Giới thiệu chi tiết 14 bức họa thời tử đạo

1607 lượt xem

GIỚI THIỆU CHI TIẾT 14 BỨC HOẠ THỜI TỬ ĐẠO

Tác giả: Kim Ân
Mùa hè năm 2009

WGPHN (23.11.2014) – 14 bức hoạ thời tử đạo hiện được lưu giữ tại Hội Thừa Sai Paris (MEP). Vì thời gian, bối cảnh lịch sử, tôn giáo và xã hội mà các bức hoạ diễn tả đã trở nên khá xa lạ với phần đông khán giả của thế kỉ 21, chúng tôi mạo muội tra cứu và dùng đôi chút hiểu biết ít ỏi của mình để tường giải, nhằm giúp những ai quan tâm có thêm thông tin về một giai đoạn đau thương nhưng hào hùng của Hội Thánh tại Việt Nam. Chúng tôi xin lần lượt giới thiệu các bức hoạ theo trình tự thời gian diễn ra các vụ án. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng, trong khả năng và điều kiện tư liệu cho phép, đọc những chữ Hán được ghi trên các bức hoạ.

1. Bức họa cuộc tử đạo của cha Phêrô Lê Tuỳ, ngày 11-10-1833 tại Nghệ An2. Bức họa cuộc tử đạo của cha Marchand Du, ngày 30-11-1835 tại Huế

3. Bức hoạ cuộc tử đạo của cha Jean-Charles Cornay Tân, ngày 20-09-1837 tại Sơn Tây

4. Bức hoạ cuộc tử đạo của thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Cần, ngày 20-11-1837 tại Hà Nội

5. Bức họa cuộc bắt bớ và giải thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự, cha Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm và Đức cha Pierre Dumoulin Borie Cao tới Quảng Bình, ngày 27-07 và 31-07-1838

6. Bức họa cuộc tử đạo của ông Micae Nguyễn Huy Mĩ, Antôn Nguyễn Đích và cha Giacôbê Đỗ Mai Năm, ngày 12-08-1838 tại Nam Định

7. Bức họa cuộc bắt bớ và giải thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh, thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và cha Phaolô Phạm Khắc Khoan tới thành Ninh Bình, ngày 24-08-1838

8. Bức họa cuộc tử đạo của Đức cha Pierre Dumoulin Borie Cao, ngày 24-11-1838 tại Đồng Hới

9. Bức họa cuộc tử đạo của thầy Phaolô Nguyễn Văn Mĩ, thầy Phêrô Trương Văn Đường và thầy Phêrô Vũ Văn Truật, ngày 18-12-1838 tại Sơn Tây

10. Bức họa cuộc tử đạo của thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh, thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, ngày 28-04-1840 tại Ninh Bình

11. Bức họa cuộc tử đạo của ông Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh và thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự, ngày 10-07-1840 tại Quảng Bình

12. Bức họa cuộc tử đạo của cha Phêrô Phạm Khanh, ngày 12-07-1842 tại Hà Tĩnh

13. Bức họa cuộc tử đạo của cha Augustin Schoeffler Đông, ngày 01-05-1851 tại Sơn Tây

14. Bức hoạ cuộc tử đạo của cha Jean-Louis Bonnard Hương, ngày 01-05-1852 tại Vĩnh Trị

1. Bức hoạ cuộc tử đạo của cha Phêrô Lê Tuỳ, ngày 11-10-1833 tại Nghệ An

Bức hoạ cao 1,660 m, rộng 0,942 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng. Bức họa chủ yếu được vẽ theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này khá sắc sảo. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm bốn phần: bị bắt – bị giam cầm – giải ra pháp trường – hành quyết.

Bị bắt: Góc phải, phần dưới của bức hoạ vẽ cảnh thánh nhân bị bắt. Trước tiên là hình ảnh một xóm nhỏ, phía trước xóm có cổng và con đường với dòng chữ Hán “Thanh Trác (?1 ) thôn” (lương dân thôn Thanh Trác đã bắt cha Phêrô Lê Tuỳ trên đường ngài đi kẻ liệt vào ngày 25-6-18332 ). Con đường trước thôn Thanh Trác hướng về phía một khu nhà có tường bao quanh. Liền phía trên khu nhà này có dòng chữ Hán “Thanh Chương huyện”3 . Ở góc dưới cùng của bức hoạ là hình một chòi canh, gần đó có dòng chữ Hán “Sa Nam đồn”. Cổng huyện lị Thanh Chương có con đường dẫn tới bến đò. Bên kia sông là đoàn người áp giải cha Phêrô Lê Tùy, người đeo gông, có một viên quan dẫn đầu và một nhóm lính vác gươm và gậy đi theo, đoàn người tiến về phía một toà thành nhỏ, phía trên có dòng chữ Hán “Anh (?) Sơn phủ”. Chếch về phía trái, góc dưới có một số ngôi nhà, phía trên là dòng chữ Hán “Vân Đồn xã”.

Bị giam: Phía trên cùng, góc phải là một toà thành với dòng chữ Hán “Nghệ An tỉnh”, hai cổng một bên là “Nam môn”, một bên là “chính Đông môn”. Trong thành, tại một căn nhà, cha Phêrô Lê Tùy đeo gong, nơi ngôi ngà có chữ “ngục thất”.

Giải ra pháp trường: Phía ngoài toà thành là đoàn quân gươm giáo tuốt trần áp giải thánh nhân ra pháp trường, có một viên quan cưỡi voi chỉ huy đoàn quân, trên đầu viên quan là dòng chữ “giám sát quan”. Chếch về phía trái là dòng chữ Hán “tống chí luận hình” – dẫn ra pháp trường. Một tên lính đi trước thánh nhân, trên vai vác bản luận tội với hàng chữ “Minh Mạng thập tứ niên bát nguyệt …”

MartyrePierreTUY18331

Hành quyết: Cảnh hành quyết chiếm phần trung tâm trên bức hoạ và được vẽ khá sinh động. Một đội quân cầm giáo tạo thành vòng tròn quanh pháp trường, bên ngoài có đám dân chúng với tư thế và y phục khá đa dạng; viên quan cưỡi voi cũng ở vòng này, phía trên đầu ông ta có mấy chữ “giám trảm quan”. Ngay sát nơi hành quyết, một viên quan mặc áo the đang đứng, tay cầm cuộn giấy, phía trên trên đầu ông ta là chữ “thị sát”. Đứng đối diện viên quan này, viên trưởng nhóm đao phủ mặc áo đỏ, đeo gươm và cầm roi. Bốn viên đao phủ với tư thế khác nhau vây quanh thánh nhân. Một thanh gỗ ghi bản án được cắm ngay tại nơi hành hình với nội dung bằng chữ Hán ở mặt trước: “NHẤT ĐẲNG danh Tùy Lê Tùy quán Hà Nội tỉnh Thường Tín phủ Thanh Trì huyện Ninh Xá tổng Bằng Sở xã cai phạm hệ bản quốc nhân cửu tập dị đoan tự xưng đạo trưởng tiềm hướng dân gia tứ hành phiến dụ nã liệp (?) tra tần khâm án xử trứ trảm lập quyết dĩ giới”; mặt sau: “Minh Mạng thập tứ niên bát nguyệt nhị thập bát nhật – thìn thời.”4 Chếch về phía dưới là chiếc gông vừa được gỡ khỏi cổ thánh nhân. Sau một hồi chiêng lệnh, viên đao phủ chém đầu thánh nhân bằng một nhát gươm duy nhất, sau đó hắn tung cho đầu rơi xuống đất. Máu phun lênh láng trên chiếu và trên đất. Liền phía dưới chiếc gông, một đám người tay cầm giấy đang chạy về phía vị tử đạo vừa bị hành quyết để thấm máu. Xác thánh nhân nằm sấp trên chiếu, tay bị trói giặt ra phía sau.

Chếch về góc phải ngang với pháp trường có vài ba căn nhà, phía trên có ba chữ Hán. Hai chữ đầu đã quá mờ, chữ sau cùng hẳn là chữ xã. Theo chúng tôi, đây rất có thể là họ đạo Trang Mìa (Trang Nứa?), nơi thánh nhân được an táng5 .

2. Bức hoạ cuộc tử đạo của cha Marchand Du, ngày 30-11-1835 tại Huế

Bức hoạ cao 1,500 m, rộng 0,836 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng. Họa sĩ đã ít nhiều áp dụng nghệ thuật hội họa Tây phương với phong cách tả thực và luật cận – viễn. Hai cảnh nhỏ ở phía trên bức họa, theo chúng tôi, có thể tạm coi như một cách áp dụng luật đồng hiện. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm ba phần: thẩm vấn lần thứ hai6 – hành quyết – kết thúc cuộc hành quyết.

Thẩm vấn lần thứ hai: Ở phía trên, góc trái của bức hoạ là cảnh cha Marchand Du bị thẩm vấn lần thứ hai tại Huế. Bị bắt tại Sài Gòn, bị đóng cũi và giải tới Huế ngày 15-10-1835, ngay ngày hôm sau, cha bị đem ra thẩm vấn lần thứ nhất, nhưng chưa bị hành hạ nhiều. Đêm 17-10-1835, do bị vu oan là tham gia cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi, cha bị thẩm vấn lần thứ hai và bị hành hạ bằng các loại kìm, kẹp nung đỏ. Bức hoạ cho ta thấy những vết thương ở tay và chân thánh nhân.

MartyreJosephMARCHAND18351

Hành quyết: Cảnh hành quyết ở trung tâm và chiếm phần lớn diện tích bức hoạ. Thánh nhân bị xử lăng trì, cũng còn gọi là bá đao hay tùng xẻo. Sáng 30-11-1835, thánh nhân bị dẫn đến họ đạo Thợ Đúc cùng với bốn người khác thuộc đảng Lê Văn Khôi cùng chịu án lăng trì với thánh nhân. Trên bức họa, xa xa là đội quân cầm giáo vây quanh nơi hành hình. Phía ngoài vòng vây quân lính là đám dân chúng, kẻ đứng người ngồi. Ở trung tâm bức họa, thánh nhân bị trói vào cột7 , bốn đao phủ vây quanh thánh nhân, một tên quì tay cầm rìu, ba tên còn lại cầm dao, kìm, móc để cắt từng miếng thịt trên người thánh nhân. Vì đã trải qua những nhục hình khủng khiếp buổi sáng hôm đó – không dưới ba lần thẩm vấn, sau mỗi lần là năm chiếc kìm nung đỏ kẹp vào da thịt cho tới khi những chiếc kìm nguội hẳn – thánh nhân trút hơi thở sau khoảng sáu vết xẻo8 .

Kết thúc cuộc hành quyết: Phía trên, góc phải của bức hoả tả lại đoạn kết của cuộc hành quyết. Khi thánh nhân trút hơi thở, các đao phủ chặt đầu thánh nhân, tháo xác khỏi cột hành hình, đặt nằm sấp trên đất, rồi dùng rìu chẻ xác làm bốn mảnh.

3. Bức hoạ cuộc tử đạo của cha Jean-Charles Cornay Tân, ngày 20-09-1837 tại Sơn Tây

Bức hoạ cao 1,660 m, rộng 1,213 m. Ngoài một số chi tiết phụ, bức họa hầu như chỉ miêu tả cuộc hành quyết theo góc nhìn phi điểu. Bức họa cũng được vẽ theo luật cường điệu với nhiều vòng tròn khác nhau, càng gần trung tâm, các chi tiết càng được vẽ lớn và kĩ lưỡng hơn. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm hai phần: những chi tiết phụ – cảnh hành quyết.

Những chi tiết phụ: Ở phía dưới, góc trái bức họa là mô hình một tòa thành với dòng chữ Hán “Sơn Tây tỉnh” (thánh nhân đã bị giam giữ tại tòa thành này cùng với ba thày giảng). Pháp trường diễn ra vụ hành quyết thánh nhân cũng ở gần tòa thành này. Ở những góc còn lại của bức họa, có những đám dân chúng đứng hoặc ngồi chứng kiến vụ hành quyết9 . Bên trong đám dân chúng là đội quân cầm giáo đứng vòng quanh nơi hành hình. Viên quan giám trảm cưỡi ngựa có lọng che, đang cầm loa cũng đứng ở vòng này.

Cảnh hành quyết: Cuộc hành quyết được miêu tả khá chi tiết. Góc trái là chiếc cũi 10, phía bên phải chiếc cũi là hai viên quan đang cầm bản án trong tay, có vẻ như họ đang đọc bản án. Bản án này cũng được viết trên một thanh gỗ sơn vôi cắm ngay tại nơi hành hình, như chúng ta thấy trong bức họa11 . Tiếp theo về phía bên phải là xiềng xích12 , búa tháo xiềng, và vài chiếc cọc (những chiếc cọc vốn được đóng xuống nền đất để cột chặt chân tay tử tội)13 .

MartyreJeanCharlesCORNAY18371

Thân thể thánh nhân nằm sấp14 và được đặt trên một chiếc chiếu điều, cũng chính là chiếc chiếu trải chân bàn thờ đã theo thánh nhân suốt những ngày bị giam giữ15 , và vừa bị sáu viên đao phủ (ba viên dùng gươm, hai viên dùng búa nhỏ, một viên dùng búa lớn) chặt ra từng mảnh. Hai chân và hai tay bị chặt ở các khớp gối. Viên đao phủ vừa chặt đầu thánh nhân xách đầu thánh nhân bằng tay phải – chiếc mũ sọ màu đen (calotte) mà thánh nhân đã đội trong cuộc hành hình vừa văng ra khỏi đầu – tay trái hắn đưa lưỡi gươm đầy máu lên miệng và dùng lưỡi liếm máu. Viên đao phủ đứng liền bên hắn đang nghiêng người moi gan thánh nhân để ăn 16, dưới chân hắn là hai chiếc cọc và sợi dây đã dùng để giữ chặt đầu thánh nhân ở vị trí hai bên thái dương17 . Những viên đao phủ khác vẫn đang xẻ xác thánh nhân, một phần áo vẫn còn cột vào tay thánh nhân. Một chi tiết đặc biệt trong cuộc hành quyết này: viên quan giám trảm đã không theo trình tự thông thường của một vụ xử lăng trì, sau tiếng chiêng đầu tiên, ông đã ra lệnh cho đao phủ chặt đầu thánh nhân trước, sau đó mới cắt các khớp tay và khớp chân18 . Viên đao phủ chính đã chặt đầu thánh nhân bằng một nhát gươm duy nhất.

4. Bức hoạ cuộc tử đạo của thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Cần, ngày 20-11-1837 tại Hà Nội

Bức họa cao 1,675 m, rộng 1,196 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được vẽ theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này kém sắc sảo so với các bức họa khác. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm bốn phần: thẩm vấn 1 – thẩm vấn 2 – dẫn ra pháp trường – cảnh hành quyết.

Thẩm vấn 1: Ở góc trái, phía dưới, bức họa giới thiệu cảnh một tội nhân đeo gông và bị căng ra trước thềm một căn nhà. Một người mặc áo xanh, quần điều, đang ngồi trong nhà, xung quanh có những nhóm người đang đứng hoặc ngồi. Phía trên, góc phải của căn nhà là hai chữ Hán “huyện nha”. Ở đây, chúng tôi thiển nghĩ cần giải thích thêm rằng trên đường chuyển thư của Đức Cha Retord Liêu cho cha Tuần, ngày 19-04-1836, thầy Nguyễn Cần bị bắt tại làng Ke-Vac (Kẻ Vác), bị đánh đòn rồi vài ngày sau bị giải tới huyện đường Thanh Trì. Hẳn phần này của bức họa này đã vẽ cảnh diễn ra tại huyện nha Thanh Trì.

Thẩm vấn 2: Phần này chiếm gần trọn nửa trên của bức họa với một tòa thành lớn, có kì đài cao. Ở tường thành, ngay phía chân kì đài là dòng chữ Hán “Hà Nội tỉnh thành”, cổng bên trái có chữ “đông môn” và cổng bên phải có chữ “bắc môn”. Phía trong tòa thành có hai khu nhà với tường bao quanh. Phía trên khu nhà bên phải có dòng chữ “tổng đốc quan”. Sau khi bị bắt và giải tới Thanh Trì, thánh nhân bị giải tới Hà Nội và bị điệu ra trước mặt quan tổng đốc, bị đánh đòn và ép buộc bước qua thập giá. Trong bức họa, trước mặt quan tổng đốc, hai tên lính đang cầm hai đầu gông để kéo thánh nhân bước qua thập giá. Thánh nhân co chân lên để không chạm chân lên biểu tượng thiêng thánh. Ở cổng khu nhà bên trái có hai chữ “ngục môn” – cổng nhà ngục, phía trong là cảnh thánh nhân đeo gông, bị cùm chân, với nhiều tù nhân khác xung quanh19 .

MartyreFrancoisXavierCAN1

Dẫn ra pháp trường: Ngày 20-11-1837, một đội quân đông đảo áp giải20 thánh nhân qua cửa bắc đi ra pháp trường Ô Cầu Giấy. Bức họa giới thiệu một phần đoàn người đi ra pháp trường. Thánh nhân đeo gông, mặc áo đỏ, tay chỉ lên trời. Khi ra khỏi cổng thành, đoàn người dừng lại để chờ sáu tử tội khác cùng bị hành quyết hôm đó. Thánh nhân đã tận dụng cơ hội này để giảng, trong khoảng một giờ, một bài ứng khẩu cho đám quan lại, quân lính và đông đảo dân chúng đi theo về sự chết. Một tên lính đứng phía trước thánh nhân vác một phiến gỗ có những chữ Hán “nhất bài Nguyễn Tiến Truật …”21 .

Cảnh hành quyết: Cảnh hành quyết được vẽ theo góc nhìn phi điểu. Một đội quân cầm giáo đứng vòng quanh pháp trường. Phía góc trái pháp trường là ba viên quan cưỡi voi, một viên quan mặc áo đỏ đang quát loa. Xa xa, những đám dân chúng đang túm tụm đứng xem cuộc xử án. Bên trong vòng quân cầm giáo, một người phụ nữ đứng chắp tay quay về phía viên quan cầm loa, phía đầu bà ta có những chữ “… hồi mai tang thổ”. Gần nơi hành quyết, cách người phụ nữ đó không xa là một người phụ nữ khác đang bưng khay. Bà ta và một nhóm giáo dân đã chuẩn bị một bữa tiệc với chút rượu cho thánh nhân ăn trước khi chịu hành hình. Gần chỗ bà ta đứng là bốn phụ nữ, kẻ đứng người ngồi, một bà đang cầm trong tay xấp vải 22. Trong số sáu tử tội cùng chịu án với thánh nhân, bốn người đã bị chém đầu, một người khác đang bị tên đao phủ kề gươm vào cổ, một người vẫn còn quì giữa pháp trường. Gần nơi hành quyết thánh nhân, gông và xiềng vừa được gỡ ra. Thánh nhân vừa bị xử giảo, tức xiết cổ. Hai toán lính hai bên vẫn đang cầm sợi xích tròng qua cổ thánh nhân, một tên lính mặc áo xanh đang nghiêng người về phía thánh nhân23 . Một tên đao phủ đang dùng gươm cắt cổ thánh nhân24 . Bản án thánh nhân cũng được ghi trên một phiến gỗ sơn vôi và cắm gần bên nơi hành quyết. Nội dung bản án bằng chữ Hán như sau: “Nguyễn Tiến Truật quán Thường Tín phủ Sơn Miêng xã cai phạm bản [quốc?] tòng Gia Tô đạo hựu bất khẳng khoá quá thập tự thẩm án xử cấp lập quyết tư bài. Minh Mạng thập bát niên cửu nguyệt thập bát nhật.”25

5. Bức hoạ cuộc bắt bớ và giải thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự, cha Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm và Đức cha Pierre Dumoulin Borie Cao tới Quảng Bình, ngày 27-07 và 31-07-1838

Bức họa cao 1,709 m, rộng 0,890 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được vẽ theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này khá sắc sảo. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm ba phần: lùng sục và bắt bớ – giải đi – giam cầm và thẩm vấn.

Lùng sục và bắt bớ: Phía dưới bức họa là hình ảnh vài ngôi làng, có những nhóm quân lính và hai người đang quì. Nơi vài ngôi nhà ở góc trái, phía dưới, có chữ “Cồn Giờ”26 . Ở phía dưới của vài ngôi nhà có mấy người đứng và quì có hai chữ “Lệ Sơn”. Hai chữ phía trên

Arrestation Pierre BORIE Vincent DIEM Pierre TU 1838

đầu hai người đang quì là “oa gia”27 . Phía dưới, góc phải là hai chữ “đại hải”. Chúng tôi xin mạo muội giải thích thêm ở đây. Năm 1838, vua Minh Mạng ra lệnh lùng bắt cha Candalh Kim, giám đốc chủng viện Di Loan. Ngày 02-07 năm đó, quân lính bắt được cha Khoa và hai thầy giảng Đức và Khang. Khi bị tra tấn, thầy Khang đã khai rằng có một thừa sai Âu Châu ở vùng Bố Chính. Quân lính lập tức đi bố ráp vùng này, đặc biệt vùng ven biển. Ngày 27-7, họ tìm được một số đồ vật của cha Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm và bắt đầu tra khảo chủ nhà. Sáng hôm sau, một người tên là Yên đã đồng ý dẫn quân lính đến nơi cha Điểm ẩn trốn, nơi các đụn cát gần làng Đan Sa 28. Trong bức họa, cha Điểm đầu tóc bạc phơ – lúc đó ngài đã 74 tuổi – ngồi trong một lùm cây, bên cạnh có nải chuối. Quân lính cầm gậy, một đám đang núp, hai tên tiến về phía cha Điểm, gần đó là một người đang chạy, phía dưới có hai chữ “Sa Sơn”. Bắt được cha Điểm, quan quân chưa hài lòng và họ quyết tâm lùng sục để tìm ra vị thừa sai Âu Châu. Trên đường truy tìm, họ bắt được một tín hữu tên là Thanh và nạt nộ anh. Anh này khai ra là có nhìn thấy một người vóc dáng rất lớn ở gần bờ biển. Quan quân tiếp tục lùng sục suốt đêm đó. Khi cha Borie Cao, lúc đó đang trốn trong một bụi cây, nghe tiếng quan quân tới gần, ngài biết đã bị lộ nên ra nộp mình. Giữa đêm tối, quan quân thấy một người cao lớn tiến ra nên hoảng sợ. Một tên lính ra lệnh cho vị thừa sai quì xuống. Tuy nhiên, để trấn át nỗi sợ, hắn vẫn vung gậy đánh vào lưng ngài. Đó là chuyện diễn ra sáng ngày 31-07-1838. Trong bức họa, quân lính cầm gậy đang từ nhiều hướng tiến về phía cha Borie Cao, một tên đang vung gậy. Phía sau mấy tên lính là những chữ “Trường Sa Sơn”.

Giải đi: Phần giữa bức họa trình bày cảnh giải ba vị chứng nhân của Chúa Giêsu đi về tỉnh lị Quảng Bình. Phía sau lưng đoàn người là vài căn nhà có tường bao quanh với ba chữ “Quảng Trạch huyện”. Đoàn quân áp giải mang gươm giáo. Ba tù nhân mang gông. Cha Borie cao đi đầu, sau đó là cha Điểm, cuối cùng là thầy Tự (người giúp việc cha Borie Cao, thầy đã tự tới nộp mình lúc cha Cao bị bắt). Chỉ huy đoàn áp giải là một viên quan cưỡi ngựa mặc áo xanh. Phía trên đầu đoàn người áp giải có hai chữ “giải tỉnh”. Trước mặt đoàn người là một dòng sông, ở mép bức họa có chữ “đò Gianh”.

Giam cầm và thẩm vấn: Phần trên bức họa là một tòa thành, cổng bên phải có chữ “chính đông môn”, cổng bên trái có chữ “chính nam môn”. Bên trong tòa thành là cảnh công đường. Hai viên quan áo đỏ và áo xanh ngồi chính giữa, có hai nhóm quan lại ngồi hai bên tả hữu. Trước thềm công đường, hai hàng lính cầm giáo đứng hai bên. Giữa sân công đường, thầy Tự bị căng ngang ra bằng hai chiếc cọc đóng xuống đất. Thầy đang bị hai tên lính đánh đòn và mông thầy đầy vết máu. Cha Cao và cha Điểm đeo gông đứng gần đó 29. Nóc công đường có dòng chữ “Quảng Bình tỉnh tra”. Liền bên công đường là một ngôi nhà, phía trong có năm người đeo gông. Phía trên căn nhà có chữ “ngục thất”. Tại ngục thất Quảng Bình, ba vị chứng nhân của Chúa còn gặp hai vị chứng nhân khác là cha Phêrô Võ Đăng Khoa và ông lang Năm, tức Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh.

6. Bức hoạ cuộc tử đạo của ông Micae Nguyễn Huy Mĩ, Antôn Nguyễn Đích và cha Giacôbê Đỗ Mai Năm, ngày 12-08-1838 tại Nam Định

Đây là bức họa lớn nhất, chiều cao 1,804 m, chiều rộng 1,965 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được vẽ theo nhiều thủ pháp nghệ thuật dân gian khác nhau như luật đồng hiện, luật tẩu mã và luật phi điểu. Nét vẽ trong bức họa này không sắc sảo cho lắm. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm bốn phần: bắt bớ và giải đi – giam cầm và thẩm vấn – dẫn ra pháp trường và hành quyết – mai táng.

MartyreJacquesNAMMichelMIetPierreDICH18381

Bắt bớ và giải đi: Cảnh bị bắt và giải đi chiếm gần trọn phần dưới của bức họa. Ở góc trái, bức họa giới thiệu cảnh quân lính cầm giáo bao vây một khu dân cư30 . Phía trước căn nhà trong bức họa có bốn chữ “Vĩnh Trị dân cư”. Quan quân đã bắt được cha Giacôbê Đỗ Mai Năm tại nhà ông Antôn Nguyễn Đích (ông trùm Đích). Quan quân cũng bắt luôn ông Micae Nguyễn Huy Mĩ là con rể ông trùm Đích, cũng là lí trưởng làng Vĩnh Trị. Bức họa cho ta thấy cảnh ba vị bị trói và điệu ra đình làng Vĩnh Trị, tại đây, ông lí Mĩ bị căng ra sân đánh đòn. Đứng gần ông lí Mĩ là ông trùm Đích. Cha Năm đứng phía sau ông trùm Đích. Cách đình làng không xa về phía bên phải, một tên lính đang đi lùng sục, cướp bóc của cải. Bên ngoài vòng vây quân lính, chếch về phía trái, một đám người đang mang vác đồ đạc đưa lên thuyền bên bờ sông Đáy. Phía phải, gần sát đường là một khu làng xóm với dòng chữ “Vỉ Nhuế xã cư dân”31 .

Chếch về phía trên một chút, ba vị mang gông bị quân lính áp giải lên huyện, một viên quan nằm trên cáng ở phía đầu đoàn người. Trước mặt họ là khu nhà có tường bao quanh với hai chữ “huyện nha”. Dưới chân đoàn người là dòng chữ “kí giao huyện sở”. Phía sau đoàn người là ngọn núi nhỏ với hai chữ “Nhôi sơn”, chỗ mấy người đang bắn có chữ “xạ trường”, chếch về phía dưới có một ngôi chùa và ngọn núi với chữ “Hổ sơn”.

Ở phía dưới, góc phải của bức họa, quân lính áp giải ba người mang gông, trong cáng không có người vì viên quan mặc áo xanh đã ra khỏi cáng, trước mặt viên quan là bến đò và dòng chữ “huyện quan giao tù tại tuần phủ quan”. Bên kia sông là vài ngôi nhà với những chữ “Phù Sa đồn”. Chếch lên phía trên một chút, một viên quan mặc áo xanh, quần đỏ và đoàn lính áp giải ba người mang gông, trên đầu đoàn người có hai chữ Hán “giải tỉnh”.

Giam cầm và thẩm vấn: Phần trên, gần trọn góc bên phải là một tòa thành, phía trong có chữ “Nam Định tỉnh thành”. Ba cổng trong bức họa được vẽ theo lối tẩu mã. Cổng phía dưới có chữ “chính nam môn”, cổng bên trái có chữ “chính tây môn”, cổng phía trên có chữ “chính bắc môn”. Góc tây nam tòa thành là cảnh công đường. Quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh mặc áo xanh ngồi giữa, có tả hữu hai bên. Ba tù nhân đeo gông đang ở sân công đường, hai hành lính vác gươm tuốt trần đứng hai bên. Các quan muốn ép ba vị bước qua thập giá. Ông lí Mĩ chịu thử thách đầu tiên32 . Hai tên lính đang cầm ai đầu gông để ép ông bước qua thập giá. Ông co chân lên để không chạm vào biểu tượng thiêng thánh đó. Một tên lính đang vung roi đánh ông, một tên khác cầm chân ông kéo ra, nhưng không thể làm ông bước qua thập giá. Phía sau công đường là một ngôi điện33 . Chếch về phía đông bắc của tòa thành là cảnh ba người ngồi trong một căn nhà với hai chữ “ngục thất”.

Dẫn ra pháp trường và hành quyết: Ở góc phải, phía trên của bức họa là cảnh ba vị chứng nhân của Chúa bị điệu ra pháp trường. Ba vị đeo gông, cha Năm đi đầu, có đoàn quân lính vác giáo áp giải. Phía trước mỗi vị, một tên lính vác phiến gỗ ghi bản án34 .

Phía trước mặt đoàn người, cảnh hành quyết chiếm trọng góc trái, phần trên của bức họa, với nhiều chi tiết khá thú vị. Một đội quân đông đảo cầm giáo đứng vòng quanh pháp trường. Quan tổng đốc và hai viên quan khác cưỡi trên ba thớt voi để chủ trì cuộc xử. Ba vị tử đạo quì trên ba manh chiếu, mấy tên lính đang tháo gông ra khỏi cổ ông trùm Đích. Một tên đao phủ đang vung gươm chém ông lí Mĩ35 . Chiếc gông vừa được tháo khỏi cổ ông bị ném trên nền đất gần đó. Phần cha Năm, gông xiềng vừa được tháo khỏi cổ cha. Viên đao phủ đang chuẩn bị hành hình. Một tên lính đeo gươm đứng phía sau cầm một cây sào sẽ dùng để bêu đầu cha ba ngày như án lệnh. Gần chỗ hành quyết cha là ba chữ “luận hình xứ”. Phía bên trái pháp trường, một đám dân chúng chạy qua hàng rào quân lính để vào thấm máu các vị tử đạo, ba tên lính dùng roi và sống gươm đánh đập họ, nhưng họ vẫn xông vào. Ở phía trên, góc trái bức họa, một người đang ngồi với xấp vải dùng để tẩm liệm ba vị tử đạo.

Mai táng: Trở lại phía dưới của bức họa, một đoàn người đông đảo36 cầm đuốc rước xác ba vị tử đạo về an táng tại làng Vĩnh Trị. Phía trước xác mỗi vị là phiến gỗ ghi bản án đã cắm tại nơi hành quyết. Trên phiến gỗ đầu tiên có chữ “nhất bài Mai Ngũ”, phiến thứ hai có chữ “nhất bài Nguyễn Văn Khiêm”37 , phiến thứ ba có chữ “nhất bài Nguyễn Huy Mĩ”. Ở gần đầu đoàn rước có dòng chữ “tương38 hồi mai táng”. Cũng ở gần đầu đoàn rước, chếch về phía dưới, thân nhân các vị tử đạo mặc đồ tang ra đón.

7. Bức hoạ cuộc bắt bớ và giải thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh, thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và cha Phaolô Phạm Khắc Khoan tới thành Ninh Bình, ngày 24-08-183839

Bức họa cao 1,470 m, rộng 0,800 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được vẽ theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này khá sắc sảo. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm ba phần: bị bắt – giải đi – giam cầm và thẩm vấn.

Bị bắt: Bức họa không vẽ cảnh ba thánh nhân bị bắt. Tuy nhiên, ở phía dưới, góc phải, bức họa giới thiệu cảnh một ngôi làng. Ngày 24-08-1838, một lương dân tố cáo với quan, và cha Phaolô Phạm Khắc Khoan đã bị bắt tại làng Đông Biên cùng với hai thầy giảng giúp việc là thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh.

Giải đi: Buổi tối ngày bị bắt, ba thánh nhân bị giải đi Ninh Bình. Cảnh giải đi nằm ở giữa bức họa. Một đám đông chức việc và lương dân cầm gậy và đuốc áp giải ba thánh nhân, phía cuối đoàn rước là một viên quan cưỡi ngựa. Cha Phaolô Phạm Khắc Khoan đã 66 tuổi, không thể tự đi được nên nằm trên cáng, phía sau là thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh mang gông trên cổ. Ở phía dưới đoàn người, chếch về bên phải là một nhóm người mang theo gậy gộc, kẻ nằm người ngồi. Đây là nhóm giáo dân định tới giải cứu ba vị, nhưng khi thấy không thể giải cứu được vì đoàn người đã lên đường đi về tỉnh lị Ninh Bình, nhóm giáo dân chán nản ngồi xuống hoặc nằm ngay bên vệ đường.

Giam cầm và thẩm vấn: Nửa trên bức họa là một tòa thành. Cửa thành bên phải có các chữ “chính đông môn”, cửa bên trái có chữ “chính nam môn”. Bên trong tòa thành, phần trung tâm là cảnh công đường, quan tổng trấn mặc áo xanh ngồi trong công đường có hai ban tả hữu hai bên. Trước sân công đường là hai hàng lính, ở giữa là ba thánh nhân đeo gông và mang xiềng. Một viên quan đang cầm tay thầy Hiếu để kéo thầy bước qua thập giá. Cha

Arrestation Paul KHOAN Pierre HIEN et J B THANH 1837

Khoan đứng liền sau thầy Hiếu, phía sau ngài là thầy Thanh40 . Chếch về góc phải, bức họa giới thiệu ba thánh nhân mang xiềng gông trong một ngôi nhà, đó là ngục thất tỉnh lị Ninh Bình. Ba vị đã bị giam cầm tại đó gần 20 tháng, trước khi bị đem đi xử chém vào ngày 28-04-1840.

8. Bức hoạ cuộc tử đạo của Đức cha Pierre Dumoulin Borie Cao, ngày 24-11-1838 tại Đồng Hới

MartyrePierreBorie18381

Bức họa cao 1,690 m, rộng 1,074 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng theo luật cường điệu, dường như có áp dụng đôi chút nghệ thuật tả thực. Trong số mười bốn bức, đây là một trong những bức họa có nét vẽ tương đối sắc sảo.

Bức họa tả cảnh pháp trường với những chi tiết giống như trong đa số các bức họa khác. Một đội quân cầm giáo đứng vòng quanh pháp trường. Hai viên quan cưỡi voi chủ trì cuộc hành quyết. Bên ngoài vòng vây quân lính, dân chúng đứng xem khá đông. Ở trung tâm bức họa, Đức cha Borie Cao đang quì trên một manh chiếu, hai tay bị trói về phía sau, áo bị lột trễ xuống tới bên trên thắt lưng41 . Xung quanh Đức cha Borie Cao có năm người khác: viên trưởng toán đao phủ mặc áo đỏ đứng cắp roi, một viên đao phủ đứng chống gươm, viên đao phủ đang vung gươm và cạnh đó là hai viên đao phủ khác. Bức họa cho thấy máu chảy lênh láng trên cổ, chảy xuống áo Đức cha Borie Cao và xuống manh chiếu. Thực ra, họa sĩ đã không thể tả hết những điều đã xảy ra. Chúng tôi xin trích dịch lại một đoạn trong cuốn La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères, do Hội MEP ấn hành năm 1865 : « … Tên lính được lệnh chém đầu ngài đã uống say để bớt sợ hãi, đến nỗi tay anh ta bị run rẩy nên chém không trúng. Nhát chém thứ nhất trúng tai và theo đà trượt xuống hàm dưới rồi làm vỡ hàm. Nhát chém thứ hai hớt đi phần bả vai và ngoặt vào cổ. Nhát chém thứ ba khá hơn, nhưng chưa thể làm đầu rơi xuống đất. Thấy cảnh này, viên quan án sát42 hoảng sợ lùi lại. Phải tới nhát chém thứ bảy, màn trình diễn đẫm máu này với hoàn tất, nhưng chỉ sau khi vị tử đạo đã ngã xuống, các viên đao phủ mới cắt đầu ngài lìa khỏi thân.43 »

Phía trước mặt vị tử đạo, chiếc gông vừa tháo khỏi cổ bị ném xuống đất. Cạnh đó là phiến gỗ sơn vôi ghi bản án. Chúng tôi chỉ còn đọc được lõm bõm một số chữ trên bản án như sau : « Danh Cao tức … Phú Lãng Sa quốc … Gia Tô tà giáo cuồng dụ ngu dân … nã tróc quả thị Tây dương nhân đạo trưởng … trảm lập quyết tư bài thị. Minh Mạng thập cửu niên thập nguyệt sơ bát nhật. »

9. Bức hoạ cuộc tử đạo của thầy Phaolô Nguyễn Văn Mĩ, thầy Phêrô Trương Văn Đường và thầy Phêrô Vũ Văn Truật, ngày 18-12-1838 tại Sơn Tây

Bức họa cao 1,680 m, rộng 1,218 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được vẽ theo luật đồng hiện, luật cường điệu với góc nhìn phi điểu. Nét vẽ trong bức họa này không sắc sảo lắm 44. Bức họa được chia làm hai phần khá rõ rệt: tra khảo – hành quyết.

Tra khảo: Phần dưới của bức họa là cảnh thẩm tra các Kitô hữu. Phía trái, một viên quan mặc áo đỏ đang ngồi trên sập, bốn viên quan khác đang ngồi trước mặt ông ta. Ba thầy giảng mặc áo nâu, đeo gông và mang xiềng, đứng đầu là thầy Mĩ, sau đó là thầy Đường và thầy Truật. Phía sau ba thầy, hai tên lính đang xui các thầy chối đạo. Trước mặt các thầy, bẩy Kitô hữu vừa bước qua thập giá vẫn còn đeo gông, một người khác đang bước qua thập giá.

Hành quyết : Cảnh hành quyết chiếm gần trọn bức họa. Phía dưới, góc phải là hình ảnh thành Sơn Tây, với ba chữ « Sơn Tây tỉnh », nơi ba thầy đã bị giam giữ từ tháng 6-1837. Pháp trường, nơi diễn ra cuộc hành quyết cũng nằm gần tòa thành này.

MartyrePaulMIPierreDUONGetPierreTRUAT18381

Khung cảnh hành quyết trong bức họa này cũng giống như trong hầu hết các bức họa khác. Một đội quân cầm giáo đứng vây quanh pháp trường, hai viên quan cưỡi ngựa và hai viên quan cưỡi voi giám sát cuộc hành quyết. Bên ngoài, dân chúng tới xem khá đông. Ở góc trái, bên ngoài vòng vây quân lính, một người mặc áo nâu đang đứng, đó là cha Triêu. Vị linh mục này đã đón các vị chứng nhân của Chúa trên đường ra pháp trường để ban phép xá giải cho các vị45 . Đứng cách cha Triêu không xa là một nữ tu cũng mặc áo nâu, tay phải cầm nón, tay trái đang đưa vạt áo lên lau nước mắt 46.

Cùng bị xử tử với ba thầy giảng còn có chín người bị tội chém đầu và bốn người bị xử giảo như ta có thể quan sát trong bức họa. Ba thầy giảng bị xử giảo, mỗi vị nằm trên một manh chiếu do giáo dân đưa tới. Thầy Đường vẫn còn mặc nguyên cả áo, thầy Mĩ và thầy Truật bị lột áo tới thắt lưng. Tay các thầy bị trói quặt ra sau lưng, chân bị trói. Một chiếc cọc đóng chắc phía chân, một chiếc cọc khác đóng ngang phía cổ và có một tên lính giữ cọc này. Một sợi dây được buộc vào chiếc cọc và tròng qua cổ mỗi vị. Ba tên lính cầm đầu kia của sợi dây và chờ hiệu lệnh. Sau lệnh loa của viên quan cưỡi voi, một hồi chiêng vang lên và các tên lính đồng loạt kéo các sợi dây. Thầy Mĩ và thầy Truật có thêm chiếc gông đệm dưới ngực.

Trong bức họa, thầy Mĩ đã tắt thở. Một tên lính đốt gan bàn chân của thầy theo như thông lệ cuộc xử giảo, để chắc chắn rằng người tử tội đã chết. Phía đầu thầy có cắm một phiến gỗ sơn vôi ghi bản án. Chúng tôi đọc được lõm bõm những chữ như sau : « Nguyễn Văn Hữu47 quán Hà Nội tỉnh Lí Nhân phủ Thanh Liêm huyện Sơn Nga xã cai phạm nguyên tòng Gia Tô đạo … kinh dĩ tam khai mộc ( ?) hựu bất khẳng khóa quá thập tự bản niên thu thẩm khâm án xử giảo lập quyết tư bài. Minh Mạng thập cửu niên cửu nguyệt nhị thập cửu nhật. »48 Ba bộ xiềng sắt xếp ngay ngắn gần phiến gỗ ghi tội trạng. Viên trưởng toán đao phủ mặc áo đỏ đeo gươm đứng cách đó không xa.

Bốn tên lính vẫn đang kéo dây xiết cổ thầy Truật. Chúng tôi đọc được một số chữ như sau trên phiến gỗ ghi bản án của thầy : « Nguyễn Văn Truật quán … phủ Sơn Vi huyện Hà Thạch xã cai phạm nguyên tòng Gia Tô đạo … kinh dĩ tam khai mộc ( ?) hựu bất khẳng khóa quá thập tự bản niên thu thẩm khâm án xử giảo lập quyết tư bài. Minh Mạng thập cửu niên cửu nguyệt nhị thập cửu nhật. »

Bốn tên lính khác cũng đang kéo sợi dây xiết cổ thầy Đường49 . Chúng tôi đọc được trên phiến gỗ ghi bản án một số chữ như sau : « Nguyễn Văn Đường quán tại Hà Nội tỉnh Lí Nhân phủ Thanh Liêm huyện Ninh Phú xã cai phạm nguyên tòng Gia Tô đạo … kinh dĩ tam khai mộc ( ?) hựu bất khẳng khóa quá thập tự bản niên thu thẩm khâm án xử giảo lập quyết tư bài. Minh Mạng thập cửu niên cửu nguyệt nhị thập cửu nhật. » Một viên quan mặc áo xanh, có lính che lọng, đứng ngay bên nơi hành quyết thầy.

10. Bức hoạ cuộc tử đạo của thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh, thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, ngày 28-04-1840 tại Ninh Bình

MartyrPaulKHOANPierreHienetJ BThanh18401

Bức họa cao 1,470 m, rộng 0,797 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được vẽ theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này khá sắc sảo và có nhiều điểm tương đồng về cách sử dụng mầu sắc, bố cục, hình họa so với bức vẽ cuộc tử đạo của cha Phêrô Lê Tùy. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm ba phần: giải ra pháp trường – cuộc hành quyết – mai táng.

Giải ra pháp trường: Phía trên cùng của bức họa là cảnh đoàn quân áp giải cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh ra pháp trường. Đoàn quân vác giáo, hoặc gươm tuốt trần trên vai. Trong số ba vị chứng nhân của Chúa, cha Khoan đi đầu50 , sau đó là thầy Hiếu và sau cùng là thầy Thanh. Phía trước mỗi vị đều có một tên lính vác một phiến gỗ sơn vôi và ghi bản án.

Cuộc hành quyết: Cảnh hành quyết ở phần trung tâm và chiếm gần trọn bức họa với rất nhiều chi tiết thú vị. Giống như ở hầu hết các bức họa tả cảnh hành quyết khác, một đội quân cầm giáo đứng vây quanh pháp trường, viên quan giám trảm mặc áo xanh cưỡi ngựa51 , dân chúng tới xem khá đông, với y phục và tư thế đa dạng. Ở trung tâm của bức họa, ba vị quì trên chiếu điều, các phiến gỗ ghi bản án cắm ngay bên nơi xử. Đầu cha Khoan đã bị chém lìa khỏi cổ52 , viên trưởng toán đao phủ cầm chiếc đầu giơ lên cao. Tên đao phủ đã chém đầu cha Khoan dùng thanh gươm còn vấy máu cắt vào chân hắn53 . Gần đó, tên đao phủ vẫn đang tiếp tục giơ gươm chém xuống cổ thầy Hiếu. Tên đao phủ thứ ba đang dùng gươm cứa cổ thầy Thanh, vì đầu thầy hầu như đã lìa cổ sau một nhát chém. Cạnh nơi hành quyết, xiềng và gông cùng với kìm và búa phá gông xiềng vẫn còn nằm rải rác đây đó. Bên trong vòng vây quân lính, liền bên xác cha Khoan, hai người đàn ông đang ngồi để chuẩn bị đem xác thánh nhân đi. Xa hơn một chút, một người đàn bà ngồi ngay dưới chân viên quan đánh chiêng. Bà ta đã dọn sẵn một bình rượu và cơi trầu để trong thúng, dùng làm lễ vật xin quan giám trảm cho lấy xác các vị tử đạo. Ở ngoài vòng quân lính, chếch về phía dưới, góc trái, hai người đàn bà đang ngồi cạnh chiếc thúng với những xấp vải dùng để tẩm liệm xác các vị tử đạo. Gần chỗ hai bà là một đoàn bốn người hành khất áo quần rách rưới.

Mai táng: Bức họa không tả rõ công việc mai táng, nhưng ở phía dưới có hình vẽ một ngôi làng, đó là làng Yên Mối54 , nơi chôn cất xác thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu. Chếch về góc phải, phía dưới bức họa, một người đàn ông đang vác phiến gỗ ghi bản án. Cạnh ông ta là mấy người đàn ông đang khiêng một chiếc cáng. Những người này đang đưa xác cha Phaolô Phạm Khắc Khoan về mai táng tại giáo xứ Phúc Nhạc55 .

11. Bức hoạ cuộc tử đạo của ông Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh và thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự, ngày 10-07-1840 tại Quảng Bình

Bức họa cao 1,710 m, rộng 0,947 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này khá sắc sảo và có nhiều điểm tương đồng về cách sử dụng mầu sắc, bố cục, hình họa so với những bức họa tả cuộc tử đạo của cha Phêrô Lê Tùy, cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, cuộc vây bắt Đức cha Borie Cao và một số bức họa khác. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm hai phần: giải ra pháp trường – cuộc hành quyết.

Martyre Antoine NAM et Pierre TU 1840

Giải ra pháp trường: Nửa trên của bức họa là hình ảnh một góc của tòa thành có kì đài cao. Ở góc trái, gần chân kì đài có chữ “Quảng Bình tỉnh”. Trên cổng ở góc trái có chữ “chính tây”. Phía trên cùng là một khúc sông với khá nhiều thuyền lớn nhỏ56 . Góc phải của bức họa có hai chữ “đại giang”. Tại ngôi nhà gần cổng “chính tây” có chữ “ngục thất”. Một đoàn quân mang gươm giáo trên vai, có hai vị quan cưỡi ngựa chỉ huy, đang áp giải hai chứng nhân của Chúa đi từ ngục thất, qua cổng thành. Hai chứng nhân vai đeo gông, có một tên lính vác phiến gỗ ghi bản án đi phía trước. Ông trùm Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (tức ông lang Năm) đi trước, phía sau ông, người con trai cầm nón che đỡ cho cha cái nắng dữ dội của mùa hè57 . Phía bên trên đầu ông trùm Năm có hai chữ “lang Năm”. Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự đi phía sau và cũng đeo gông. Phía bên trên đầu thầy có hai chữ “Văn Tự”. Ở đầu đoàn người có dòng chữ “tống chí luận hình”. Con đường đoàn người đang đi dẫn tới một cổng lớn với chữ “Quảng Bình quan”. Trên các chòi canh ở dọc theo tường thành hai bên cổng có những khẩu thần công.

Cuộc hành quyết: Khung cảnh hành quyết được vẽ khá sinh động. Một đội quân cầm giáo đứng vây quanh pháp trường. Hai viên quan mặc áo xanh ngồi trên lưng ngựa chủ trì cuộc hành quyết. Ở phía trên đầu viên quan đang cầm loa, có lọng che, là chữ “giám sát quan”. Phía trên đầu viên quan kia là chữ “thị sát”. Dân chúng với y phục và tư thế đa dạng đến xem khá đông.

Ở giữa pháp trường, hai chứng nhân nằm trên những manh chiếu. Hai bộ gông bị ném chỏng chơ gần nơi hành quyết. Phiến gỗ luận tội cũng cắm liền đó. Tay các tử tội bị buộc chặt vào cọc cắm xuống đất. Hai chân của các tử tội bị trói và cũng bị buộc vào một cây cọc đóng xuống đất. Một sợi dây tròng qua cổ ông trùm Năm, mỗi đầu sợi dây là ba tên lính đang ra sức kéo. Ngồi sát nơi ông trùm Năm chịu hành hình có bẩy người phụ nữ, là những người con gái và con dâu của ông. Phía sau họ là hai người con trai của ông trùm Năm đang đứng. Về phần thầy Tự, ba tên lính phía tay phải đã buông dây, chiếc cọc ghim tay phải thầy xuống đất cũng đã bị bung lên. Ba tên lính kéo dây phía tay trái đang chỉ trỏ về phía thầy. Máu trào ra từ mồm và mũi thầy58 .

12. Bức hoạ cuộc tử đạo của cha Phêrô Phạm Khanh, ngày 12-07-1842 tại Hà Tĩnh

Bức họa cao 1,670 m, rộng 0,952 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng theo luật phi điểu và luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này rất sắc sảo và có nhiều điểm tương đồng về cách sử dụng mầu sắc, bố cục, hình họa so với những bức họa tả cuộc tử đạo của cha Phêrô Lê Tùy, cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, cuộc vây bắt Đức cha Borie Cao và một số bức họa khác. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm ba phần: bắt và giải đi – tra khảo và giam cầm – cuộc hành quyết.

Bắt và giải đi: Ở phần dưới, bức họa giới thiệu một con thuyền khá lớn xuôi theo dòng sông . Tại khúc sông sát mép dưới bức họa, một con thuyền nhỏ hơn đậu bên bờ sông59, gần đó, một người đang cõng một cụ già, liền phía trên lưng cụ già là chữ “ông Khanh”60 . Phía trước hai người là một ngôi nhà có tường bao quanh với chòi canh khá cao, liền phía trên là

MartyrePierreKHANH1

chữ “Tam Sa đồn”61 . Từ đồn Tam Sa có một con đường đi xuyên qua những dãy nhà lá. Dãy nhà bên hữu ngạn dòng sông có chữ “hạ thị” – chợ dưới, dãy nhà bên tả ngạn có chữ “thượng thị” – chợ trên. Một bến đò nối hai khu chợ hai bên dòng sông với chữ “đò hạ”. Chếch về phía trên, bên hữu ngạn còn có hai khu nhà. Khu nhà phía dưới có chữ “Thọ Kì xã”62 , khu nhà phía trên có chữ “An Thái tộc”. Đi qua đò hạ, một đoàn lính vác gậy và giáo mác do một viên quan mặc áo xanh dẫn đầu đang áp giải cha Khanh về phủ Đức Thọ. Cha Khanh mang gông, gần phía dưới chân cha có chữ “đồn quan giải phủ”. Ở khu nhà có những cổng lớn và tường bao quanh, phía trước mặt đoàn người, có dòng chữ “Đức Thọ phủ”. Bên ngoài tường phủ đường có một người đang dắt ngựa, một người khác đang ngồi gục mặt, phía dưới người này có chữ “thằng cắt cỏ ngựa”.

Tra khảo và giam cầm: Ở phần trên của bức họa là một tòa thành lớn. Phía sát mép trên của bức họa là chữ “Hà Tĩnh tỉnh”. Cổng bên phải của tòa thành có chữ “chính bắc môn”. Cổng sát mép trái có chữ “chính tây”. Bên trong tòa thành, giữa công đường có hai viên quan áo đỏ và áo xanh đang ngồi, mỗi bên tả và hữu có hai người ngồi. Ở sân trước công đường, cha Khanh bị căng ra đánh đòng. Chân tay cha bị trói và bị buộc vào cọc ghim xuống đất. Ở phía trước và phía sau cha, mỗi phía có hai tên lính cắp gươm. Gần phía chân cha, một tên lính cầm roi đang chờ lệnh quan. Sát thềm công đường là chữ “tỉnh tra”. Gần công đường, chếch về bên trái là cảnh cha đeo gông ngồi trong nhà ngục. Phía trên nhà ngục có chữ “ngục thất”.

Cuộc hành quyết: Ngày 12-7-1842, cha Phê rô Phạm Khanh bị 30 tên lính vác giáo điệu từ nhà ngục, qua cổng bắc đi ra pháp trường. Cha Khanh đeo gông, bốn tên đao phủ vác gươm đi trước và sau cha. Một tên lính vác phiến gỗ ghi bản án đi phía trước cha. Trên phiến gỗ có chữ “Thiệu Trị nhị niên nguyệt nhật”. Phía đầu đoàn người là dòng chữ “tống chí luận hình”.

Khung cảnh pháp trường được vẽ khá sinh động. Một đội quân cầm giáo vây quanh khu hành hình. Hai viên quan cưỡi voi chỉ huy cuộc xử. Phía đầu viên quan có lọng che là chữ “giám sát quan”. Phía đầu viên quan kia là chữ “thị sát”. Dân chúng với y phục và tư thế đa dạng tới xem khá đông. Ở chính giữa pháp trường, xác cha Khanh nằm sấp trên chiếu, tay bị trói quặt ra sau lưng, máu phun lênh láng từ cổ. Chiếc gông vừa được gỡ ra nằm gần đó. Toán đao phủ và một viên quan đứng vây xung quanh nơi hành quyết. Sau ba hồi chiêng, tên đao phủ chính chém rơi đầu cha bằng một nhát chém duy nhất, sau đó hắn đưa thanh gươm đẫm máu lên miệng liếm. Viên trưởng toán đao phủ giơ đầu cha lên cao, hướng về phía hai viên quan cưỡi voi 63. Phiến gỗ ghi bản án được cắm sát bên nơi hành quyết. Chúng tôi đọc được một số chữ trên bản án như sau: “… Khanh quán Hà Nội tỉnh Thường Tín phủ Phú Xuyên huyện Quảng Nguyên xã Thị thôn hệ thị đạo trưởng … một lương tâm … tòng tà giáo bất cố sinh thành bất phụng tổ tiên khâm án xử … vi trảm quyết tư bài.”64

13. Bức hoạ cuộc tử đạo của cha Augustin Schoeffler Đông, ngày 01-05-1851 tại Sơn Tây

Bức họa cao 0,890 m, rộng 1,295 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng. Bức họa được vẽ theo góc nhìn cố định duy nhất, theo luật cận viễn và có dùng bóng sáng tối.

Khung cảnh pháp trường được vẽ lại với nhiều chi tiết giống với những cuộc hành quyết tại các bức họa khác. Ở bức họa này, phía xa xa là thành Sơn Tây với cột cờ cao. Tại nơi hành quyết, hai vị quan cưỡi voi chỉ huy cuộc xử án. Một đội quân đông đảo vây quanh pháp trường bằng ba vòng tròn: vòng trong cùng cầm giáo, vòng thứ hai bồng súng và vòng thứ ba vác gươm trên vai 65. Dân chúng kéo tới rất đông đảo để xem cuộc hành quyết. Cha Augustin Schoeffler quì trên đất, áo lột xuống bên trên thắt lưng, tay bị trói về phía sau. Bức họa cũng cho thấy trên cổ vị tử đạo đã có vết chém. Trong bức họa, viên đao phủ chính đang vung gươm. Vì run rẩy nên tên đao phủ phải chém tới ba nhát, sau đó hắn còn phải dùng gươm cứa cho đầu lìa khỏi cổ. Xung quanh vị tử đạo còn có ba viên đao phủ khác vác gươm hoặc chống gươm xuống đất. Xích xiềng được tháo ra và ném ngay gần nơi hành quyết. Viên chỉ huy toán đao phủ mặc áo đỏ đứng gần đó. Ngay trước mặt vị tử đạo là phiến gỗ sơn vôi ghi bản án66 .

Martyre Augustin SCHOEFFLER 1851

Chúng tôi cũng xin dịch lại một đoạn trong bức thư Đức cha Retord Liêu nói về bức họa này: “Đó là cách thức tạo nên các vị tử đạo tại nơi đây: một đoàn người oai nghiêm gồm các vị quan cưỡi voi và quân lính mang theo vũ khí, một đám đông đảo đủ hạng những kẻ đi xem, và ở giữa đoàn người này, một vị tông đồ trẻ tuổi, trái tim bừng cháy lửa mến yêu, tay trói giặt sau lưng, mắt hướng lên trời là nơi ngài đang nóng lòng vươn tới; một linh mục người Pháp có học vấn xuất sắc, nhân đức vượt trội, quì gối xuống đất và gần bên ngài là viên đao phủ vung gươm chém đầu ngài! Vâng, thưa Quí Ngài, đó là cách thức tạo nên các vị tử đạo tại nơi đây. Có lẽ những người am hiểu sẽ thấy bức họa này ít phù hợp với những chuẩn mực nghệ thuật, vì đó là tác phẩm của một nghệ sĩ chưa từng được học hành về hội họa nơi sách vở hay tại trường của bất cứ vị thầy nào. Nhưng vẻ đẹp của tác phẩm này không quan trọng lắm, chính chủ đề của bức họa mới là yếu tố quyết định sự tò mò đầy lòng thành kính của Quí Vị: hẳn Quí Vị cũng sẽ thấu hiểu được chủ tâm của kẻ gửi bức họa này tới Quí Vị, như một bằng chứng khiêm tốn của lòng biết ơn, đối với sự quan tâm mà Quí Vị đã luôn dành cho sứ vụ của kẻ hèn mọn này.”67

14. Bức hoạ cuộc tử đạo của cha Jean-Louis Bonnard Hương, ngày 01-05-1852 tại Vĩnh Trị

Bức họa cao 1,070 m, rộng 1,789 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng. Phần chính của bức họa được vẽ rất sống động từ góc nhìn cố định theo luật cận viễn và có dùng bóng sáng tối đồng thời áp dụng cả luật đồng hiện trong hội họa dân gian. Chúng tôi tạm chia bố cục bức họa thành hai phần: sau cuộc hành hình – nghi thức an táng.

Sau cuộc hành hình: Ở phía dưới, góc phải, bức họa giới thiệu phía xa xa một tòa công đường. Gần tòa công đường là một nhóm lính cầm giáo đeo gươm. Viên quan giám sát cưỡi trên lưng voi với một nhóm lính cầm mộc đeo gươm đứng gần đó68 . Một nhóm giáo dân ngồi ở góc bức họa69 . Viên đao phủ chém đầu cha bằng một nhát chém duy nhất. Trong bức họa, hắn vẫn còn đứng chống gươm xuống đất. Bốn tên lính đang khiêng xác cha, một tên khác xách đầu cha bước về phía hai chiếc thuyền, máu chảy lênh láng dưới đất70 . Cách hai chiếc thuyền lớn không xa, bức họa giới thiệu cảnh bốn chiếc thuyền nhỏ của giáo dân đang vớt xác thánh nhân từ lòng sống ở độ sâu chừng 25 bộ, tức khoảng 7,5 m.

ObsquesJeanLouisBONNARD18521

Nghi thức an táng: Xác vị tử đạo lập tức được đưa về nhà tràng Vĩnh Trị71 , được mặc áo lễ và đặt tại nhà nguyện nhà tràng với đèn đuốc sáng trưng như ta thấy trong phần chính của bức họa. Lúc đó khoảng 1 giờ sáng ngày 02-05-1852. Các giáo hữu làng Vĩnh Trị và các thầy nhà tràng tới kính viếng xác vị tử đạo. Trong bức họa, cha Phaolô Lê Bảo Tịnh, giáo sư nhà tràng, mặc áo trắng đứng ngay gần xác vị tử đạo. Ở phía dưới của bức họa, một nhóm phụ nữ đã vượt qua hàng rào nhà tràng để vào xem xác vị tử đạo, nhưng một thầy giảng mặc áo nâu, tay cầm roi đang xua đuổi họ. Xác vị tử đạo được quàn tại đó cho tới tối ngày hôm sau, Đức Cha Retord Liêu cùng một vị thừa sai, một linh mục Việt Nam và các thầy giảng tới cử hành nghi thức an táng. Trong bức họa, Đức cha Retord Liêu và đoàn tùy tòng đang từ phía phải tiến vào nhà nguyện. Cây thánh giá ở xa xa, phía sau hàng cau chính là nơi sẽ an tang vị tử đạo.

Trên đây, chúng tôi đã cố gắng dùng hiểu biết hạn hẹp của mình giới thiệu một số chi tiết của 14 bức họa. Những sự kiện được tả lại trong các bức họa diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài, liên quan tới khá nhiều địa danh ở cả ba miền đất nước. Tài liệu chúng tôi dựa vào để viết về những bức họa này lại chủ yếu bằng Pháp ngữ. Do vậy, chúng tôi không thể tránh được những sai sót liên quan đến tên các nhân vật và địa danh. Chúng tôi rất mong được những bậc am tường chỉ dạy thêm.

Chúng tôi thiết nghĩ cũng cần phải kể ra ở đây một chi tiết nhỏ. Có nhiều người đã tỏ ý không hài lòng khi chúng tôi dùng cách viết lí do thay vì lý do, hi vọng thay vì hy vọng, lí giải thay vì lý giải v.v… Bên cạnh lí do về ngữ âm học, chúng tôi còn dựa vào một lí do khác nữa: việc nghiên cứu lại các sách vở về thời tử đạo khiến chúng tôi phải tìm đọc nhiều loại tài liệu khác nhau, nhờ thế, chúng tôi biết được rằng ít nhất, đó đã là cách viết tiếng Việt của một số linh mục người Việt vào thế kỉ 18.

Khi tham khảo tài liệu, chúng tôi cũng đọc được bài Chung quanh lễ Phong Thánh các Anh Hùng Tử Đạo Việt-Nam do Đức ông Vinhsơn Trần Ngọc Thụ, thỉnh nguyện viên được Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn ủy quyền chính thức trong vụ án phong thánh, viết nhân dịp kỉ niệm 10 năm biến cố trọng đại, ngày 19-06-1998, trong đó Đức ông cho biết về công trình kì diệu Thiên Chúa đã làm trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam: “… sự thăng tiến của Giáo Hội ở đây sẽ là căn bản phép lạ thiêng liêng thay thế cho một phép lạ thực sự sau cùng, mà lẽ ra theo Giáo luật phải có để tuyên thánh cho các Chân Phúc Tử Đạo VN.” Dưới cái nhìn như thế, việc sùng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở những nghi lễ linh đình long trọng, nhưng phải hướng tới điều cốt yếu là sống niềm tin các vị tử đạo đã tuyên xưng và làm cho niềm tin ấy sinh hoa kết trái trong đời sống hằng ngày.

Như vậy, 14 bức họa mà chúng tôi giới thiệu ở đây không chỉ là những chứng tích của một thời oanh liệt, nhưng phải là lời mời gọi tiếp tục trở nên những chứng nhân Tin Mừng trong thời điểm và hoàn cảnh hiện tại của lịch sử đất nước.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org


*Ghi chú:

1. Chúng tôi đặt dấu hỏi chấm ở những chỗ chúng tôi nghi ngờ vì chữ Hán trong bức hoạ đã quá mờ.

2. Xem MEP, La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères, Charles Douniol, libraire-éditeur, Paris 1865, tr. 107.

3. Sauk hi bắt được cha Phêrô Lê Tùy, người thôn Thanh Trác đã giải ngài lên quan huyện.

4. Bản án bằng chữ Hán được chúng tôi ghi theo phiến gỗ ghi bản án cắm tại pháp trường lúc hành hình thánh nhân, hiện được lưu giữ tại Phòng tử đạo thuộc Hội Thừa Sai Paris. Ở phần dưới của phiến gỗ, mặt trước, còn có những chữ Hán : « Thiên Chúa giáng sinh nhất thiên bát bách tâm thập tam niên – quí tị ». Cuốn sách đã dẫn (sđd) ở trang 51-52 dịch lại nguyên văn bản án ra Pháp ngữ như sau: «Le nommé Tùy Lê Tuy, de la province de Hâ-Nôi, de la sous-préfecture de Thùong-Tin, du bailliage de Thành-Trì, du canton de Ninh Hòp, du bourg de Binh-so, est un criminel. C’est certainement un homme de ce royaume-ci et il sème depuis longtemps une doctrine extraordinaire ! Lui-même s’avoue chef de religion ; il va dans les maisons du peuple, ça et là, à son gré, le séduisant par de mielleuses paroles. Il a été pris, mis en prison, interrogé, et la sentence de son exécution a été portée, ordonnant de lui couper la tête, publiquement et sans hésiter. Prenez ceci et regardez-le comme un ordre. » Mặt sau của thanh gỗ là dòng chữ được dịch ra tiếng Pháp ngữ như sau: « Minh-Mênh, 14e année, 8e lune, 28e jour, entre 7 et 9 heures du matin. » Khi thời gian cho phép, chúng tôi sẽ bàn về bản nghị án này trong một bài viết khác.

5. Xem MEP, sđd, tr. 109.

6. Theo cuốn sđd, cha Marchand Du bị hành hạ bằng kìm nung đỏ tới hai lần. Lần đầu, trong cuộc thẩm vấn lần thứ hai, diễn ra vào ngày 17-10-1835. Lần thứ hai, trên đường ra pháp trường, ngày 30-11-1835. Dựa vào những miêu tả về cuộc tử đạo của thánh nhân, chúng tôi cũng đồng ý với các tác giả cuốn sđd rằng hình ảnh ở góc trên, phía trái của bức hoạ giới thiệu hình phạt chịu kẹp kìm nung đỏ trong lần thẩm vấn thứ hai. Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ khả năng tác giả bức hoạ muốn giới thiệu hình phạt kẹp kìm nung đỏ mà thánh nhân phải chịu trên đường ra pháp trường.

7. Cuốn sđd, trang 133 kể rằng quân lính đóng năm giá hình chữ thập xuống đất theo một đường thẳng, cha Marchand du bị trói vào giá thứ hai, hai tay bị buộc vào thanh ngang.

8. Xem MEP, sđd, tr. 125-135.

9. Theo chúng tôi, trong đám dân chúng đứng ở vòng ngoài hẳn phải có vị thầy thuốc, một viên chức cấp thấp người Công giáo, vị nữ tu và một chị đầy tớ, những người đã thu nhặt các phần thân thể và thấm máu thánh nhân sau vụ hành quyết như cuốn sđd thuật lại ở trang 144-145.

10. Theo lời của chính thánh nhân trong cuốn sđd ở trang 138, thì đây là chiếc cũi gỗ chiều dài chừng năm bộ, chiều rộng và chiều cao chừng bốn bộ, bốn chân cao sáu thốn. Đây là chiếc cũi thứ hai dùng để nhốt thánh nhân. Chiếc cũi thứ nhất, dùng để nhốt thánh nhân khi thánh nhân bị bắt ngày 20-6-1837 tại làng Bau-Nô (tức Bầu Nọ), có bốn thanh gỗ ở bốn góc, phần còn lại bằng tre.

11. Nguyên văn bản án được dịch ra tiếng Pháp ở trang 142, cuốn sđd như sau : « Le nommé Tan, dont le vrai nom est Cao-Lang-Ni (Cornay) du royaume de Fu-Lang-sa (France) et de la ville de Loudun, est coupable comme chef de fausse secte, déguisé dans ce royaume, et comme chef de révolte. L’édit souverain ordonne qu’il soit haché en morceau, et que sa tête, après avoir été exposé durant trois jours, soit jetée dans le fleuve. Que cette sentence exemplaire fasse impression partout. – Fin de l’inscription. » « Le 21 de la 8e lune de la 18e année du règne de Minh-Mênh. » Trên phiến gỗ ghi bản án được dựng tại nơi hành hình, chúng tôi đọc được dòng chữ Hán «Danh Tân … Minh Mạng thập bát niên bát nguyệt nhị thập tam nhật », nghĩa là ngày hai mươi ba tháng tám năm Minh Mạng thứ mười tám.

12. Cũng theo cuốn sđd, trang 138, thì đây là một chiếc xiềng hình tam giác, gồm một khong sắt ở cổ và hai khong sắt ở hai chân. Các khong này được tán đinh với sợi xích nối từ cổ xuống tới thắt lưng, rồi phân đôi thành hai sợi nối với hai khong ở đùi.

13. Xem MEP, sđd, tr. 143.

14. Xem MEP, sđd, tr. 143.

15. Xem MEP, sđd, tr. 143.

16.  Tác giả cuốn sđd, ở trang 28 ghi rằng : « … son voisin, penché sur le corps, coupe un morceau du cœur pour s’en régaler dans un horrible festin. » Chúng tôi đồng quan điểm với tác giả Launay Andrien trong cuốn Les Cinquante-deux serviteurs de Dieu in tại Paris năm 1893, tập I, trang 243 : « Un satellite coupe en morceau le foie du vénérable Cornay afin de le manger », nghĩa là viên đao phủ đang moi gan chứ không phải moi tim. Cuốn La salle des Martyrs do hội MEP ấn hành năm 1988, ở trang 5 cho biết thêm rằng vì ngưỡng mộ lòng can đảm của thánh nhân, mấy viên đao phủ đã ăn gan và liếm máu thánh nhân, vì họ tin rằng nhờ thế họ sẽ có được lòng can đảm của người chịu tử tội.

17. Xem MEP, La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères, Charles Douniol, libraire-éditeur, Paris 1865, tr. 143.

18. Xem MEP, sđd, tr. 143 ; xem thêm MEP, La salle des Martyrs, 1988, tr. 5.

19. Cuốn La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères do hội MEP ấn hành năm 1865, ở trang 20 cho biết thêm rằng quan tổng đốc đã giam chung thánh nhân với những tên tù đại phạm. Cuốn sđd ở trang 148 trích lại lời thánh nhân rằng : « Tôi bị giam chung với mười lăm tên vô lại ngoại giáo mà lời lẽ và hành động thật đáng ghê tởm. »

20. Cuốn sđd, trang 155 thuật lại rằng đoàn áp giải gồm năm viên quan cưỡi voi dẫn đầu, sau đó là hai viên sĩ quan cưỡi ngựa, ba trăm lính mặc áo điều, gươm tuốt trần.

21. Nguyễn Tiến Truật là tên chính thức của thánh nhân.

22. Cuốn sđd, trang 156 thuật lại rằng vào lúc hành hình thánh nhân, một nhóm giáo dân, đàn ông và đàn bà đã chạy xuyên qua hàng rào quân lính

23. Cuốn sđd, trang 156 cho biết toán lính gồm mười hai tên, chia thành hai nhóm, đứng bên phải và bên trái thánh nhân. Cuốn sách cũng nói rằng khi giờ hành quyết điểm, có hai tên lính đã tới ghé vào tai thánh nhân thầm thì điều gì đó.

24. Cuốn sđd, ở trang 20-21 và 157 cho biết rằng theo thông lệ, các tên lính dùng lửa đốt gan bàn nhân các tử tội, và vì có tin đồn rằng các Kitô hữu có thể phục sinh sau ba ngày, một tên đao phủ đã dùng gươm cắt cổ thánh nhân.

25. Chúng tôi xin tạm dịch bản án như sau : « Nguyễn Tiến Truật quê tại xã Sơn Miêng, phủ Thường Tín, người bản quốc phạm tội theo đạo Gia Tô lại không chịu bước qua thập tự, xét án xử lập tức. Ngày mười tám tháng chín năm Minh Mạng thứ mười tám. »

26. Chữ thứ hai ở đây (徐) cũng còn có thể đọc là từ, chờ, chừa, thờ.

27. Oa gia có nghĩa là gia đình chứa chấp. Tội oa gia trong thời bách hại đạo Công giáo ở Việt Nam là tội của gia đình chứa chấp các vị thừa sai hoặc các linh mục bản quốc.

28. Ở mép trái của bức họa, hơi chếch về phía trên đoàn người đang giải ba tù nhân, có vài ba ngôi nhà với ba chữ « Đan Sa xã ».

29. Cuốn sđd, ở trang 209-210 cho biết rằng ngay hôm bị giải tới tỉnh, cha Cao đã bị đánh 30 roi.

30. Cuốn sđd, ở trang 23 và trang 176 kể rằng ngày 02-07-1838, ba trăm quân kéo tới vây làng Vĩnh Trị, trụ sở địa phận Tây Đàng Ngoài lúc đó.

31. Theo cuốn Đồng Khánh địa dư chí, xã Vĩnh Trị (永治) thuộc tổng Ngọc Chấn (玉震), huyện Đại An (大安), phủ Nghĩa Hưng (義興), tỉnh Nam Định (南定). Tổng Ngọc Chấn nằm sát tổng Vỉ Nhuế (tự dạng chữ Hán trong phần bản đồ của cuốn sách nàylà 嬀汭 – Qui Nhuế), trong tổng này có xã Vỉ Nhuế.

32. Cuốn sđd, trang 180 cho biết rằng trong khoảng 40 ngày bị giam cầm, ông lí Mĩ đã nhiều lần bị đánh đòn. Ông cũng tình nguyện chịu đòn thay cho bố vợ đã già yếu. Trong khoảng thời gian đó, ông đã bị đánh tổng cộng khoảng 500 roi.

33. Trong ngôi điện có ba chữ Hán. Chúng tôi chỉ đọc được chữ đầu là kính và chữ cuối là điện. Theo sđd, trang 24 thì đây là kính thiên điện. Nhưng chữ ở giữa không thể là chữ thiên.

34. Cuốn sđd ở trang 186 có dịch lại nguyên văn bản án kết tội cha Năm ra Pháp ngữ như sau : « Le sieur Nam, natif de Dông-Biên est un Annamite qui s’est laissé séduire par un Européen qu’ils appellent l’Evêque Jacques. Il est si profondément imbu de sa mauvaise doctrine qu’il a été impossible de lui faire comprendre son erreur. Arrêté et mis à la question, il a refusé de fouler la croix aux pieds ; il est manifeste que parmi les sectateurs des mauvaises doctrines, c’est un des plus coupables. En conséquence, il est condamné à avoir la tête tranchée et exposée au haut d’un poteau pour l’instruction publique. »

35. Sđd, trang 187 kể rằng tên đao phủ nói nếu ông cho hắn năm quan tiền hắn sẽ chém một nhát mát mẻ. Ông trả lời : “Năm quan tiền để làm phúc cho kẻ khó, chẳng có tiền cho chú mình đâu, muốn băm vằm thế nào thì mặc”. Tên đao phủ bực mình chém ông tới năm nhát, đầu ông mới lìa cổ. Vài tài liệu khác cũng cho biết rằng ông lí Mĩ đã xin quan xử cha Năm và ông trùm Đích trước, ông xin chịu chém sau cùng. Các quan đã đồng ý cho làm đúng như thế.

36. Sđd, trang 188 nói rừng đoàn rước đông tới hàng trăm người.

37. Nguyễn Văn Khiêm là tên chính thức của ông trùm Đích.

38. Chữ 將 cũng được đọc là tướng, khi đó chữ này có nghĩa là viên tướng. Cũng cần nói thêm rằng trên bức họa này còn khá nhiều chữ Hán, nhưng một phần vì chữ đã mờ, một phần vì tác giả dường như vẽ chữ, nên chúng tôi không thể đọc được hết.

39. Ở phía dưới bản chụp bức họa này có dòng chữ Pháp ngữ : « Arrestation des Sts. Paul Khoan, Pierre Hieu et J.-B. Thanh. Ninh Binh 1837 ». Tuy nhiên, chúng tôi dựa vào cuốn La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères do hội MEP ấn hành năm 1865, ở trang 253, để xác định ngày các thánh nhân bị bắt.

40. Cuốn sđd ở trang 253-254 cho biết rằng ngay khi tới Ninh Bình, các vị đã bị thẩm vấn và đánh đòn, bị dùng nhiều thủ đoạn dọa dẫm và mua chuộc, nhưng các vị đã cương quyết trung thành với niềm tin vào Thiên Chúa.

41. Theo cuốn sđd, trang 14-15 và 214-216, cùng bị xử tử ngày 24-11-1838 với Đức cha Borie Cao còn có hai vị khác là cha Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm và cha Phêrô Võ Đăng Khoa. Cũng cuốn sách trên, ở trang 15 còn cho biết thêm rằng bức họa còn được lưu giữ hiện nay là một bản sao, được vẽ để gửi tặng thân mẫu Đức cha Borie Cao. Có lẽ vì thế mà họa sĩ đã chỉ vẽ cảnh hành quyết Đức cha Borie Cao và lược bỏ cảnh xử giảo cha Điểm và cha Khoa. Cuốn sách cũng cho biết Đức cha Borie Cao ngước mắt lên trời, nhìn về phía tây.

42. Bản Pháp ngữ ghi là « le mandarin criminel ». Chúng tôi xin tạm dịch là quan án sát.

43. Hội MEP, sđd, tr. 216 : « Le soldat auquel on avait imposé l’ordre de lui trancher la tête, s’était enivré pour s’étourdir, en sorte que sa main, mal affermie, portait les coups à faux. Le premier atteignit l’oreille et dans sa violence descendit jusqu’à la mâchoire inférieure qu’il entama. Le second enleva le haut des épaules et le replia sur le cou. Le troisième fut mieux dirigé, mais il ne fit point tomber la tête. A cette vue le mandarin criminel recula d’horreur. Il fallut y revenir jusqu’à sept fois pour achever cette œuvre de sang, et ce ne fut même qu’après que le martyr fut tombé, qu’on sépara la tête du tronc. » Cuốn La salle des Martyrs do Hội MEP ấn hành năm 1988 còn cho biết thêm rằng sau đó viên đao phủ đã bị đánh đòn.

44. Cuốn sđd, trang 16 cho biết rằng bức họa này chỉ là một bản sao.

45. Cuốn sđd, trang 221 thuật lại rằng cha Triêu đã bất chấp nguy hiểm, bốn lần lẻn vào nhà lao để giải tội và trao Mình Thánh Chúa cho ba thầy giảng.

46. Cuốn sđd, trang 18 kể lại rằng đây là nữ tu đã cung cấp những vậy dụng thường ngày cho các vị tử đạo trong suốt thời gian các thầy bị giam cầm.

47. Nguyễn Văn Hữu là tên chính thức của thầy Mĩ.

48. Nguyên văn bản án được dịch ra Pháp ngữ ở cuốn sđd, trang 18-19 với một số dị biệt : « Le sieu Hua (nom supposé de Paul Mi), de la maison de Ngu-Yen, dont la patrie est Son-Ngà, commune de l’arrondissement de Thanh-Oaï, est coupable et a déjà été condamné pour faire profession de suivre Jésus. La sentence d’automne de l’année courante ordonne l’exécution du coupable par la trangulation. De Minh-Mênh, la 19e année, le 2e de la 11e lune. »

49. Cuốn sđd, trang 223 kể rằng thầy Đường đã phải chịu cơn hấp hối khó khăn hơn thầy Mĩ và thầy Truật. Vì thiếu kinh nghiệm, các tên lính hành hình đã không biết cách kéo dây, khiến đầu thầy bị đảo qua đảo lại và bê bết đất. Cơn hấp hối cũng kéo dài hơn.

50. Cuốn sđd, trang 259 thuật lại rằng trên đường ra pháp trường, cha Phaolô Phạm Khắc Khoan và hai thầy giảng đã cao giọng hát bài Te Deum et Benedicamus Domino.

51. Cuốn sđd, trang 260-261 cho biết rằng vì có thiện cảm với ba vị tử đạo, các viên quan đã khá dễ dãi và để mặc cho các tín hữu lấy xác và thu nhặt các thánh tích tại pháp trường.

52. Cuốn sđd, trang 260 cho biết rằng đầu cha Khoan lìa khỏi cổ sau ba nhát chém. Thầy Hiếu đã phải chịu khá nhiều nhát chém. Còn thầy Thanh, chỉ sau một nhát chém, hầu như đầu thầy đã lìa khỏi cổ.

53. Cuốn sđd, trang 8 nói rằng tên đao phủ đã làm thế vì hắn ta tin rằng nhờ trộn lẫn máu của cha Khoan với máu hắn, hắn sẽ nhận được sự can đảm và gan dạ của ngài.

54. Làng Yên Mối xưa nay là giáo xứ Gia Lạc, giáo phận Phát Diệm.

55. Cha Phaolô Phạm Khắc Khoan là cha xứ Phúc Nhạc khi bị bắt tại họ Đông Biên cũng thuộc giáo xứ này. Xứ Phúc Nhạc cũng là nơi từng an táng rất nhiều vị tử đạo.

56. Cuốn sđd, trang 261-262 cho biết rằng khi cuộc bách hại nổ ra dữ dội vào năm 1838, dưới thời Minh Mạng, ông Antôn Năm đã mua một chiếc thuyền và sống trên đó.

57. Cuốn sđd, trang 267 kể rằng các chứng nhân bị điệu ra pháp trường lúc giữa trưa.

58. Cuốn sđd, trang 16 cho biết thêm rằng thầy Tự đã chịu cơn hấp hối dai dẳng và đau đớn. Những tên đao phủ cứ kéo rồi lại buông dây nhiều lần cho đến khi thầy trút hơi thở. Cũng vì thế mà máu trào ra từ mũi và miệng thầy.

59. Tài liệu về cuộc tử đạo của cha Phêrô Phạm Khanh cho biết rằng cha dùng thuyền đi gặp cha Nghiêm và dọc đường cha bị bắt.

60.Lúc bị bắt, cha Khanh đã ngoài 60 tuổi. Trước đó, khi ghé qua Thọ Ninh, cha bị chó cắn và phải nghỉ tại đó một tuần.

61. Tài liệu cũng cho biết cha Khanh bị bắt tại đồn Phù Sa.

62.Cha Khanh đã từng coi sóc xứ đạo Thọ Kì trong vòng một năm. Trong thời Minh Mạng, cha cũng đã từng ẩn trốn tại Thọ Kì.

63.Tài liệu viết về cha Khanh còn kể rằng dân chúng cả lương lẫn giáo ùa vào dùng giấy và vải thấm máu vị tử đạo.

64.Cuốn sđd của Hội MEP, trang 297 và một số tài liệu khác đều cho biết rằng cha Khanh sinh tại Hòa Duệ, Nghệ An. Nhưng những chữ trên phiến gỗ ghi bản án trong bức họa lại đề rằng cha Khanh quê tại Hà Nội.

65.Cuốn sdd, trang 26-27 nói rằng viên quan chỉ huy cuộc xử án sợ các Kitô hữu nổi dậy cướp tù nên đã đưa đội quân đông đảo áp giải và canh phòng pháp trường.

66.Phiến gỗ này hiện vẫn còn được lưu giữ tại Phòng các thánh tử đạo tại trụ sở Hội Thừa Sai Paris. Chúng tôi đọc được ở mặt trước phiến gỗ này một số chữ như sau : « NHÂT ĐẲNG Gia Tô tà giáo … ». Mặt sau của phiến gỗ có hàng chữ : « Tự Đức tứ niên tứ nguyệt sơ nhị nhật. » Bản dịch Pháp ngữ có một số sai biệt với nội dung như sau : «Malgré la sevère défense portée contre la religion de Jésus, le sieur Augustin, prêtre européen, a osé venir clandestinement ici pour prêcher et séduire le peuple. Arrêté, il a tout avoué. Son crime est patent. Que le sieur Augustin ait la tête tranchée et jetée dans le fleuve. 4e année de Tu-Duc ; 1er de la 3e lune »

67.Launay Andrien, Les Cinquante-deux serviteurs de Dieu, tome II, éditions de Téqui, Paris 1893, tr. 131 : « Voilà donc comment se font ici les martyrs : un imposant cortège de mandarins sur leurs éléphants et de soldats sous les armes, un grand concours de spectateurs de tout genre, et au milieu de cet appareil, un jeune apôtre, le cœur enflammé d’amour, les mains liées derrière le dos, les yeux élevés vers le ciel où il lui tarde de s’élancer ; un prêtre françcais d’une instruction brillante, d’une haute vertu, à genoux sur la terre et près de lui le bourreau qui brandit son sarbre pour lui trancher la tête ! Oui, Messieurs, voilà comment se font ici les martyrs. Peut-être les connaisseurs trouveront-ils ce tableau peu conforme aux règles de l’art, car il est l’œuvre d’un artiste qui n’a jamais étudié la peinture ni dans les livres ni à l’ecole d’aucun maître. Mais peu vous importera la beauté du travail ; c’est le sujet en lui-même qui fixera votre pieuse curiosité : vous apprécierez aussi l’intention de celui qui vous l’envoie, comme un faible témoignage de reconnaissance, pour l’intérêt que vous avez toujours porté à sa mission. »

68.Ngày hành hình cha Bonnard tại Nam Định, giáo dân kéo tới rất đông. Các quan đã đưa khoảng 500 lính áp giải và phải chuyển nơi hành hình ra bãi Đan Thủy, cách thành Nam Định khoảng một dặm rưỡi.

69.Cuốn La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères do hội MEP ấn hành năm 1865, trang 346 cho biết vì các quan đột ngột thay đổi pháp trường nên chỉ có khoảng vài trăm tín hữu đến kịp để chứng kiến vụ hành quyết.

70.Cuốn sđd, trang 347-348 kể lại rằng theo thông lệ, xác tử tội được chôn cất tại nơi hành hình, nhưng vì không muốn để cho các tín hữu tôn kính vị tử đạo, các quan đã cho hốt đất thấm máu, đem xác và đầu thánh nhân ra hai thuyền lớn để ném xuống sông. Xác thánh nhân được đặt trong một chiếc thuyền với nhiều lính đi theo, vị quan xuống chiếc thuyền thứ hai. Họ mang theo lương thực cho ba ngày, rồi căng buồm xuôi theo dòng sông. Một chiếc thuyền nhỏ chở theo một thầy phó tế và một thầy giảng đi lảng vảng phía trước để quan sát. Đêm đó, nhiều thuyền đánh cá của các tín hữu ở các vùng lân cận cũng đi theo. Khoảng tám chín giờ đêm, trời tối, hai chiếc thuyền lớn đảo qua lại vài vòng rồi dong buồm ngược dòng sông. Các tín hữu đã xác định được vị trí, một thanh niên lặn xuống lòng sông và chạm vào được thân thể vị tử đạo. Xác thánh nhân đã bị cột vào một thớt cối đá xay bột, đầu thánh nhân bị bỏ vào rọ và buộc vào tay.

71.Lúc đó Vĩnh Trị cũng là trụ sở của giáo phận Tây Đàng Ngoài.

Để lại một bình luận