I. Con người không toàn năng
Giữa tâm đại dịch Covid-19, các tôn giáo đều kêu gọi tín hữu, tín đồ cầu nguyện, vì tin rằng con người không toàn năng, và quyết định sự tồn tại của nhân loại, cũng như bình an cho thế giới và cho mỗi người nằm trong tay Thượng Đế, thuộc về Đấng Thiêng Liêng.
Các nhà lãnh đạo quốc gia, lãnh tụ đảng phái chính trị thì dè dặt, kín đáo, đúng hơn là tránh né bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình, phần vì sức ép của chủ nghĩa vô thần, phần vì áp lực của trào lưu tục hoá ngày càng bành trướng, lan rộng, chưa kể ảnh hưởng của chủ trương tách rời tôn giáo và nhà nước ở phần đông các quốc gia trên thế giới. Vì thế, trước nguy cơ toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, rất ít nguyên thủ quốc gia đã lên tiếng kêu gọi dân chúng cầu nguyện như tổng thống Hoa Kỳ Donald TRUMP vừa kêu gọi sáng nay:
“Tôi rất vinh dự được công bố ngày Chúa Nhật 15/3/2020 là ngày Cầu Nguyện Quốc Gia. Trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta là Đất Nước luôn hướng về Thiên Chúa để được bảo vệ, và để được ban sức mạnh trong những thời khắc như lúc này. Bất kể Bạn ở đâu, tôi cũng khuyến khích Bạn hãy thành kính cầu nguyện. Cùng với nhau, chúng ta sẽ chiến thắng dễ dàng [virus Corona]”.
Lời kêu gọi trên của nguyên thủ một quốc gia có sức mạnh bậc nhất thế giới trước đại dịch đã nói lên sức người có hạn: có hạn khi không tiên liệu hết những tai ương, thiệt hại có thể xẩy ra; có hạn khi không ngăn chặn hữu hiệu như ý muốn sức bành trướng vũ bão của virút; có hạn khi không kịp thời đưa ra những biện pháp thích ứng cần thiết để vô hiệu hóa sức công phá của đại dịch; có hạn khi không biết Corona sẽ còn kéo dài bao lâu, và hậu quả của đại nạn sẽ nặng nề, trầm trọng đến mức độ nào.
Thực vậy, cho dù con người có văn minh đến đâu, khả năng làm chủ vũ trụ có bao trùm, vĩ đại thế nào, nhân loại cũng không thể ra khỏi giới hạn sẵn có của phận người, vì con người không tự tạo nên mình, cũng không tạo nên vũ trụ, và các thụ tạo khác. Những khám phá “thần thánh” tưởng có thể “thay trời làm mưa, biến sỏi đá thành cơm gạo”, và chủ trương “con người tạo nên thượng đế” cũng chỉ hạn hẹp ở phạm trù khám phá những gì đã có sẵn, tìm kiếm những gì đã hiện hữu, tìm hiểu những gì vẫn đều đặn vận hành từ hàng ngàn tỷ năm, và nếu có phát minh mới, thì những phát minh ấy cũng đi từ những gì đã có mà con người quan sát, học hỏi được từ chính mình, và thiên nhiên, vạn vật.
Nói như thế, không có nghĩa giảm thiểu cố gắng và đánh giá thấp thành công của con người với khối óc thông minh và ý chí tuyệt vời, nhưng là làm nổi bật vai trò của con người đối với vạn vật và trong thế giới.
Kinh thánh của Thiên Chúa giáo khẳng định: Con người được trao trách nhiệm làm chủ mọi loài và thống trị mặt đất (Sáng Thế 1,28), nghĩa là con người có quyền trên mọi loài, và tất cả đều hướng đến việc phục vụ nhu cầu hạnh phúc của con người. Điều này đã nói lên: Ý muốn của Đấng Tạo Dựng là trao cho con người trách nhiệm làm chủ vạn vật và cho con người quyền sử dụng, hưởng thụ tất cả để cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Chấp nhận chân lý trên, chúng ta sẽ nhìn nhận hai hệ luận sau:
1. Đấng Chủ Tạo đã dựng nên tất cả, trong đó có con người, và con người là thụ tạo hàng đầu được yêu thương
Dấu ấn con người là thụ tạo, chính là con người không toàn năng, không làm chủ trọn vẹn vận mệnh, không biết tất cả, và không bất tử, nhưng bị giới hạn bởi thời gian và không gian, khi không thể hiện diện nhiều nơi cùng lúc, không biết trước chuyện gì sẽ xẩy ra ở tương lai, không nhớ hết những chuyện đã xảy ra ở quá khứ, cũng không hoàn toàn làm chủ những gì đang diễn biến ở hiện tại.
Dấu ấn con người được đặc biệt yêu thương và là thụ tạo đứng hàng đầu có toàn quyền trên vạn vật là trí thông minh, ý chí tự do để chọn lựa, thao thức vươn đến tuyệt đối, lương tâm để nhắc nhở, trách móc, phân biệt tốt – xấu, lành – dữ, tội – phúc, cũng như khát vọng yêu thương, hạnh phúc và khả năng nâng tâm hồn lên tới Đấng Tối Cao.
Ngoài ra, mỗi người đều có những cảm nghiệm thiêng liêng, những mơ ước vượt thời gian, không gian, bao la đến vô tận, vô cùng.
Tất cả cho con người lý do để xác tín chỗ đứng quan trọng, được Thượng Đế ưu ái chăm nom hơn các loài thụ tạo khác.
2. Tương quan giữa con người và Thượng Đế là tương quan cần thiết
Được tạo dựng, con người sẽ hạnh phúc khi ở đúng vị thế thụ tạo trước Đấng Chủ Tạo, với ý thức: Tương quan giữa con người và Thượng Đế là tương quan của lòng tốt và biết ơn; Thượng Đế dựng nên con người vì lòng tốt, con người kính trọng, tin tưởng Thượng Đế vì biết ơn.
Như thế sẽ không có chuyện mưu đồ lật đổ, truất phế, xóa tên Thượng Đế khỏi nhân loại, vì có tính toán và làm thế nào đi nữa, con người vẫn là con người không toàn năng, vẫn mãi là thụ tạo có giới hạn, bất toàn, và Thượng Đế vẫn đời đời là Đấng Toàn Năng nắm giữ vận mệnh của nhân loại và toàn thể thụ tạo đã được dựng nên từ tay Ngài.
Sẽ không có gì thay đổi về phía Thượng Đế, chỉ có thay đổi ở phía con người khi con người trở nên điên cuồng vì nổi loạn chống Thượng Đế; bất hạnh vì bất mãn Đấng tạo dựng nên mình; vô phúc vì vô ơn Đấng yêu thương và cho mình làm bá chủ vạn vật; khô héo, tàn lụi, và tuyệt vọng vì dồn sức “người” rất giới hạn để tấn công Thượng Đế toàn năng, vô hạn.
Thế nên tốt nhất là ý thức tương quan giữa con người và Thượng Đế, nếu chưa đạt đến mức thân tình Cha – Con, thì ít ra là cần thiết và công bằng do tương quan giữa Chủ Tạo và Thụ Tạo.
Cần thiết vì không có Chủ Tạo nâng đỡ, gìn giữ, Thụ Tạo không thể tồn tại. Công bằng vì bổn phận của Thụ Tạo là tôn trọng quyền tạo dựng của Chủ Tạo, và biết ơn lòng tốt của Đấng đã ban cho mình sự sống và hạnh phúc làm người.
Nhưng điều thiết yếu hơn cả chính là cảm nghiệm sự có mặt và hoạt động yêu thương không ngơi nghỉ của Đấng Chủ Tạo trên các thụ tạo của Ngài.
Cứ nhìn vào vũ trụ bao la, từ những gì lớn lao, vĩ đại nhất đến những gì nhỏ bé, tinh vi nhất, chúng ta thấy tất cả đều sinh hoạt theo một nguyên tắc, định luật, hệ thống mà không một trí óc con người nào có thể mường tượng và hiểu thấu. Một số người cho đó là do ngẫu nhiên, hoặc do vật chất “tự tạo nên nhau”. Lý luận này không hợp lý và gặp bế tắc, vì không lý giải được nguyên tắc sơ đẳng của luận lý bình thường, đó là tác phẩm không thể thông minh, cao quý, tài giỏi, tuyệt vời hơn tác giả.
Thực vậy, với ý thức vừa trình bày trên, Covid-19 sẽ không được coi là hình phạt của Thượng Đế, cũng chưa là “năm cùng tháng tận” của nhân loại. Nó chỉ là một nhắc nhở, như dấu chỉ của thời đại, đặt con người trước ý thức về mình, và vị trí của mình trước Đấng Thiêng Liêng, mà một lương tri lành mạnh khó có thể từ chối, khước từ.
Covid-19 cũng là dịp để con người ra khỏi cơn bão giận dỗi hay căm thù Thượng Đế nếu có từ bấy lâu, vì thực ra, Thượng Đế không ghét ai, bởi nếu ghét đã không cho làm người; Thượng Đế không thù ai, bởi Ngài không có đối thủ; Thượng Đế cũng không “chơi xấu” ai, bởi Thượng Đế nhân hậu, từ bi và luôn thương con người. Bằng chứng là không ai đã không một lần rơi vào tình trạng hoàn toàn bế tắc, hoàn toàn bất lực, hoàn toàn bức bách, ở đó, không ai đã có thể ra tay cứu vớt, không người nào đã có thể cứu nguy, nhưng rồi với niềm tin tưởng ở Thượng Đế, khi mà chỉ còn một mình Ngài có thể cứu giúp, chúng ta đã được “tai qua nạn khỏi” và tìm lại bình an.
Hưởng ứng lời kêu gọi của các bậc lãnh đạo tôn giáo, cũng như của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người viết hiệp ý cùng Bạn cầu nguyện cho toàn thể nhân loại đang cần bàn tay can thiệp đầy yêu thương của Thượng Đế. Xin Ngài ban ơn khôn ngoan cho các nhà lãnh đạo, ơn yêu thương cho tất cả những ai đang tận tụy phục vụ nạn nhân đại dịch, và ơn Bình An cho tất cả mọi người trên toàn thế giới đang lo lắng, hốt hoảng giữa cuồng phong đại dịch.
Ước gì Covid-19, như dấu chỉ của thời đại, nhắc nhớ chúng ta điều rất quan trọng để luôn sống trong niềm Hy Vọng và Bình An, đó là ý thức về con người, một thụ tạo nhiều giới hạn, nhưng là thụ tạo được Đấng Chủ Tạo yêu thương cách riêng, yêu chiều đặc biệt, và hạnh phúc của Đấng Chủ Tạo nhân hậu, tốt lành là được con người Tín Thác, Hy Vọng và Cầu Xin.
II. Chiến tranh không vũ khí
Trừ một số quốc gia khống chế được sự bành trướng vũ bão của Covid-19, còn lại hầu hết đã rơi vào tình trạng khẩn cấp, báo động đỏ, và phải áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe của người dân: các nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp mang nặng nỗi lo âu, và bầu khí chiến tranh bao trùm đất nước.
Covid-19 tuy không tiếng súng, nhưng ngộp thở như chiến tranh toàn cầu, và mọi người có cảm tưởng đang sống những ngày đen tối của thế chiến, một cuộc chiến tranh thế giới không cần đến vũ khí mà bấy lâu các nước thi nhau chế tạo, dự trữ.
Thực vậy, chưa bao giờ cuộc chạy đua vũ khí giữa các nước trên thế giới lại rơi vào mùa thu u ám và mùa đông ảm đạm như những ngày này, ở tâm dịch Covid-19, khi mà người chết không còn chết vì bom đạn, và người ta lo lắng không vì sợ chiến tranh, hốt hoảng tích trữ lương thực không vì sợ chết đói dưới hầm trú ẩn khi chiến đấu cơ nhả bom, oanh tạc, cũng không đóng cửa trường, đóng cửa tiệm, quá xá, phong toả thành phố, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, vì sợ quân thù, đối phương tấn công, xâm chiếm, hãm hiếp, càn quét, tiêu diệt.
Những ngày này, toàn thế giới hoang mang, hoảng loạn vì nạn dịch Covid-19, một vi khuẩn bé tí, nhưng đủ mạnh để thế giới phải run rẩy, đang làm điêu đứng toàn cầu, và đình trệ, xáo trộn mọi sinh hoạt bình thường của tất cả mọi người, từ em bé ở nhà trẻ đến cụ già trong viện dưỡng lão, từ người dân vùng thôn quê hẻo lánh, đến giáo chủ, lãnh tụ các quốc gia. Không ai dám nghĩ mình sẽ “bình an vô sự” trong đại dịch; không người nào dám “vô tư” nhởn nhơ trước bước chân nhanh như chớp và dữ dội như cuồng phong của Covid-19 rất kinh dị, sợ hãi.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, người ta nhận ra một điều rất mới, đó là loài người có thể bị tiêu diệt rất nhanh, rất gọn không còn bằng vũ khí hạt nhân, nguyên tử như quan niệm cũ về chiến tranh, cũng không còn cần đến chiến lược, chiến thuật được thực hiện nhờ khả năng của vũ khí hiện đại, siêu tối tân, nhưng thế giới có thể bị tiêu diệt một cách lặng lẽ, im lìm, không tiếng súng; loài người có thể bị bức tử hàng loạt cách kín đáo, không rên la đứt ruột, cũng không thê thảm máu me vì lưỡi lê, gươm đao, mảnh đạn.
Cũng trong cuộc chiến giành giật mạng sống với Covid-19, mọi người thấy nguy cơ hủy diệt cao hơn ngàn lần chiến tranh súng đạn, khi virút tấn công rất bạo và nhanh hệ thống hô hấp của con người, nếu không kịp phát hiện và khống chế. Bên cạnh là dáng vẻ bình thường và không có nhiều dấu hiệu đặc biệt để dễ nhận, dễ ngăn chặn ở người bị lây nhiễm.
Cuộc chiến do Covid-19 còn là cuộc tàn sát dã man, khi nạn nhân nằm bệnh, rồi ra đi cô đơn, cô độc, không đồng đội bên cạnh để nghe lời trăn trối, không người thân ở gần để vuốt mắt tiễn đưa, vì ai nấy đều phải tuân thủ lệnh cách ly.
Có những em bé lây nhiễm Covid-19 đã phải xa cha mẹ, anh chị em hàng tháng trong những trung tâm cách ly, cả những người đã gặp gỡ, giao lưu với người bị dương tính cũng rơi vào tình trạng bị cô lập này. Ngay cả sau khi đã được chữa lành, các nạn nhân thoát chết cũng khó trở lại tương quan bình thường với mọi người, không vì bị khinh chê, kỳ thị, nhưng do vết bầm sợ hãi chưa nhạt phai trong tâm trí mọi người.
Quả thực, vũ khí của các cuộc chiến tranh đã quá kinh khủng vì sức tàn phá, tiêu diệt của nó, nay bước vào thử thách mới do đại dịch toàn cầu, con người một lần nữa rùng mình trước đe dọa diệt vong, khi dịch bệnh không kiêng nể các đấng bậc, chức sắc, quan tướng, cũng không miễn trừ cho bất cứ giai cấp, thành phần, sắc tộc, chính kiến, tôn giáo nào. Thế mới biết, mỗi thời mỗi đe dọa, mỗi thời mỗi thử thách khác nhau… Nhưng xem ra càng ngày thử thách càng cam go, đe dọa càng dữ dội, nặng nề.
Trước kiểu chiến tranh mới và rất kỳ lạ: chiến tranh không vũ khí, người viết tuy không bi quan, nhưng không khỏi nặng lòng, khi nghĩ đến tương lai của nhân loại, ở đó, chúng ta ngày càng bị đe dọa bởi quá nhiều vũ khí “không âm thanh” của thời đại đã được chính lòng mình, lòng người chế tạo, những vũ khí “hãm thanh” ấy đã không cần đến những cơ sở sáng chế vũ khí của các nước luôn ở trong tình trạng “chiến tranh hoặc chuẩn bị chiến tranh”, nhưng được chế tạo bí mật trong đáy sâu tâm hồn, tận thăm thẳm của trái tim. Đó là những vũ khí ganh ghét, hận thù, gian tham, bạo lực, những vũ khí của kiêu căng và phủ nhận, của vô cảm và nhẫn tâm.
Chúng ta cũng rơi vào sa mạc của nhiều cạm bẫy thử thách ngày càng cam go, do tính tinh vi của những khối óc không còn hướng về Chân Lý, tính ngông cuồng, ngược ngạo của những quả tim cạn kiệt tình người, tính hiếu chiến, háo thắng của những ý chí không còn khả năng chịu đựng, bao dung, tha thứ cho bất cứ ai, kể cả chính mình.
Vâng, cuộc chiến tranh với vũ khí tối tân đủ loại không còn giữ vị trí hàng đầu, và đang nhường quyền ưu tiên cho những cuộc chiến khác “im lìm, thầm lặng”, nhưng kinh khủng, ghê gớm hơn gấp bội.
Covid-19, tuy nhanh chóng xâm lấn bao trùm, nhưng vẫn chưa là cuộc chiến hãi hùng nhất, chưa là cuộc chiến tiêu diệt kinh khủng nhất, và tất nhiên chưa là cuộc chiến cuối cùng của nhân loại. Nhưng cuộc chiến không tiếng súng đáng ngại hơn, mà chúng ta cần đề phòng, ngăn chặn, chính là cuộc chiến ở ngay trong tâm hồn. Nó chính là nguồn gốc của tất cả mọi cuộc chiến, nguyên nhân phát sinh các cuộc chiến “có vũ khí và không vũ khí”, mà chỉ riêng mỗi người mới có thể kiểm soát, ngăn chặn ngay trong tâm hồn mình.
Chứng kiến đại dịch đang làm hoảng loạn thế giới bằng nỗi sợ của chiến tranh toàn cầu “không tiếng súng”, chúng ta có lý do để nhìn lại chính con người, để hỏi xem “có phải con người đang có chương trình tiêu diệt nhân loại, tức tiêu diệt chính mình khi mình giết mình, ta hại ta?”, bởi ai dám quả quyết Corona là virút tự nhiên, Covid-19 không là vũ khí sinh học, và đại dịch mà thế giới đang gánh chịu chỉ thuần là tai họa tự nhiên?
III. Covid-19 “cô đơn – cô độc”
Những ngày đầu Corona bùng phát ở Vũ Hán, người trung quốc đi đến đâu cũng bị tránh né, kỳ thị, và nhiều người không gọi tên dịch là Corona mà thay bằng “Chinois”, nghĩa là “Dịch Trung Quốc”. Nhưng hôm nay thì dịch lan tràn khắp thế giới, và lệnh cách ly, cô lập, phong toả đạt đến mức độ quốc gia, toàn cầu: trong nước thì đóng cửa trường, quán xá, cơ sở kinh doanh, xí nghiệp; ngoài nước thì đóng biên giới, cửa khẩu, sân bay, bến tầu. Chính phủ các nước công bố những biện pháp rất nghiêm ngặt để chặn đứng sức bành trướng của dịch, bằng lệnh cấm tụ tập, hạn chế gặp gỡ, đi lại trên đường phải có giấy phép và bị kiểm tra thân nhiệt.
Corona trở thành nguyên nhân cô đơn, Covid-19 tạo nên cô độc, vì độ lây nhiễm quá nhạy và mau chóng đã biến người này thành nguy cơ dịch bệnh của người kia, và ai cũng có thể là nhịp cầu truyền nhiễm, cơ hội lây lan cho cộng đồng, nguyên nhân tai ương của đồng loại. Chỉ cần một xiết tay, vỗ vai hay ôm hôn, virút Corona đã có thể nhập “hộ khẩu” người bên cạnh; chỉ cần một chớp nhoáng đụng chạm da thịt, người ta đã có thể biến cả mái ấm thành ổ dịch nguy hiểm, và cả nhà thành nạn nhân đáng thương của Covid-19.
Những ngày này, trên toàn thế giới, đài truyền hình quốc gia, cũng như các phương tiện truyền thông địa phương liên tục đưa tin từng giờ về những con số tăng vọt đến chóng mặt về số tử vong, người bị lây nhiễm, và người vô tâm đến mấy cũng phải chột dạ, hoang mang.
Giữa tâm dịch đang bùng nổ dữ dội, nhiều giả thuyết về nguồn gốc của dịch, những giả thuyết liên quan chính trị, quốc phòng, kinh tế được bàn nhiều. Ở đây, người viết chỉ mạo muội đề cập đến hậu quả xã hội của đại dịch:
1. Covid-19 cách ly người khỏi người
Nỗi buồn lớn nhất của người bệnh là bị cách ly. Một mình trơ trọi, cô độc chiến đấu với căn bệnh làm người bị nhiễm dịch tủi thân, thất vọng, vì không người thân nâng đỡ, không bạn hữu an ủi. Mặc cảm bị bỏ rơi, cô lập khỏi gia đình, cộng đồng xâm chiếm tâm can vốn đã cô đơn, hiu quạnh làm người bệnh mất tinh thần, nản chí, rất dễ rơi vào tuyệt vọng.
Và quả thực, cuộc sống vốn sẵn cô đơn vì tâm hồn con người ngày càng khép chặt, thu nhỏ, hẹp hòi vì ích kỷ, thực dụng, nay Covid-19 tàn nhẫn “xuống tay” chặt đứt, cách ly, phân tán càng làm con người lạnh lùng, vô cảm, “xa mặt, cách lòng”.
Tâm lý học khẳng định: con người chịu ảnh hưởng nặng nề của thói quen, tập quán, nên không nói với nhau một lần, tiếp theo là nhiều lần không nói sẽ làm con người quên dần nhu cầu đối thoại, trao đổi; cũng như một ngày không gặp, nhiều ngày, nhiều tháng không gặp sẽ làm con người mất thói quen giao lưu, và đến một lúc, sẽ cho rằng gặp gỡ không còn cần thiết, và người ta sẽ cảm thấy hờ hững, ngượng ngùng, xa lạ khi phải gặp lại.
Nhìn vào những người bệnh bị cách ly trong các trung tâm, bệnh viện, họ rất cô đơn, cô độc. Không thân nhân thăm viếng đã đành, ngay cả nhân viên y tế cũng phải tuân thủ những biện pháp cách ly triệt để và nghiêm ngặt để giữ an toàn cho người bệnh đang được điều trị và cho chính y sĩ, bác sĩ, nhân viên phục vụ. Vì thế không ai có thể ngồi lâu chia sẻ, tâm sự, an ủi ai… nhưng ai nấy chỉ vắn tắt, ngắn ngọn, mau chóng để giữ khoảng cách an toàn sức khỏe, cũng là khoảng cách tạo nên cô đơn, cô độc…
2. Covid-19 phá vỡ ước mơ xây dựng thế giới thành một đại gia đình nhân loại
Không ai trong chúng ta có thể chối cãi cố gắng xây dựng thế giới thành một thôn làng thân thương, một đại gia đình nhân loại trong tinh thần tôn trọng và tương trợ từ nhiều thập kỷ qua, ở đó, các nước hợp tác bảo vệ, xây dựng, để cùng nhau thăng tiến hòa bình và hạnh phúc chung của toàn thể nhân loại.
Rất nhiều chương trình phát triển quốc tế, nhiều tổ chức thế giới nhắm mục đích nhân bản cao quý đã ra đời và hoạt động hữu hiệu. Những ngân sách khổng lồ do đóng góp của những quốc gia phát triển trợ giúp các quốc gia đang gặp khó khăn là bằng chứng của tình “tương thân tương ái” giữa các thành viên của đại gia đình nhân loại này.
Nhưng bỗng Covid-19 xuất hiện phá vỡ ước mơ tuyệt vời và lý tưởng, khi các nước không còn có thể lo cho nhau, vì gánh nặng quá lớn đang đè trên đất nước mình. Người ta chỉ còn lo cứu mình, mà không còn khả năng và tâm trí nghĩ đến nước láng diềng, anh em hàng xóm.
Nhìn lại hai cuộc thế chiến, nước Mỹ và nhiều quốc gia đồng mình đã đem quân trợ giúp cứu nguy, giải phóng những nước bị lâm nguy, nhưng ở khoảnh khắc tâm dịch Covid-19, cường quốc số một cũng chung số phận và phải lo giải quyết khó khăn do dịch bệnh đang hoành hành ngay trên đất nước mình, mặc dù không thiếu thiện chí muốn chia sẻ gánh nặng với các quốc gia khác.
Thực vậy, con người rút vào cô đơn, cô độc có thể do ích kỷ, kiêu căng, nhưng cũng dễ rơi vào cô đơn, cô độc khi bị đẩy vào tình trạng “chỉ còn có thể lo cho mình”, mà không còn khả năng gánh vác, cũng như chia sẻ với người khác.
Đại dịch Covid-19 đang đẩy chúng ta rơi vào tình trạng thứ hai này, khi nhu cầu “sống còn” của chính mlình, thân nhân, gia đình xem ra không còn cho phép chúng ta lo cho những người ở vòng ngoài “quen biết”, hoặc vòng xa “thiên hạ”. Và với mức độ đe dọa ngày càng cao, biện pháp cách ly, cô lập ngày càng nghiêm ngặt, thời gian phong tỏa, giới nghiêm ngày càng kéo dài, tinh thần tương trợ sẽ có nguy cơ càng co thắt, rút ngắn lại, biến tâm hồn chúng ta thành lạnh lùng, xa lạ trước nhu cầu và thiếu thốn, khổ đau của người khác, quốc gia khác.
Bởi tinh thần cần được nuôi dưỡng, nên khi thiếu lương thực là tình người, tinh thần sẽ xuống dốc, chết lả. Bởi tâm hồn cần được huấn luyện, nên khi lòng nhân ái không còn là cơ hội cho tâm hồn tập tành, thể hiện, tâm hồn sẽ nghèo nàn, cằn cỗi, chết yểu. Bởi trái tim cần được định hướng, nên khi Bác Ái, Từ Bi không còn là đường cho trái tim lên đường, không còn là hành trình đến với tha nhânh, trái tim sẽ lười biếng, bỏ cuộc, đầu hàng, đào ngũ. Bởi lẽ sống cần được xây dựng liên lỷ trước các lựa chọn, nên khi lý tưởng Nhân Ái không còn là ngọn hải đăng soi đường, lẽ sống sẽ lạc đường, mất hướng.
Vâng, nguy cơ của đại dịch Covid-19 không chỉ là tai họa trước mắt, thấy được, nhưng tai họa tàn phá lâu dài, chính là khả năng biến trái tim mỗi người thành cứng cỏi, chai lì, do quen với cô đơn, cô độc, đến độ không còn cảm thấy cần sự có mặt của tha nhân, không cảm thấy nhu cầu “sống với” người khác, không tha thiết với cộng đồng chia sẻ, hợp tác. Vì lỡ quen với thời gian cô đơn, cô độc do Covid-19 cách ly, cô lập, người ta dễ nhập nhiễm tính dửng dưng, lạnh lùng, coi thường đời, bất cần đời.
Đó chính là lý do nhiều trẻ em có tuổi thơ bất hạnh, không được thương yêu đã không dễ trở thành người lớn tử tế, và đa phần tội phạm đã là những người có trái tim chai lì vì bị đời xử tệ; có tâm hồn băng giá vì đã quá khổ đau; có cuộc sống gian ác, tăm tối, vì trước đó đã bị người đời bạc đãi, vùi giập.
Ý thức nguy cơ trước mắt, cũng như hậu quả tinh thần Covid-19 có thể tiếp tục “ủ lại”, không chỉ mười bốn ngày, nhưng rất lâu dài, chúng ta cần đặt cho mình một hướng đi, một kỷ luật sống. Huớng sống ấy chính là con đường Bác Ái, Từ Bi mà đã là người, muốn làm người tử tế, là người có giá trị, ai cũng phải bước đi, ai cũng phải lên đường. Cũng thế, một kỷ luật sống phù hợp với con đường làm người, là đòi hỏi mà không người nào có thể bỏ qua, hay tự cho phép miễn trừ, đó là Kỷ luật nuôi dưỡng trái tim nhân ái, biết chạnh lòng.
Đừng nghĩ con người là thánh thần, cũng đừng ảo tưởng chúng ta là thánh nhân, nhưng phải khiêm tốn nhìn nhận: con người nhiều giới hạn và yếu đuối. Không chỉ giới hạn, yếu đuối ở sức vóc, thông minh, tài cán, mà yếu đuối cả tinh thần, giới hạn cả đạo đức. Tinh thần yếu đuối khi dễ sa đà vào điều xấu xa, tồi tệ hơn vươn cao, nâng tầm đến thánh thiện, cao quý; đạo đức giới hạn nên nghĩ xấu hơn nghĩ tốt, làm tội hơn thực hiện điều tốt lành.
Vì thế, giữa tâm dịch Covid-19, nếu thiếu ý thức về giới hạn và yếu đuối, cũng như thiếu ý chí lựa chọn hướng sống Bác Ái, Từ Bi, và nghị lực tự huấn luyện bằng tuân thủ kỷ luật: nuôi dưỡng trái tim nhân ái, biết chạnh lòng, chúng ta sẽ dễ trở thành những nạn nhân đáng thương của Covid-19, những nạn nhân nếu không “cô đơn, cô độc” vì dương tính, nhiễm bệnh bây giờ, thì sau này cũng vô cảm, lạnh lùng, ích kỷ vì cạn kiệt lòng nhân.
Jorathe Nắng Tím
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12