy yếu hay tắt lịm trước những thách đố mới, vì trong mọi nơi mọi lúc, giáo dục luôn cần thiết cho đời sống của con người.

  1. Lợi ích của việc giáo dục.

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Có lẽ không ai trong chúng ta dám phủ nhận sự cần thiết và lợi ích của giáo dục trong đời sống của con người về mọi lãnh vực. Và cho đến giờ này, cũng không ai chứng minh ngược lại với điều mà ông bà ta vẫn luôn nhắc nhở: “Không thầy đố mày làm nên”. Học trò cần thầy cô để giáo dưỡng. Bằng phương pháp giáo dục, con người thủ đắc được những kiến thức cần thiết cho một cuộc sống hữu ích và có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội.  Hơn nữa, là giáo chức Công giáo, chúng ta còn được mời gọi thể hiện sứ mạng của mình dưới ánh sáng của đức tin. Nghĩa là, công việc của chúng ta không dừng lại ở việc đào tạo một con người có ích cho xã hội, mà phải hướng tới phần rỗi linh hồn của họ nữa. Thánh Phaolô gọi đó là một sự gột bỏ con người cũ để trở về với con người mới, vốn là con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x. Ep 4, 22-24). Một cách diễn tả khác trong thị kiến của ông Gióp, nói về những mối lợi mang đến do việc học hỏi từ Thiên Chúa. Việc học hỏi này còn giúp con người vươn đến những nhận thức có giá trị trổi vượt hơn nữa. Ông nói rằng: “Bấy giờ Người mở tai cho phàm nhân, làm cho họ sợ hãi vì những lời cảnh cáo, để kéo họ xa những việc đã làm giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm” (G 33, 16-18). Mặt khác, Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo của Công Đồng Vaticanô II số 8, gọi thầy cô là những người đồng trách nhiệm với các bậc cha mẹ, chính là để nhắc nhở tầm quan trọng của sứ mạng giáo dục mà chúng ta thực hiện cho các môn sinh của mình.

  1. Vai trò của Giáo chức Công giáo.

Vào sáng thứ ba 05/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với vị đại diện các tôn giáo thế giới tham dự cuộc họp về chủ đề “Tôn giáo và Giáo dục: Hướng tới Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”. Trong bài phát biểu, người nói rằng: “Nếu chúng ta muốn có một thế giới huynh đệ hơn, chúng ta phải giáo dục các thế hệ trẻ biết “nhìn nhận, trân trọng và yêu thương từng người, dù người đó gần hay xa về thể lý, dù người đó sinh ra hoặc sinh sống ở đâu”.  Nguyên tắc cơ bản “Biết mình” luôn định hướng cho việc giáo dục. Nhưng chúng ta không được bỏ qua những nguyên tắc thiết yếu khác: “Biết anh chị em mình”, để giáo dục về việc đón tiếp người khác. “Biết thụ tạo”, để giáo dục về việc chăm sóc ngôi nhà chung, và “Biết Đấng Siêu Việt”, để giáo dục về mầu nhiệm vĩ đại của cuộc sống”. Những suy tư này, một lần nữa nhắc nhở chúng ta về vai trò đúng nghĩa của giáo chức Công giáo. Chúng ta không chỉ dừng lại trong phạm vi kiến thức thuần túy, mà còn phải hướng các bạn trẻ về một cuộc sống hướng thiện với đầy đủ các mối liên hệ: với chính mình, với tha nhân, với môi trường và với Thiên Chúa. Tiên tri Êdêkiel đã nói về ý muốn của Thiên Chúa cho các tư tế Lê-vi, vốn được coi là những bậc thầy trong dân chúng rằng: “Nó sẽ chỉ cho dân Ta biết phân biệt điều thánh thiêng với điều phàm tục, và sẽ dạy cho họ biết phân biệt điều ô uế với điều thanh sạch” (Ed 44, 23). Ước mong rằng: tất cả chúng ta, trong lúc kiên trì trao cho các môn sinh những kiến thức cần thiết trong chuyên môn, thì cũng đừng quên khơi lên trong các em một ý thức về điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Tài và Đức là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng cùng được trau giồi và bổ túc cho nhau. Nhờ đó, Tài và Đức sẽ giúp con người trở nên toàn vẹn hơn.

Quý Thầy Cô thân mến,

Thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi ân cần gửi lời kính chúc đến tất cả quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Nhà Giáo Việt Nam 2021 vui tươi và hạnh phúc trong sứ mạng giáo dục của mình. Dù phải đối diện với nhiều khó khăn của cuộc sống giáo chức, qua cách dạy và học online của thời điểm dịch bệnh Covid-19 này, nhưng hy vọng các thầy cô giáo vẫn giữ ngọn lửa nhiệt tình trong việc giáo dục toàn diện cả xác lẫn hồn. Tôi cũng kính chúc quý thầy cô đã hưu trí an bình và mạnh khỏe.

Chúc Quý Thầy Cô trở thành những nhà giáo gương mẫu, dạy đạo nghĩa đối với Chúa, đối với ông bà cha mẹ và anh chị em học sinh với nhau, có ích cho Giáo Hội và xã hội.

Thân ái trong Chúa Kitô.

Vĩnh Long, ngày 15 tháng 11 năm 2021.

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận