Thư Mục vụ Mùa Chay 2020 của Đức Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh

3047 lượt xem

TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN HÀ TĨNH
BISHOP’S HOUSE OF HA TINH DIOCESE
Văn Hạnh, Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh

Email: [email protected]
Phone: (+84) 865 165 167
———————————————————————————
Số 09/2020/T-GM

Văn Hạnh, ngày 25 tháng 02 năm 2020 

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY 2020
“Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha” (x. Lc 15,18)

Kính gửi: Quý Cha, Quý Tu sỹ nam nữ, Quý Chủng sinh và Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Hà Tĩnh

Sám hối, cầu nguyện, chay tịnh và làm việc bác ái là những điều Kitô hữu được mời gọi thực hành hằng ngày. Mỗi dịp Mùa Chay về, Giáo Hội luôn lặp lại lời mời gọi đó một cách đặc biệt với ước mong tương quan của mỗi cá nhân với Chúa và với tha nhân lại một lần nữa được làm mới lại, đầy sức sống thiêng liêng để mỗi người thêm hăng say dấn bước trên con đường về Quê Trời.

Nhân loại đã có những bước tiến vượt bậc trên con đường văn minh. Những thành tựu chói lọi của khoa học kỹ thuật, trào lưu toàn cầu hóa, những dự án, tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia… đã làm cho con người cảm thấy quyền lực hơn bao giờ hết. Có vẻ như con người đã có thể chế ngự mọi thứ, nắm hoàn toàn vận mạng của mình trong tay. Tuy nhiên, những ngày đầu của năm 2020 này, cả thế giới đã hoang mang lo sợ vì đại dịch do một chủng mới của virus corona gây ra. Phải nói rằng, cả thế giới đã phải choáng váng trước sự lây lan và tàn phá của một chủng loại nhỏ bé nhất trong cấu trúc sự sống! Dường như con người đã phải trở về đúng vị trí mỏng manh, yếu đuối của nó.

Trong bối cảnh nêu trên, chúng ta có thể xem đây như là một “dấu chỉ của thời đại”. Vì thế, Mùa Chay này, tôi mời gọi anh chị em cùng nhau suy tư một cách sâu sắc hơn về thân phận con người, về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, để từ đó, chúng ta có thể thực hiện động thái dứt khoát như anh thanh niên trong dụ ngôn người cha nhân hậu: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha” (x. Lc 15,18).

1. Sám hối

Đối với Kitô hữu, đây là dịp để chúng ta nhìn lại chính mình, nhìn lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, nhìn lại cung cách chúng ta đã sống, đã đối xử với tha nhân và cả với thiên nhiên. Cuộc sống xô bồ mãi miết chạy theo cơm áo gạo tiền, với những đam mê lệch lạc và quyến rũ của thế gian, nhiều lúc, nhiều nơi đã làm chúng ta xa rời Chúa, làm chúng ta lơ là mối hiệp thông trong Giáo hội và mất kết nối với tha nhân. Nhiều lúc, vì ham hố lợi lộc, chúng ta đã đối xử tàn tệ với thiên nhiên. Đây là lúc chúng ta cần suy xét lại cách suy nghĩ, lối sống của mình để đặt lại mọi thứ đúng với thang giá trị ưu tiên của nó như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).

Chúng ta cần luôn tin chắc rằng, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ, Ngài luôn luôn mong chờ sự hoán cải của chúng ta để ban ơn tha thứ. Đức Thánh Cha Phanxicô viết cho người trẻ trong Tông huấn Christus vivit rằng: “Con hãy nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy luôn để mình được cứu độ lần này đến lần khác. Và khi con đi xưng thú tội lỗi của mình, con hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn giải thoát con khỏi lỗi tội. Hãy chiêm ngắm Máu Người đổ ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy để mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Nhờ đó con sẽ có thể được tái sinh luôn mãi” (số 123).

2. Cầu nguyện

Cầu nguyện là đối thoại thân tình với Thiên Chúa. Chúng ta không thể cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và quyết tâm hoán cải nếu thiếu đi đời sống cầu nguyện. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay nhắc nhở chúng ta rằng, cầu nguyện với Chúa là “một cuộc đối thoại chân thành giữa những người bạn”… “Còn hơn cả một bổn phận, cầu nguyện diễn tả nhu cầu của chúng ta muốn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa vốn luôn đi trước và trợ giúp chúng ta. Thật vậy, người Kitô hữu cầu nguyện với ý thức rằng, mình luôn được yêu thương dù không xứng đáng. Cầu nguyện có thể có nhiều hình thức, nhưng điều thực sự đáng kể dưới mắt Thiên Chúa là lời cầu nguyện đi sâu vào cõi lòng chúng ta và cuối cùng làm cho con tim cứng cỏi của chúng ta trở nên mềm mại, để biến cải con tim ấy ngày càng thuận theo Chúa và theo ý Chúa.”

3. Chay tịnh và bác ái

Bài đọc trong Lễ Tro, ngày khởi đầu của Mùa Chay, chúng ta được nghe lời nhắn nhủ của Ngôn sứ Giôen: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2,13). Đó cũng là cách để chúng ta thực hành việc chay tịnh trong suốt Mùa Chay này. Việc ăn chay không hệ tại giữ một số nghi thức bên ngoài nhưng phải bắt đầu từ một tâm hồn thống hối và kèm với chay tịnh là thực hành bác ái. Hãy nghe lời chỉ dạy của Ngôn sứ Isaia, cách ăn chay mà Chúa ưa thích là: “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm”, “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (x. Is 58, 6-7). Vì thế, tôi mong muốn anh chị em trong suốt Mùa Chay này, chúng ta chay tịnh và bác ái trong tinh thần nêu trên. Chúng ta cần trở về với chính mình, với gia đình, với cộng đoàn, với Giáo Hội và với Chúa. Hãy quan tâm, hiếu thảo với cha mẹ bằng cách thăm viếng, trợ giúp các ngài. Hãy trở về với gia đình, dành thời gian nhiều hơn chăm sóc con cái. Hãy trở về với cộng đoàn, với anh em bằng cách tham gia những việc chung của giáo xứ. Hãy rộng rãi giúp đỡ những người neo đơn, túng thiếu.

Quý ông bà, anh chị em thân mến,

Con người là vô cùng cao quý nhưng cũng rất mỏng manh yếu đuối. Chúng ta chỉ có thể vững mạnh khi được sự bao bọc chở che của Chúa. Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại, mới là Vị Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Hãy sám hối và mạnh mẽ chỗi dậy trở về, để khi kết thúc Mùa Chay, chúng ta cũng được vui mừng chan hòa trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa.

GIÁM MỤC GIÁO PHẬN HÀ TĨNH
(đã ký & đóng dấu)
Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận