Cách cầu nguyện dành cho người bận rộn

2068 lượt xem

Khi ngồi tòa giải tội, tôi thường nghe rất nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng: “Thưa cha, con không đọc kinh sáng tối. Vì phải đi làm nên con không đi lễ Chúa Nhật được.” Trước lời xưng thú này, tôi vừa mừng vừa ưu tư. Mừng vì các em còn nhớ đến lối thực hành đạo đức tốt lành này. Có thể trong môi trường gia đình, các em được lớn lên trong lời kinh sáng tối. Có thể các em được hít thở bầu không khí lễ hội của quê nhà. Nhưng ưu tư vì khi rời xa môi trường đạo đức ấy, các em dường như lúng túng. Cầu nguyện làm sao? Sống đạo như thế nào trước cuộc sống đổi thay? Đó là chưa kể biết bao cám dỗ đang chờ trực các bạn. Trong hoàn cảnh này, tôi viết tặng các bạn đang đi làm bài này.

  1. Cầu nguyện là gì?

Giáo hội chia sẻ rằng: “Cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Thiên Chúa. Khi một người cầu nguyện, họ đi vào trong sự liên kết sống động với Thiên Chúa ngay tự đời này, để mai sau được liên kết mặt đối mặt với Người.” (Youcat 469). Theo định nghĩa này, đọc kinh tối sáng, đi lễ là một trong những hình thức cầu nguyện rất tốt. Tuy nhiên, nếu không thực hiện được, xin các bạn đừng quá bối rối. Lý do là trong Giáo hội mình có rất nhiều cách thức cầu nguyện khác nhau để gặp gỡ Thiên Chúa.

Nếu các bạn không đọc Kinh Thánh được, xin thử mở Youtube lên để nghe một bài thánh ca. Nếu vì công việc, bạn không đi lễ được, cứ lắng nghe một bài giảng trên mạng. Ở đâu có Internet, bạn hoàn toàn có thể tiếp cận được hai điều này. Khi nghe xong, bạn dành 1-2 phút để suy nghĩ trong lòng. Chúa đang muốn nói gì với tôi lúc này? Tôi đang buồn hay vui? Sau cùng, bạn có muốn thưa với Chúa điều gì không? Bạn đừng bối rối khi thực hành điều này, miễn là mình cảm thấy Thiên Chúa thật gần gũi!

Nếu không có nhiều giờ suy niệm Kinh Thánh, bạn có thể bước ra ngoài không gian thoáng mát. Chiêm ngắm bầu trời, cây cối hoặc thiên nhiên! Khi đó, bạn thử nghĩ mình đang ở đâu trên mặt đất này. Tại sao tôi hiện diện ở đây? Ai sáng tạo ra đất trời? Sự mênh mông của vũ trụ đang nói với tôi điều này? Bạn hoàn toàn có thể thực tập được cách cầu nguyện này! Thật dễ và ở bất cứ đâu. Bạn đừng lo lắng vì mình có cầu nguyện đúng cách không. Đằng sau vài chỉ dẫn này là lỗi thực hành chiêm niệm mà Giáo hội đã chỉ dẫn. Chúng ta không cần đi vào cụ thể phương pháp này. Bằng cách thực hành, bạn sẽ thấy được Thiên Chúa thật gần gũi.

Hoặc nếu không biết cầu nguyện như thế nào, nhưng bạn muốn cầu nguyện, khi đó bạn cũng đang cầu nguyện rồi. Hoặc nói như một chiến binh Công giáo trong thế chiến thứ I, Georges Bernanos: “Có ước muốn cầu nguyện, đã là cầu nguyện rồi.” Rất vui khi các bạn trẻ vẫn còn lòng khao khát cầu nguyện. Vấn đề là các bạn có tự tin để thực hành niềm tin của mình không?

  1. Phong cách cầu nguyện cho riêng mình

Thiên Chúa không chỉ ở trong nhà thờ, nơi Giáo xứ hoặc chỗ hành hương. Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi và ở trong chính tâm hồn của mỗi người. Vậy, chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào không? Thưa là có nhé bạn! Với người Công giáo, nhà thờ dễ cầu nguyện hơn cả. Nhưng Giáo hội cho bạn một hướng dẫn khác: “Cầu nguyện ở khắp mọi nơi.” (Youcat 498). Vì lý do này, thánh Augustinô, từng là người trẻ bận rộn với những suy tư, đã chia sẻ: “Hãy làm điều bạn có thể làm, và cầu xin điều bạn không thể làm được, rồi Chúa sẽ ban cho bạn năng lực để làm.” Đây là sức năng động của cầu nguyện.

Rõ ràng mỗi người có hoàn cảnh sống rất khác nhau. Trong môi trường đó, ước gì mỗi người tự tin tìm cho mình một “nơi chốn riêng” để nguyện cầu. Tôi nói là nơi chốn, vì có khi bạn dễ cảm thấy Thiên Chúa gần gũi khi bước vào một công viên, khi vào nhà thờ hoặc khi ở nơi thinh lặng. Người khác có thể tìm thấy Chúa trong chính công việc của mình. Bạn nghĩ sao khi:

  • Một một người vợ, dẫu hơi nhếch nhác và hình hài đã in dấu thời gian, nhưng vẫn tận tụy chăm sóc người chồng ốm đau, mặc cho đã tuổi cao sức yếu[1]. Đây chẳng phải là lời cầu nguyện thật đẹp họ dâng về Thiên Chúa sao?
  • Một công nhân đang làm để kiếm tiền nuôi gia đình. Đây chẳng phải là người con Chúa đang cộng tác vào công việc của Chúa sao?
  • Một thầy, cô giáo đang hết lòng dạy bảo học sinh trên bục giảng. Đây chẳng phải là công việc xứng đáng trước mắt Chúa?
  • Một thanh niên đang cố gắng mỗi ngày để tìm tiền, để thực hiện ước mơ tươi đẹp của mình. Chẳng phải người này đang cầu nguyện với chính ước mơ của mình sao?
  • Hoặc những ai đang vất vả mang gánh nặng nề ước mong được chút giờ rảnh rỗi, được nhớ về Thiên Chúa trong tâm trí mình. Họ cũng đang cầu nguyện đấy thôi.
  • Một người đang gặp khó khăn, dám thốt lên với Thiên Chúa lời cầu xin. Đây là một lời nguyện thật đẹp chứ?
  • Ai đó nhận được món quà, họ cảm ơn Thiên Chúa. Lời nguyện này chẳng lẽ không được gọi là nguyện cầu?
  1. Năm cách cầu nguyện đơn sơ

Nếu quan niệm cầu nguyện chỉ là đọc Thánh Kinh hoặc dành giờ suy niệm thì chúng ta có nguy cơ nản chí. Còn nếu nhìn cầu nguyện theo nghĩa rộng hơn, chúng ta sẽ can đảm nguyện cầu. Cần nói rằng cầu nguyện không phải là thực hành đức tin xa xỉ. Cầu nguyện cũng không chỉ dành cho một riêng ai. Chúng ta cần cầu nguyện và cầu nguyện liên lỉ. Lý do là cầu nguyện cho chúng ta sức mạnh và bình an để sống và làm việc. Thiên Chúa cũng muốn đến gặp gỡ từng người để cho ta được sống và sống dồi dào. Thiên Chúa không chê bai lời cầu nguyện thành tâm của chúng ta: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv 51,19).

Ở đây, tôi chia sẻ với bạn 5 cách cầu nguyện[2] thật đơn giản, dù bạn có bận rộn hay không:

  • Chúc tụng: Là lời cầu nguyện để xin Chúa chúc lành, vì mọi sự lành đều từ Chúa ban cho: “Xin Chúa chúc lành” là lời chúc tụng vắn nhất. Chúc lành là tỏ lòng tốt, tỏ tình thân quen, tỏ lòng thương xót.
  • Thờ lạy: Vì Chúa tạo dựng nên ta. Là một thụ tạo, ta hướng tâm hồn về Đấng Sáng Tạo để khiêm tốn nhận ra Người là Đấng cao cả, toàn năng và thờ lạy Người.
  • Xin ơn cho mình và cho người khác: Chắc chắn rằng Chúa cần các lời cầu xin của ta để giúp ta. Quyền lợi của ta là những “người xin xỏ” (xin với thái độ tự hạ mình). Người nào không xin và không muốn xin gì, họ đã khép mình lại.
  • Tạ ơn: Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. (1Thes 5,18).
  • Ca ngợi: Chúa không cần ta ca ngợi, nhưng ta cần bầy tỏ niềm vui trong lòng cách tự phát lên Chúa. Chúng ta ngợi khen Chúa vì Người hiện diện, Người nhân lành.

Nếu băn khoăn mình đang cầu nguyện hay không, có thể 5 cách trên sẽ giúp bạn biết mình thực sự cầu nguyện. Hoặc cách đơn giản nhất theo đề nghị của cha Charles de Foucauld: “Cầu nguyện là tưởng nghĩ đến Chúa Giêsu trong tình yêu mến Người. Cầu nguyện là sự chú ý của linh hồn, tập trung vào Chúa Giêsu. Bạn càng yêu mến Chúa Giêsu bạn càng cầu nguyện tốt hơn.” Dù ở đâu và lúc nào, bạn cũng có thể suy nghĩ và để ý đến Chúa, đến tâm hồn mình. Đây là lối nẻo để từng bước bạn có tương quan thân mật với Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương bạn và muốn ở với bạn trong mọi hoàn cảnh.

Tạm kết

Những người bận rộn thân mến,

Cuộc sống có khi cứ lôi mình đi hết công việc này qua trách nhiệm khác. Mình cầu nguyện như những nữ tu hoặc linh mục thì không thể. Đơn giản mỗi người có một hoàn cảnh để kiến tạo không gian cầu nguyện cho riêng mình. Cách đây nhiều năm tôi nghe Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuật kể về câu chuyện thú vị này:

Một người đàn ông cứ mỗi ngày trên đường đi làm về đều dừng lại ở một nhà thờ bên đường. Ông nhìn vào nhà thờ và nói đơn sơ thế này: “Con chào Chúa, con là tèo đây!”[3] Nói xong, ông cúi đầu chào Chúa và đi thẳng về nhà mình. Thỉnh thoảng ông cũng gắt hoa dại bên đường để dâng cho Đức Mẹ trong nhà thờ ấy.

Hóa ra cầu nguyện là điều gì đó rất dễ dàng và có thể thực hiện ở mọi nơi. Giáo hội cũng khuyến khích người trẻ (bận rộn) với lời gợi ý sau: “Trong nhiều bối cảnh khác nhau, những người trẻ Công giáo muốn có những đề nghị về cầu nguyện và những giây phút bí tích có khả năng ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của các em bằng một phụng vụ tươi mát, chân thật và vui mừng”. (Chúa Kitô Sống 224). Cũng vậy, trong bối cảnh khác nhau, tự mình có thể  “liên lạc” thường xuyên với Thiên Chúa bằng chính nỗ lực và những sáng kiến của mình.

Tôi không dám viết dài hơn, vì sợ bạn không đủ giờ đọc. Nếu đọc được những dòng trên, hy vọng các bạn hãy tự tin tìm cho mình một con đường cầu nguyện. Đừng sợ cầu nguyện như người ta thường kháo với nhau: Cầu nguyện thì mất giờ, nhức đầu hoặc gặp thách đố! Không đâu bạn!

Cầu nguyện cho mình khoảng lặng, khoảng nghỉ ngơi và giải lao với Thiên Chúa. Chính lúc đó tâm hồn bạn sẽ tươi mát sau biết bao áp lực của cuộc sống. Đừng để tâm hồn mình nguội lạnh vì không thể cầu nguyện. Đừng bỏ qua bảo bối của bình an và hạnh phúc cầu nguyện. Nhưng khuyến khích mình hướng lòng lên với Đấng ở trên cao, Đấng ở trong bạn.

Chúc bạn có được đời sống nguyện cầu như bạn và Chúa Giêsu ước mong!

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nguồn: dongten.net

[1] Tông Huấn Chúa Kitô Sống 183: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-christus-vivit-chua-kito-dang-song-38964

[2] Xem thêm Youcat, số 483-489.

[3] Xin lỗi vì tôi không nhớ chính xác tên của người trong câu chuyện mà Đức Hồng Y kể.

Có thể bạn quan tâm