Thập giá – Sứ điệp của tình yêu

1515 lượt xem

Cách đây gần hai ngàn năm, vào một buổi chiều ngày thứ sáu, ba cây thập giá được dựng lên trên đỉnh đồi Calvario – một ngọn đồi nằm ở ngoại ô phía Tây Bắc thành phố Giêrusalem, thủ đô nước Palestin. Trên ba cây thập giá ấy người ta treo ba con người bị kết án tử hình. Hai trong ba tử tội cùng chung một tội danh: trộm cắp. Người còn lại – kẻ bị treo ở chính giữa – thật khó mà định được tội trạng. Đối với người Do thái thì đó là một phạm nhân chính trị, tự xưng mình là vua, lại rao truyền một thứ giáo lý mới lạ… Song, đối với những “kẻ được tuyển chọn” (1Cr 1,24) thì đó chính là Đấng Cứu Thế. Ngài bị treo trên thập giá để giải thoát muôn dân khỏi tội luỵ và sự chết. Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã rao giảng về đấng chịu sát tế cứu độ muôn dân như một cương lĩnh hào hùng (quasiment progammatique): “tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2,2). Sau biến cố trên đường đi Damas, Phaolô đã nhận ra từ tận căn thập giá là sự chiến thắng vinh hiển, và rao giảng về thập giá là một sự hãnh diện, đến nỗi “Niềm vinh dự của tôi là thập giá Đức Kitô” (xc.Gl 6,14).

Thập giá, xét như một phương thế, là một thứ nghịch thường, người ta chỉ dùng để xử tử kẻ phạm tội. Người Do thái, thời Đức Giêsu, quan niệm rằng: án treo trên thập giá là cái chết “ô nhục” (Dt 12,2) và “đáng nguyền rủa” (Gl 13,3) dành cho tử tội. Thế nhưng, Thiên Chúa đã chọn cái chết ấy cho Con của Ngài để biểu lộ tình yêu đối với thế gian.[1] Chính vì lẽ đó, thập giá đã trở nên khác thường, nó không còn là nghịch cảnh của những án treo, nó trở thành sứ điệp của tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Thập giá – kế hoạch cứu rỗi

Sau khi tạo dựng nên bầu trời thăm thẳm và địa cầu xinh tươi, Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài (St 1,27) và cho con người sống trong một khuôn viên xinh đẹp và lộng lẫy. Thế nhưng, bằng một cách thức huyền bí nào đó, ác quỷ đột nhập vào địa cầu làm cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người bị biến dạng và trở nên tàn tạ. Từ đó tội lỗi và sự chết thống trị con người (x. Rm 5,12-14).

Vì lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa quyết định làm cho con người trở lại dáng vẻ tráng lệ và thiện hảo ban đầu. Ngài không phái một đạo binh thiên thần trên Thiên quốc xuống trần gian để tiêu diệt tà thần và ác quỷ – căn nguyên gây ra cám dỗ, nhưng dùng chính sự chết để tiêu diệt tội lỗi và sự chết do tội lỗi gây nên.

Thập giá, chúng ta đã nói ở trên, là một yếu tố thất bại thảm khốc nhất (x. 1Cr 1,23; Đnl 21,23) Thiên Chúa đã tận dụng cách triệt để để hoàn tất công việc cứu chuộc con người. Đồng thời, thập giá còn cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa vượt lên trên mọi suy tưởng và sự yếu đuối của con người.

Thập giá không loại trừ run sợ

Trong lá thư 2Cr 10-13 được viết bằng cảm xúc dạt dào, thánh Phaolô một mặt cho thấy sự đau khổ của sứ vụ tông đồ của ngài, mặt khác trưng ra sự yếu hèn trong thân phận làm người được bù đắp bởi sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa. Thập giá biểu hiện rõ ràng trong cách nhìn này: “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Sau đó, thánh nhân liên kết với sự yếu đuối của Đức Kitô: “Người đã bị đóng đinh trong sự yếu đuối của mình” (2Cr 13,4)

Thật thế, tình yêu không cất đi sự run sợ, nó mang lại cho run sợ một ý nghĩa. Hình ảnh Đức Giêsu thao thức, lo buồn và cầu nguyện suốt đêm trong vườn Gethsemane nói lên sự run sợ tột đỉnh trước thập giá. Người quỵ xuống đất mà cầu xin cho giờ ấy rời khỏi mình: “Cha ơi! … xin cho con khỏi uống chén này” (Mc 14,36). Thế nhưng, hình ảnh đó không bị phó mặc cho sự yếu đuối của bản tính làm người nơi Đức Giêsu mà trao phó cho ý muốn của Chúa Cha. Người Con biết rằng, để ý Cha nên trọn thì đồng nghĩa với việc chấp nhận cho người ta treo lên thập giá và giết đi. Run sợ trở nên ý nghĩa khi Đức Giêsu từ chối bản thân mình và vâng phục hoàn toàn theo thánh ý Thiên Chúa “xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (Mc 14,36).

Thánh Phaolô đã nhắc lại lời của tiên tri Isaia trong Pl 2, 6-11: Đức Kitô trở thành đầy tớ và đã hạ mình vâng phục để thi hành sứ mạng. Như vậy, cái chết của Đức Kitô có ý nghĩa vì “vâng phục” chứ không phải là vì hệ quả của kẻ kết án.

Tuy nhiên, chiến thắng của thập giá không phải là sự chiến thắng bằng võ lực, nhưng là cách thức vượt qua run sợ và đau thương.

Thập giá – một thực tại đau khổ

Đau khổ là một thực tại hiện sinh mà con người không thể tránh được trong cuộc đời của mình. Có khi đau khổ là một cuộc sống cùng cực, bất hạnh hay xa cách, cũng có khi là thương vong. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, mặc lấy thân phận của kiếp phàm nhân, cũng không đi ra ngoài thực tại ấy của kiếp người.

Xét trên phương diện tinh thần, đau thương của thập giá, tiên vàn là sự sỉ nhục mang tính trần tục. Thập giá, theo lẽ thường, là cái giá hình chữ thập người ta dùng để đóng đinh kẻ phạm pháp. Đối với người Roma, hình phạt ấy bất xứng với ngay cả công dân đáng khinh bỉ nhất của họ. Như thế, Đức Giêsu đã bị liệt vào hàng ngũ tội nhân bất xứng. Ngài chịu đóng đinh cùng với hai tên trộm cắp. Ngài không phạm tội nhưng chúng ta phạm tội. Định mệnh của Đức Giêsu chính là định mệnh của con người “Vì tội lỗi mà sự chết xâm nhập thế gian” (Rm 5,12), nhưng cũng vì thế gian mà Ngài bị trao nộp (x. 1Cr 15,3), bị khinh khi, ruồng rẫy, bị lột trần trước bàn dân thiên hạ.

Thứ đến, đó là sự cô đơn. Trên thập giá, Đức Giêsu như rơi xuống tột cùng của sự tuyệt vọng, cuộc sống xung quanh toàn là mầu xám thê lương. Không ai dám lên tiếng bảo vệ cho Ngài. Đức Maria, thánh Gioan và những người theo Chúa chỉ biết lặng mình để nhìn người ta treo Đức Giêsu lên thập giá. Các môn đệ khác chạy trốn vì sợ hãi. Người Cha cũng không can thiệp mà để mặc cho người ta dày xéo thân xác con Ngài. Dưới chân thập giá toàn là mũi đòng và lính tráng. Người ta còn chửi rủa và phỉ nhổ kẻ bị đóng đinh. Không có nỗi cô đơn nào lớn hơn. Đức Giêsu phải thốt lên rằng: Ê-li Ê-li, lê-ma xa-bac-tha-ni “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mt 27,46).

Trên bình diện thể lý, đau thương của thập giá là những roi đòn lằn trên thân xác Đức Giêsu. Vẻ đẹp của Ngài bị biến dạng và tàn tạ bởi sự hành hạ và dày xéo của những tên lính độc ác. Thay vì đội vương miệng cho vị vua, chúng đội lên đầu Đức Giêsu một vòng gai, rồi lại còn cho Ngài uống dấm chua mật đắng. Hành động này không phải là để cho Đức Giêsu nhanh chóng đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng là để kéo dài cơn đau đớn của Ngài, làm cho Chúa phải gặm nhấm thời khắc của sự đau đớn tột cùng.

Thánh Phaolô loan báo về Đức Giêsu luôn là Đấng đã bị đóng đinh như vậy. Sự “vấp phạm” và “điên dại” của thập giá là sự kiện ở nơi xem ra chỉ có sự xỉ nhục, cô đơn, đau đớn và thua cuộc, thì chính nơi đó lại là sự thể hiện quyền năng tình yêu thương của Thiên Chúa. Đối với người Do thái, thập giá ngăn cản lòng tin của tín hữu đạo đức, không tìm thấy gì giống như thế trong Kinh thánh, và nó đi ngược lại với bản thể của Thiên Chúa là Đấng tỏ hiện ra với các điềm thiêng dấu lạ. Như thế, chấp nhận thập giá của Chúa Kitô có nghĩa là hoán cải sâu đậm trong liên hệ với Thiên Chúa, là từ khước lòng trung tín với Thiên Chúa của cha ông họ. Hơn nữa, việc Đức Giêsu chịu chết trên thập giá thực sự là chuyện ô nhục và tồi tệ trước mặt họ. Với Do thái, thập giá là skandalos nghĩa là “bẫy sập” hay “hòn đá gây vấp ngã”; và tử thi tự nó đã là vật ô uế rồi, lại bị phơi bày giữa trời nữa thì quả là đồ bị Chúa ruồng bỏ (xc. Gl 3.13). Với Hy lạp, tiêu chuẩn phán đoán chống lại thập giá là lý trí. Họ gọi thập giá là moria nghĩa là “sự điên dại”, dịch sát nghĩa là “nhạt nhẽo”, “vô vị”. Vì thế hơn là một sai lầm, nó là sự phỉ báng lương tri con người hay là “sự điên rồ” (1Cr 1,23). Nhưng, thánh Phaolô chấp nhận cả hai cách phản ứng hợp lý đó và dùng nó làm lập luận nghịch lý để trình bày kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, Đấng đã dùng thập giá để biểu lộ tình yêu đối với thế gian và nhờ con của người mà thế gian được cứu độ.

Thập giá minh chứng tình yêu

Chúng ta biết rằng, tội nguyên tổ đã phá đổ căn bản mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Hệ lụy của nó lưu truyền cho hậu thế và làm cho sự chết thống trị con người. Nhưng vì lòng thương xót, Thiên Chúa không để con người phải chết trong đau khổ. Ngài ban Con Một cho trần thế hầu thực hiện chương trình cứu rỗi. Cái chết thê thảm của Đức Giêsu được mô tả trên đây là cùng đích của chương trình ấy.

Thế nhưng, tại sao Đức Giêsu phải chết? Nếu như con người phạm tội bất tuân đối với Thiên Chúa thì chỉ cần Ngài nói lời tha tội cho con người thì tội lỗi sẽ được tha, hay nói một cách hình ảnh: Thiên Chúa chỉ cần rỏ một giọt nước xuống trần gian thì muôn vàn tội lỗi của con người sẽ được sửa sạch mà không cần đến thập giá; hay là do nguyên tổ đã phạm tội quá lớn đến nỗi phải cần đến sự tiêu hủy của Con Một Thiên Chúa mới có thể đền đáp được? Không. Thưa rằng, cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là một minh chứng cho tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa Cha đối với con người.

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu là một cuộc chiến mà chúng ta là căn điểm. Người không phạm tội nhưng chúng ta phạm tội. Người mang lấy tội luỵ của nhân gian để chịu đóng đinh trên thập giá. Cuộc chiến đó không phải với năm cục đá Đavít đã dùng để giết Goliat nhưng bằng năm vết thương ghê gớm nơi chân tay và cạnh sườn. Cuộc chiến giữa một bên là vũ khí lấp loáng, một bên là kẻ bị treo trên thập giá với những giọt máu rỉ rả rơi xuống đến giọt cuối cùng. Nhưng thật lạ lùng, trong cuộc chiến này, kẻ mạng vong lại thắng cuộc.

Đức Giêsu đã vì vâng phục Chúa Cha mà chấp nhận cái chết (x. Pl 2,6-11), nhưng Thiên Chúa đã cho Người phục sinh vào ngày thứ ba sau khi chịu chết. Nhờ cái chết của Đấng chịu đóng đinh mà tội lỗi của con người bị tiêu diệt và nhờ sự phục sinh vinh hiển của Người mà thế gian được sống lại. Cũng nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu mà có sự giao hòa giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người (Rm 5, 10-11), giữa Do thái và dân ngoại (x. Cl 1,20), đồng thời, trên cây thập giá Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người và yêu thương đến cùng.

Để kết

Thập giá, tự bản chất, là yêu thương và tha thứ. Vì yêu thương nhân loại mà Con Thiên Chúa phải chết treo trên thập giá, nhưng cũng vì sự chết của Đấng bị treo mà tội lỗi của con người được tha thứ. Tình yêu cốt ở tính biện chứng này của thập giá. Chúng ta được giải án tuyên công cách nhưng không bởi ân nghĩa của thập giá, nhờ công nghiệp trong Đức Kitô (x. Rm 3, 24-25). Trong tư tưởng của thánh Phaolô, “Hy tế đền tội” có chiều kích thiêng liêng sâu xa. Cái chết có giá trị đền tội, không phải là vì cái chết đẫm máu, nhưng là vì hành vi yêu thương và vâng phục. (Pl 2, 6-11).

Thập giá, một khi Thiên Chúa dùng làm phương thế để cứu rỗi con người thì nó không còn là nghịch cảnh của những kẻ bị treo nữa, nó trở thành sứ điệp cứu rỗi nhân loại. Cái chết của Đức Kitô có tác động làm biến đổi linh hồn con người từ trạng thái tội lỗi sang trạng thái thuần khiết và được giải phóng khỏi tù ngục vây hãm. Từ đó con người như được sinh ra lại trong ơn nghĩa với Thiên Chúa. Ngay lúc trên thập giá, Đức Kitô đã hứa với một trong hai tên trộm: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

Như vậy, qua thập giá của Đức Kitô, chúng ta được chia sẻ vào sự chết với Người. Cái chết của chúng ta, thực sự, là sự khởi đầu cho một cuộc sống vĩnh cửu. Lời của triết gia Trung Quốc cổ đại Lão tử đến đây mới được “ứng nghiệm”: Sinh giã tử chi đồ, tử giã sinh chi thuỷ. Vẻ đẹp của con người được phục hồi hoàn toàn nhưng không phải là cuộc sống trần tục mà là sự sống viên mãn trên Thiên Quốc cũng như vẻ đẹp sơ nguyên của nó. Adam và Eva được tạo dựng và sống trong địa đàng của Thiên Chúa như thế nào thì linh hồn con người cũng được sung hưởng sự sống như vậy trong Thiên Quốc.

Tuy nhiên, thập giá không phải chỉ mang “giá trị Nước Trời”, nó còn là một thực tại nhắm đến con người được bắt gặp trong những biến cố cụ thể. Sau sự kiện 11/09/2001, người ta tìm thấy một thanh sắt hình cây thập giá trong đống đổ nát của tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới. Sau đó, cây thập giá này được sử dụng trong các thánh lễ và các buổi cầu nguyện cho những người xấu số và cả những người làm việc ở đó.[2] Phải chăng giữa cảnh chết chóc và hận thù, người ta dùng cây thập giá để mời gọi yêu thương và tha thứ? để hy vọng khi tuyệt vọng? Và, phải chăng sự hiện diện âm thầm của cây thập giá là lời nhắc nhở thâm thúy về những giới hạn tất nhiên của con người cũng như chính cuộc đời?

Dom. Tạ Văn Tịnh, OP.

————-
[1] Hội đồng Giám mục Đức, Tài liệu học hỏi về năm thánh Phaolô, Tôn giáo, 2008, tr. 23.
[2]Xc. Nguyễn Thái Hợp, Chút này làm tin, Văn Hóa Sài Gòn, tr. 11-12.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận