Caritas Việt Nam: Khóa tập huấn trực tuyến cho chiến dịch “Chúng ta cùng nhau – Together we”

1019 lượt xem

CARITAS VIỆT NAM: KHÓA TẬP HUẤN TRỰC TUYẾN CHO
CHIẾN DỊCH “CHÚNG TA CÙNG NHAU – TOGETHER WE”

PTT – Caritas Việt Nam

Với mục đích trang bị và hướng dẫn cho Caritas các giáo phận những đường hướng và phương cách hoạt động cần thiết để thực hiện Chiến dịch “Chúng ta Cùng nhau – Together We” (2021- 2024) do Caritas Quốc tế phát động, từ tháng 12 năm 2021 đến năm 2024, Caritas Việt Nam đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến diễn ra trong hai ngày, từ ngày 22 tháng 03 đến ngày 23 tháng 03 năm 2022, với chủ đề: “Xây dựng nền sinh thái toàn diện theo giáo huấn của Giáo hội”.

Thành phần tham dự khoá tập huấn trực tuyến Chiến dịch “Chúng ta cùng nhau” lần này quy tụ khoảng gần 300 tham dự viên, bao gồm: quý Cha Giám đốc và Phó giám đốc Caritas giáo phận, quý Cha, quý Tu sĩ đặc trách Chiến dịch, quý Nhân viên Chuyên trách của Chiến dịch thuộc Caritas 27 giáo phận.

Hai giảng viên của Khoá tập huấn trực tuyến gồm có: Linh mục Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh và PGS. Ts Maria Angel Nguyễn Thị Vân Hà – Giảng viên Đại học Tài Nguyên và Môi Trường.

Trước hết, để khai mạc cho Khóa tập huấn trực tuyến Chiến dịch “Chúng ta cùng nhau”, cha Giuse Ngô Sĩ Đình, O.P – Giám đốc Caritas Việt Nam đã có lời chào mừng và giới thiệu tới các tham dự viên của Khóa tập huấn. Đồng thời, cha cũng chia sẻ cho tham dự viên thấy rằng, các vấn đề về môi trường và con người luôn được Giáo hội quan tâm và đồng hành, cụ thể trong các Thông điệp gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô hướng đến việc xây dựng một nền sinh thái toàn diện.

Nội dung của khóa tập huấn được chia thành hai ngày. Trong ngày đầu tiên, cha Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh đã trình bày đề tài gồm hai phần chính:

Phần thứ nhất: “Chìa khóa giải mã Thông điệp”

Phần thứ hai: “Mục đích và hệ quả: Hóa giải thời đại”.

Toát lược phần nội dung trình bày trong phần thứ nhất, cha đã đưa ra ba chìa khóa quan trọng để giải mã cho Thông điệp, gồm có: văn hoá “cây”; văn hoá “con người” và sau cùng là “loan báo Tin Mừng”. Tiếp đó, trong phần trình bày về hai Thông điệp Laudato Si’ và Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô, cha Gioan nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa muốn chúng ta đưa tinh thần của hai Thông điệp vào đời sống thường nhật. Cha cho rằng, chúng ta có bổn phận chăm sóc cho “Ngôi Nhà Chung” và xem tất cả mọi người là anh chị em của nhau. Bởi vì cùng chung sống trong một “Ngôi Nhà”, nên chúng ta được mời gọi liên đới và sống có trách nhiệm với “Ngôi Nhà” ấy. Và nếu không xây dựng được tình huynh đệ, thì chúng ta cũng rất khó sống chung trong một “Ngôi Nhà”.

Trong phần thứ hai “Mục đích và hệ quả: Hóa giải thời đại”, cha Gioan nhận định rằng, mục đích của con người là nhận biết Thiên Chúa là Cha, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hầu mang lại hạnh phúc vĩnh cửu ngay từ đời này. Bởi đó, trong mỗi việc chúng ta làm, dù là nhỏ bé cũng đều mang một giá trị nhất định. Cha còn nói thêm rằng, tất cả mọi việc chúng ta làm đều ảnh hưởng đến môi trường sống và toàn cầu. Do vậy, việc chúng ta bảo vệ môi trường đó là cách chúng ta đang bảo vệ sự sống.

Trong buổi chiều cùng ngày của khóa tập huấn, cô Nguyễn Thị Vân Hà đã trình bày về đề tài: “Suy thoái môi trường và sinh thái. Nguyên nhân và tác động của chúng đối với cộng đồng”. Cô dẫn ra rằng, môi trường của chúng ta đang ngày một ô nhiễm vì chất thải, cách riêng tại Việt Nam. Tính trung bình, mỗi ngày một người thải ra môi trường từ 0,8-1,2 kg rác thải. Và chỉ tại riêng thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, số lượng rác thải phát sinh mỗi ngày một gia tăng. Cụ thể, hiện nay tại Tp.HCM là 9.100 tấn rác/ngày, và tại Hà Nội là 6.500 tấn rác/ngày. Bởi đó, cô nhận định rằng, tác động của mỗi người chúng ta lên hệ sinh thái là rất lớn. Những tác động ấy luôn tuỳ thuộc vào sự nhận thức và chọn lựa nơi hành vi của mỗi người, để chăm sóc cho Ngôi Nhà Chung, cho chúng ta, và cho thế hệ tương lai.

Tiếp tục phần trình bày, cô Nguyễn Thị Vân Hà nói về khía cạnh Sinh thái học toàn diện theo Thông điệp Laudato Si’. Cô cho rằng, sự biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái đang bị ô nhiễm ngày nay đã gây ra biết bao thảm hoạ. Tuy nhiên, nếu giờ đây chúng ta biết nhận thức và thay đổi lối sống của mình, từ những chọn lựa nhỏ bé, giản dị nhất trong đời sống thường ngày, thì cũng vẫn còn chưa muộn. Để minh họa cho những chia sẻ, cô mời gọi các tham dự viên hãy nghĩ đến hình ảnh của bảy chữ “T” đại diện cho: Tư duy mới – Thiết kế – Từ chối – Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái tạo – Tái chế. Một khi thực hiện được các công việc đó, mỗi người có thể đóng góp phần mình để làm giảm bớt sự biến đổi khí hậu, và làm cho môi trường sống của chúng ta được tươi xanh hơn.

Trong ngày thứ hai của khóa tập huấn, cha Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh tiếp tục trình bày về đề tài: “Xây dựng nền sinh thái toàn diện” bao gồm việc xây dựng “Tầm nhìn và hành động” để đưa ra những “Nhận thức và áp dụng” cụ thể trong năm đầu tiên của Chiến dịch “Chúng ta cùng nhau” – năm 2022.

Theo kế hoạch của Chiến dịch “Chúng ta cùng nhau”, năm thứ nhất sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức. Vì vậy, Ban Chiến Dịch cũng chọn lựa những đề tài phù hợp nhằm giúp nhiều người ý thức hơn về hiện trạng của môi trường hiện nay. Qua đó, Chiến dịch mời gọi tất cả mọi người cùng chung tay hành động, bảo vệ và chăm sóc cho Ngôi Nhà Chung.

Vào buổi chiều cùng ngày là phần trình bày về Kế hoạch ba năm của Ban Chiến Dịch “Chúng ta cùng nhau” do cha Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD – Trưởng Ban Chiến Dịch trình bày.

Trong phần nội dung của Kế hoạch thực hiện ba năm, cha Trưởng ban đã nêu lên ba mục tiêu quan trọng của Chiến Dịch “Chúng ta cùng nhau”. Mục tiêu trước nhất là “Nâng cao nhận thức cho cộng đồng”; kế đến là “Thúc đẩy và thực hiện các hoạt động chăm sóc Ngôi Nhà Chung và cho người nghèo tại Caritas giáo phận”; và cuối cùng là “Giám sát – lượng giá hoạt động Chiến Dịch”. Sau đó, cha Phêrô đã gợi lên 2 câu hỏi để các tham dự viên cùng nhau chia sẻ và thảo luận, nhằm định hướng phù hợp được kế hoạch thực hiện của Chiên dịch nơi mỗi Caritas giáo phận.

Nguồn: caritasvietnam.org (24.3.2022)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận