Đứng trước vấn đề lạm dụng tính dục trong Giáo hội

1614 lượt xem

Một thực tế

Gần đây, việc hàng loạt những vụ lạm dụng liên quan đến giới giáo sĩ bị đưa ra ánh sáng đã làm dấy lên trong Giáo Hội những luồng tư tưởng và thái độ khác nhau. Có những vụ việc chỉ mới phạm gần đây, nhưng cũng có những vụ đã xảy ra khá lâu nhưng bị nhấn chìm hay che giấu. Vấn đề lạm dụng tính dục không những tự bản thân nó đã là một nỗi đau cho Giáo Hội, mà còn khơi lên nhiều vấn đề khác như giáo sĩ trị, tình trạng sa sút của đời tu… Những điều này đã gây bối rối cho các Kitô hữu, đồng thời cũng dấy lên một xu hướng chống Giáo hội cách mạnh mẽ.

Vấn đề lạm dụng tính dục trở nên hiển nhiên khi các chứng cứ được cung cấp chính xác và rõ ràng. Dù đôi khi cũng có những vụ vu cáo, nhưng đây là một thực tế làm cho mọi người cả trong và ngoài Giáo hội vừa lo lắng, vừa căm phẫn. Vấn đề này là một vết đen rất lớn trong bức tranh toàn cảnh của lịch sử Giáo hội. Nó gây ra nhiều thiệt hại về danh dự, niềm tin, vật chất và những nỗi đau tinh thần cho các nạn nhân và nhiều người khác, đặc biệt là cho những ai yêu mến Giáo hội.

Người ta bất chợt đặt câu hỏi: Giáo hội có thật sự thánh thiện? Và tính khả tín của các chân lý cũng bị đặt lại vấn đề, cũng như đặt ra bao nhiêu câu hỏi khác liên quan đến đời sống của các vị mục tử và cả việc huấn luyện linh mục-tu sĩ trong Giáo hội.

Một cái nhìn tiêu cực về Giáo hội là điều không thể tránh khỏi. Người được cho là đã dâng hiến đời mình cho Chúa lại là những người phản bội lại những cam kết của mình. Người sáng tối đọc kinh dâng lễ, giảng dạy Lời Chúa, diễn giải Kinh Thánh lại là người có lối hành xử hoàn toàn ngược lại. Đau đớn hơn, những người này lại là những người đã trải qua một quá trình huấn luyện lâu dài, được chọn lựa kỹ càng, được “đặt tay thánh hiến”. Những điều này chẳng lẽ không có ý nghĩa gì sao? Quả vậy, hậu quả của vấn đề lạm dụng không chỉ là những tổn thương của các nạn nhân nhưng còn là nỗi ngờ vực của giáo dân về chứng từ Tin Mừng, những chỉ trích của người chưa tin và gương xấu gây cỡ vấp ngã cho bao người khác.

Dù rất đau đớn trước thảm cảnh này nhưng Giáo Hội không che đậy hay tìm cách phủ nhận. Ngược lại, nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxicô đã thẳng thắn nhìn nhận và cố gắng tìm nhiều biện pháp để khắc phục những hậu quả gây ra bao nhiêu có thể. Nhiều vị giáo sĩ đã chịu sự trừng phạt của quốc gia theo quy định của luật hiện hành, cũng như chịu sự chế tài theo giáo luật, kể cả việc trục xuất khỏi hàng giáo sĩ những ai xét thấy là có mức độ vi phạm đáng phải chịu như vậy. Đặc biệt, ngày 21-24/2 tới đây, Đức Thánh Cha cùng các Chủ tịch Hội đồng Giám mục từ khắp nơi trên thế giới sẽ họp tại Roma về vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên để canh tân Giáo hội về vấn đề này.

Bên cạnh những biện pháp mang tính cứng rắn đối với những người đã phạm tội, Giáo Hội cũng đã tìm mọi cách để canh tân Giáo Hội trong việc xem xét lại cách thức và tiêu chuẩn nhận ứng viên vào đời tu. Và yếu tố tính dục được đặc biệt lưu ý và thực thi cách triệt để hơn. Các phương pháp huấn luyện chiều sâu cũng được áp dụng, hướng tới việc đào tạo một thế hệ những linh mục- tu sĩ đích thật là những con người phục vụ, như Đức Giêsu là Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x.Mc 10,45).

Giáo Hội – một thực thể chưa hoàn thiện

Người ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện mà lại có những chuyện này xảy ra?

Dù xuất phát từ Thiên Chúa và thừa hưởng sự thánh thiện của Thiên Chúa, nhưng Giáo hội tồn tại hữu hình ngang qua một cơ cấu của con người. Giáo hội bao gồm những con người chứ không phải các thiên thần, nên chắc chắn không được miễn trừ khỏi những yếu đuối và tội lỗi. Nói theo ngôn ngữ thần học, Giáo Hội là một thực thể đang trong cuộc hành hương tiến về sự hoàn thiện. Tất cả vũ trụ này – kể cả Giáo Hội – đang còn được Thiên Chúa tạo dựng. Dù đã thừa hưởng ơn cứu độ của Đức Kitô phục sinh, nhưng Giáo Hội vẫn đang thực hiện lộ trình băng qua sa mạc để được thanh tẩy trước khi trở nên hoàn toàn thánh thiện vào thời sau hết. Đó là lý do vì sao vẫn còn nhiều mặt tối xuất hiện trong Giáo hội.

Dù vậy, cùng với thánh Phaolô, chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa có thể tỏ lộ quyền năng trong sự yếu đuối của con người (x.2Cr 12,9). Một điều không thể chối bỏ là chúng ta đã lãnh nhận rất nhiều ơn lành từ Chúa ngang qua Giáo Hội. Vì thế, như là những người con của Giáo hội, các Kitô hữu được mời gọi yêu mến Giáo hội không phải vì Giáo hội hoàn hảo nhưng vì Giáo hội là mẹ đã sinh ra mình trong đức tin.

Một cây ngã đổ sẽ dễ gây sự chú ý hơn hàng ngàn cây đang lớn lên hằng ngày hằng giờ. Giáo hội không chỉ có những vết đen và tội lỗi. Nơi Giáo hội cũng đã và đang xuất hiện rất nhiều vị thánh và nhiều bậc vĩ nhân đã dùng cả cuộc đời mình để minh chứng cho một lối sống Tin Mừng. Chỉ có điều các vị ấy dường như quá âm thầm – như chồi cây đang mọc lên – nên không được chú ý tới như tiếng ầm ĩ của một cây đổ xuống. Ngay chính hiện nay và lúc này, đang khi những chuyện lạm dụng được nhắc đến nhiều trên các mặt báo, thì nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ vẫn tiếp tục dấn thân âm thầm trong các phận vụ hằng ngày trong các xứ đạo, hay hăng say trên những biên cương xa xôi, mang tình thương và hơi ấm sẻ chia cho những tâm hồn tan nát. Những điểm tốt ấy có vẻ không thu hút người ta cho bằng những vết đen vệt xấu.

Thời trung cổ, khi Luther tiến vào Roma, chứng kiến cảnh tồi tệ từ hàng giáo sĩ tới giáo dân, ông đã bất mãn, phê bình Giáo Hội và nghĩ đến chuyện canh tân theo đường hướng rũ bỏ hoàn toàn Giáo Hội cơ cấu và ông đã tách mình khỏi Giáo hội Công giáo. Ngược lại, thánh Inhaxio Loyola, khi tiến vào Roma, cũng đi trên cùng một con đường, chứng kiến cùng một cảnh tượng, nhưng thay vì nghĩ đến chuyện xa lìa Giáo hội, ngài đã chọn ở lại để xây dựng và canh tân Giáo hội từ bên trong. Cái nhìn và thái độ của mỗi người về một vấn đề sẽ quyết định chọn lựa của họ trước những ngả đường tiếp theo.

Giáo hội đang trên đường lữ hành, và mang trên mình cả cái tốt lẫn cái xấu. Sự thanh lọc của ân sủng đang làm cho cái tốt lớn lên và cái xấu dần nhỏ lại. Hoạt động của Thần Khí vẫn đang rất mạnh mẽ. Tội lỗi vẫn còn đang hoành hành trong Giáo Hội, nhưng cái nhìn lạc quan và một niềm tín thác vào Thánh Thần vẫn luôn là một lời mời gọi đối với các Kitô hữu. Bởi lẽ, Giáo Hội là sáng kiến, là công trình và là sở hữu của Thiên Chúa, chứ không phải của riêng con người.

Thái độ cần có

Vậy trước vấn nạn quá lớn này, đâu là thái độ cần có của một Kitô hữu?

Khi nhắc đến Kitô hữu, ắt hẳn điều đầu tiên cần nhắc đến là cầu nguyện như là cốt lõi làm nên căn tính của mình: Cầu nguyện cho Giáo hội, cho các nạn nhân và cho cả những người phạm tội. Thêm vào đó, ngoài việc cầu nguyện, thiết nghĩ người Kitô hữu còn cần một thái độ bao dung và tha thứ cho những người đã vì yếu đuối mà phạm phải những lỗi lầm.

Chân lý mặc khải và ân sủng mà Thiên Chúa ban cho con người không vì những lỗi lầm của giáo sĩ mà bị cắt bớt. Nói cho cùng, các giáo sĩ cũng chỉ là những con người với bao giới hạn và yếu đuối như mọi con người. Giáo sĩ phạm những tội lỗi, nhưng không vì thế mà mặc khải của Thiên Chúa trở nên sai lầm hay tệ hơn là xem Thiên Chúa như không tồn tại. Ngược lại, chỉ có Chúa là Đấng Tuyệt Đối trọn hảo, thấu suốt mọi sự và có đủ thẩm quyền cũng như khôn ngoan để phán xét. Bởi thế, cùng với việc lên án tội lỗi, Kitô hữu cần có thái độ như thánh Phaolô khuyên các tín hữu Cô-lô-xê: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em cũng phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,13).

Báo chí thường khai thác những vấn đề nóng bỏng và đôi khi bỏ qua các thực tại khác của vấn đề. Vì thế, ngay cả việc đọc tin tức cũng cần có sự phân định, dù đó là tin tốt hay tin xấu. Vì thế, đối diện với các luồng tin tức, độc giả Kitô hữu cần có một thái độ trung dung và cũng cần đọc nhiều nguồn tin từ bên ngoài lẫn tin tức của chính Giáo hội để có cái nhìn bao quát. Và quan trọng là lấy đức ái và phân định làm nền tảng cho những phán đoán và suy nghĩ của mình. Khách quan mà nói, một số giáo sĩ vấp phạm thì không có nghĩa là mọi giáo sĩ đều như thế. Lên án cái xấu là điều nhất thiết phải làm, nhưng cũng cần để ý đến những dấn thân tích cực trong đời sống Giáo hội. Giáo hội nâng đỡ con người, nhưng Giáo hội cũng thật sự rất cần sự nâng đỡ từ những người con của mình.

Thắp lên một ánh lửa hơn là ngồi nguyền rủa bóng đêm. Điều này không dễ trong thời đại mà con người thích những chuyện sốt dẻo và giật gân hơn những tin tốt lành khác. Người Kitô hữu cần mạnh mẽ lội ngược dòng, để cùng chung tay xây dựng đời sống đạo đức tốt lành ngay tại gia đình và giáo xứ. Nếu cần, có thể nêu lên những góp ý chân thành, với tinh thần tôn trọng và xây dựng dành cho các vị chủ chăn, giúp họ sống tốt ơn gọi của mình.

Cuối cùng, Kitô hữu được mời gọi tin vào kế hoạch và quyền năng của Thiên Chúa, Đấng vẫn hằng thông ban sự thánh thiện của mình cho Giáo hội và đang từ từ thanh tẩy Giáo hội để Giáo hội mỗi ngày trở nên khí cụ chuyển trao ơn lành của Ngài cho con người và cho toàn thể muôn loài thụ tạo.

Lê Hoàng Nam, SJ

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận