Đại hội Giới trẻ: Cơ hội trổ sinh hoa trái

2185 lượt xem

ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ: CƠ HỘI TRỔ SINH HOA TRÁI

Xuân Giang

Theo thông báo của Ban Tổ chức, Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XIX sẽ được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 11 năm 2023 tại giáo xứ Bến Đông (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), giáo hạt Nội Bài, giáo phận Bắc Ninh. Thông báo của Văn phòng Toà Giám mục Bắc Ninh đề ngày 14/11/2023 cho biết, con số đăng ký tham dự viên của Đại hội lên tới hơn 18.000, trong đó có: Đức Tổng Marek Zalewski – Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam, 12 Đức Giám mục, khoảng 400 linh mục, hơn 400 nam nữ tu sĩ và chủng sinh, 4.000 tình nguyện viên phục vụ cho Đại hội và hơn 13.000 bạn trẻ đến từ khắp 11 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội[1].

  1. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA CỦA CÁC KỲ ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ

1.1. Mục đích của các kỳ Đại hội Giới trẻ

1.2. Ý nghĩa của Đại hội Giới trẻ Thế giới

  1. KHÁM PHÁ NHỮNG NGUỒN LỰC CỦA TUỔI TRẺ

2.1. Nhận ra những sự “giàu có đặc biệt” của tuổi trẻ

2.2. Hướng tới sứ mạng trong Giáo hội và thế giới

  1. NỖ LỰC TRỔ SINH HOA TRÁI

3.1. Những bông hoa thiêng góp về cho Đại hội

3.2. Sống chứng nhân trong thời gian diễn ra Đại hội

3.3. Sống đức tin sau kỳ Đại hội

ĐỂ KẾT: NÀO CHÚNG TA CÙNG LÊN ĐƯỜNG!

Trước đó, Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Huế lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, trong hai ngày 13 và 14 tháng 8 năm 2023, quy tụ hơn 2.300 bạn trẻ đến từ 6 giáo phận miền Trung. Tiếp nối tinh thần của các Ngày Giới trẻ Thế giới, Đại hội Giới trẻ của các giáo tỉnh xét như là sáng kiến của các vị chủ chăn đề xướng, đặt giới trẻ vào số những ưu tiên trong mục vụ của Giáo hội, nhằm đáp ứng niềm khát vọng sâu xa của các bạn trẻ muốn có một chỗ đứng trong Giáo hội và thế giới.

Chủ đề của Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần này là “Đất chúng ta trổ sinh hoa trái” (Tv 85,13). Có thể nói, Đại hội là một cơ hội quý báu để những người trẻ khám phá những “nguồn lực”, những sự “giàu có đặc biệt” nơi mảnh đất tâm hồn của mình để rồi có một sự phân định, nỗ lực và quyết tâm trổ sinh hoa trái trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên trước đó cũng cần dừng lại tìm hiểu đôi nét về mục đích và ý nghĩa của những kỳ Đại hội Giới trẻ các cấp (giáo phận, giáo tỉnh, quốc gia và quốc tế).

1. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA CỦA CÁC KỲ ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ

Từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đại hội Giới trẻ là sinh hoạt phổ biến trên phạm vi toàn cầu cũng như ở các Giáo hội địa phương. Ở cấp quốc tế mỗi hai (hoặc ba) năm một lần, diễn ra ở một thành phố do Đức Thánh Cha chọn. Ở cấp giáo phận thường tổ chức vào Chúa Nhật Lễ Lá hằng năm, theo thể thức do giám mục quy định. Ngoài ra còn có Đại hội Giới trẻ cấp giáo tỉnh hoặc toàn quốc. Vậy đâu là mục đích mà Giáo hội hướng tới khi tổ chức các kỳ Đại hội Giới trẻ? Đại hội Giới trẻ Thế giới còn có những ý nghĩa đặc biệt như thế nào?

1.1. Mục đích của các kỳ Đại hội Giới trẻ

Chúng ta có thể nhận thấy hai bài học nổi bật từ Ngày Giới trẻ Thế giới[2], cách nào đó cũng áp dụng cho các kỳ Đại hội Giới trẻ cấp giáo tỉnh hay quốc gia:

Đại hội Giới trẻ là một hình thức mục vụ giới trẻ chú trọng vào việc loan báo Tin Mừng, tập trung vào trọng tâm của đức tin, giống như kerygma của các thánh Tông đồ: giới thiệu cho các bạn trẻ Đức Giêsu Kitô như là chìa khoá mang lại ý nghĩa cuộc đời, từ đó họ có thể đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Không ít bạn trẻ sau khi tham dự Đại hội đã khám phá ra ơn gọi của mình, và đã thay đổi định hướng cuộc đời.

Đại hội Giới trẻ là một dấu chỉ của sự hiệp thông Giáo hội: các bạn trẻ thuộc nhiều nhóm, hiệp hội, phong trào khác nhau đã quây quần chung quanh Đức Giáo Hoàng và các Giám mục. Đây là một cuộc lữ hành theo nghĩa tâm linh cũng như theo nghĩa thực tế. Nó có thể trở thành “khuôn mẫu” cho các chương trình mục vụ giới trẻ tại các giáo phận và giáo xứ[3].

Quả thực, Đại hội Giới trẻ là một cơ hội để Đức Giáo Hoàng hay các vị Mục tử gặp gỡ các bạn trẻ và bày tỏ mối quan tâm dành cho họ. Bởi lẽ, “Giáo hội có rất nhiều điều để nói với giới trẻ và giới trẻ cũng có rất nhiều điều cần thưa với Giáo hội. Cuộc đối thoại hỗ tương này phải được thực hiện hết sức thân tình, trong sáng và can đảm. Cuộc gặp gỡ ấy sẽ cổ võ việc gặp gỡ và trao đổi giữa các thế hệ, là nguồn mạch phát sinh sự phong phú và tươi trẻ cho Giáo hội cũng như cho xã hội”[4]. Giáo hội muốn lắng nghe những tâm tư và nguyện vọng của giới trẻ để có thể đáp ứng tốt hơn những quyền lợi chính đáng của họ. Ngược lại, các bạn trẻ cần được lắng nghe những thao thức và mong muốn của Giáo hội để có thể hiểu được tấm lòng và những đòi hỏi của Mẹ Giáo hội dành cho mình.

Như thế, Đại hội Giới trẻ không phải là một kỳ nghỉ, một chuyến du lịch hay thậm chí, là một sự kiện tâm linh vì lợi ích của chính cá nhân. Đại hội Giới trẻ là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống qua Giáo hội. Đại hội Giới trẻ cũng không phải là những cuộc trình diễn văn nghệ hay những lễ hội văn hoá, nhưng là một hội ngộ của những trẻ quây quần bên các vị chủ chăn để cùng nhau đào sâu đức tin, để bên nhau sống cảm thức Giáo hội, để gần nhau học cách lắng nghe, để với nhau củng cố sự hiệp thông. Đó cũng là một cơ hội để mỗi người trẻ nhìn lại bản thân, cũng như khám phá ơn gọi và sứ mạng của mình qua việc cảm nghiệm ân sủng Chúa thương ban trong cuộc đời.

1.2. Ý nghĩa của Đại hội Giới trẻ Thế giới

Mặc dù đã có những ý hướng và nguồn gốc xa gần nhưng Đại hội Giới trẻ Thế giới được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chính thức thiết lập vào năm 1986. Từ đó đến nay, nó đã trở thành một sinh hoạt thường xuyên và là một điểm hẹn rất được mong đợi của nhiều người trẻ trên khắp thế giới. Chúng ta có thể nhận ra một vài nét ý nghĩa đặc biệt của Đại hội Giới trẻ Thế giới qua Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Buổi Tiếp kiến chung thứ Tư ngày 09/8/2023, chia sẻ về Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon (diễn ra từ ngày 01 đến ngày 06 tháng 8 năm 2023) mà ngài mới tham dự:

Trước hết, Đại hội Giới trẻ Thế giới là một minh chứng cảm động về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh, hoạt động trong tâm hồn và đời sống của những Kitô hữu trẻ khắp thế giới. Đại hội Giới trẻ được cảm nhận như một món quà của Thiên Chúa, đã thúc đẩy con tim và bước chân của những người trẻ từ nhiều nơi trên thế giới đến để gặp nhau và gặp Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ của rất nhiều người trẻ đến từ các quốc gia khác nhau, tất cả được hợp nhất bởi tình yêu của Chúa Kitô và niềm vui của Chúa Thánh Thần, phản ánh khuôn mặt của Giáo hội như Dân Thiên Chúa, mà mọi người, ở mọi nơi và mọi lúc, được mời gọi thuộc về.

Thứ đến, Đại hội Giới trẻ Thế giới là nơi để các bạn trẻ sống niềm hy vọng Kitô giáo[5]. Có những bạn trẻ mang theo những tâm sự cá nhân cùng những câu chuyện thương đau trong cuộc đời. Có những nhóm nhỏ mang theo những lo lắng về một thế giới bị xâu xé bởi nghèo đói, bất công, chiến tranh, mà chính họ là nạn nhân. Tất cả cùng hành hương bày tỏ ước muốn lên đường hướng tới tương lai hy vọng mà Tin Mừng đã hứa hẹn. Và bởi vì, “niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện. Cầu nguyện duy trì và canh tân niềm hy vọng, cầu nguyện giúp thắp lên ngọn lửa hy vọng”[6] cho nên mọi người cùng nhau cầu nguyện để Tin Mừng được lan rộng, hoán cải tâm hồn, chữa lành và mang lại bình an mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban.

Sau nữa, Đại hội Giới trẻ Thế giới cho thấy có thể có một thế giới huynh đệ, không chiến tranh, không hận thù. Khi mà các cuộc chiến tranh và xung đột đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, Đại hội Giới trẻ đã cho mọi người thấy rằng có một thế giới khác: thế giới của các anh chị em, nơi lá cờ của tất cả các dân tộc cùng nhau tung bay, bên cạnh nhau, không hận thù, không sợ hãi, không khép kín, không vũ khí[7]. Những người trẻ luôn đại diện cho hy vọng về sự hiệp nhất mới trong gia đình nhân loại đã bị phân mảnh và chia rẽ của chúng ta[8].

Nói tóm lại, như lời thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mục đích chính của Đại hội Giới trẻ không chỉ là cuộc gặp gỡ thân tình giữa các bạn trẻ đến từ nhiều nơi nhưng còn là “đưa Chúa Giêsu vào giữa đức tin và cuộc sống của mỗi bạn trẻ, ngõ hầu Người trở thành điểm quy chiếu và ánh sáng cho tất cả mọi sáng kiến và chương trình giáo dục các thế hệ mới… Các bạn trẻ được mời gọi hãy đặt cuộc đời và niềm tin của mình trên tảng đá là Đức Kitô”. Quả thực, các kỳ Đại hội Giới trẻ chứng tỏ “đây không phải là những lễ hội thường tình, nhưng là những biến cố do Chúa quan phòng, những cơ hội để các bạn trẻ tuyên xưng niềm tin hân hoan vào Chúa Kitô. Khi gặp gỡ nhau, các bạn trẻ cùng nhau đặt câu hỏi về những khát vọng sâu xa nhất, cảm nhận sự hiệp thông với Giáo hội, cam kết dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ”[9].

2. KHÁM PHÁ NHỮNG NGUỒN LỰC CỦA TUỔI TRẺ

“Tuổi trẻ là một thời kỳ độc đáo và đầy hứng khởi trong cuộc đời, chính Đức Giêsu đã trải qua và thánh hoá thời kỳ này”[10]. Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới 2018 đã nói như thế về tuổi trẻ. Và quả thực, “tuổi trẻ là một ân sủng, một gia tài”[11]. Đối với người trẻ, tuổi trẻ là một thời gian được chúc phúc và là một phúc lành cho Giáo hội và thế giới[12]. Nơi người trẻ có nhiều rất “nguồn lực” cần được tôn trọng và khuyến khích.

2.1. Nhận ra những sự “giàu có đặc biệt” của tuổi trẻ

Tuổi trẻ luôn dồi dào những “tài nguyên” phong phú, tràn đầy bầu “năng lượng” để sống và cống hiến. Đó là những “nguồn lực” rất đáng quý, rất đáng trân trọng và cần được làm triển nở. Nói như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đó là những sự “giàu có đặc biệt” của tuổi trẻ[13].

Trước hết phải kể đến những ơn ban nhưng không mà người trẻ nhận được từ tình yêu quảng đại và xót thương của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập tới ba chân lý trọng đại mà tất cả các bạn trẻ cần luôn lắng nghe, nhiều lần là: “Thiên Chúa yêu con”; “Đức Kitô, vì yêu thương, Người đã hiến thân mình cho đến chết để cứu độ con”; và “Đức Kitô đang sống”[14]. Đó là lời loan báo tuyệt vời dành cho mọi người trẻ và cũng là kinh nghiệm mà các bạn trẻ có thể thông truyền cho những người khác.

Thế giới hôm nay là nơi trí tuệ nhân tạo đang thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả đời sống tôn giáo. Sự thay đổi mặt về mặt văn hoá và xã hội một cách tốc độ và ồ ạt với nhiều hệ luỵ, cùng với biết bao yếu tố khác, một đàng đang hình dung người trẻ như là một thế giới của chờ đợi, vỡ mộng, buồn nản, âu lo và sống ngoài cuộc. Khuynh hướng “không cần” Thiên Chúa, xa lìa Giáo hội hay ít ra phần nào ngờ vực đối với Giáo hội, âm ỉ nơi nhiều người. Đàng khác, phần lớn giới trẻ lại hăng say tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống, tình liên đới, sự dấn thân xã hội và cảm nghiệm tôn giáo[15].

Các nghị phụ tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ cũng nhận thấy nơi một số người trẻ có một khát vọng về Thiên Chúa (mặc dù không phải là tất cả những phác hoạ về Thiên Chúa đã được mạc khải); mơ ước về tình huynh đệ; khát vọng muốn phát triển các tài năng của mình để cống hiến một điều gì đó cho đời; nhạy cảm đặc biệt với nghệ thuật; muốn sống hoà điệu với thiên nhiên; mối quan tâm lớn về truyền thông; khát vọng sâu xa muốn sống đời mình cách khác biệt… Đó là những khởi điểm thực sự, những nguồn lực nội tại đang chờ đợi và sẵn sàng đón nhận một lời thúc đẩy, soi sáng và khích lệ[16].

2.2. Hướng tới sứ mạng trong Giáo hội và thế giới

Tuổi trẻ, với sự “giàu có đặc biệt”, là một quà tặng mà người trẻ có thể đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không nên để lãng phí một cách vô ích[17]. Giống như chàng thanh niên trong Tin Mừng (x. Mt 19, 16-22), sau khi đối thoại trực tiếp với Đức Kitô, Đấng mạc khải cho thấy sự “giàu có đặc biệt” của anh, đã được chính Đức Giêsu đề nghị rõ ràng để dẫn đưa anh vào một quá trình trưởng thành cá nhân và cộng đồng có giá trị to lớn cho vận mạng của xã hội và Giáo hội: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21).

Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa và mối tương quan của người trẻ với Đức Kitô hằng sống không ngăn cản người trẻ mơ ước, không đòi phải thu hẹp chân trời của họ nhưng sẽ mở lối thúc đẩy người trẻ bạo dạn đảm nhận cuộc đời mình và mang trách nhiệm thực hiện một sứ vụ[18]. Nhờ sợ dấn thân của người trẻ mà người ta hy vọng có được một thế giới tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: Đừng để “tất cả năng lực, ước mơ và nhiệt huyết của tuổi trẻ bị tan biến bởi cám dỗ khép lại trong chính mình, trong những vấn đề của mình, trong những cảm giác bị tổn thương, trong những lời phàn nàn và trong cuộc sống tiện nghi”[19]. Một khi chạy theo những gì mà những kẻ có thế lực áp đặt qua cơ chế của chủ nghĩa tiêu thụ và giải trí, người trẻ sẽ “không phát huy được ân huệ mà Chúa đã ban, không cống hiến cho thế giới những tài năng rất riêng tư và độc đáo mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người”[20].

Một khi nhận ra vai trò quan trọng của mình trong Giáo hội và thế giới hôm nay cùng những tài năng Chúa ban, người trẻ được mời gọi trở thành những chủ thể hăng say góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng và đổi mới xã hội. Trong Bài giảng Thánh lễ khai mạc sứ vụ kế vị thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ngỏ lời với những người trẻ: “Nếu ta để Chúa Kitô bước vào đời ta, ta không mất gì, không mất gì, tuyệt đối không mất gì trong số những điều làm đời sống ta được tự do, tươi đẹp và vĩ đại. Không! Vì chỉ trong tình bạn này, tiềm năng lớn lao của cuộc hiện sinh nhân bản mới được tỏ lộ thực sự… Hỡi các bạn trẻ thân yêu: đừng sợ Chúa Kitô! Người không lấy mất điều gì đâu, nhưng Người cho các bạn mọi sự. Khi ta hiến mình cho Người, ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vâng, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ tìm được sự sống đích thực”[21].

Khi trao cây Thánh giá cho các bạn trẻ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ mong muốn: “Các bạn hãy mang cây Thánh giá khắp thế giới như dấu hiệu của tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại, và các bạn hãy loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ có sự cứu độ nơi Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh”[22]. Từ đó, cây Thánh Giá trở thành biểu tượng của các kỳ Đại hội Giới trẻ và cũng là sứ điệp cứu độ mà những người trẻ có trách nhiệm công bố cho muôn dân muôn nước, như xác tín của vị Tông đồ dân ngoại: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14) hay “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá” (1Cr 2,2). Thế giới chỉ có thể được cứu rỗi nhờ Thập giá Đức Kitô. Vì vậy, Thập giá Đức Kitô chất chứa niềm tin, niềm vui, niềm hy vọng và cả niềm hãnh diện, niềm vinh dự tự hào của mỗi tín hữu, nhất là của những người trẻ.

3. NỖ LỰC TRỔ SINH HOA TRÁI

Việc khám phá những “sự giàu có đặc biệt” của tuổi trẻ và nhận ra những đòi hỏi của sứ mạng phải dẫn người trẻ tới hành động cụ thể. Các bạn trẻ được mời gọi nỗ lực trổ sinh hoa trái của Tin Mừng ngay trong cuộc sống của mình, với những hoàn cảnh bình dị. Một cách cụ thể, đó là việc sống chứng nhân Tin Mừng ngay trước, trong và sau thời gian diễn ra Đại hội. Những hoa trái thánh thiện từ Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023 có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ giáo tỉnh Hà Nội.

3.1. Những bông hoa thiêng góp về cho Đại hội

Trong Thư gửi cộng đoàn Dân Chúa vào ngày 10/11/2023, Đức cha Giuse Nguyễn Quang Khang kêu gọi mọi thành phần trong giáo phận Bắc Ninh thực hiện tuần cửu nhật (từ ngày 13 đến ngày 21 tháng 11 năm 2023) cầu nguyện cho Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh. Trong đó cách riêng, ngài mời gọi các bạn trẻ cùng với cộng đoàn mỗi ngày: dự lễ, lần chuỗi, Chầu Thánh Thể, dâng những lời nguyện tắt và hy sinh góp thành bó hoa thiêng mang đến cho Đại hội[23]. Những hoạt động thiêng thánh này chẳng những để xin Chúa chúc lành cho Đại hội mà còn tạo nên một bầu khí đạo đức chung trong toàn toàn thể gia đình Giáo phận.

Tất nhiên, những thực hành đạo đức này không phải để lấy thành tích, hay thậm chí cũng không phải là để trang bị một chút sốt sắng nào đó nhưng đúng hơn, nhằm thăng tiến đời sống thiêng liêng của chính mỗi người trẻ. Những bạn trẻ thuộc các giáo phận khác trong giáo tỉnh có thể cùng hiệp thông trong cầu nguyện cho Đại hội, cho các vị chủ chăn, cho Ban Tổ chức, cho những người phục vụ cũng như các tham dự viên. Lời cầu nguyện trong chân thành khiêm tốn kết hợp với những hy sinh nho nhỏ trong cuộc sống là những việc làm thiết thực để ước mong Đại hội được diễn ra tốt đẹp trong sự quan phòng của Thiên Chúa Tình Yêu.

Người ta thường có nhận xét chung về các kỳ Đại hội của những người trẻ với bầu khí trẻ trung, sôi động nhưng cũng không thiếu những tâm tình thiêng liêng. Đó là những điểm son mà các tham dự viên cần gìn giữ và có trách nhiệm phát huy. Vì thế, khi lên đường dự Đại hội Giới trẻ lần này, bạn đừng sợ chật chội hay một vài điều kiện thiếu thốn trong sinh hoạt, đừng sợ mất thì giờ, đừng sợ thay đổi thói quen và cũng đừng sợ gặp gỡ người khác. Trên tất cả, các bạn cùng mang đến cho Đại hội tinh thần của con cái Chúa, với khát mong đem tin yêu, hy vọng và toả sáng tinh thần Phúc Âm cho những người xung quanh.

3.2. Sống chứng nhân trong thời gian diễn ra Đại hội

Một hình ảnh rất đẹp tại Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023, đó là những người hành hương tham dự Đại hội đã để lại không gian sạch sẽ sau những ngày lưu lại thủ đô của Bồ Đào Nha[24]. Hàng triệu người trẻ đã đến những địa điểm diễn ra các hoạt động của Đại hội nhưng đường phố, vỉa hè và không gian ở đó tương đối sạch sẽ và cũng không bị xuống cấp nhiều. Điều này cho thấy ý thức, sự văn minh, giáo dục cao và sự tôn trọng của hàng ngàn bạn trẻ hành hương, cũng như để lại một ấn tượng đẹp trong lòng người dân địa phương. Đó cũng có thể được coi như một dấu ấn chứng nhân ngay trong thời gian diễn ra Đại hội mà chúng ta có thể và phải học hỏi. Nhiều Đại hội ở nước ta, kể cả Đại hội Giới trẻ vẫn phải có một đội ngũ đông đảo tình nguyện viên chuyên đi thu gom rác thải (đôi khi vứt bừa bãi).

Khi đọc nội quy của các kỳ Đại hội Giới trẻ, nhiều người vẫn tỏ ra đôi chút băn khoăn vì vẫn còn rất nhiều điều mang tính hơi tiêu cực, cấm đoán: “Không được… Không được… Không được…” Chắc chắn Ban Tổ chức cũng chẳng thích thú gì khi đưa ra những nội dung như thế. Chẳng qua là rút kinh nghiệm và muốn khắc phục những tồn tại đáng buồn từ những lần Đại hội trước. Đó cũng là biện pháp khả dĩ để Ban Tổ chức đơn vị chủ nhà có thể duy trì sự trật tự và quản lý một số lượng rất đông tham dự viên. Điều này khiến những người trẻ cần nghiêm túc suy nghĩ: Chúng ta hào hứng lên đường dự hội vui, tại sao vẫn để lại những điều không hay như thế? Không thể đòi tất cả phải hoàn hảo nhưng chí ít cũng cần tinh thần trách nhiệm đủ lớn và một chút hy sinh.

Đại hội lần này, chúng ta được mời gọi tham dự với sự tích cực và tính trách nhiệm qua việc tuân giữ nội quy, bởi lẽ tôn trọng nội quy là tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác. Chẳng hạn, tích cực tham gia các sinh hoạt trong Đại hội: đúng giờ, nhanh nhẹn, năng động, hăng say và sốt mến; giữ thinh lặng và trang nghiêm, đặc biệt không dùng điện thoại trong các giờ giảng huấn, chầu Thánh Thể và Thánh lễ; có tinh thần bác ái chung: nghĩ đến người khác khi dùng nhà vệ sinh, tắm rửa và các sinh hoạt khác; giữ an ninh và giữ vệ sinh chung, để rác đúng nơi quy định…

Chúng ta không đi dự Đại hội như một người khách bàng quan thụ động, cũng không đi tìm sự náo động hay những cảm xúc phấn khích nhất thời nhưng để cảm nghiệm tình thương và ân sủng của Thiên Chúa qua việc gặp gỡ Đức Kitô và gặp gỡ nhau. Vì thế, sẽ thật trọn vẹn khi các bạn trẻ dọn mình để lãnh nhận Bí tích Hoà giải và dành thời gian riêng để viếng Thánh Thể. Quả thật, những khẩu hiệu rầm rộ không làm cho người trẻ thêm can đảm, những cử điệu rộn rã cũng không phản ánh hết sự năng động, đồng phục rực rỡ càng không làm nên sức mạnh của tuổi trẻ. Chỉ có đời sống chứng tá cụ thể khi thực thi sứ điệp yêu thương trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân mới đủ sức khẳng định tinh thần của những người trẻ mang trong mình hình ảnh của Đức Kitô.

3.3. Sống đức tin sau kỳ Đại hội

Trong buổi họp mặt ơn gọi do phong trào Con đường Tân Dự tòng tổ chức vào chiều ngày 07/8/2023 tại Passeio Marítimo de Algés ở Lisbon, khoảng 2.000 bạn nam bày tỏ ước muốn bắt đầu tiến trình phân định theo ơn gọi linh mục và khoảng 1.500 thanh nữ muốn sống đời thánh hiến hoặc truyền giáo[25]. Cho dẫu đó mới chỉ là những khao khát nhưng là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy Thiên Chúa đã thực sự “đụng chạm” vào cuộc đời của nhiều bạn trẻ, thể hiện qua niềm hân hoan không thể kìm nén phát xuất từ lòng trắc ẩn của Đức Kitô. Đó thật là những hoa trái sống động của cuộc “vội vã lên đường” gặp gỡ Đức Kitô, gặp gỡ Thập giá cứu độ, gặp gỡ nhau trong niềm tin.

Sau cuộc hội ngộ tại Bắc Ninh lần này, chắc chắn các bạn trẻ sẽ trở về cuộc sống thường nhật của mình với nhiều niềm vui, thao thức và bận tâm. Mang theo tinh thần tuổi trẻ và dư âm của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô tại Đại hội, các bạn trẻ được mong đợi sẽ thực hiện những cuộc hoán cải, thanh luyện để tâm hồn ngày một trở nên tốt tươi, ngõ hầu có thể trổ sinh những hoa trái tốt đẹp, qua việc lắng nghe và sống Lời Chúa, chung tay xây dựng một Giáo hội hiệp hành: củng cố sự hiệp thông, tích cực tham gia trong tinh thần đồng trách nhiệm để hướng tới sứ vụ Phúc Âm hoá thế giới hôm nay.

Hơn hết, những người trẻ được mời gọi nên thánh ngay trong bổn phận hằng ngày. Trong Tông huấn về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay – Gaudete et Exsultate (19/3/2018), Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Tất cả chúng ta được gọi nên thánh bằng việc sống đời sống mình với yêu thương và bằng việc làm chứng trong tất cả những gì mình làm, bất cứ nơi nào mình hiện diện” (số 14). Sự thánh thiện mà Chúa mời gọi bạn sẽ lớn lên qua các cử chỉ nhỏ nhoi (số 16). Nói cách khác, học cách chu toàn sứ mạng của mình trong cuộc đời này là một nẻo đường của sự thánh thiện (số 19).

Quả thật, các bạn trẻ trẻ hoàn toàn có thể nên thánh không phải nhờ làm những việc to tát hay cũng không phải nhờ lập được những kỳ công vĩ đại nhưng nhờ “sống trọn vẹn giây phút hiện tại, nhờ dùng các năng lực của mình cho những điều tốt đẹp, nhờ biết vun đắp tình huynh đệ, nhờ học theo Đức Giêsu và quý trọng những niềm vui bé nhỏ của cuộc sống như một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa”[26]. Đó cũng là nẻo đường nên thánh mà Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đề nghị: “sống giây phút hiện tại, lấp đầy nó với tình yêu”.

ĐỂ KẾT: NÀO CHÚNG TA CÙNG LÊN ĐƯỜNG!

Hành trang lên đường dự Đại hội của mỗi người trẻ không chỉ là một ba lô con cóc với một vài bộ quần áo và những đồ dùng cá nhân cần thiết nhưng còn là sức sống, niềm vui, lòng nhiệt huyết, hăng say của tuổi trẻ. Hơn hết, đó phải là ý thức trách nhiệm, khao khát cống hiến và tinh thần dấn thân phục vụ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định: Để cho tuổi trẻ có thể đạt được mục đích của nó trong cuộc đời, “thì đó phải là một thời gian của quảng đại cho đi, chân thành cống hiến, những hy sinh gian khổ nhưng sinh hoa trái thật phong phú”[27].

Ước mong niềm vui thiêng liêng và tình yêu dành cho Chúa Kitô được đánh dấu trong những ngày tham dự Đại hội sẽ thúc đẩy dồi dào ơn gọi và trở thành men hy vọng cho tương lai của Giáo hội và thế giới[28]. Cầu chúc tâm hồn của mỗi bạn trẻ sẽ được biến đổi và trổ sinh những hoa trái thơm tho tốt lành cả trong suy nghĩ, lời nói, ước muốn và hành động.

Nào chúng ta cùng lên đường “về Bắc Ninh, nghe câu quan họ, kể cho nhau nghe những hoa trái trong cuộc đời mình”:

“Cây đức tin rồi ra nảy mậm

Bén rễ sâu vào tận trí lòng

Vui mừng hé nụ cậy trông

Nở hoa mến Chúa đơm bông yêu người”[29].

Nguồn: gpbuichu.org (19.11.2023)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận