Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm B

16082 lượt xem

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM B

 Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm B.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm B: 

Đức Phanxicô:

13.12.2020 – Gioan Tẩy Giả là mẫu gương tìm kiếm niềm vui đích thực

17.12.2017 – Ba thái độ Mùa Vọng: tươi vui, cầu nguyền và biết ơn

14.12.2014 – Niềm vui của chúng ta là chính Đức Giêsu

Đức Bênêđictô XVI:

11.12.2011 – Niềm vui đích thực

14.12.2008 – Chúa ở gần kề là phạm trù của tình yêu

Bài Ðọc I: Is 61, 1-2a. 10-11

Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 16-24

Phúc Âm: Ga 1, 6-8. 19-28

Đức Phanxicô, Chúa nhật 13.12.2020: Gioan Tẩy Giả là mẫu gương tìm kiếm niềm vui đích thực

Anh chị em thân mến,

Lời mời ‘hãy vui lên’ là đặc điểm của Mùa Vọng: Việc mong đợi Chúa giáng trần mà chúng ta đang sống là trải nghiệm niềm vui, điều này giống như khi chúng ta chờ đợi cuộc viếng thăm của một người bạn rất quý mến, nhưng đã lâu rồi chúng ta không gặp. Và hôm nay, Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng, chiều kích của niềm vui này đặc biệt nổi bật trong ca nhập lễ với những lời khích lệ của Thánh Phaolô “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4,4). “Tại sao chúng ta vui?” Đó là: “Vì Chúa đã gần đến” (Pl 4, 5). Một triết gia đã từng nói như thế này: “Tôi không hiểu làm sao ngày nay người ta có thể tin được, bởi vì những người nói rằng họ tin đều có bộ mặt sau đám tang. Họ không làm chứng cho niềm vui về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô”. Nhiều Kitô hữu có khuôn mặt đó, vâng, một khuôn mặt trong đưa đám, một khuôn mặt đau buồn… Nhưng Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô yêu bạn! Và bạn không có niềm vui sao? Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều này và hỏi: “Tôi có vui mừng vì Chúa ở gần tôi, vì Chúa yêu thương tôi, vì Chúa đã cứu chuộc tôi không?”.

Tin Mừng thánh Gioan hôm nay trình bày cho chúng ta một nhân vật trong Kinh thánh – không kể Đức Mẹ và Thánh Giuse – là người đầu tiên đã có kinh nghiệm mạnh mẽ nhất về sự mong chờ Đấng Mêsia và niềm vui khi thấy Người đến: tất nhiên chúng ta đang nói đến Gioan Tẩy Giả (Ga 1,6-8.19-28).

Thánh sử giới thiệu Gioan Tẩy Giả một cách trang trọng: “Một người được Thiên Chúa sai đến […]. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng” (câu 6-7). Gioan Tẩy Giả là nhân chứng đầu tiên của Chúa Giêsu, bằng lời nói và bằng hồng ân sự sống. Các sách Tin Mừng đều đồng ý cho thấy ông đã đạt được sứ vụ bằng cách chỉ ra Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Sứ giả của Thiên Chúa. Trong thời đó, ông Gioan là một nhà lãnh đạo. Danh tiếng của ông đã lan rộng khắp miền Giuđê và xa hơn nữa, đến tận Galilê. Nhưng ông không nhượng bộ dù chỉ trong chốc lát trước cám dỗ thu hút sự chú ý về mình: ông luôn hướng về Đấng phải đến. Ông nói: “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (câu 27). Ông luôn luôn hướng về Chúa. Giống như Đức Mẹ: luôn hướng về Chúa: “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Chúa luôn ở trung tâm. Các Thánh xung quanh Chúa, cũng hướng về Chúa. Và ai không hướng về Chúa thì không thánh thiện! Đây là điều kiện đầu tiên của niềm vui Kitô: không dành quyền cho chính mình nhưng đặt Chúa Giêsu làm trung tâm. Đây không phải là việc làm cho mình trở nên xa lạ với chính mình, bởi vì Chúa Giêsu thực sự là trung tâm, là ánh sáng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mọi người nam nữ đến với thế giới này. Cũng chính sự năng động của tình yêu, làm cho tôi thoát ra khỏi chính mình không phải để đánh mất chính mình, nhưng để tìm lại chính mình trong khi tôi trao ban chính mình, trong khi tôi tìm kiếm điều tốt đẹp cho người khác.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã trải qua một hành trình dài để làm chứng cho Chúa Giêsu. Hành trình của niềm vui không phải là một cuộc dạo chơi. Từ khi còn trẻ, Gioan Tẩy Giả đã từ bỏ tất cả, để đặt Chúa lên hàng đầu, để lắng nghe Lời Người hết lòng và hết sức mình. Ông lui vào sa mạc, trút bỏ mọi sự dư thừa, để được tự do hơn đi theo làn gió của Chúa Thánh Thần. Tất nhiên, một số đặc điểm tính cách của ông là duy nhất, không phải ai cũng có. Nhưng lời chứng của ông là mẫu mực cho bất cứ ai muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và tìm kiếm niềm vui thực sự. Đặc biệt, Gioan Tẩy Giả là gương mẫu cho những người trong Giáo Hội, những người được mời gọi loan báo Chúa Kitô cho người khác: họ chỉ có thể làm như vậy khi tách ra khỏi chính họ và khỏi thế gian, không phải bằng cách lôi kéo mọi người đến với mình nhưng hướng mọi người đến với Chúa Giêsu.

Niềm vui là việc hướng về Chúa Giêsu. Niềm vui phải là đặc điểm đức tin của chúng ta. Ngay cả những lúc tăm tối, niềm vui nội tâm biết rằng Chúa ở với tôi, Chúa đã sống lại. Thiên Chúa là trung tâm cuộc sống và niềm vui của chúng ta. Hôm nay, anh chị em hãy suy nghĩ kỹ và hãy tự hỏi: Tôi là một người vui vẻ và biết cách loan truyền niềm vui Kitô cho người khác hay tôi là người buồn bã với khuôn mặt của người đưa đám? Nếu tôi không có niềm vui của đức tin, tôi sẽ không thể làm chứng và người khác sẽ nói: Nếu có đức tin mà buồn như thế, tốt hơn tôi không có đức tin.

Giờ đây, khi đọc Kinh Truyền Tin, chúng ta thấy tất cả những điều này được thực hiện tràn đầy nơi Đức Trinh nữ Maria: Mẹ thinh lặng chờ đợi Lời cứu độ của Thiên Chúa; Mẹ lắng nghe Lời, mang trong lòng Lời. Trong Mẹ, Chúa trở nên gần gũi. Đây là lý do tại sao Giáo hội gọi Đức Maria là Đấng “làm cho chúng con vui mừng”.

(Nguồn:vaticannews.va/vi)

Đức Phanxicô Chúa nhật 17.12.2017: Ba thái độ Mùa Vọng: tươi vui, cầu nguyền và biết ơn

Anh chị em thân mến,

Trong các Chúa Nhật trước phụng vụ đã nhấn mạnh ý nghĩa của thái độ tỉnh thức và chuẩn bị đường cho Chúa đến. Trong Chúa Nhật thứ ba của mùa Vọng, cũng gọi là “Chúa Nhật vui lên” phụng vụ mời gọi chúng ta tiếp nhận tinh thần của tất cả những điều xảy ra: đó là niềm vui. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến bằng cách sống ba thái độ: tươi vui liên lỉ, kiên trì cầu nguyện và liên tục tạ ơn.  Anh chị em hãy nghe rõ: ba thái độ: thứ nhất, liên lỉ tươi vui, thứ hai, kiên trì cầu nguyện, và thứ ba luôn luôn cảm tạ. Tươi vui liên lỉ, cầu nguyện kiên trì và liên tục cảm tạ.

Thái độ thứ nhất, luôn luôn tươi vui: “Anh em hãy vui luôn!” (1 Tx 5,16) thánh Phaolô nói. Nó có nghĩa là luôn ở trong niềm vui, cả khi các sự việc không như chúng ta ao ước, nhưng có niềm vui sâu xa, là sự an bình: đó là niềm vui cả bên trong nữa. Và an bình là một niềm vui trên mặt đất, nhưng là niềm vui. Các âu lo, các khó khăn và các khổ đau đi qua cuộc sống của mỗi người, tất cả chúng ta đều biết. Và biết bao lần thực tại bao quanh chúng ta xem ra không sống được và khô cằn, giống như sa mạc, trong đó vang lên tiếng nói của thánh Gioan Tẩy Giả, như Phúc Âm hôm nay nhắc nhớ (x Ga 1,23). Nhưng chính các lời của vị Tẩy Giả vén mở cho thấy rằng niềm vui của chúng ta dựa trên một sự chắc chắn rằng sa mạc này được ở: “Giữa anh em có một người mà anh em không biết” (c. 26) thánh nhân nói. Đó là Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến. Ngài đến, như ngôn sứ Isaia nhấn mạnh, “để loan báo tin vui cho kẻ nghèo hèn, băng bó  vết thương của những tâm lòng tan nát, công bố sự tự do cho người nô lệ, phóng thích cho những tù nhân, và công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is 61,1-2). Các lời này, mà Chúa Giêsu sẽ lấy làm của Ngài khi giảng dậy trong hội đường Nadarét (x. Lc 4,16-19), minh giải rằng sứ mệnh của Ngài trong thế giới là giải thoát khỏi tội lỗi và các tình trạng nô lệ cá nhân và xã hội, mà tội lỗi gây ra. Ngài đã đến thế gian để tái trao ban cho con người phẩm giá và sự tự do là con cái Chúa, mà chỉ có Ngài có thể thông truyền và vì thế trao ban niềm vui.

Niềm vui định tính sự chờ đợi Đấng Cứu Thế  dựa trên lời cầu nguyện kiên trì: đó là thái độ thứ hai; thánh Phaolô nói: “Anh em hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17). Qua lời cầu nguyện chúng ta có thể bước vào trong một tương quan ổn định với Thiên  Chúa, là suối nguồn của niềm vui đích thật. Niềm vui của kitô hữu không mua được: không thể mua được; nó đến từ đức tin và cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, là lý do niềm hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta càng đâm rễ sâu nơi Chúa Giêsu Kitô, càng gần Chúa Giêsu bao nhiêu, lại càng tìm thấy sự an bình nội tâm bấy nhiêu, dù có phải sống giữa các mâu thuẫn thường ngày. Vì thế kitô hữu, khi đã gặp Chúa Giêsu, thì không thể là một ngôn sứ của tai ương, nhưng là một chứng nhân và một người loan báo niềm vui. Một niềm vui cần chia sẻ với những người khác; một niềm vui lây lan, khiến cho con đường cuộc sống bớt mệt nhọc hơn.

Thái độ thứ ba do thánh Phaolô chỉ ra là liên tục tạ ơn, nghĩa là tình yêu biết ơn đối với Thiên Chúa. Thật thế, Ngài rất quảng đại với chúng ta, và chúng ta được mời gọi  luôn luôn biết ơn các ân huệ của Ngài, tình yêu thương xót của Ngài, sự kiên nhẫn và lòng tốt của Ngài, và như thế sống trong sự biết ơn không ngừng.

Tươi vui, cầu nguyện và biết ơn là ba thái độ chuẩn bị chúng ta sống lễ Giáng Sinh một cách đích thực nhất. Tươi vui, cầu nguyện và biết ơn. Chúng ta hãy cùng nhau nói: tươi vui, cầu nguyện và biết ơn: Một lần nữa nào. Và tín hữu lập lại một lần nữa. To hơn nữa. Họ nói to hơn: tươi vui, cầu nguyện và biết ơn.

Trong thời gian cuối cùng này của mùa Vọng chúng ta hãy tín thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ là “lý do niềm vui của chúng ta”, không chỉ bởi vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, mà cũng bởi vì Mẹ liên lỉ gửi chúng ta tới với Ngài.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Phanxicô, Chúa nhật 14.12.2014 – Niềm vui của chúng ta là chính Đức Giêsu

Anh chị em và các con rất thân mến,

Hai tuần của Mùa Vọng vừa qua đã mời gọi chúng ta phải tỉnh thức thiêng liêng để dọn đường cho Chúa đến. Trong Chúa Nhật thứ ba của Mùa Vọng này, phụng vụ kêu mời chúng ta hãy có một thái độ nội tâm khác để đón chờ Chúa đến, đó là niềm vui. Niềm vui của Đức Giêsu được gói gọn trong câu nói: “Cùng với Đức Giêsu niềm vui sẽ đến nhà”.

Trái tim của con người luôn khao khát sự hân hoan. Tất cả chúng ta đều khao khát niềm vui, mỗi gia đình, mỗi dân tộc luôn cầu mong được hạnh phúc. Nhưng đâu là sự vui mừng mà Kitô hữu được kêu gọi để sống và minh chứng? Đó là niềm vui được ở gần bên Chúa, được sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Kể từ lúc Đức Giêsu bước vào trong lịch sử, với sự giáng sinh của Ngài nơi Bê-lem, nhân loại đã nhận lãnh hạt mầm của Nước Chúa, hệt như mảnh đất đón nhận hạt giống, hứa hẹn sẽ thu hoạch trong tương lai. Chẳng cần phải tìm kiếm nơi nào khác! Đức Giêsu đã đến để mang lại niềm vui cho tất cả mọi người và mọi thời. Đó không phải là niềm vui chỉ hy vọng có được nơi thiên đàng bởi vì nơi đây trên mặt đất này chúng ta sầu muộn nhưng trên thiên đàng chúng ta sẽ hoan hỷ. Không, không! Không phải niềm vui như thế, nhưng là niềm vui đã hiện thực hóa và được cảm nghiệm ngay bây giờ, bởi vì chính Đức Giêsu là niềm vui, và nhà chúng ta có Đức Giêsu thì sẽ có niềm vui. Một điều khác là: “Nếu không có Đức Giêsu có niềm vui không? Không! Ngài là Đấng Phục Sinh, đang sống và lao tác trong và giữa chúng ta một cách đặc biệt nơi Lời Chúa và các Bí tích.

Tất cả chúng ta đã được rửa tội, là con cái của Giáo Hội, chúng ta được kêu gọi để thường xuyên nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta, để giúp đỡ tha nhân khám phá hay tái khám phá ra Ngài nếu như họ đã lỡ quên lãng. Đó là một sứ mạng cao đẹp, giống như của Gioan Tiền Hô vậy: hướng dẫn con người đến với Đức Kitô- chứ không đến với chính bản thân chúng ta!- bởi vì Người là đích điểm mà trái tim con người hướng đến khi tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc.

Thánh Phaolô, trong phụng vụ hôm nay, đề cập đến những điều kiện để trở nên “sứ giả của niềm vui”: hãy cầu nguyện không ngừng, tạ ơn Chúa luôn luôn, hãy chiều theo Thánh Linh, tìm kiếm điều lành và tránh xa điều dữ (1 Tx 5, 17-22). Nếu điều này trở thành lối sống của chúng ta, thì Tin Mừng có thể thấm nhập vào mọi nhà và giúp đỡ con người cũng như gia đình tái khám phá rằng thực sự có ơn cứu độ nơi Đức Kitô. Trong Ngài, người ta có thể tìm thấy sự bình an nội tâm và trợ lực để đương đầu mỗi ngày với những trạng huống khác nhau trong cuộc sống, thậm chí đó là những hoàn cảnh khó khăn và nặng nề nhất. Người ta chưa bao giờ nghe nói đến một vị thánh buồn hay là một vị thánh với gương mặt thiểu não. Người ta chưa bao giờ nghe nói đến điều đó! Đó sẽ là một sự vô lý. Một Kitô hữu là một người có con tim đầy bình an bởi vì người đó biết đặt để niềm vui của mình nơi Thiên Chúa thậm chí cả khi phải trải qua những thời khắc khó khăn trong cuộc sống. Có đức tin không có nghĩa là sẽ không gặp phải những giây phút khó khăn nhưng là có sức mạnh để đương đầu với chúng với suy nghĩ rằng chúng ta không hề cô độc. Đây là bình an mà Thiên Chúa ban tặng cho con cái của Ngài.

Cùng hướng về Giáng Sinh đã cận kề, Giáo Hội mời gọi chúng ta làm chứng rằng Đức Giêsu không phải một nhân vật của quá khứ; Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa ngày nay vẫn tiếp tục chiếu sáng cho cuộc lữ hành của con người; những cử chỉ của Ngài – những Bí tích – là sự tỏ bày của lòng âu yếm, của sự an ủi và tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với từng con người.

Nguyện xin Đức Trinh nữ Maria, “Nguồn vui của chúng ta”, luôn mang lại cho chúng ta những tin vui của Thiên Chúa, Đấng đến để giải thoát chúng ta khỏi mọi sự nô lệ, bên trong cũng như bên ngoài.”

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Chúa nhật 11.12.2011 – Niềm vui đích thực

Anh chị em thân mến,

Các bản văn phụng vụ Mùa Vọng liên tục mời gọi chúng ta hãy sống trong hy vọng vào Chúa Giêsu và không ngừng mong đợi Chúa đến để nhờ đó chúng ta giữ mình trong sự cởi mở và sẵn sàng gặp gỡ Ngài. Sự canh thức bằng trái tim, điều mà các Kitô hữu luôn được mời gọi thực hành trong cuộc sống hằng ngày của mình, là đặc điểm đặc biệt của Mùa Vọng, trong đó chúng ta vui mừng chuẩn bị cho mầu nhiệm Giáng Sinh (x. Lời nói đầu của Mùa Vọng II).

Môi trường bên ngoài thường đưa ra những sứ điệp thương mại, mặc dù có lẽ ở mức độ thấp hơn do cuộc khủng hoảng kinh tế. Các Kitô hữu được yêu cầu sống Mùa Vọng mà không để mình bị phân tâm bởi ánh sáng rực rỡ nhưng biết cách coi trọng mọi thứ và biết cách hướng cái nhìn nội tâm của mình vào Chúa Kitô. Thật vậy, nếu chúng ta kiên trì “tỉnh thức trong cầu nguyện, tâm hồn tràn đầy ngạc nhiên và ca ngợi” (ibid.), mắt chúng ta sẽ có thể nhận ra nơi Ngài là ánh sáng đích thực của thế giới, Đấng đến để xua tan bóng tối của chúng ta.

Đặc biệt phụng vụ Chúa Nhật hôm nay, gọi là ”Gaudete” Hãy vui lên, mời gọi chúng ta hãy vui mừng, tỉnh thức nhưng không buồn rầu, trái lại vui tươi. ”Anh chị em hãy luôn vui mừng trong Chúa” – như thánh Phaolô đã viết (Ph 4,4). Niềm vui chân thực không phải là kết quả sự vui chơi giải trí, hiểu theo nguyên ngữ của từ di-vertere, nghĩa là xuất khỏi những nghĩa vụ của cuộc sống, khỏi những trách nhiệm của mình.

Niềm vui đích thực gắn liền với một cái gì sâu xa hơn. Dĩ nhiên, trong nhịp sống thường nhật, nhiều khi ồ ạt, điều quan trọng là có thời gian nghỉ ngơi, thư giản, nhưng niềm vui chân thực gắn liền với tương quan cùng Thiên Chúa. Ai đã gặp Chúa Kitô trong cuộc sống của mình, thì cảm nghiệm trong tâm hồn sự thanh thản và niềm vui mà không một ai hoặc hoàn cảnh nào có thể tước mất. Thánh Augustinô đã hiểu điều đó rất rõ. Trong cuộc tìm kiếm của ngài đối với chân lý, an bình và vui mừng, sau khi đã kiếm tìm trong nhiều sự mà không có kết quả, thánh nhân đã kết luận với câu thời danh rằng tâm hồn bất an của con người chỉ tìm được thanh thản và an bình cho đến khi được an nghỉ trong Chúa (Xc Le Confessioni, I,1,1).

Niềm vui đích thực không phải chỉ là một tâm trạng chóng qua, cũng chẳng phải là điều ta đạt tới bằng sức riêng của mình, nhưng là một hồng ân, nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với con người sinh động của Chúa Giêsu, từ sự kiện ta dành chỗ trong chúng ta cho Chúa, đón nhận Thánh Thần hướng dẫn cuộc sống chúng ta. Đó là lời mời gọi của thánh Phaolô Tông Đồ: “Xin Thiên Chúa an bình thánh hóa anh chị em hoàn toàn, và trọn con người, tinh thần, linh hồn và thân xác anh chị em, trở nên không có gì đáng trách để đón Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đến” (1 Tx 5,23).

Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy củng cố xác tín Chúa đã đến giữa chúng ta và tiếp tục đổi mới sự hiện diện an ủi, yêu thương và vui mừng của Ngài. Chúng ta hãy tín thác nơi Chúa; như thánh Augustinô cũng đã quả quyết, do kinh nghiệm của ngài: “Chúa gần chúng ta hơn chúng ta gần chính mình” (Le Confessioni, III, 6,11).

Chúng ta hãy phó thác hành trình của chúng ta cho Đức Mẹ Vô Nhiễm, thần trí của Mẹ đã vui mừng trong Chúa là Đấng Cứu Thế. Xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta trong sự vui mừng chờ đợi Chúa Giêsu đến, một sự chờ đợi đầy kinh nguyện và việc lành.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Chúa nhật 14.12.2008 – Chúa ở gần kề là phạm trù của tình yêu

Anh chị em thân mến,

Chúa nhựt thứ ba mùa Vọng được gọi là Chúa nhật Gaudete “Mừng vui lên”, bởi vì ca nhập lễ lấy lại lời của thánh Phaolô gửi các tín hữu Philipphê như sau: “Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi xin lặp lại: anh em hãy vui lên” và liền đó là Người nêu bật động lực: “bởi vì Chúa ở gần kề” (Pl 4,4-5). Đây là lý do của niềm vui. Thế nhưng “Chúa ở gần kề” có nghĩa là gì? Chúng ta phải hiểu sự “gần kề” của Thiên Chúa như thế nào? Khi viết thư cho các tín hữu Philipphê, chắc hẳn là thánh Phaolô nghĩ đến việc Chúa trở lại, và Người mời họ hãy vui lên vì đó là chuyện chắc chắn. Tuy nhiên, trong thư gửi các tín hữu Thêxalonica, cũng chính thánh Phaolô đã nhắn nhủ rằng không ai có thể biết được chắc chắn lúc nào Chúa đến (xc. 1Tx 5,1-2), và đã cảnh báo đề phòng những thứ báo động hoảng hốt, ra như việc Chúa đến đã sắp xảy ra rồi vậy (xc. 2Tx 2,1-2). Kể từ lúc đó, Hội thánh được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã hiểu rằng việc Chúa “gần kề” không hiểu về không gian hay thời gian, nhưng là chuyện của tình yêu. Tình yêu làm xích lại gần. Lễ Giáng sinh sắp đến sẽ nhắc nhở chúng ta chân lý căn bản đó của đức tin, và đứng trước hang đá, chúng ta có thể thưởng thức kiềm vui Kitô giáo khi chiêm ngắm nơi hài nhi Giêsu khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng vì thương ta đã trở nên gần kề với chúng ta.

Trong viễn tượng này, tôi hân hạnh được lặp lại truyền thống chúc lành các tượng Chúa Hài đồng được đặt trong hang đá. Cách riêng cha muốn ngỏ lời với các con, những thiếu nhi của thành phố Rôma, mang tượng Chúa hài đồng đến đây để được chúc lành. Các con hãy hợp ý với cha trong kinh nguyện sau đây:

“Lạy Chúa là Cha của chúng con, Cha đã yêu thương loài người đến độ đã phái đến cho chúng con đức Giêsu là Con Một của Cha, sinh bởi Trinh nữ Maria, để cứu vớt chúng con và đưa chúng con về với Cha.

Chúng con cầu xin, nhờ sự chúc lành của Cha, để cho các tượng Chúa Giêsu sắp đến ở giữa chúng con, được trở nên dấu chỉ của sự hiện diện và tình thương của Cha trong gia đình của chúng con.

Lạy Cha nhân từ, xin cũng chúc lành cho chúng con, cha mẹ, gia đình và bạn hữu của chúng con.

Xin mở rộng tâm hồn chúng con để chúng con biết tiếp rước Chúa Giêsu trong niềm vui, và gặp thấy Người nơi những ai đang cần đến tình thương của chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”

Và giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau đọc kinh Truyền tin, xin Đức Mẹ cầu bầu cho chúng ta, ngõ hầu tất cả mọi gia đình tại Rôma và trên khắp thế giới, biết âu yếm đón nhận Chúa Giêsu, Đấng đã đem lại phúc lành của Thiên Chúa cho nhân trần.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Nguồn: hdgmvietnam.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận