Chữ Tâm

1087 lượt xem

Hãy nhân từ như Thánh Phụ nhân ái
Đừng xét đoán để Chúa Trời thứ tha

Đó chính là “cái tâm” của các Kitô hữu – nói chung, và của các tín nhân Công giáo – nói riêng. Lòng nhân từ luôn liên quan sự tha thứ. Cụ thi hào Nguyễn Du đã biện luận: “Thiện căn ở tại lòng ta – Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Tâm không cần Tài, nhưng Tài luôn cần Tâm, nếu không thì Tài sẽ hóa Tai (tai ương, tai họa).

Chữ TÂM có khá nhiều nghĩa – đen và bóng: tâm tạng (trái tim), tâm thất (ngăn dưới trong trái tim), tâm phúc (bụng dạ, lòng, ruột), tâm cảm (lòng, tình cảm), tâm phục (thật lòng kính trọng vâng theo), tâm ý (lòng dạ và đầu óc), đồng tâm nhất trí (cùng một lòng, một ý), viên tâm (điểm giữa vòng tròn, trọng tâm, trung tâm), tâm tưởng, tâm tư, tâm niệm, tâm nguyện, tâm thức, tâm tính, tâm tình, tâm địa, tâm ý, tâm lý, tâm trí, tâm thần, tâm trạng, lương tâm, tâm hồn, tâm linh,…

Chữ Tâm được đề cập ngay ở đầu Kinh Pháp Cú: “Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tất cả”. Chữ Tâm liên quan việc sửa mình (tu thân). Cổ nhân có câu: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị. Thử vị tu thân tại chính kỳ tâm”. Nghĩa là “nếu tâm trí không để vào đó, thì dẫu nhìn mà chẳng thấy, dẫu để tai mà chẳng nghe, dẫu ăn mà chẳng biết mùi vị. Như vậy nên gọi là sửa mình cốt ở chỗ làm cho lòng (cái tâm) mình ngay thẳng.

Trình thuật 1 Sm 26:2, 7-9, 12-13, 22-23 cho biết: Vua Sa-un lên đường và xuống sa mạc Díp, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Ít-ra-en, để tìm bắt ông Đa-vít trong sa mạc Díp. Đang đêm, ông Đa-vít và ông A-vi-sai đến chỗ quân binh. Vua Sa-un đang nằm ngủ trong trại binh, cây giáo của vua cắm xuống đất, ở phía đầu vua, còn ông Áp-ne và quân binh thì nằm chung quanh.

Ông A-vi-sai nói với ông Đa-vít: “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai”. Ông Đa-vít nói với ông A-vi-sai: “Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu?”. Dù sống thời Cựu Ước, với luật “răng đền răng, mắt đền mắt”, nhưng ông Đa-vít vẫn có một tấm lòng – nhân từ và tha thứ.

Sau đó, ông Đa-vít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu vua Sa-un, rồi cả hai người ra đi. Không ai thấy, không ai hay, không ai thức dậy. Họ đều ngủ cả, vì Đức Chúa đã cho một giấc ngủ mê ập xuống trên họ. Ông Đa-vít đi sang phía bên kia và đứng trên đỉnh núi, ở đàng xa; có một khoảng cách lớn giữa họ. Ông Đa-vít nói: “Cây giáo của đức vua đây. Một trong các đầy tớ hãy sang mà lấy. Xin Đức Chúa thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ: hôm nay Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong” (1 Sm 26:22-23). Đó là cái tâm cần thiết mà ông Đa-vít đã có.

Martin Luther King (1929-1968) có triết lý sống tuyệt vời: “Yêu thương là điều duy nhất có thể biến đổi kẻ thù thành bạn hữu”. Điều đó rất phù hợp với giáo huấn mà Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Hãy yêu thương nhau” (Ga 13:34; Ga 15:12 và 17). Đó chính là dấu hiệu chứng tỏ ai thực sự là môn đệ của Ngài (Ga 13:35). Thánh Gioan nói rằng chúng ta không chỉ PHẢI tin vào danh Đức Giêsu Kitô mà còn PHẢI yêu thương nhau (1 Ga 3:23).

Cái “phải” đó không có nghĩa là ép buộc, mà là nhận thức và tự nguyện. Trong tâm tình yêu mến, Thánh Vịnh gia tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà” (Tv 103:1-4). Lời tự nhủ đó là điều tâm niệm và tâm nguyện, đồng thời cũng là cách dẫn chứng để chính mình tâm phục khẩu phục – kể cả tha nhân.

Nhờ vào các nguồn đáng tin cậy khác nhau – từ cổ chí kim, cách riêng là chính kinh nghiệm sống tâm linh của mỗi người, chúng ta biết chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn “từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ hoài, không oán hờn mãi, không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103:8-10). Quả thật, Thiên Chúa quá đỗi nhân từ đến nỗi phàm nhân có lúc cảm thấy phân vân, thế nhưng Ngài thực sự là vậy, không thể khác được, bởi vì đó là bản chất của Ngài và chính Ngài xác nhận: “Ta vốn nhân từ” (Xh 22:26). Và rồi Thánh Gioan cũng đã định nghĩa về Ngài: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8 và 16). Một định nghĩa ngắn gọn nhưng bao hàm tất cả.

Nếu Thiên Chúa chấp tội, chẳng ai có thể nên thánh, chẳng ai có thể vào Thiên Đàng. Thế nhưng thật diễm phúc cho chúng ta, vì mọi thứ tội và tội của thế gian này cũng chỉ là “chuyện nhỏ” đối với Ngài: “Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103:12-13). Thế đấy, tội gì cũng được tha – dù nhỏ hay to, nhẹ hay nặng, khinh tội hoặc trọng tội, nhưng chỉ có một tội không được tha: tội phạm tới Thần Khí – Chúa Thánh Thần (Mt 12:31; Mc 3:29; Lc 12:10). Hữu tâm thì được tha, vô tâm thì đành chịu (hoặc ráng chịu).

Thánh Phaolô trích dẫn: “Như có lời đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó” (1 Cr 15:45-46). Hai con người với hai dạng “sức sống” hoàn toàn khác nhau. A-đam đầu tiên là nhân loại, A-đam cuối cùng là Đấng Tạo Hóa – Đức Giêsu Kitô.

Thánh Phaolô giải thích rõ ràng hơn: “Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1 Cr 15:47-49). Chúng ta là loài người, mang thân bụi phận cát, nhưng được hình thành một cách lạ lùng, khiến Thánh Vịnh gia đã phải thốt lên: “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!” (Tv 139:14).

Trình thuật Lc 6:27-38 (≈ Mt 5:38-48; 7:1-2) đề cập hai vấn đề, và cũng là hai mệnh lệnh: tình yêu thương và lòng nhân từ – yêu thương và nhân từ với bất kỳ ai – kể cả kẻ thù. Yêu thương và nhân từ không thể tách rời nhau, có cái này thì cũng có cái kia, không có cái này thì cũng chẳng có cái kia.

Nói yêu thương thì không khó, thực hành yêu thương thì rất khó, nhưng không thể không làm, vì đó là mệnh lệnh của Đức Giêsu Kitô: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh thì đừng đòi lại”.

Lòng yêu thương vô cùng quan trọng, là thước đo lòng mến Chúa, và là “món nợ” mà ai cũng phải trả xong cho đến đồng xu cuối cùng. Chính Chúa Giêsu đã nói chi tiết: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5:23-24). Và Thánh Gioan giải thích: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Cách so sánh chí lý!

Thật vậy, Chúa Giêsu nói rất cụ thể: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Điều Ngài nói rất đời thường chứ chẳng xa rời thực tế. Tương tự, người đời cũng nhận định: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” – Mình không muốn điều gì cũng đừng làm cho người khác. Rồi Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn NHÂN HẬU với cả PHƯỜNG VÔ ÂN và QUÂN ĐỘC ÁC”. Lúa và cỏ vẫn sống chung một nguồn nước và cùng hấp thụ chất dinh dưỡng như nhau. Nắng mưa chẳng cho riêng ai – dù người đó tốt hay xấu, biết điều hay ngang ngược.

Chúa Giêsu đưa ra một loạt mệnh lệnh – mệnh lệnh xác định và phủ định: “Anh em HÃY có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em ĐỪNG xét đoán thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em ĐỪNG lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em HÃY tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em HÃY cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”. Thiên Chúa rất đại lượng và hào phóng, không ai phải chịu thiệt bao giờ. Ngài nhân lành nhưng chí công, và thời gian cũng có hạn.

Có mọi thứ mà không có đức ái thì cũng hoàn toàn vô ích! (x. 1 Cr 13:1-3). Ca dao Việt Nam so sánh rất cụ thể:

Dẫu xây chín bậc phù đồ (*)
Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người

Đó là cái Tâm mà ai cũng phải có, gọi là “đạo làm người”, loại “đạo” này không phân biệt bât kỳ tôn giáo nào, kể cả những người vô thần, bởi vì là con người thì ai cũng phải có loại “đạo” đó.

Chẳng dễ gì để sống có cái Tâm, bởi vì không chỉ mệt mỏi mà còn khổ lắm, nhưng cái khổ đó rất có giá trị. Có lòng yêu thương thì sẽ có cái Tâm, và làm được điều kỳ diệu, như Thánh Faustina Maria Kowalska cho biết: “Tình yêu cao cả có thể biến đổi những điều nhỏ thành những điều to, và chỉ có tình yêu đó mới làm cho hành động của chúng ta có giá trị”. Thánh Gioan Maria Vianney xác định: “Bạn phải chấp nhận thập giá của mình, nếu bạn can đảm vác nó thì nó sẽ đưa bạn tới Thiên Đàng”.

Lạy Thiên Chúa nhân lành, luôn nhân hậu và giàu lòng nhân ái, xin biến đổi để chúng con có thể nhân từ với mọi người, sống nhân hậu như Ngài mong muốn, xin giúp chúng con biết hy sinh và chịu đựng nhau vì yêu mến Ngài, để đền tội của mình, để cầu nguyện cho tha nhân và các linh hồn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen. 

Trầm Thiên Thu

(*) Phù đồ là cái Tháp, Tháp-Bà (tiếng Hoa, chữ âm kép, chứ không có nghĩa là tháp thờ bà chúa), Stupa (tiếng Phạn, nghĩa đen là “búi tóc”), hay Thạt (tiếng Lào, có gốc tiếng Phạn là Dhatu). Theo truyền thống Phật giáo, phù đồ là ngôi mộ chôn giữ một phần xá lợi (di thể của Phật) hoặc là nơi tưởng niệm Phật và môn đệ có di thể. Phù đồ cũng được gọi là Tháp Phật, Bảo Tháp, Đại Bảo Tháp.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận