Đức thánh cha Phanxicô cử hành lễ phong thánh cho 5 chân phước

1165 lượt xem

Trong Thánh lễ phong thánh cho ĐHY Newman và 4 nữ chân phước, ĐTC nêu lên 3 bước của hành trình đức tin: khẩn cầu, bước đi và tạ ơn. ĐTC nhắc rằng cầu nguyện là thuốc chữa lành con tim, hành trình đức tin là hành trình cùng nhau và hãy biết tạ ơn Chúa và cám ơn nhau.

Sáng Chúa nhật 13/10, trước hàng chục ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường, ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ tuyên phong hiển thánh cho 5 chân phước: ĐHY John Henry Newman người Anh, nữ tu Giuseppina Vannini người Ý, nữ tu Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan người Ấn Độ, nữ tu Dulce Lopes Pontes và cuối cùng là nữ giáo dân Maguerite Bays.

Thánh lễ phong thánh diễn ra giữa kỳ Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazon nên đã có hơn 50 Hồng y và 250 Giám mục đồng tế với ĐTC. Ngoài 250 linh mục phụ trách cho rước lễ, 2300 linh mục đồng tế ngồi kín một phần quảng trường.

Phái đoàn các quốc gia

Hiện diện tại Thánh lễ có một số phái đoàn của các nước. Trước tiên là Tổng Thống Ý, ông Sergio Mattarella, và đoàn tùy tùng. Tiếp đến là Thái tử Charles dẫn đầu phái đoàn Anh quốc. Phái đoàn Brazil được hướng dẫn bởi Phó Tổng thống Hamilton Martins Mourao. Bên cạnh đó còn có Phó Tổng thống Đài Loan Trần Kiến Nhân, Bộ trưởng Giáo dục Ai Len, ông Joe McHugh, cố vấn liên bang Thụy Sĩ, bà Karin Keller Stutter, và các đoàn tùy tùng.

Đồng tế chính với ĐTC trong Thánh lễ hôm nay là các vị đại diện các quốc gia nguyên quán của các tân hiển thánh. Cha Ignatius Harrison của Anh; Đức cha Lauro Tisi của Ý; Đức cha Mar Pauly Kannookadan của Ấn Độ; Đức cha Murilo Kriegere của Brazil; và Đức cha Charles Morerod của Thụy Sĩ.

Nghi thức phong thánh

Sau khi hát Kinh Chúa Thánh Thần, ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, được tháp tùng bởi các thỉnh nguyện viên án phong thánh, đến trước ĐTC và xin ĐTC phong thánh cho 5 chân phước. Sau đó ĐHY Becciu tường thuật sơ lược tiểu sử của 5 chân phước sắp được phong thánh.

Sau kinh cầu Các Thánh, ĐTC đã đọc công thức phong thánh: để tôn vinh Chúa Ba Ngôi, đề cao đức tin Công giáo và gia tăng đời sống Kitô hữu, bằng quyền của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta và của các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và của chính chúng ta, sau khi đã suy tư và cầu xin sự trợ giúp của Chúa và nghe ý kiến của các anh em Giám mục của chúng tôi, chúng tôi tuyên bố và xác định các chân phước John Henry Newman, Giuseppina Vannini, Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan, Dulce Lopes Pontes và Maguerite Bays là hiển thánh và ghi tên các ngài vào sổ bộ các thánh, truyền rằng các ngài được tôn kính bởi toàn thể Giáo hội. Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật XXVIII Thường niên.

Bài giảng của Đức thánh cha

Trong bài giảng, dựa trên lời tuyên bố của Chúa Giêsu “lòng tin của anh đã cứu chữa anh”, ĐTC nhấn mạnh đến 3 bước trong hành trình đức tin mà những người phong cùi đã thực hiện.

Bước thứ nhất: Kêu cầu

Trước hết là kêu cầu. Những người phong cùi ở trong hoàn cảnh rất tồi tệ, không chỉ khốn khổ vì căn bệnh nhưng còn bị loại trừ bởi xã hội. Vào thời Chúa Giêsu, những người cùi bị xem là ô uế và phải tách rời khỏi cộng đoàn. Thánh Luca diễn tả điều này khi nói “họ dừng lại ở đàng xa” (xem Lc 17,12). Tuy thế, họ lại “kêu lớn tiếng” (câu 13). ĐTC nói: “Họ không để mình bị tê liệt bởi sự loại trừ của xã hội và họ kêu lên cùng Thiên Chúa, Đấng không loại trừ bất cứ ai. Đây là cách họ rút ngắn những khoảng cách, vượt qua sự cô độc: không đóng kín trong chính mình và trong sự đau khổ của mình, không nghĩ đến những phán xét của người khác, nhưng kêu cầu Chúa, vì Chúa lắng nghe tiếng kêu của người đơn độc.”

Tất cả chúng ta cần được chữa lành

Từ thái độ của những người phong cùi, ĐTC nhận định rằng mọi người chúng ta đều cần được chữa lành. “Chúng ta cần được chữa lành khỏi sự mất lòng tin vào bản thân, vào cuộc sống, tương lai; khỏi nhiều nỗi sợ hãi; khỏi những tật xấu mà chúng ta là nô lệ; khỏi sự khép kín, lệ thuộc và gắn chặt với các “games”, tiền bạc, tivi, điện thoại di động, sự phán xét của người khác. Chúa giải thoát và chữa lành trái tim, nếu chúng ta cầu khẩn Ngài, nếu chúng ta nói với Ngài: ‘Lạy Chúa, con tin rằng Chúa có thể chữa lành con; xin chữa lành con khỏi sự khép kín của mình, xin giải thoát con khỏi sự xấu xa và sợ hãi, lạy Chúa Giêsu.’”

Bước thứ hai là bước đi

ĐTC nhắc rằng những người phong cùi không được chữa lành khi họ đứng trước Chúa Giêsu nhưng là khi họ bước đi: “Đang khi đi thì họ được sạch” (câu 14). Họ được chữa lành khi họ đi lên Giêrusalem, nghĩa là một hành trình đi lên. Trong cuộc sống, chúng ta được chữa lành khi đi lên, bởi vì nó hướng lên cao. ĐTC nói: “Đức tin đòi hỏi một hành trình, đòi đi ra, nó tạo nên những điều kỳ diệu nếu chúng ta đi ra khỏi sự tiện nghi chắc chắn, nếu chúng ta rời khỏi những bến cảng yên tâm, những tổ ấm thoải mái của chúng ta. Niềm tin gia tăng cùng với món quà và phát triển cùng với rủi ro. Đức tin tiến triển khi chúng ta tiến bước với niềm tin vào Chúa. Đức tin bước đi với những bước chân khiêm nhường và cụ thể, cũng như hành trình khiêm nhường và cụ thể của những người phong cùi và ông Naaman tắm ở sông Giordan trong bài đọc thứ nhất”. Và ĐTC nhắn nhủ: “Điều đó cũng đúng với chúng ta: chúng ta tiến bước trong đức tin với tình yêu khiêm nhường và cụ thể, với sự kiên nhẫn hàng ngày, khi cầu khẩn Chúa Giêsu và tiến bước”.

Hành trình đức tin “cùng nhau”

ĐTC cũng nói về một khía cạnh của hành trinh đức tin, đó là “cùng nhau”, như những người phong cùi họ đi cùng nhau và được chữa lành. Đức tin là bước đi với nhau, không bao giờ đơn lẻ. Sau khi được chữa lành, chỉ có một người trở lại tạ ơn Chúa. Chúa Giêsu có vẻ ngạc nhiên và hỏi: “Còn 9 người kia đâu?” (câu 17) Dường như Chúa đòi người duy nhất trở lại chịu trách nhiệm về những người khác. ĐTC nói: “Đúng thật đó là nhiệm vụ của chúng ta – của chúng ta, những người đang ở đây để cử hành “Thánh Thể”, nghĩa là “tạ ơn” – chăm sóc những người đã dừng bước, những người lạc đường. Chúng ta được mời gọi là người chăm sóc bảo vệ các anh chị em ở xa. Chúng ta cầu nguyện cho họ, chúng ta chịu trách nhiệm về họ, được mời gọi trả lời họ, yêu thương quý trọng họ. Anh chị em muốn phát triển trong đức tin? Hãy chăm sóc một người anh em, một người chị em ở xa”.

Bước cuối cùng là tạ ơn

 “Đức tin của anh đã cứu anh” (câu 19). Người này không chỉ được lành sạch mà còn được cứu độ. Điều này cho chúng ta thấy điểm đến không phải là sức khỏe, được khỏe mạnh, nhưng là gặp gỡ Chúa Giêsu. ĐTC nói: “Ơn cứu độ không phải là uống một ly nước để giữ sức khỏe, nhưng là đi đến nguồn mạch, đó là Chúa Giêsu. Chỉ mình Ngài giải thoát khỏi sự dữ và chữa lành trái tim, chỉ có cuộc gặp gỡ với Ngài cứu độ, làm cho cuộc sống trở nên đầy đủ và tươi đẹp.

Hãy nhớ nói lời cảm ơn

Người phong cùi được chữa lành đã diễn tả niềm vui bằng cách lớn tiếng ngợi khen Chúa, sấp mình, tạ ơn (xem các câu 15-16). ĐTC mời gọi các tín hữu tự hỏi: “Chúng ta là những người có đức tin, chúng ta sống những ngày sống như một gánh nặng phải chịu đựng hay như một lời khen ngợi dâng lên Chúa? Chúng ta vẫn quy vào chính mình và chờ đợi để xin ân sủng tiếp theo hay chúng ta tìm thấy niềm vui của mình trong việc cảm tạ? Tạ ơn không phải là vấn đề lịch sự mà là hành động đức tin”. ĐTC nói tiếp: “Lạy Chúa, cảm ơn Chúa” khi thức dậy, vào ban ngày, trước khi đi ngủ là cách tốt nhất giữ cho trái tim tươi trẻ. Vì vậy, trong gia đình, giữa vợ chồng: hãy nhớ nói lời cảm ơn. Cảm ơn là từ đơn giản và hữu hiệu nhất”.

Sự thánh thiện hàng ngày

ĐTC kết thúc: “Cầu xin, bước đi, tạ ơn. Hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa về các tân hiển thánh; các ngài đã bước đi trong đức tin và giờ đây đang chuyển cầu cho chúng ta. Ba vị là các nữ tu và tỏ cho chúng ta thấy rằng đời tu là một hành trình yêu thương trong những ngoại biên của cuộc sống của thế giới. Còn thánh Maguerite Bays, một thợ may, cho chúng ta thấy lời cầu nguyện đơn giản, sự chịu đựng kiên nhẫn, sự trao ban âm thầm thì có sức mạnh dường nào: qua những điều này, Chúa đã chiếu tỏ sự huy hoàng Phục sinh nơi chị thánh. Đó là sự thánh thiện hàng ngày mà thánh Hồng y Newman đã nói: “Người Kitô hữu có sự an bình sâu sắc, thầm lặng, ẩn giấu mà thế giới không nhìn thấy. […] Kitô hữu vui vẻ, dễ dãi, tốt bụng, hiền lành, lịch sự, thật thà, không đoán xét; không dối trá, … với ít điều khác thường hay nổi bật nên nhìn thoáng qua, họ giống như một người bình thường (Parochial and Plain Sermons, V, 5).  

Cuối Thánh lễ, ĐTC chào tất cả mọi người hiện diện, đặc biệt những người thuộc các gia đình thiêng liêng của các tân hiển thánh. Đặc biệt ngài chào các đại diện của Liên hiệp Anh giáo và cám ơn sự hiện diện của họ.

Hồng Thủy

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận