Đức thánh cha Phanxicô kêu gọi báo chí hãy khiêm tốn và tự do để phục vụ sự thật và sự thiện

900 lượt xem

Trong buổi tiếp kiến khoảng 400 nhà báo vào ngày 18 tháng 5 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích một nền báo chí khiêm tốn và tự do biết tránh xa những thương vụ “bốc mùi thông tin sai lệch” nhưng cung cấp chiếc bánh lành mạnh của sự thật và sự thiện.

“Vì thế tôi thúc giục các bạn tác nghiệp trong sự thật và công bằng để truyền thông thật sự là một khí cụ để xây dựng, không phải để phá hủy; để gặp gỡ, không phải để đối đầu; để đối thoại, không phải để độc thoại; để định hướng, không phải để lạc hướng; để hiểu biết, không phải để hiểu lầm; để bước đi trong bình an, không phải để gieo hận thù; là tiếng nói cho những ai thất thế, không phải là cái loa cho bạo cường”.

Đức Thánh cha Phanxicô cũng bày tỏ sự quý trọng của cá nhân ngài và của Giáo hội đối với chuyên môn của báo chí vì nó “góp phần cho việc tìm kiếm sự thật, và chỉ có sự thật làm cho chúng ta tự do”.

Nhấn mạnh sự khiêm tốn như một yếu tố nền tảng của nghề báo, vị Giáo hoàng gốc Argentina nói rằng việc tìm kiếm sự thật đòi hỏi nhiều khó khăn và khiêm tốn.

ĐTC Phanxicô nói thêm rằng định kiến hiểu biết mọi sự ngăn chặn việc tìm kiếm sự thật. Một bài báo, một tweet hoặc tường thuật trực tiếp, có thể hữu ích nhưng cũng có thể hãm hại người khác và đôi khi cho cả cộng đồng nếu người ta không cẩn thận và cẩn trọng.

Lưu ý rằng một số tiêu đề “giật gân” nhất định có thể ngụy tạo thông tin sai lệch so với thực tế, Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà báo chống lại cơn cám dỗ đưa tin thiếu kiểm chứng. Thay vì như thế, một nhà báo khiêm tốn  thì cố gắng tìm hiểu chính xác và trọn vẹn trước khi phát ngôn và bình luận. Làm báo như thế sẽ không nuôi dưỡng “kiểu khẩu hiệu sáo ngữ, thay vì hướng đến hành động thì lại phá hủy”.

Đức Thánh Cha cũng than phiền về việc sử dụng ngôn ngữ bạo lực và xúc phạm làm tổn thương và đôi khi hủy hoại con người. Trong thời đại có quá nhiều ngôn ngữ thù hận, cả những lời nói xấu về người khác cũng trở thành thói quen của nhiều người, kể cả việc phân loại con người, chúng ta phải luôn nhớ rằng mỗi người đều có phẩm giá bất khả xâm phạm, không bao giờ có thể bị lấy mất .

Vào thời điểm mà nhiều người đang lan truyền tin tức giả, “lòng khiêm nhường giúp bạn tránh xa những thương vụ bốc mùi thông tin sai lệch và giúp bạn cung cấp món ngon của sự thật.”

Nhấn mạnh rằng “tự do báo chí và biểu hiện là một chỉ báo quan trọng về tình trạng sức khỏe của một quốc gia,” Đức Thánh Cha chia sẻ nỗi đau với các nhà báo bị giết hại khi tác nghiệp với lòng can đảm và dấn thânđể tường thuật về thực trạng các cuộc chiến tranh và thảm cảnh”. 

ĐTC Phanxicô khẳng định: Chúng tôi cần các nhà báo đứng về phía những nạn nhân…, những người bị bách hại, về phía những người bị loại trừ, bị loại bỏ, bị phân biệt đối xử. Cần các nhà báo kể lại những tình huống đau khổ và chiến tranh đã bị lãng quên, như những nạn nhân ở Rohingya và Yazidi.

Đức Thánh Cha cũng cảm ơn các nhà báo đã giúp thế giới không quên lãng những mầm sống bị bóp nghẹt ngay cả trước khi được sinh ra; những sinh linh bé nhỏ bị dập tắt bởi đói khát, gian khổ, thiếu chăm sóc, chiến tranh; cuộc sống của những binh lính trẻ em và cuộc sống của những đứa trẻ bị xâm phạm.

ĐTC Phanxicô kêu gọi các phóng viên giúp thế giới đừng quên những người bị đàn áp và phân biệt đối xử vì đức tin hoặc sắc tộc, những nạn nhân của bạo lực và nạn buôn người. Những người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì thảm họa, chiến tranh, khủng bố, đói khát, không phải là những con số, mà là một khuôn mặt, một câu chuyện và một khát vọng hạnh phúc.

“Có một đại dương tốt lành mênh mông phải được biết đến và điều đó mang lại sức mạnh cho niềm hy vọng của chúng ta,” Đức Thánh Cha lưu ý rằng các nhà báo nữ đặc biệt nhạy cảm với những câu chuyện như vậy của cuộc sống.

Kết thúc bài diễn từ, ĐTC Phanxicô đã tặng cho các nhà báo cuốn sách có tựa đề, “Communicare il Bene”, tập hợp các bài diễn từ của ĐTC Phanxicô khi tiếp kiến các đoàn báo chí và các thông điệp của ngài viết cho Ngày thế giới truyền thông.

Dung Hạnh

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận