Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật Lễ Lá năm B

13816 lượt xem

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật Lễ Lá năm B.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật Lễ Lá năm B:

Đức Phanxicô:

28.03.2021 – Chúa Giêsu khiến chúng ta kinh ngạc

25.03.2018 – Niềm vui Chúa Giêsu mang đến

29.03.2015 – Sự hạ mình của Chúa Giêsu

Đức Bênêđictô XVI:

01.04.2012 – Trải áo trên đường trước Chúa Giêsu

Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Lá ngày 28.03.2021 – Chúa Giêsu khiến chúng ta kinh ngạc

Anh chị em thân mến,

Mỗi năm phụng vụ ngày hôm nay đều khiến chúng ta kinh ngạc: chúng ta chuyển từ niềm vui đón mừng Chúa Giêsu khi Ngài vào thành Giêrusalem sang nỗi đau buồn khi chứng kiến Ngài bị kết án tử hình và sau đó bị đóng đinh. Cảm giác kinh ngạc trong lòng đó sẽ vẫn còn đọng lại với chúng ta trong suốt Tuần Thánh. Chúng ta hãy suy niệm sâu hơn về nó.

Ngay từ đầu, Chúa Giêsu khiến chúng ta kinh ngạc. Dân chúng chào đón Ngài một cách long trọng, nhưng Ngài lại tiến vào Giêrusalem trên một con ngựa con thấp hèn. Dân của Ngài mong đợi một người giải phóng dũng mãnh tại Lễ Vượt Qua, nhưng Ngài lại đến để làm cho Lễ Vượt Qua được kiện toàn bằng cách tự hiến thân. Dân của Ngài đang hy vọng chiến thắng người La Mã bằng gươm đao, nhưng Chúa Giêsu đến để mừng chiến thắng của Thiên Chúa qua thập giá. Điều gì đã xảy ra với những người trong khoảng thời gian một vài ngày đã đi từ tiếng hô vang trời “Hosanna” (hoan hô) đến việc hét lên “Hãy đóng đinh nó”? Chuyện gì đã xảy ra? Họ đi theo một ý tưởng về Đấng Mêsia hơn là chính Đấng Mêsia. Họ ngưỡng mộ Chúa Giêsu, nhưng họ không để cho bản thân được kinh ngạc bởi Ngài. Kinh ngạc không giống như ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ có thể mang tính thế gian, vì nó đi theo những thị hiếu và mong đợi của riêng mình. Mặt khác, ngạc nhiên là mở rộng lòng với người khác và sự mới mẻ họ mang lại. Ngày nay cũng vậy, có rất nhiều người ngưỡng mộ Chúa Giêsu: Ngài nói những điều đẹp đẽ; Ngài đầy lòng yêu thương và tha thứ; tấm gương của Ngài đã thay đổi lịch sử,… vân vân. Họ ngưỡng mộ Ngài, nhưng đời sống của họ không thay đổi. Ngưỡng mộ Chúa Giêsu thôi là chưa đủ. Chúng ta phải đi theo bước chân của Ngài, cho phép bản thân được thử thách bởi Ngài; để chuyển từ ngưỡng mộ sang kinh ngạc.

Điều gì gây kinh ngạc nhất về Chúa và sự Vượt Qua của Ngài? Đó là sự thật rằng Ngài đã đạt đến vinh quang qua sự nhục nhã. Ngài chiến thắng bằng cách chấp nhận đau khổ và cái chết, những điều mà chúng ta sẽ cố gắng tránh khi tìm kiếm sự ngưỡng mộ và thành công. Như Thánh Phaolô nói với chúng ta, Chúa Giêsu đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang…  Người còn hạ mình xuống” (Pl 2: 7,8). Đây là điều thật kinh ngạc: nhìn thấy Đấng Toàn năng đã hoàn toàn hạ mình. Để nhìn thấy Ngôi Lời là Đấng thấu suốt mọi sự dạy chúng ta trong thinh lặng từ trên cao của thập giá. Để nhìn thấy vua của các vua lên ngôi trên giá treo thập hình. Nhìn thấy Chúa của vũ trụ trút bỏ mọi thứ và đội lên đầu bằng mão gai thay vì vinh quang. Để nhìn thấy Đấng nhân lành hóa thân, bị sỉ nhục và bị đánh đập. Tại sao lại có tất cả những sự nhục nhã này? Lạy Chúa, tại sao Người muốn chịu đựng tất cả những điều này?

Chúa Giêsu đã làm điều đó cho chúng ta, để tìm kiếm trong sâu thẳm kinh nghiệm con người của chúng ta, toàn bộ cuộc sống của chúng ta, tất cả những sự dữ của chúng ta. Đến gần chúng ta và không bỏ rơi chúng ta trong đau khổ và cái chết của mình. Để cứu chuộc chúng ta, để giải thoát chúng ta. Chúa Giêsu đã được nâng lên cao trên thập giá để bước xuống vực thẳm đau khổ của chúng ta. Ngài đã trải qua những nỗi buồn đau đớn nhất của chúng ta: thất bại, mất tất cả, bị người bạn phản bội, thậm chí bị Thiên Chúa bỏ rơi. Bằng cách trải nghiệm trong xác thịt những cuộc chiến đấu và xung đột sâu sắc nhất của chúng ta, Ngài đã đền bù và biến đổi chúng. Tình yêu của Ngài đến gần với sự yếu đuối của chúng ta; nó chạm đến chính những điều mà chúng ta thấy xấu hổ nhất.

Tuy nhiên, bây giờ chúng ta biết rằng chúng ta không đơn độc: Thiên Chúa ở bên cạnh chúng ta trong mọi cơn hoạn nạn, trong mọi nỗi sợ hãi; không có sự dữ nào, không có tội lỗi nào có lời nói cuối cùng. Thiên Chúa chiến thắng, nhưng cành thiên tuế chiến thắng đi qua gỗ của thập giá. Vì cành thiên tuế và cây thập giá không thể tách rời.

Chúng ta hãy cầu xin được ơn biết kinh ngạc. Đời sống người Kitô hữu không biết kinh ngạc sẽ trở nên buồn tẻ và ảm đạm. Làm thế nào chúng ta có thể nói về niềm vui khi gặp Chúa Giêsu, nếu hàng ngày chúng ta không kinh ngạc và sửng sốt trước tình yêu của Ngài, điều mang lại cho chúng ta sự tha thứ và cơ hội có một khởi đầu mới? Khi đức tin không còn cảm nghiệm sự kinh ngạc nữa, thì nó trở nên u ám: nó trở nên mù trước những điều kỳ diệu của ân sủng; nó không còn khả năng nếm được Bánh sự sống và nghe được Lời; nó không còn khả năng cảm nhận được vẻ đẹp của anh chị em chúng ta và món quà của tạo hóa. Nó chẳng còn cách nào khác hơn là nương tựa vào chủ nghĩa trọng luật, chủ nghĩa giáo quyền và vào tất cả những điều mà Chúa Giêsu đã lên án trong chương 23 của Phúc âm theo Thánh Mátthêu.

Trong Tuần Thánh này, chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên thập giá, để nhận được ơn biết kinh ngạc. Khi Thánh Phanxicô Assisi chiêm ngưỡng Chúa bị đóng đinh, ngài thấy ngạc nhiên vì các anh em của ngài không khóc. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có còn rung động trước tình yêu của Thiên Chúa không? Có phải chúng ta đã đánh mất khả năng kinh ngạc trước Ngài không? Tại sao? Có thể đức tin của chúng ta đã trở nên u mê do thói quen. Có thể chúng ta vẫn bị mắc kẹt trong những sự hối tiếc của mình và để cho bản thân bị tê liệt bởi những thất vọng của chúng ta. Có thể chúng ta đã mất hết niềm tin hoặc thậm chí cảm thấy mình vô dụng. Nhưng có lẽ, đằng sau tất cả những điều “có thể” này, là sự thật rằng chúng ta không mở lòng đón nhận ân tứ của Thần Khí là Đấng ban cho chúng ta ơn biết kinh ngạc.

Chúng ta bắt đầu lại từ sự kinh ngạc. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa yêu con biết bao! Con thật quý giá biết dường nào với Người!” Chúng ta hãy cho phép Chúa Giêsu làm chúng ta kinh ngạc để chúng ta có thể bắt đầu sự sống lại, vì sự vĩ đại của cuộc sống không nằm ở của cải và sự thăng tiến, nhưng ở chỗ nhận ra rằng chúng ta được yêu thương. Đây là sự vĩ đại của cuộc sống: khám phá ra rằng chúng ta được yêu thương. Và sự vĩ đại của cuộc sống nằm chính trong vẻ đẹp của tình yêu. Trong Chúa Giêsu bị đóng đinh, chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa bị hạ nhục, Đấng toàn năng bị xua đuổi và loại bỏ. Và với ơn kinh ngạc, chúng ta nhận ra rằng khi chào đón những người bị xua đuổi và bị loại bỏ, khi đến gần những người bị cuộc sống đối xử tệ bạc, là chúng ta đang yêu mến Chúa Giêsu. Vì đó là nơi Ngài ở: trong những anh chị em bé mọn nhất của chúng ta, trong những người bị từ chối và bị loại bỏ, trong những người mà cái văn hóa tự cho mình đúng của chúng ta lên án.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, ngay sau cái chết của Chúa Giêsu, một biểu tượng tuyệt vời của sự kinh ngạc. Đó là cảnh viên sĩ quan, khi thấy Chúa Giêsu đã chết, liền nói rằng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39). Anh ta bị kinh ngạc bởi tình yêu. Anh ta đã nhìn thấy Chúa Giêsu chết cách nào? Anh ta đã thấy Ngài chết vì yêu, và điều này làm anh ta kinh ngạc. Chúa Giêsu đau đớn tột cùng, nhưng Ngài không ngừng yêu thương. Đây là điều thật kinh ngạc trước Thiên Chúa, Đấng có thể lấp đầy cái chết bằng tình yêu. Trong tình yêu nhưng không và chưa từng có ấy, viên sĩ quan ngoại giáo đã tìm thấy Chúa. Lời nói của ông ta – Quả thật, người này là Con Thiên Chúa – “chứng thực” cho câu truyện của Cuộc Khổ nạn. Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết rằng trước anh ta đã có nhiều người khác ngưỡng mộ Chúa Giêsu vì những phép lạ và công việc phi thường của Ngài, và đã công nhận rằng Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu Kitô đã bắt họ im lặng, vì họ có nguy cơ chỉ dừng lại ở mức độ ngưỡng mộ thuần túy của thế gian với ý tưởng về một Thiên Chúa được tôn thờ và kính sợ về quyền năng và sức mạnh của Ngài. Bây giờ không còn như vậy nữa, vì dưới chân thập giá không thể có sai lầm: Thiên Chúa đã mạc khải mình và trị vì bằng sức mạnh của tình yêu.

Thưa anh chị em, hôm nay Thiên Chúa tiếp tục đổ trí óc và tâm hồn chúng ta bằng sự kinh ngạc. Chúng ta hãy để cho mình ngập tràn sự kinh ngạc đó khi chúng ta chiêm ngắm Chúa bị đóng đinh. Ước mong chúng ta cũng có thể nói rằng: “Người thật là Con Thiên Chúa. Người là Chúa của con.

Nguồn: daminhtamhiep.net

Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Lá ngày 25.03.2018 – Niềm vui Chúa Giêsu mang đến

Anh chị em thân mến!

Chúa Giê-su đã tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Phụng vụ mời gọi chúng ta tham dự vào niềm vui nhân ngày Đại Lễ của Dân Chúa cũng như góp phần vào niềm vui ấy. Đó là Dân có khả năng reo mừng và tán dương Thiên Chúa của mình. Niềm vui bị khuấy đục sẽ để lại một dư vị đắng cay và khổ đau, và chúng ta đã nghe biết về những câu chuyện khổ đau ấy. Những câu chuyện về niềm vui và về nỗi khổ đau, về những lỗi lầm và về những thành công, mà chúng là thành tố thuộc về mọi ngày sống của chúng ta với tư cách là những người trẻ, xem ra có vẻ như đang đan quyện vào nhau trong Đại Lễ này. Vì thế, nó tạo ra những cảm giác trái chiều rất thích hợp với con người mọi thời, kể cả với những con người thời nay: Họ có khả năng yêu thương thật nhiều… nhưng cũng có khả năng căm ghét thật nhiều; họ có khả năng “rửa tay gác kiếm” để thực hiện những công việc đầy giá trị vào đúng thời điểm thích hợp; họ có khả năng trung tín nhưng cũng có khả năng trở thành những người vô cùng tắc trách và phản bội.

Và trong toàn bộ trình thuật Tin Mừng, người ta thấy rõ được rằng, trong con mắt của một số người, niềm vui mà Chúa Giê-su khơi lên, chính là nguyên cớ dẫn tới sự bất mãn và nổi đóa.

Chúa Giê-su bước vào thành thánh trong vòng vây của dân chúng, giữa tiếng hát ca và tiếng reo hò vang dội. Chúng ta có thể hình dung ra rằng, đó là giọng nói của người con đã được thứ tha, là giọng nói của những người bị bệnh phong cùi nhưng đã được chữa lành, hay tiếng rống của con chiên bị thất lạc mà nó vang lên với tất cả sức lực trong đoàn rước này. Đó là những bài ca của quan chức ngành thuế và của những con người ô uế; đó là tiếng reo vui của những người sống bên lề đường phố. Đó là tiếng reo mừng của những người nam và những người nữ đã đi theo Ngài, vì họ đã có được kinh nghiệm về Lòng Xót Thương của Ngài khi chứng kiến những nỗi khổ đau và những nỗi khốn cùng của họ… Đó là những bài ca và niềm vui bộc phát của rất nhiều những con người bị loại trừ, mà khi được Chúa Giê-su động chạm đến, đã có thể thốt lên: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” Làm sao mà lại không ngợi khen Đấng đã ban lại cho họ phẩm giá và niềm hy vọng? Đó là niềm vui của rất nhiều tội nhân đã được tha thứ và đã có thể tái tin tưởng và hy vọng.

Đối với những người tự cho mình là công chính và trung thành với Lề Luật thì niềm vui mừng này sẽ trở nên rất gai mắt. Nó sẽ được cảm nhận như là sự phẫn nộ trước sự phá hoại đầy kích động. Đó là niềm vui mà nó không thể chịu đựng được đối với những kẻ đã tự phong tỏa bản thân mình trước sự đồng cảm khi chứng kiến những nỗi khổ đau và những điều bất hạnh. Đối với những kẻ chỉ muốn biện hộ cho mình cũng như chỉ muốn lấy bản thân mình làm đủ thì việc hiểu được niềm vui của Lòng Thương Xót phát xuất từ Thiên Chúa sẽ là điều khó khăn biết chừng nào. Đối với những kẻ chỉ trông cậy vào sức riêng và cảm thấy mình trổi vượt hơn bất cứ người nào khác thì việc chia sẻ niềm vui ấy là điều khó khăn biết chừng nào!

Và như thế vang lên tiếng la hét của kẻ chẳng hề biết sợ hãi khi thét lên: “Đóng đinh nó vào Thập Giá!” Đó không phải là một tiếng thét bất ưng, nhưng là một tiếng thét được lập trình và được dàn dựng và luôn đi kèm với sự làm nhục và sự vu khống, mà cả hai điều đó đều được gây ra thông qua những kẻ làm chứng gian. Đó là giọng nói của kẻ luôn gây ảnh hưởng lên thực tế, dùng thủ đoạn để tạo ra một câu chuyện có lợi cho mình, và không hề cảm thấy có vấn đề với việc “chui vào đống rác” để trốn tránh. Đó là tiếng thét gào của kẻ chẳng hề thấy có vấn đề gì với việc tìm kiếm những công cụ để củng cố bản thân và trấn áp những tiếng nói nghịch tai. Đó là tiếng thét gào mà nó phát sinh từ sự “chải chuốt” và từ việc tô màu cho thực tế, đến độ sự tô màu ấy sẽ làm biến dạng khuôn mặt của Chúa Giê-su và biến Ngài thành một “tên tội phạm”. Đó là tiếng thét gào của kẻ chỉ muốn bảo vệ vị thế riêng của mình bằng cách là gieo tiếng xấu một cách đặc biệt cho những kẻ không thể tự bảo vệ được mình. Đó là tiếng la hét của thói tự mãn được dàn dựng, của sự kênh kiệu và của thói kiêu căng mà nó không hề cảm thấy có vấn đề gì khi hét lên: “Đóng đinh nó vào Thập Giá, đóng đinh nó vào Thập Giá!

Và cuối cùng thì người ta sẽ làm cho ngày Đại Lễ của Dân Chúa phải ngưng diễn ra bằng cách là người ta đánh gục niềm hy vọng, tàn sát những giấc mơ, và trấn áp niềm vui; như thế, người ta sẽ kết thúc ở chỗ biến con tim mình trở nên chai cứng, và để cho Tình Yêu bị đóng băng. Đó là tiếng la hét “hãy tự cứu lấy mình” mà nó muốn ru ngủ tình liên đới, muốn xóa bỏ thực tế cũng như làm cho ánh mắt trở nên vô cảm… Đó là tiếng la hét muốn xóa bỏ Lòng Xót Thương.

Khi chứng kiến tất cả những tiếng la hét nêu trên, thì phương dược tốt nhất để khắc phục chúng chính là việc nhìn lên Thập Giá Chúa Ki-tô, và để cho mình bị đặt vấn nạn bởi lời thốt lên sau cùng của Ngài. Chúa Ki-tô đã chết trong lúc Ngài thốt lên Tình Yêu của Ngài đối với từng người một trong chúng ta: cho những bạn trẻ và những cụ già, cho cả các thánh lẫn các tội nhân: Tình Yêu đối với những người sống cùng thời với Ngài cũng như đối với những ai đang sống trong thời đại hôm nay. Nhờ vào Thập Giá của Ngài mà chúng ta được cứu độ, để không ai có thể dập tắt được niềm vui của Tin Mừng; để không ai, dù người ấy đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa, cũng đều không thể trốn xa cái nhìn đầy Lòng Xót Thương của Thiên Chúa Cha. Ngắm nhìn Thập Giá có nghĩa là, đặt những quyền lợi, những quyết định và những hành động của chúng ta thành vấn đề. Nó có nghĩa là thể hiện sự cảm thông của chúng ta đối với những người đang trải qua những khó khăn, và đặt mình vào trong hoàn cảnh như họ. Con tim chúng ta đang nhìn gì? Có phải Chúa Giê-su vẫn đang là nền tảng của niềm vui và của lời ca khen trong lòng chúng ta không, hay sự ưu ái của Ngài đối với các tội nhân, đối với những người cùng rốt và đối với những người bị lãng quên đang làm cho chúng ta bẽ mặt?

Các bạn trẻ thân mến, niềm vui mà Chúa Giê-su đang khơi lên trong các con, lại đang là lý do để giận dữ và để căm phẫn nơi một số người, vì việc dùng mánh khóe để gây ảnh hưởng trên một người trẻ đầy niềm vui, là một điều rất khó.

Nhưng giờ đây có thể dẫn tới một lời kêu thứ ba: “Trong đám đông có vài người thuộc nhóm Pha-ri-siêu nói với Đức Giê-su: Thưa Thầy, Thầy quở trách các môn đệ của Thầy đi chứ! Ngài đáp: Tôi cho các ông biết: nếu họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19,39-40).

Việc làm cho những người trẻ phải im hơi lặng tiếng chính là một cơn cám dỗ mà nó luôn luôn tồn tại. Chính những người Pha-ri-siêu đã trách móc Chúa Giê-su và yêu cầu Ngài bắt những người trẻ phải im miệng.

Có rất nhiều hình thức để bắt người khác phải câm miệng hay loại trừ những người trẻ. Có rất nhiều cách để gây tê liệt cho họ hay ru ngủ họ, để họ không gây ồn ào, để họ không tự đặt ra những câu hỏi cho mình và cũng không truy hỏi cặn kẽ nữa. Có nhiều khả năng để ru ngủ họ để họ không can dự vào, và để cho những giấc mơ của họ mất đi xung lượng và trở thành những mơ tưởng nông cạn, hời hợt, nhỏ nhoi và buồn bã.

Trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, tức ngày mà chúng ta cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, thật tốt cho chúng ta biết chừng nào khi lắng nghe câu trả lời của Chúa Giê-su cho tất cả những người Pha-ri-siêu thuộc mọi thời đại, cả trong quá khứ lẫn trong thời đại hôm nay: “Họ mà lặng thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19,40).

Các bạn trẻ thân mến: việc quyết định để hô lên đang tùy thuộc ở nơi các con. Việc quyết định để hô lên tiếng Hosanna của ngày Chúa Nhật và không chuyển sang để hét lên tiếng “Đóng đinh nó vào Thập Giá!” của ngày thứ Sáu, cũng đang tùy thuộc ở nơi các con… Và việc có thinh lặng hay không cũng đang tùy thuộc ở nơi các con. Nếu những người khác im hơi lặng tiếng, nếu chúng ta, những người lớn tuổi và những người có trách nhiệm mà câm miệng, nếu thế giới làm thinh và đánh mất niềm vui của mình, thì Cha xin hỏi các con: Các con có muốn thét lên không?

Xin các con hãy quyết định trước khi những viên sỏi đá hô lên!

Nguồn: daminhtamhiep.net

Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Lá ngày 29.03.2015 – Sự hạ mình của Chúa Giêsu

Anh chị em thân mến,

Nơi trung tâm buổi lễ trọng thể này, có một lời chúng ta đã nghe trong thư gửi tín hữu thành Philipphê: “Người hạ mình xuống” (2,8). Sự hạ mình của Chúa Giêsu.

Lời này tỏ cho chúng ta lối cư xử của Thiên Chúa và của Kitô hữu: đó là sự khiêm nhường. Một lối sống không bao giờ ngưng gây ngạc nhiên cho chúng ta và đặt chúng ta ở trong tình trạng khủng hoảng: chúng ta không bao giờ trở nên quen với sự kiện một vị Thiên Chúa khiêm hạ!

Hạ mình xuống trước tiên là lối sống của Thiên Chúa: Thiên Chúa hạ mình để đồng hành với dân Ngài, để chịu đựng những bất trung của dân. Chúng ta thấy rõ điều đó khi đọc sách Xuất Hành: Thiên Chúa hạ mình dường nào khi nghe tất cả những lời lẩm bẩm, than trách ấy! Những lời than trách chống ông Môisê, nhưng thực ra là chống lại Chúa, chống lại Cha của họ, Đấng đã đưa họ ra khỏi tình trạng nô lệ và hướng dẫn họ trên con đường tiến qua sa mạc tìm về đất tự do.

Trong tuần Thánh này, tuần lễ dẫn đưa chúng ta đến lễ Phục Sinh, chúng ta sẽ đi trên con đường hạ mình của Chúa Giêsu. Chỉ như thế, tuần này mới là Tuần Thánh đối với cả chúng ta!

Chúng ta sẽ nghe thấy những lời khinh bỉ của các thủ lãnh dân và những mưu mô gian xảo của họ để làm cho Chúa ngã xuống. Chúng ta sẽ chứng kiến sự phản bội của Giuđa, một trong 12 môn đệ, người sẽ bán Thầy với 30 đồng bạc. Chúng ta sẽ thấy Chúa bị bắt và giải đi như một kẻ bất lương; bị các môn đệ bỏ rơi; bị điệu ra trước Công nghị Do thái, bị kết án tử hình, bị đánh đập và lăng mạ. Chúng ta sẽ nghe Phêrô, “đá tảng” của các môn đệ, chối bỏ Chúa 3 lần. Chúng ta sẽ nghe những tiếng gào thét của đám đông, do các thủ lãnh xúi giục, họ xin tha cho Barabba, còn Chúa thì họ đòi đóng đanh. Chúng ta sẽ thấy Người bị quân lính nhạo cười, họ cho Người mặc áo đỏ, đầu đội mão gai. Và rồi, dọc theo con đường đau khổ, dưới thập giá, chúng ta sẽ nghe những lời lăng mạ của dân chúng và các thủ lãnh nhạo cười vua của họ và Con Thiên Chúa.

Đó là con đường của Thiên Chúa, con đường khiêm hạ. Đó là con đường của Chúa Giêsu và không có con đường nào khác. Không có sự khiêm nhường mà không có hạ mình.

Theo đuổi đến cùng con đường ấy, Con Thiên Chúa đã nhận lấy “hình hài người tôi tớ” (Xc Pl 2,7). Thực vậy, khiêm nhường có nghĩa là phục vụ, dành khoảng trống cho Thiên Chúa cởi bỏ chính mình, trở nên trống rỗng, như Kinh Thánh nói (v.7). Đó là một sự hạ mình lớn nhất.

Có một con đường trái ngược với con đường của Chúa Kitô: đó là tinh thần thế tục. Tinh thần này mang lại cho chúng ta con đường háo danh, kêu ngạo, thành công… Đó là con đường khác. Quỷ cũng đã đề nghị con đường với cả Chúa Giêsu trong 40 ngày ở trong sa mạc. Nhưng Chúa Giêsu đã bác bỏ không chút do dự. Và cùng với Ngài, cả chúng ta cũng có thể chiến thắng cám dỗ ấy, không những trong những dịp lớn, nhưng cả trong những hoàn cảnh thông thường của cuộc sống.

Chúng ta được trợ giúp và khích lệ nhờ tấm gương của bao nhiêu người nam nữ, trong thinh lặng và âm thầm, hằng ngày từ bỏ bản thân để phục vụ tha nhân: một người thân bị bệnh, một người già cô đơn, một người khuyết tật, người vô gia cư…

Chúng ta cũng hãy nghĩ đến sự tủi nhục của bao nhiêu người vì trung thành với Tin Mừng nên bị kỳ thị và phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Và chúng ta nghĩ đến bao nhiêu anh chị em chúng ta bị bách hại vì là Kitô hữu, những vị tử đạo ngày nay: họ không chối bỏ Chúa Giêsu và can đảm chịu đựng những lời lăng mạ và xúc phạm. Họ theo Chúa Giêsu trên đường của Người. Chúng ta có thể nói đó là “đám mây các chứng nhân” (Xc Dt 12,1).

Cả chúng ta cũng hãy quyết liệt tiến bước trên con đường ấy, với lòng yêu mến nhiệt thành đối với Người là Chúa và là Đấng Cứu độ chúng ta. Chính tình yêu hướng dẫn và mang lại sức mạnh cho chúng ta. Nơi nào có Chúa, chúng ta cũng sẽ ở với Người (Xc Ga 12,26). Amen.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ Lá ngày 01.04.2012 – Trải áo trên đường trước Chúa Giêsu

Anh chị em thân mến,

Chúa nhật lễ lá là chiếc cổng lớn dẫn chúng ta vào Tuần Thánh, tuần lễ trong đó Chúa Giêsu đến gần tột đỉnh cuộc sống trần thế của Ngài. Chúa lên Jerusalem để hoàn tất Kinh Thánh và để bị treo trên cây khổ giá, là ngai tòa từ đó Ngài sẽ hiển trị mãi mãi, lôi kéo nhân loại trong mọi thời đại đến cùng Ngài và trao tặng mọi người hồng ân cứu chuộc. Qua các Tin Mừng, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đi lên Jerusalem cùng với 12 Tông Đồ, và dần dần có thêm đoàn ngũ những người lữ hành ngày càng đông đảo. Thánh Marcô kể lại rằng ngay từ lúc Chúa Giêsu khởi hành từ thành Giêricô đã có một đám đông theo Ngài (Xc 10,46).

Trong đoạn đường cuối cùng của cuộc hành trình, người ta thấy xảy ra một biến cố đặc biệt, gia tăng sự mong đợi những gì sắp xảy ra và tập trung sự chú ý của mọi người vào Chúa Giêsu. Dọc đường, vừa khi ra khỏi thành Giêricô, có một người mù ngồi ăn xin, tên là Bartimeo. Vừa khi nghe nói Đức Giêsu Nazareth đang tới, anh ta bắt đầu kêu: “Lạy Đức Giêsu, Con Vua Davit, xin thương xót con!” (Mc 10,47). Người ta tìm cách làm cho anh ta im tiếng, nhưng vô ích; cho đến khi Chúa Giêsu bảo gọi anh ta đến và mời anh đến gần Ngài. Ngài nói: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Anh đáp: “Lạy Thày, xin cho con được thấy!” (c.51). Chúa Giêsu đáp: “Anh hãy đi, đức tin của anh đã cứu anh”. Bartimeo được khỏi mù và bắt đầu đi theo Chúa Giêsu (Xc c. 52). Và thế là, sau phép lạ ấy, kèm theo lời kêu cầu “Lạy Con Vua Đavít”, một làn gió hy vọng Đấng Cứu Thế thổi qua đám đông khiến cho nhiều người đặt câu hỏi: Ông Giêsu kia, đang tiến bước đằng trước hướng về Jerusalem, có phải là Đấng Messia, là Vua Đavít mới hay không? Người sắp đến gần thành thánh, phải chăng đã đến lúc Thiên Chúa tái lập vương quyền của Đavít?

Cả việc chuẩn bị vào thành Jerusalem mà Chúa Giêsu cùng với các môn đệ của Ngài thực hiện, cũng gia tăng niềm hy vọng ấy. Như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng hôm nay (Xc Mc 11,1-10), Chúa Giêsu từ Betfage và từ Núi Cây Dầu đến Jerusalem, nghĩa là theo con đường mà Đấng Messia sẽ phải đi qua. Từ nơi đó Chúa sai hai môn đệ đi trước, dặn họ mang về cho Ngài con lừa con, mà họ gặp trên đường. Và quả thực họ đã tìm thấy con lừa con, họ cởi nó và dẫn về cho Ngài. Bấy giờ, tâm hồn các môn đệ và cả các những người hành hương khác rất phấn khởi: họ lấy áo choàng đặt trên con lừa con; những người khác trải áo trên đường trước Chúa Giêsu để Ngài đi qua. Rồi họ cắt những nhánh cây và bắt đầu hô lên những lời của thánh vịnh 118, những lời chúc tụng xưa kia của các tín hữu hành hương, trong bối cảnh đó, trở thành một lời tuyên xưng Đấng Cứu Thế: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Chúc tụng Nước của Ngài đang đến, của Đavít tổ tiên chúng tôi! Tung hô trên các tầng trời!” (c.9-10). Lời tung hô hân hoan này được tất cả 4 Phúc Âm truyền lại, là một tiếng kêu chúc tụng, một thánh ca hân hoan: nó diễn tả xác tín đồng thanh rằng nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Ngài và Đức Messia nay đã đến. Và tất cả những người ở đó, càng gia tăng mong đợi những gì Chúa Kitô sẽ thực hiện sau khi vào thành của Ngài.

Nhưng đâu là nội dung, là âm vang sâu xa nhất của tiếng kêu vui mừng ấy? Câu trả lời được toàn Kinh Thánh gửi đến chúng ta, Kinh Thánh nhắc chúng ta rằng Đức Messia hoàn tất lời hứa phúc lành của Thiên Chúa, lời hứa nguyên thủy mà Thiên Chúa đã nói với Abraham, tổ phụ của mọi tín hữu: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân đông đúc và sẽ chúc phúc cho ngươi .. và nơi ngươi, tất cả các gia đình trên trái đất cũng được chúc phúc” (St 12,2-3). Đó là lời hứa mà Israel vẫn luôn giữ cho sinh động trong kinh nguyện, đặc biệt là trong kinh nguyện thánh vịnh. Vì thế, Đấng được đám đông dân chúng tung hô như vị được chúc phúc, đồng thời cũng là vị mà nơi Ngài toàn thể gia đình nhân loại được chúc phúc. Như thế, trong ánh sáng của Chúa Kitô, nhân loại nhìn nhận mình được liên kết sâu đậm với nhau và như thể được tấm áo choàng phúc lành của Chúa bao phủ, một phúc lành thấm nhiễm, nâng đỡ, cứu chuộc và thánh hóa mọi sự.

Chúng ta có thể khám phá nơi đây sứ điệp cao trọng đầu tiên, được đại lễ này chuyển đến chúng ta: đó là lời mời gọi có một cái nhìn đúng đắn về toàn thể nhân loại, về các dân tộc họp thành thế giới, về những nền văn hóa và văn minh khác nhau. Cái nhìn mà tín hữu nhận được từ Chúa Kitô là cái nhìn mang phúc lành: một cái nhìn khôn ngoan và yêu thương, có khả năng đón nhận vẻ đẹp của thế giới và cảm thông sự mong manh của thế giới. Trong cái nhìn ấy có bộc lộ cái nhìn của chính Thiên Chúa đối với con người mà Thiên Chúa yêu thương và về công trình sáng tạo do tay Chúa thực hiện.

Chúng ta hãy trở lại trang Phúc Âm hôm nay và tự hỏi: Đâu là điều thực sự ở trong tâm hồn những người tung hô Đức Kitô như Vua của Israel? Chắc chắn là họ có quan niệm về Đức Messia, có một ý tưởng về cách thức hành động của vị Vua được các ngôn sứ loan báo và mong đợi. Không phải tình cờ mà vài ngày sau đó, đám đông ở Jerusalem thay vì tung hô Chúa Giêsu, họ gào lên Philatô: “Đóng đinh nó vào thập giá!” và chính các môn đệ, cũng như những người khác đã từng thấy và nghe Ngài, im lặng và hoang mang. Thực vậy, phần lớn cảm thấy thất vọng vì cách thức Chúa Giêsu tự biểu lộ Đức Messia và Vua Israel. Đó chính là cái mấu chốt của ngày lễ hôm nay, cũng như đối với chúng ta. Đức Giêsu thành Nazareth là ai đối với chúng ta? Chúng ta có ý tưởng gì về Đức Messia, chúng ta nghĩ gì về Thiên Chúa? Đây là một vấn đề chủ yếu mà chúng ta không thể tránh né, nhất là vì chính trong tuần này chúng ta được mời gọi theo Chúa, Vua của chúng ta, Đấng đã chọn ngai tòa là thập giá; chúng ta được kêu gọi theo Đức Messia không đảm bảo một hạnh phúc trần thế dễ dàng, nhưng là hạnh phúc trên trời, hạnh phúc của Thiên Chúa. Vậy chúng ta phải tự hỏi: đâu là những mong đợi đích thực của chúng ta? đâu là những ước muốn sâu xa nhất, mà chúng ta đến đây để cử hành Chúa nhật lễ lá và bắt đầu Tuần Thánh.

Các bạn trẻ thân mến đang tụ họp nơi đây. Đây là Ngày đặc biệt của các bạn, ở mọi nơi trên thế giới có Giáo hội hiện diện. Vì thế tôi rất thân ái chào thăm các bạn! Ước gì Chúa nhật lễ lá là một ngày quyết định đối với các bạn, quyết định đón nhận Chúa và tận tình theo Chúa, quyết định biến cuộc Vượt qua, cái chết và sự sống lại của Chúa thành ý nghĩa cuộc sống của các bạn. Đó là một quyết định mang lại niềm vui đích thực, như tôi đã muốn nhắc nhở trong sứ điệp gửi giới trẻ nhân ngày này: “Anh chị em hãy luôn vui tươi trong Chúa” (Pl 4,4), như đã xảy ra với thánh nữ Clara thành Assisi, cách đây 800 năm, đã được gương thánh Phanxicô và các bạn đầu tiên của Người thu hút, chính vào Chúa Nhật lễ lá. Clara đã rời bỏ nhà cha mẹ để hoàn toàn dâng mình cho Chúa lúc mới được 18 tuổi và đã can đảm tin yêu, quyết định theo Chúa, tìm thấy nơi Chúa niềm vui và an bình.

Anh chị em thân mến, có hai tâm tình đặc biệt trong ngày này, đó là chúc tụng, như những người đã đón tiếp Chúa Giêsu tại Jerusalem với những lời tung hô của họ, và tạ ơn, vì trong tuần thánh này, Chúa Giêsu lập lại món quà lớn nhất ta có thể tưởng tượng: Ngài ban sự sống, mình và máu Ngài cho chúng ta, tình yêu của Ngài. Nhưng chúng ta phải đáp lại hồng ân cao cả ấy một cách thích hợp, nghĩa là hiến dâng chính bản thân chúng ta, thời gian, kinh nguyện, lòng hiệp thông yêu thương sâu đậm với Chúa Kitô Đấng chịu đau khổ, chết và sống lại cho chúng ta.

Các Giáo Phụ xưa kia đã thấy một biểu tượng của tất cả những điều trên đây qua cử chỉ dân chúng theo Chúa vào thành Jerusalem, cử chỉ trải áo choàng trước Chúa. Các Giáo Phụ nói: Trước Chúa Kitô, chúng ta phải trải cuộc sống chúng ta, con người chúng ta, trong thái độ biết ơn và thờ lạy. Tóm lại, chúng ta hãy nghe lại tiếng nói của một trong các giáo phụ xưa, là thánh Anrê Giám mục ở đảo Creta: “Vậy chúng ta hãy khiêm tôn trải chính chúng ta trước Chúa Kitô, thay vì những chiếc áo chùng hoặc những cành cây bất động, và những lá cây xanh, chỉ làm vui mắt trong vài giờ và mất đi, vẻ xanh tươi cùng với nhựa sống của nó. Chúng ta hãy trải chính mình, được mặc ân phúc, hay đúng hơn là được mặc bằng chính Chúa… Hãy phủ phục dưới chân Chúa như chiếc áo chùng được trải thẳng ra để có thể mang lại cho Đấng chiến thắng sự chết không phải chỉ những cành cây dừa, nhưng là những thành tích chiến thắng. Cả chúng ta hằng ngày cũng hãy vẫy những cành cây tinh thần của linh hồn, cùng với các trẻ em, tung hô rằng: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến là Vua của Israel” (PG 97, 994). Amen.

Nguồn: archivioradiovaticana.va