Trái tim mục tử không bao giờ đóng cửa

1136 lượt xem

 

TRÁI TIM MỤC TỬ KHÔNG BAO GIỜ ĐÓNG CỬA

Vatican News

 Ông Tornielli, tổng biên tập Vatican News, đã có bài bình luận về Tuyên bố “Fiducia supplicans”: Tuyên bố mở ra khả năng chúc lành đơn giản cho các cặp “bất hợp lệ”, thái độ của Chúa Giêsu và giáo huấn của Đức Phanxicô.

“Nemo venit nisi tractus”, không ai đến gần Chúa Giêsu nếu người đó không được thu hút, Thánh Augustinô đã viết, diễn giải những lời của Đấng Nazareth: “Không ai đến với tôi nếu Cha tôi không thu hút người đó”. Ở nguồn gốc của sự thu hút hướng về Chúa Giêsu – sự thu hút mà Đức Bênêđíctô XVI đã nói đến khi nhắc lại cách thức lan truyền đức tin – luôn luôn có hành động của ân sủng. Thiên Chúa luôn đi trước, kêu gọi, thu hút, khiến chúng ta bước một bước về phía Người hay ít nhất là khơi dậy trong chúng ta niềm khao khát thực hiện bước đó ngay cả khi chúng ta vẫn cảm thấy mình không còn sức lực và cảm thấy bị tê liệt.

Tâm hồn của một mục tử không thể thờ ơ với những ai đến với ngài một cách khiêm tốn để xin được chúc lành, bất kể hoàn cảnh, lịch sử, đường đời của họ. Trái tim của người mục tử không dập tắt ánh sáng leo lét của những người nhận thấy sự bất toàn của mình khi biết rằng họ đang cần đến lòng thương xót và sự giúp đỡ từ Trên cao. Trái tim của vị mục tử nhìn thấy trong lời thỉnh cầu xin chúc lành đó có một khe hở trên bức tường, một tia sáng loé qua mà qua đó ân sủng có thể đang hoạt động. Và do đó, mối quan tâm đầu tiên của ngài không phải là khép lại khe hở nhỏ, nhưng là chào đón, cầu xin phúc lành và lòng thương xót để những người trước mặt ngài có thể bắt đầu hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa dành cho cuộc đời họ.

Nhận thức nền tảng này trong Tuyên bố Fiducia supplicans của Bộ Giáo lý Đức tin về ý nghĩa của những lời chúc lành mở ra khả năng chúc lành cho các cặp không hợp pháp, ngay cả những người đồng giới, trong khi minh định rằng việc chúc lành trong trường hợp này không có nghĩa là chuẩn nhận các chọn lựa cuộc sống của họ và cũng nhắc lại sự cần thiết phải tránh mọi nghi thức hoặc các yếu tố khác có thể bắt chước một hôn nhân, ngay cả xa xa. Đây là một tài liệu đào sâu giáo thuyết về chúc lành, phân biệt giữa các nghi thức và phụng vụ, với các phép lành tự phát như những cử chỉ sùng kính gắn liền với lòng đạo đức bình dân. Đây là một văn bản cụ thể hóa, sau mười năm, về những lời được Đức Thánh Cha Phanxicô trong “Evangelii gaudium” rằng: “Giáo hội không phải là một cơ quan hải quan, mà là ngôi nhà của người cha, nơi có chỗ cho mọi người với cuộc sống mệt mỏi của họ”.

Nguồn gốc của Tuyên bố là Phúc âm. Trong hầu hết các trang Phúc Âm, Chúa Giêsu phá vỡ các truyền thống và quy định tôn giáo, chủ nghĩa giáo điều và các quy ước xã hội. Và Người thực hiện những cử chỉ gây sốc với những người nghĩ mình đạo đức, những người tự cho mình là “trong sạch”, những người dùng chuẩn mực và quy tắc làm lá chắn để đẩy lùi, khước từ, đóng cửa lại. Trong hầu hết các trang Tin Mừng, chúng ta thấy các tiến sĩ luật tìm cách làm khó Chúa bằng những câu hỏi toan tính gài bẫy và rồi lẩm bẩm phẫn nộ trước sự tự do tràn đầy lòng thương xót của Người: “Người này đón tiếp những kẻ tội lỗi và ăn uống với họ!”.

Chúa Giêsu sẵn sàng đến nhà viên đại đội trưởng Caphacnaum để chữa lành người đầy tớ yêu dấu của ông mà không sợ bị nhiễm uế khi vào nhà một người dân ngoại. Người cho phép tội nhân rửa chân trước ánh mắt phán xét và khinh thường của những vị khách khi không hiểu sao Người lại không đuổi cô ta đi. Người nhìn và gọi người thu thuế Gia-kêu đang ngồi trên cây sung. Ông không ngờ rằng khi nhận được cái nhìn thương xót đó, ông sẽ được Người hoán cải và làm thay đổi cuộc đời mình. Người không lên án người phụ nữ ngoại tình, người mà theo luật phải bị ném đá, nhưng Người tước vũ khí của những kẻ hành quyết chị bằng cách nhắc nhở họ rằng họ cũng như mọi người – đều là những tội nhân. Người nói rằng Người đến vì người bệnh tật chứ không phải vì người khỏe mạnh. Người so sánh mình với hình ảnh một người mục tử sẵn sàng bỏ 99 con chiên lại để đi tìm con duy nhất bị lạc. Người chạm vào người cùi, chữa lành bệnh tật và vết nhơ vì là một kẻ bị ruồng bỏ “không thể chạm tới”. Những người “bị khước từ” này đã gặp được cái nhìn của Người và cảm thấy được yêu thương, những người nhận được vòng tay thương xót dành cho họ mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Khi thấy mình được yêu thương và được tha thứ, họ nhận ra mình là ai: những tội nhân đáng thương như mọi người khác, cần sự hoán cải, những kẻ cần xin mọi sự.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các tân hồng y vào tháng 2 năm 2015 rằng: “Đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng hơn hết là đến và cứu những người ở xa, chữa lành vết thương cho người bệnh, tái hòa nhập mọi người vào gia đình của Thiên Chúa! Và Chúa Giêsu không sợ loại tai tiếng này!”

Tuyên bố chỉ ra rằng “Giáo thuyết Công giáo lâu đời về hôn nhân” không thay đổi: chỉ trong bối cảnh hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, “các mối quan hệ tình dục mới tìm thấy ý nghĩa tự nhiên, thích hợp và đầy đủ nhân bản của chúng”. Do đó, chúng ta phải tránh thừa nhận đây là hôn nhân. Nhưng từ góc độ mục vụ và truyền giáo, giờ đây cánh cửa không bị đóng lại đối với một cặp “bất thường” đến xin một phép lành đơn giản, như nhân dịp viếng thăm một đền thánh hoặc trong một cuộc hành hương. Học giả Do Thái Claude Montefiore đã xác định chính xác nét đặc biệt của Kitô giáo ở điểm này: “Trong khi các tôn giáo khác mô tả con người đang tìm kiếm Thiên Chúa, thì Kitô giáo lại công bố một Thiên Chúa tìm kiếm con người… Chúa Giêsu dạy rằng Thiên Chúa không đứng đợi sự ăn năn của tội nhân, nhưng Người đi tìm người ấy để gọi người ấy đến với mình”. Cánh cửa cầu nguyện mở ra và một lời chúc lành nhỏ bé có thể là một khởi đầu, một cơ hội, một sự trợ giúp.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận