Caritas Giáo phận Hà Tĩnh: Nghiệm thu và khảo sát thực hiện chương trình nước sạch, nước uống tinh khiết cho người dân

1343 lượt xem

Tiếp tục chương trình “Hỗ trợ nguồn nước sạch và nước tinh khiết” cho người dân sử dụng, trong các ngày từ mồng 10 đến 12/6/2020, Ban Caritas giáo phận Hà Tĩnh do Cha Giám đốc GB. Nguyễn Huy Tuấn và xơ phụ trách Văn phòng Maria Nguyễn Thị Điểu cùng với Ban Tông đồ xã hội Dòng Tên Việt Nam do Cha Phêrô Trương Văn Phúc, trưởng ban; Thầy Vinh Sơn Phạm Đức Tuấn, thủ quỹ; chị Hoàng Thị Lệ Thu, phụ trách Văn phòng cùng các cộng tác viên đã có chuyến viếng thăm để nghiệm thu đưa vào sử dụng những hệ thống máy đã lắp trong nửa đầu năm 2020 và khảo sát tiền trạm những nơi mà chương trình sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Nghiệm thu tại Giáo xứ Làng Khe (Hà Tĩnh).

Đây là chương trình hết sức thiết thực và hữu ích được Cha GB. Nguyễn Huy Tuấn và Ban Caritas Giáo phận Vinh và nay là giáo phận Hà Tĩnh đã thực hiện trong nhiều năm qua trên mảnh đất nghèo miền trung đầy nắng và gió, đầy bão tố, lũ lụt, hạn hán cháy khô. Chương trình “Hỗ trợ nguồn nước sạch và nước uống tinh khiết” hiện đang được Caritas Giáo phận thực hiện do Ban Tông đồ xã hội của Dòng Tên Việt Nam tài trợ 50% kinh phí cùng với nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân, từ Cha Trần Văn Huỳnh và từ sự cộng tác của các Giáo xứ.

Tại chuyến đi, đoàn đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 10 máy lọc nước tinh khiết cho 10 Giáo xứ, Giáo họ gồm:

Giáo xứ Kỳ Anh (Kỳ Châu, Kỳ Anh, Hà Tĩnh)

Giáo xứ Gia Hưng (xã Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình)

Giáo xứ Chày (xã Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình)

Giáo họ Mỹ Thủy – xứ Hòa Mỹ (xã Tiến Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh)

Giáo họ Thanh Thủy – xứ Lộc Thủy (xã Thạch Tượng, Thạch Hà, Hà Tĩnh)

Giáo xứ Ba Đồn (xã Quảng Phong, Tx. Ba Đồn, Quảng Bình)

Giáo họ Lạc Thủy – xứ Minh Tú (xã Châu Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình)

Giáo xứ Đông Sơn (xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh)

Giáo xứ Làng Khe (xã Thạch Trị, Thạch Hà, Hà Tĩnh)

Giáo xứ Tân Hội (xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hà Tĩnh)

Trong chuyến đi, đoàn cũng đã khảo sát và lên kế hoạch thực hiện lắp đặt 12 máy cho 12 giáo xứ trong giáo phận, chia đều cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Cũng trong chương trình này, Ban Tông đồ xã hội Dòng Tên Việt Nam đã hỗ trợ Caritas Giáo phận một hệ thống máy đo mạch nước ngầm, giàn khoan giếng và phương tiện chuyên chở, khoan đào đã đưa vào hoạt động và đã có những kết quả nhất định, nhiều giếng khoan sử dụng rất tốt đảm bảo cho người dân. Hiện tại hệ thống khoan giếng vẫn đang được thực hiện, tổ máy đang cố gắng học hỏi thêm phần đo mạch nước ngầm để giàn khoan đạt hiệu quả hơn.

Giáo phận Hà Tĩnh nằm trên địa bàn hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, có diện tích tự nhiên là 14.107,4 km2 trải dài từ 16,55 đến 18,37 vĩ độ bắc; 105,7 đến 107 kinh độ đông. Dân số trên địa bàn Giáo phận tính đến tháng 4 năm 2019 là 2.184.296 người, được phân bố rải rác với mật độ 109 người/km². Tỷ lệ người sống ở Nông thôn chiếm 80,7%; trình độ dân trí còn thấp, năng lực sống cũng như việc tiếp cận với văn minh văn hóa bên ngoài để nâng cao đời sống còn nhiều hạn chế. Địa hình ở đây rất phức tạp với chiều dài bờ biển là 253 km, nhưng hơn 85% diện tích tự nhiên lại là đồi núi, lèn đá và lũng sâu, bị chia cắt mạnh bởi nhiều sông, suối, khe, lạch, đất đai khô cằn, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, là nơi tâm điểm của những trận lũ lụt, bão tố, nơi luôn phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do Thiên tai và cả Nhân tai gây ra. Hệ thống giao thông nơi đây còn kém, đường sá đi lại rất khó khăn với nhiều đèo cao quanh co, nhiều cầu cống, gềnh đá và eo trũng. Đây là mảnh đất luôn bị coi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, một vùng quê được gọi là “Nghèo truyền kiếp” do bị tác động bởi cả chủ quan lẫn khách quan, bởi cả thiên nhiên và cả con người. Chính vì thế, việc giúp họ có nguồn nước sạch đảm bảo và sử dụng nước uống tinh khiết là hết sức cần thiết, nhằm giảm thiểu bệnh tật, vất vả, thiếu thốn.

Hy vọng rằng chương trình giúp có nguồn nước sạch và nước uống tinh khiết được tiếp tục thực hiện một cách tích cực và hiệu quả, lắp được nhiều máy hơn, khoan được nhiều giếng hơn nữa để đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng cho người dân vùng quê nghèo nói chung và Giáo phận Hà Tĩnh nói riêng.

Truyền thông Caritas

Để lại một bình luận