Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ bế mạc Đại hội Gia đình Thế Giới lần thứ X

793 lượt xem

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ
BẾ MẠC ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ X

Vatican News (27.6.2022) – Trong bài giảng trong Thánh lễ kết thúc Đại hội Gia Đình Thế Giới lần thứ X do Đức Hồng y Kevin Farrell chủ sự, Đức Thánh Cha mời gọi hãy sống sự tự do đích thực trong gia đình, điều này được thể hiện trong tinh thần phục vụ. Gia đình là nơi đầu tiên chúng ta học cách yêu thương. Ngài cũng khuyên các bậc cha mẹ hãy tin tưởng vào con cái và cho chúng thấy lòng trung thành với ơn gọi làm vợ / chồng.

Đức Thánh Cha nói trong bài giảng:

Trong cuộc Gặp gỡ các Gia Đình Thế Giới lần thứ X này, bây giờ là lúc để tạ ơn. Hôm nay chúng ta mang đến trước Thiên Chúa, với lòng biết ơn – như thể trong một cuộc rước lễ vật trọng thể – tất cả những hoa trái mà Chúa Thánh Thần đã gieo nơi anh chị em, các gia đình quý mến. Một số anh chị em đã tham gia vào những giây phút suy tư và chia sẻ ở Vatican đây; những người khác đã hướng dẫn và tham gia các sự kiện ở các giáo phận khác nhau, tạo ra một loại “chòm sao” rộng lớn. Tôi nghĩ về vô số kinh nghiệm, kế hoạch và ước mơ, cũng như những mối quan tâm và sự không chắc chắn mà anh chị em đã chia sẻ với nhau. Bây giờ chúng ta hãy dâng tất cả những điều này cho Chúa và xin Người nâng đỡ anh chị em bằng sức mạnh và tình yêu của Người. Anh chị em là những người cha, người mẹ và con cái, ông bà, cô bác, cậu dì. Anh chị em là người lớn và trẻ em, người trẻ và người già. Mỗi người trong anh chị em mang theo một kinh nghiệm khác nhau về gia đình, nhưng tất cả anh chị em đều có chung một niềm hy vọng và lời cầu nguyện: Thiên Chúa sẽ phù hộ và gìn giữ gia đình của anh chị em cũng như tất cả các gia đình trên thế giới.

Trong bài đọc thứ hai hôm nay, Thánh Phaolô đã nói với chúng ta về tự do. Tự do là một trong những lý tưởng và mục tiêu quý trọng nhất của con người thời đại chúng ta. Mọi người đều muốn được tự do, không bị gò bó và giới hạn, thoát khỏi mọi loại “nhà tù”, văn hóa, xã hội hay kinh tế. Tuy nhiên, có bao nhiêu người thiếu thứ tự do quan trọng nhất trong tất cả, đó là tự do nội tâm! Thánh Tông đồ nhắc nhở các Kitô hữu chúng ta rằng sự tự do nội tâm trên hết là một món quà; ngài nói: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta” (Ga 5,1). Tự do là điều mà chúng ta nhận được. Tất cả chúng ta được sinh ra với nhiều hình thức giới hạn nội tâm và bên ngoài, và đặc biệt là với xu hướng ích kỷ, xem mình là trung tâm của mọi thứ và chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta khỏi sự nô lệ này. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng tự do được Thiên Chúa ban cho chúng ta không phải là thứ tự do giả tạo và trống rỗng của thế gian, điều mà trong thực tế là “một cơ hội cho sự buông thả bản thân” (Gl 5,13). Không, tự do mà Chúa Kitô đạt được bằng giá máu của Người hoàn toàn hướng đến tình yêu, để – như Thánh Tông đồ nhắc lại với chúng ta hôm nay – “hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (sdd.)

Tất cả anh chị em, các đôi vợ chồng, khi xây dựng gia đình của anh chị em, với sự trợ giúp của ân sủng Chúa Kitô, anh chị em đã thực hiện một quyết định can đảm: không sử dụng tự do của anh chị em cho riêng mình, nhưng để yêu thương những người mà Thiên Chúa đã đặt ở bên cạnh anh chị em. Thay vì sống như những “hòn đảo nhỏ”, anh chị em đã đặt mình “phục vụ nhau”. Đó là cách thực hiện quyền tự do trong gia đình. Không có “các hành tinh” hay “các vệ tinh” mà mỗi cái di chuyển trên quỹ đạo riêng của nó. Gia đình là nơi gặp gỡ, chia sẻ, đi ra khỏi chính mình để chào đón người khác và ở bên cạnh họ. Gia đình là nơi đầu tiên chúng ta học cách yêu thương.

Thưa anh chị em, ngay cả khi chúng ta tái khẳng định điều này với xác tín sâu sắc, chúng ta cũng biết rõ rằng trong thực tế không phải lúc nào cũng đúng như vậy, vì nhiều lý do và vô vàn tình huống khác nhau. Và vì vậy, khi ca ngợi vẻ đẹp của gia đình, chúng ta cảm thấy được thôi thúc hơn bao giờ hết rằng chúng ta phải bảo vệ nó. Chúng ta đừng để gia đình bị ô nhiễm bởi độc tố của sự ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, nền văn hóa dửng dưng và vất bỏ ngày nay, và kết quả là đánh mất chính DNA của nó, đó là sự đón tiếp và tinh thần phục vụ.

Mối quan hệ giữa hai ngôn sứ Êlia và Êlisê, như được trình bày trong bài đọc thứ nhất, nhắc nhở chúng ta về mối quan hệ giữa các thế hệ, về “việc chuyển trao chứng tá” từ cha mẹ cho con cái. Trong thế giới ngày nay, mối quan hệ đó không phải là một mối quan hệ dễ dàng và nó thường là nguyên nhân gây lo ngại. Cha mẹ lo sợ rằng con cái sẽ không thể tìm thấy con đường của mình giữa sự phức tạp và rối ren của xã hội chúng ta, nơi mọi thứ dường như hỗn loạn và bấp bênh, và cuối cùng là lạc lối. Nỗi sợ hãi này khiến một số bậc cha mẹ lo lắng, trong khi những người khác thì bảo vệ quá mức. Đôi khi, nó thậm chí còn cản trở mong muốn đưa những sự sống mới vào thế giới.

Chúng ta nên suy tư về mối quan hệ giữa ngôn sứ Êlia và ngôn sứ Êlisê. Trong giây phút khủng hoảng và lo sợ cho tương lai, ông Êlia đã nhận mệnh lệnh từ Thiên Chúa xức dầu cho Êlisê trở thành người kế vị. Thiên Chúa giúp ông Êlia nhận ra rằng thế giới không kết thúc với ông, và ra lệnh cho ông truyền sứ vụ của ông cho người khác. Đó là ý nghĩa của cử chỉ được miêu tả trong bản văn: ông Êlia ném áo choàng của ông lên vai Êlisê, và từ lúc đó môn đồ thế chỗ thầy để tiếp tục sứ vụ ngôn sứ tại Israel. Như thế, Thiên Chúa cho thấy Người có lòng tin vào chàng thanh niên Êlisê.

Việc cha mẹ suy tư về cách hành động của Thiên Chúa thật quan trọng biết bao! Thiên Chúa yêu thương người trẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là Người bảo vệ họ khỏi mọi rủi ro, khỏi mọi thử thách và mọi đau khổ. Thiên Chúa không lo lắng và bảo vệ quá mức; trái lại, Người tin tưởng những người trẻ và kêu gọi mỗi người vươn đến tầm cao của cuộc đời và sứ mạng. Chúng ta hãy nghĩ về cậu bé Samuel, chàng thiếu niên Đavít hay chàng trai trẻ Giêrêmia; trên hết, chúng ta hãy nghĩ đến Đức Trinh Nữ Maria. Quý vị cha mẹ thân mến, Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường: đừng che chở cho con cái mình khỏi những khó khăn và đau khổ dù là nhỏ nhất, nhưng cố gắng truyền đạt cho chúng niềm đam mê sống, khơi dậy trong chúng khát vọng khám phá ơn gọi của mình và đón nhận sứ mạng vĩ đại mà Thiên Chúa dành cho họ. Chính khám phá đó đã làm cho ngôn sứ Êlisê can đảm và quyết tâm; nó đã giúp ngài trở thành một người lớn. Quyết định bỏ lại cha mẹ và hy sinh những con bò là một dấu hiệu cho thấy ngôn sứ Êlisê nhận ra rằng giờ đã đến lúc “tùy thuộc vào ngài”, rằng đã đến lúc chấp nhận lời kêu gọi của Thiên Chúa và tiếp tục công việc của thầy mình. Ngài sẽ thực hiện điều này cách can đảm đến cuối đời. Các bậc cha mẹ thân mến, nếu anh chị em giúp con cái khám phá và chấp nhận ơn gọi của chúng, anh chị em sẽ thấy rằng chúng cũng sẽ bị “nắm chặt” bởi sứ mạng này; và chúng sẽ tìm thấy sức mạnh cần thiết để đối đầu và vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Tôi muốn nói thêm rằng, đối với các nhà giáo dục, cách tốt nhất để giúp người khác tiếp nối ơn gọi của họ là đón nhận ơn gọi của chính mình với tình yêu trung thành. Đó là điều mà các môn đệ đã thấy Chúa Giêsu làm. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một khoảnh khắc tiêu biểu khi Chúa Giêsu “quyết định lên đường đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51), dù biết rõ rằng ở đó Người sẽ bị kết án và bị giết. Trên đường đi Giêrusalem, Chúa Giêsu vấp phải sự từ chối của cư dân Samaria, điều này làm dấy lên phản ứng phẫn nộ của Giacôbê và Gioan, nhưng Người chấp nhận sự từ chối đó, vì đó là một phần ơn gọi của Người. Ngay từ đầu, Chúa đã bị từ chối, đầu tiên là ở Nadarét, bây giờ là ở Samaria, và Người sắp bị từ chối ở Giêrusalem. Chúa Giêsu đã chấp nhận tất cả, vì Người đã đến để gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Tương tự như vậy, không gì có thể khích lệ con cái hơn là nhìn xem cha mẹ của họ sống cuộc sống hôn nhân và gia đình như một sứ mạng, thể hiện lòng chung thủy và sự kiên nhẫn bất chấp khó khăn, lúc đau buồn và khi thử thách. Những gì Chúa Giêsu gặp phải tại Samaria diễn ra trong mọi ơn gọi Kitô hữu, kể cả ơn gọi gia đình. Có những lúc chúng ta phải gánh lấy sự phản kháng, chống đối, từ chối và hiểu lầm xuất phát từ trái tim con người, và với ân sủng của Chúa Kitô, hãy biến những điều này thành việc đón nhận người khác và thành tình yêu nhưng không.

Ngay sau tình tiết đó, điều mà theo một cách nào đó, cho chúng ta thấy “ơn gọi” của chính Chúa Giêsu, Tin Mừng trình bày ba lời kêu gọi khác, được đại diện bởi ba môn đệ đầy nhiệt thành của Chúa Giêsu. Người đầu tiên được dặn là đừng tìm một ngôi nhà cố định, một hoàn cảnh an toàn, khi theo Chúa Giêsu, vì thầy “còn chẳng có nơi tựa đầu” (Lc 9,58). Theo Chúa Giêsu có nghĩa là bắt đầu một “chuyến đi” không bao giờ kết thúc với Người qua những biến cố của cuộc đời. Điều này thật đúng đối với anh chị em, những cặp vợ chồng! Cả anh chị em, khi chấp nhận lời mời gọi hôn nhân và gia đình, anh chị em cũng đã rời “tổ ấm” và bắt đầu một chuyến đi mà không thể biết trước chính xác nó sẽ dẫn đến đâu, và những tình huống mới, những sự kiện bất ngờ và ngạc nhiên. Đó là ý nghĩa của cuộc hành trình với Chúa. Đó là một hành trình khám phá sống động, không thể đoán trước và kỳ diệu. Chúng ta hãy nhớ rằng mỗi môn đệ của Chúa Giêsu đều tìm thấy sự nghỉ ngơi của mình trong việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa mỗi ngày, bất cứ nơi nào Người muốn.

Môn đệ thứ hai được dặn là đừng “quay lại chôn cất người thân của mình đã chết” (câu 59-60). Điều này không liên quan gì đến việc không tuân giữ điều răn thứ tư; điều răn này vẫn luôn có giá trị. Đúng hơn, đó là lời kêu gọi phải tuân theo, trên hết, điều răn đầu tiên: kính mến Chúa trên hết mọi sự. Điều tương tự cũng xảy ra với người môn đệ thứ ba, người được mời gọi theo Chúa Kitô một cách kiên quyết và với trọn tâm hồn, không “ngoảnh lại”, thậm chí không từ biệt các thành viên trong gia đình mình (xem các câu 61-62).

Các gia đình thân mến, các bạn cũng đã được yêu cầu không có những ưu tiên khác, không được “ngoái lại đàng sau”, nhớ nhung cuộc sống trước đây, sự tự do trước đây của mình, với những ảo tưởng lừa dối của nó. Sự sống trở nên “hóa thạch” khi nó không mở ra với sự mới mẻ của tiếng gọi của Chúa và tiếc nuối quá khứ. Khi Chúa Giêsu kêu gọi, cả trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, Người yêu cầu chúng ta tiếp tục nhìn về phía trước, và Người luôn đi trước chúng ta trên hành trình. Người luôn đi trước chúng ta trong tình yêu và sự phục vụ. Và những ai theo Người sẽ không phải thất vọng!

Anh chị em thân mến, các bài Sách Thánh được phụng vụ đề xuất cho chúng ta hôm nay, cách quan phòng, đều nói về ơn gọi, đó là chủ đề của Cuộc Gặp gỡ Gia đình Thế Giới lần thứ X này: “Tình yêu gia đình: ơn gọi và con đường nên thánh”. Được củng cố bởi những lời sự sống này, tôi khuyến khích anh chị em bắt đầu hành trình của tình yêu gia đình với niềm xác tín được canh tân, và chia sẻ với tất cả các thành viên trong gia đình anh chị em niềm vui của lời kêu gọi này. Xin cho tình yêu thương mà anh chị em chia sẻ với nhau luôn rộng mở, hướng ra bên ngoài, có khả năng “chạm” đến những người yếu đuối và bị thương tích, những người yếu đuối về thể xác và yếu đuối về tinh thần, và tất cả những người anh chị em gặp trên đường đi. Vì tình yêu, bao gồm cả tình yêu gia đình, được thanh lọc và củng cố bất cứ khi nào nó được chia sẻ với người khác.

Giáo hội ở với anh chị em; quả thật, Giáo hội ở trong anh chị em! Vì Giáo Hội được sinh ra từ một gia đình, Thánh Gia Nadarét, và được tạo thành phần lớn từ các gia đình. Xin Chúa giúp anh chị em mỗi ngày kiên trì trong sự hiệp nhất, bình an và niềm vui, và tỏ cho mọi người mà anh chị em gặp gỡ biết rằng Thiên Chúa là tình yêu và sự hiệp thông của sự sống.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận