Thượng Hội đồng: 10 điểm nổi bật và quan trọng của Bản Tổng hợp

2343 lượt xem

THƯỢNG HỘI ĐỒNG: 10 ĐIỂM NỔI BẬT VÀ QUAN TRỌNG CỦA BẢN TỔNG HỢP

Peter Jesserer Smith

Khoá họp thứ nhất của Thượng Hội đồng về hiệp hành đã kết thúc, với kết quả được gói gọn trong một Bản Tổng hợp dài 41 trang dành cho toàn thể Giáo hội để tiếp thu, suy tư, và đưa ra phản hồi trước khi bước vào Khoá họp cuối cùng của Thượng hội đồng vào tháng 10.2024.

Bản Tổng hợp của khoá họp từ ngày mồng 04 – 29.10.2023, về cơ bản là một công cụ để phân định, và khơi thêm sự suy tư và phản hồi từ toàn thể Giáo hội. Khoá họp tiếp theo của Thượng Hội đồng ở Roma sẽ có nhiệm vụ đưa ra quyết định về những đề xuất cụ thể nào sẽ được trình lên Đức Thánh Cha. Cuối cùng, Đức Thánh Cha sẽ quyết định những gì cần thực hiện của Thượng Hội đồng về hiệp hành.

Sau đây là 10 điểm nổi bật và được xem là quan trọng rút ra từ Bản tổng hợp giúp các tín hữu Công giáo tại các giáo xứ nắm vững vấn đề và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

  1. Tính hiệp hànhlà về sứ vụloan báo Tin Mừng của Giáo hội, và Phép Rửa là lý do tại sao việc quản trị mang tính hiệp hành lại quan trọng.

Thượng Hội đồng liên kết “tính hiệp hành dẫn đến sứ vụ”, nhìn nhận rằng các thành viên của Giáo hội – với nguồn gốc, ngôn ngữ và văn hóa đa dạng – chia sẻ “ân sủng chung của Phép Rửa”. Chủ đề của Thượng Hội đồng về “Hiệp thông, Tham gia, và Sứ Vụ” là những dấu ấn cho thấy toàn thể dân Chúa trong một Giáo hội hiệp hành – giáo dân, tu sĩ thánh hiến, phó tế, và linh mục cùng với các giám mục hiệp nhất với Đức Giáo hoàng- liên kết với nhau và cùng nhau thực thi ơn gọi nên thánh, loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho thế giới.

Thượng Hội đồng nói rõ rằng công việc của Thượng Hội đồng bắt nguồn từ truyền thống năng động và sống động của Giáo hội trong bối cảnh giáo huấn của Công đồng Vatican II. Nhưng Thượng Hội đồng cũng thừa nhận còn nhiều việc phải thực hiện nhằm làm sáng tỏ “tính hiệp hành” nghĩa là gì, và phát triển nó thành các tiến trình và cơ cấu thực sự.

Một phần của việc này là tìm hiểu xem các quyết định được đưa ra trong Giáo hội theo cách thế trung thành với bản chất của nó như thế nào – bao gồm việc phân định tính hiệp đoàn giám mục được thực hiện ra sao trong một Giáo hội hiệp hành – bởi vì các thành viên của Giáo hội có “sự đồng trách nhiệm khác nhau đối với sứ vụ chung của việc loan báo Tin Mừng”.

Những cuộc đối thoại trong Thánh Thần” của Thượng Hội đồng – một trải nghiệm của việc lắng nghe và chia sẻ dưới ánh sáng đức tin, và việc tìm kiếm ý Chúa trong bầu khí Tin Mừng đích thực – được công nhận là một khí cụ hữu ích trong vấn đề này.

  1. Thượng Hội đồng kêu gọi đào tạo “tư cáchmôn đệ đích thực”, được hiệp nhất bởi Thánh Thể và được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa.

Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng tất cả các thành viên của Giáo hội được kêu gọi trở thành “các môn đệ, các thừa sai”, những người có “trách nhiệm thể hiện và truyền tải tình yêu và sự dịu dàng của Thiên Chúa cho một nhân loại bị tổn thương”. Nói cách khác, việc sống tư cách môn đệ là trọng tâm của tín hữu Công giáo.

Thượng Hội đồng đề nghị đào sâu khái niệm “việc thực hành chín chắn ‘cảm thức đức tin’ không chỉ đòi hỏi việc lãnh nhận Phép Rửa mà còn đòi hỏi một cuộc sống thực thi tư cách môn đệ đích thực nhằm phát triển ân sủng của Phép Rửa”. Thượng Hội đồng nhận thức rằng điều này có thể giúp phân định đâu là Chúa Thánh Thần đang hoạt động, trái ngược với việc đâu là những người đã lãnh Phép Rửa chỉ ủng hộ lối suy nghĩ thống trị, những hoàn cảnh văn hóa hoặc “những vấn đề không phù hợp với Tin Mừng”.

Về điểm này, Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng “Thánh Thể định hình tính hiệp hành”, và do đó Thánh lễ phải được cử hành “với cảm thức chân thực về tình bằng hữu trong Đức Kitô”, phản ánh vẻ đẹp và tính giản dị. Thượng Hội đồng đề xuất “phụng vụ được cử hành một cách đúng thực là trường học đầu tiên và cơ bản về tư cách môn đệ”.

Thượng Hội đồng cũng đề xuất việc làm phong phú đời sống Công giáo ngoài Thánh lễ bằng những hình thức khác của kinh nguyện phụng vụ, cũng như lòng đạo đức bình dân, đặc biệt là lòng sùng kính Đức Mẹ – cả hai đều giúp huấn luyện người tín hữu và cũng có thể giúp những người khác ngoài Giáo hội gặp gỡ Chúa.

  1. Tính hiệp hànhkhông có nghĩa là có nhiều cuộc gặp gỡ hơn, nhưng là cùng nhau phân định làm sao để thi hành sứ vụ ở mỗi cấp độ của Giáo hội.

Thượng Hội đồng cũng cho thấy tính hiệp hành trong Giáo hội mời gọi tín hữu Công giáo phân định cách có chủ đích với tư cách là một cộng đoàn, rằng Chúa Giêsu mời gọi họ sống sứ vụ của mình như thế nào. Đó không phải là những cuộc gặp gỡ tự quy chiếu, mà là một phong cách thực hiện “việc loan báo Tin Mừng, phục vụ những người đang gặp cảnh nghèo khó, chăm sóc ngôi nhà chung, và nghiên cứu thần học”.

Tài liệu nhấn mạnh sự cần thiết của việc đào tạo, đồng thời cũng thiết lập không gian để tiếp nhận giáo huấn của Giáo hội và phân định để làm thế nào để hành động theo giáo huấn đó. Học thuyết xã hội của Giáo hội cần được các tín hữu hiểu rõ để họ có thể xây dựng vương quốc của Thiên Chúa.

Tính hiệp hành có nghĩa là quy tụ cộng đoàn môn đệ lại với nhau để phân định sứ vụ của họ là gì và Chúa Giêsu sai họ đi thực thi sứ vụ như thế nào. Bất kỳ sự thay đổi cơ cấu hiệu quả nào nhằm giúp các thành viên của Giáo hội trở nên “đồng trách nhiệm” đều đòi phải có “sự hoán cải tâm linh sâu sắc”, cả về phương diện cá nhân lẫn cộng đoàn, để thực hiện sứ vụ của Chúa Giêsu.

Đồng thời, Thượng Hội đồng mời gọi suy xét thêm về cách thức mà thần học của Giáo hội và những phát triển hiện đại trong khoa học có thể đối thoại, cũng như những cách thức hiệu quả để thực hiện điều đó nhằm giúp Giáo hội phân định, nhất là về những vấn đề phức tạp hoặc gây tranh cãi. Trên hết, Thượng Hội đồng nói: “Các hành động của Chúa Giêsu, thẩm thấu vào lời cầu nguyện và sự hoán cải tâm hồn, chỉ cho chúng ta con đường phía trước”.

  1. Một Giáo hộihiệp hành phải suy tư về việc các linh mục, phó tế và giáo dân cần được đào tạo những gì để thi hành sứ vụ của họ cùng với nhau.

Thượng Hội đồng nhìn nhận các giám mục và linh mục phải đối diện với những gánh nặng trách nhiệm không tương xứng đối với sứ vụ của Giáo hội. Thượng Hội đồng cũng xác định giáo sĩ trị, tương phản với mô hình sự phục vụ thừa tác của Chúa Giêsu, dẫn đến “thái độ độc đoán” và các ơn gọi bị bóp nghẹt bởi đặc quyền và quyền lực vốn từ chối trách nhiệm giải trình.

Thượng Hội đồng đề nghị thảo luận và suy xét sâu rộng việc duyệt lại việc đào tạo linh mục để giải quyết vấn đề này. Thay vì đào tạo các linh mục trong một “môi trường nhân tạo tách biệt khỏi đời sống đức tin thông thường”, họ cần phát triển thông qua “sự tiếp xúc gần gũi với Dân Chúa và qua những trải nghiệm học biết phục vụ cụ thể”.

Thượng Hội đồng nhìn nhận có sự nhất trí chung rằng đời sống độc thân linh mục là “một chứng tá sâu sắc và mang tính ngôn sứ phong phú về Đức Kitô”. Nhưng Thượng Hội đồng cũng đề nghị xem xét thêm coi liệu nếu chỉ Giáo hội Latinh tiếp tục nhấn mạnh vào việc độc thân linh mục có phù hợp hay không – các Giáo hội Đông phương (Công giáo và Chính thống) có truyền thống giáo sĩ độc thân và giáo sĩ kết hôn – khi có những bối cảnh mang tính giáo hội và văn hóa khiến điều đó gây khó khăn hơn cho sứ vụ của Giáo hội.

Thượng Hội đồng kêu gọi suy tư sâu xa hơn về ơn gọi phó tế, “trên hết là trong việc thực thi bác ái”.

Thượng Hội đồng chỉ ra tầm quan trọng của việc mở rộng khả năng tiếp cận của phụ nữ với việc đào tạo thần học, sự tham gia của họ vào việc đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm trong việc chăm sóc mục vụ và tác vụ, và thậm chí cả việc khám phá các tác vụ mới nơi phụ nữ có thể đóng góp một cách dứt khoát. Thượng Hội đồng ghi nhận cuộc tranh luận về phụ nữ và tác vụ phó tế, đồng thời bày tỏ sự cởi mở trong việc tiếp tục nghiên cứu và khảo sát những gì đã được thực hiện cho đến nay.

Thượng Hội đồng cũng đề cập đến tác vụ giáo dân và kêu gọi tính sáng tạo hơn nữa về những vai trò này được suy tư và thực hiện như thế nào để phục vụ cho sứ vụ: ví dụ, phát triển vượt ra ngoài vai trò phụng vụ của tác vụ đọc sách, chẳng hạn như giảng thuyết trong những bối cảnh thích hợp. Thượng Hội đồng cũng hình dung một tác vụ giáo dân khả thi do các cặp vợ chồng đảm nhận để hỗ trợ đời sống hôn nhân và gia đình.

  1. Người môn đệ lắng nghe và đồng hành với mọi người như Đức Kitôtrong bất cứ hoàn cảnh cá nhân, gia đình, hoặc xã hội nào.

Thượng Hội đồng nói rằng “lắng nghe là từ diễn tả rõ nhất trải nghiệm của chúng tôi. Đây là sự lắng nghe cho đi và nhận lại”. Lắng nghe thực sự là nơi Giáo hội nhận ra sứ vụ mà Chúa Giêsu đang kêu gọi các môn đệ và cộng đoàn cụ thể của họ.

Thượng Hội đồng cũng nhấn mạnh rằng Giáo hội cần thể hiện sự gần gũi, lắng nghe và đồng hành với những người cảm thấy đơn độc trong việc trung thành với giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân và luân lý tính dục, cũng như những người bị gạt ra bên lề vì “tình trạng hôn nhân, căn tính, hoặc giới tính của họ”.

Thượng Hội đồng đề nghị suy xét thêm quan điểm rằng lắng nghe “không có nghĩa là thoả hiệp trong việc rao giảng Tin Mừng hoặc tán thành bất kỳ ý kiến hay lập trường nào được đề xuất” – nhưng trái lại, là nên giống Chúa Giêsu, Đấng lắng nghe và yêu thương vô điều kiện để chia sẻ tin mừng của Người.

Thượng Hội đồng cũng nhấn mạnh rằng Giáo hội cần mở rộng sự gần gũi với những người cô đơn và bị bỏ rơi, người già và người đau bệnh.

Tài liệu Thượng Hội đồng kêu gọi phân định sâu hơn về “sự hiếu khách của Thánh Thể” – tình trạng của những tín hữu thuộc các giáo hội khác nhau được rước lễ – và “hôn nhân khác giáo hội” (inter-church marriages).

  1. Giáo hội Công giáo cần sự cộng tác mạnh mẻ các Giáo hội Đông phương với Giáo hội Latinh.

Thượng Hội đồng cho thấy điều quan trọng là tín hữu Công giáo nhận ra rằng Giáo hội Công giáo là sự hiệp thông của các giáo hội chị em bình đẳng – Giáo hội Latinh (lớn nhất và do Đức Giáo hoàng đứng đầu) và 23 Giáo hội Công giáo Đông phương khác nhau, tất cả đều tận hưởng sự hiệp thông nhờ sự hiệp nhất với Đức Giáo hoàng. Thượng Hội đồng kêu gọi tất cả các cộng đoàn và giáo sĩ Công giáo tìm hiểu nhau và tích cực làm việc cùng nhau để xây dựng mô hình “hiệp nhất trong đa dạng”.

Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng các thành viên của Giáo hội Latinh (phần lớn được gọi là tín hữu Công giáo Roma) cần giúp đỡ các tín hữu Công giáo Đông phương trong những hoàn cảnh khi họ không thể tiếp cận Giáo hội của mình để thực thi truyền thống của họ. Thượng Hội đồng cho biết “Latinh hóa” (làm cho các giáo hội Đông phương tuân theo các truyền thống và các thực hành của giáo hội Latinh) là “lỗi thời”.

Thượng Hội đồng ngụ ý rằng các Giáo hội Đông phương cần thể hiện mối tương quan của mình với vai trò của Đức Giáo hoàng, người có vai trò nền tảng trong Giáo hội Latinh, cụ thể là liệu có cần sự chuẩn y của Đức giáo hoàng trong việc tuyển chọn giám mục hay không, và thực tế là tín hữu Công giáo của các Giáo hội Đông phương này không còn bị giới hạn trong địa hạt thượng phụ truyền thống mà hiện nay đã lan rộng khắp thế giới.

Thượng Hội đồng đề xuất một Hội đồng thường trực gồm các Thượng phụ và Tổng Giám mục cấp cao lên Đức Thánh Cha, và tín hữu Công giáo Đông phương cần có đại diện tương xứng đầy đủ trong Giáo triều Rôma.

  1. Thượng Hội đồng gợi ý một lộ trình mới cho đại kết, đặc biệt nhờ các vị tử đạo.

Đã có rất nhiều sự nản lòng về cuộc đối thoại giữa Công giáo và các hệ phái Kitô khác để đạt được mục tiêu hiệp nhất thực sự – nhưng Thượng Hội đồng dường như đã đưa ra những gợi ý quan trọng để tiến lên phía trước.

Trong số các đề xuất có đề xuất phát triển một “Sổ các thánh tử đạo đại kết”, cho phép Giáo hội tưởng nhớ các vị tử đạo Kitô, những người lãnh cùng một Phép Rửa chung không chia sẻ cùng ranh giới tuyên xưng đức tin. Điểm này đã được nhấn mạnh gần đây nhất bởi các cuộc tuẫn giáo đầu thế kỷ XXI, chẳng hạn như ở Trung Đông, nơi các chiến binh Hồi giáo đã giết hại những tín hữu Chính Thống giáo và Công giáo vì họ là Kitô hữu – trong số đó có 21 vị tử đạo Chính Thống giáo Coptic ở Libya.

Thượng hội đồng nhấn mạnh rằng các giáo hội địa phương có thể tham gia đại kết với các giáo hội khác trong việc thực hiện công việc Tin Mừng, và tầm quan trọng của việc tiếp tục thu hút các Kitô hữu thuộc các giáo hội và truyền thống khác vào tiến trình hiệp hành “ở mọi cấp độ”.

Trong số những đề xuất là tìm ra một ngày chung cho việc cử hành Lễ Phục Sinh hướng tới năm 2025, kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicaea.

  1. Thượng Hội đồng nhấn mạnh Giáo hội cần chủ tâm đếnviệc loan báo Tin Mừng trong các không gian kỹ thuật số như một chiều kích sứ vụ của mình.

Thượng Hội đồng xem lĩnh vực kỹ thuật số không phải là một lĩnh vực riêng biệt mà là một “chiều kích quan trọng của chứng tá Giáo hội trong nền văn hóa đương thời”. Điều này có nghĩa là hiểu văn hóa kỹ thuật số để Phúc âm hoá nó và thu hút thế hệ trẻ của Giáo hội – giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân – vào việc thực hiện sứ vụ tại nền tảng kỹ thuật số này.

Thượng Hội đồng đề xuất sự phân định về việc Giáo hội có thể tham gia vào việc làm thế nào để giúp làm cho thế giới trực tuyến trở nên “an toàn” cho các gia đình – lưu ý đến những nguy cơ đe dọa, thông tin sai lệch, khai thác tình dục và nghiện ngập – và làm sao để Giáo hội có thể làm cho thế giới kỹ thuật số “mang lại sự sống thiêng liêng”.

Điều này thách thức các giáo xứ và giáo phận về việc làm thế nào để tham gia vào thế giới kỹ thuật số, đặc biệt là việc hình thành và đồng hành với “các nhà thừa sai kỹ thuật số” và kết nối họ với nhau. Thượng Hội đồng cũng gợi ý tạo cơ hội hợp tác với những người có ảnh hưởng, nhất là trong các lĩnh vực “nhân phẩm, công lý và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”.

  1. Lạm dụng tình dục đang làm xóimòn đời sống truyền giáo của Giáo hội, và Thượng Hội đồng nhận thức rằng một Giáo hội hiệp hành thực sự cần phải hiểu điều này một cách đúng đắn.

Thượng Hội đồng tuyên bố: “Lạm dụng tình dục cũng như lạm dụng quyền lực và quyền bính tiếp tục kêu gọi công lý, chữa lành và hòa giải”. Thượng Hội đồng nhận thức rằng tiến trình hiệp hành này đã chứng kiến Chúa Thánh Thần tuôn đổ hoa trái của “hy vọng, chữa lành, hòa giải, và khôi phục sự tin tưởng”.

Hơn nữa, việc lắng nghe và đồng hành với những người bị lạm dụng trong Giáo hội đã giúp người ta cảm thấy họ không còn vô hình nữa. Đồng thời, Thượng Hội đồng nêu rõ “cuộc hành trình dài hướng tới hòa giải và công lý” vẫn tiếp diễn và yêu cầu “giải quyết các điều kiện mang tính cơ cấu đã tiếp tay hành vi lạm dụng đó” và “những cử chỉ sám hối cụ thể”.

Một Giáo hội hiệp hành đòi hỏi một “văn hóa minh bạch”, tôn trọng các thủ tục hiện hành để bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, và “các cấu trúc bổ sung dành riêng cho việc ngăn ngừa lạm dụng”. Thượng Hội đồng lưu ý rằng các giám mục đang ở trong tình thế khó khăn trong việc dung hòa “vai trò làm cha với vai trò thẩm phán” và đề nghị khám phá khả năng giao nhiệm vụ tư pháp cho một cơ quan khác được quy định trong Giáo luật.

Đức Tổng Giám mục Timothy P. Broglio, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ hôm 25. 10. 2023

  1. Hiệnnay các giám mục phải tìm cách làm thế nào để đưa những ý tưởng này đến với giáo dân để phân định sâu hơn và đưa trở lại Thượng Hội đồng.

Bản Tổng hợp 41 trang của Thượng Hội Đồng được chia thành 3 phần với các chủ đề quan trọng thực sự liên quan và ảnh hưởng đến toàn thể Dân Chúa.

Tại thời điểm này, Thượng Hội đồng để cho các Hội đồng Giám mục trên toàn thế giới phân định các bước tiếp theo cần thực hiện. Trong Khoá họp thứ nhất của Thượng Hội đồng, Đức Tổng Giám mục Timothy P. Broglio của Tổng Giáo phận Quân đội Hoa Kỳ, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã thừa nhận rằng các giám mục sẽ phải thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn, bao gồm cả việc khuyến khích các mục tử tham gia. Tỷ lệ tham gia của tín hữu Công giáo Hoa Kỳ vào tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng là 1%.

Viễn cảnh nhận được phản hồi về Bản Tổng hợp này trong vòng một năm dường như là điều rất khó khăn đối với các giám mục. Nếu tài liệu Thượng Hội đồng thực sự được suy xét kỹ lưỡng và phản hồi được cung cấp trong vòng 11 tháng, thì chắc hẳn các tín hữu giáo dân sẽ phải lên tiếng và tình nguyện làm việc với các mục tử và giám mục của họ để hoàn thành kịp thời cho Khoá họp thứ hai vào tháng 10.2024.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: oursundayvisitor.com (02.11.2023)

Nguồn: hdgmvietnam.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận