Rốt cuộc, hành tinh chúng ta cũng được nghỉ ngơi và… thoát khỏi con người

1395 lượt xem

‘Tôi thấy một đàn cá voi khi đi ngang cầu. Ít thuyền hơn và nước trong hơn” – Captain America nói trong Avengers: Endgame, sau khi nửa vũ trụ hóa thành tro bụi.

Nước kênh Venice trong xanh hơn sau vài ngày vắng bóng du khách – Ảnh: Facebook MARCO CAPOVILLA

Lời Captain America nói với Black Widow nay không khác gì đời thực, khi những dòng kênh Venice trong vắt trở lại giữa những ngày phong thành vì COVID-19.

Hình ảnh dòng kênh trong suốt và đàn cá bơi lội thật đối lập với hình ảnh con người lo âu, trú ẩn trong nhà khi môi trường sống không còn an toàn.

“Ít thuyền hơn và nước trong hơn”, hay đúng hơn là “Ít người hơn và nước trong hơn”. Người Ý nói, có lẽ phải đến 60 năm rồi, nước Venice mới trong đến thế. Chỉ sau 6 ngày vắng bóng con người.

Đi kèm là tin vui về chất lượng không khí của Ý và Trung Quốc, những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất vì COVID-19. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố chỉ số từ vệ tinh, cho hay nồng độ chất gây ô nhiễm NO2 (khí thải xe cộ và công nghiệp) giảm mạnh ở Ý và một số vùng của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán.

Trước các thông tin này, công chúng trên Twitter thốt lên: “Trái Đất đang cho chúng ta một lời hồi đáp. Rốt cuộc, hành tinh của chúng ta cũng được nghỉ ngơi và… thoát khỏi con người”.

Nói theo cách của Captain America là: “Ít người hơn và không khí trong lành hơn”.

Và con người nhận ra, đôi khi, sự vắng mặt (tạm thời) của mình lại là phép màu cho Trái Đất. Đại dịch là tai họa, nhưng cũng là cơ hội để ta thức tỉnh.

Vậy là, trong hàng chục năm qua, ta sống như vũ bão để làm gì khi những dòng kênh không thể xanh? Khi không khí xung quanh ngập tràn bụi mịn? Ta có nên xem lại giá trị của mình với thế giới?

Trong bộ phim tài liệu Virus corona: Cuộc sống bên trong vùng phong tỏa của Trung Quốc, các nhà làm phim mô tả một Vũ Hán vắng lặng những ngày phong thành.

Họ bình luận: “Khi vắng bóng xe cộ và con người, đường phố hay các công trình kiến trúc trông vẫn vậy, chỉ có điều, chúng lạnh lẽo và vô hồn. Chính con người đã làm nên tính cách của thành phố”.

Thông điệp này tưởng chừng mâu thuẫn với “ít người hơn và nước trong hơn”, nhưng không hề. Giá trị của con người là ở đó, ta mang tâm hồn đến với mỗi vùng đất, làm nơi chốn trở nên tốt đẹp hơn. Nếu nơi đó không tốt đẹp hơn, ta hãy nhìn lại mình.

Đúng, chính con người làm nên tính cách của thành phố. Chúng ta ra sao, thành phố như vậy. Nếu chúng ta chỉ biết tiêu thụ, phá hoại và sống ích kỷ, thành phố bị hủy hoại.

Chúng ta làm những dòng kênh đục ngầu. Chúng ta làm không khí mờ mịt bụi. Nhưng chúng ta cũng có thể góp sức hồi sinh môi trường sống.

Những năm gần đây, những người yêu môi trường luôn thiết tha kêu gọi giảm tiêu thụ, giảm sản xuất, giảm xả thải và bớt du lịch đại trà, ồ ạt để giảm gánh nặng đặt lên môi trường. Lúc sống chậm cũng là lúc ta lắng nghe lời khuyên này.

Trong bộ phim tài liệu The salt of the Earth (Muối của đất, 2014, đoạt giải Cesar cho Phim tài liệu hay nhất), nhiếp ảnh gia kiệt xuất Sebastião Salgado (người Brazil) trở nên trầm cảm sau khi dành 40 năm cuộc đời đi khắp 6 châu lục, chứng kiến mọi nỗi thống khổ và tội ác của con người. Cuối cùng, ông chọn trở về quê nhà, trồng lại một cánh rừng, hồi sinh một ngọn đồi.

Khi ngọn đồi xanh lại, ông tìm được bình yên trong tâm hồn.

Con người ta là muối của đất, là máu thịt của thiên nhiên. Ta sống thế nào, Trái Đất sẽ hồi đáp thế đó.

Và chắc chắn, những dòng kênh đục ngầu chẳng thể có tâm hồn. Chúng chỉ có rác thôi.

Đại dịch là tai họa, nhưng cũng là cơ hội để học cách sống tích cực. Ở nhà nhiều hơn, ta có thêm thời gian cho gia đình.

Ta không thể du lịch ồ ạt như trước. Nhưng tốt thôi, ta quay về chăm chút cho ngôi nhà của mình. Nấu những bữa ăn ngon. Xem tivi với người thân. Sống sâu, sống chậm lại.

Mi Ly

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận