Catholic Việt – Dòng văn hóa đơn côi (Bài 5, 6, 7)

1153 lượt xem

Catholic Việt – Dòng văn hóa đơn côi (5) 

Hồi nhỏ, tôi sống với bà ngoại. Bà tôi không phải là Phật tử, chỉ chăm thờ cúng tổ tiên. Ngày sóc, ngày vọng hàng tháng, bà hương hoa đèn nến chỉ cầu các cụ gia tiên ban cho sự thanh tâm để bà khỏe mạnh, con cháu an lành, học hành tấn tới. Nhưng năm nào, bà cũng lên chùa làng một vài lần, chủ yếu để làm công quả. Lần nào bà cũng dắt tôi theo. Mỗi lần như vậy, cụ Thược (và sau này là cụ Nhâm – các ni sư trụ trì chùa làng tôi) đều hỏi, “cụ có muốn chúng tôi thỉnh chuông cầu Phật điều gì không?”. Và bà tôi đều nhẹ nhàng thưa lại “thưa cụ, chỉ cần phiên lễ chiều, cụ thưa với Đức Phật tôi có đóng góp chút đỉnh để Người độ chúng sinh là được”. Thấy mấy người bà con trong làng có lễ lên chùa cầu tài cầu lộc, bà tôi không nói gì, nhưng khi về, bà nói nhỏ với tôi “Đức Phật chỉ có lòng từ bi hỉ xả, độ cho chúng sinh được thanh tâm vượt khó, làm gì có tài có lộc mà xin”.

Những năm cuối thập niên 1990, năm nào cũng có việc phải vào Huế vài ba lần, tôi thường ở Nhà khách UBND Tỉnh, số 2 Lê Lợi. Đối diện, có một quán cơm bình dân của một gia đình Phật tử thuần thành, nhiều đời quy y tam bảo. Ăn nhiều thành khách quen. Tôi và anh em chị chủ quán thường hay đàm đạo đủ thứ chuyện, nhưng nhiều nhất vẫn là chuyện về đạo Phật. Chị chủ quán rất chăm lên chùa, vừa để lễ Phật, vừa cùng các Phật tử khác thực hiện các chương trình thiện nguyện. Chị cũng đến nhiều cơ sở Phật giáo lớn của cả nước để tham quan, giao lưu, học hỏi. Có lần tôi vào, chị kể “chị vừa đi chùa Hương về, tự nhiên thấy buồn quá”. Rồi chị kể về những tiêu cực chị gặp trên đường đi, bla…bla… Rồi chị chốt: “Nhưng buồn nhất là người ta đi chùa không phải tìm sự thanh tâm trong lòng mình để tự tin vượt qua bể khổ, mà chỉ để cầu tài, cầu lộc, và mong thăng quan tiến chức em à. Đức Phật làm sao có thể giúp con người ta làm được những điều đó chứ. Chị và nhiều Phật tử ở Huế không quan niệm như vậy.”

Thì ra thế. Ngay trong cộng đồng Phật tử cũng có nhiều quan niệm khác nhau về đức tin và hiệu quả của Phật pháp. Và như vậy, bà tôi, dù không theo đạo Phật, cũng có quan niệm về chuyện thờ cúng không khác gì so với một số Phật tử ở Huế.

Tôi mang chuyện đó kể với anh trai chị. Anh vốn dĩ là một sỹ quan chế độ VNCH, từng qua trường Võ bị Đà Lạt, có dáng phong trần, lãng tử hào hoa. Sau 1975, anh bị đi cải tạo mấy năm ở miền Bắc. Ra trại, anh về Huế chạy xích lô và làm “trai kêu” – ai kêu gì làm nấy, trừ việc lên giường với mấy bà nạ dòng thừa tiền thiếu tình (anh vẫn nói vui như vậy). Những lúc rảnh, anh thường ghé xe vào một bóng râm nào đó đọc sách, chủ yếu là các loại sách về triết học và tôn giáo. Nghe chuyện, anh trầm ngâm một thoáng rồi chậm rãi “thực ra tất cả các tôn giáo tín ngưỡng đều có 2 đặc điểm chung. Một là, giúp người ta tìm đến sự tĩnh tâm, hướng thiện và vị tha. Điều thứ hai quan trọng hơn, các tôn giáo tín ngưỡng luôn LẤY CON NGƯỜI LÀM TRUNG TÂM. Nhiều người đi cúng/đi lễ cứ nghĩ rằng Thần Phật hay Thiên Chúa mới là trung tâm. Nhưng thực ra không phải vậy, Thần Phật hay Thiên Chúa chỉ là sự cứu rỗi, là người mang đến ngọn đuốc dẫn đường. Dựa vào ngọn đuốc đó, mỗi người phải tự tìm đến đích bằng đôi chân của mình.” Quả thật, anh không hổ danh là một sỹ quan – trí thức.

Nhưng nếu đều lấy con người làm trung tâm, vậy các tôn giáo/tín ngưỡng – ví dụ cụ thể như tục thờ cúng tổ tiên, Công giáo và Phật giáo – khác nhau ở chỗ nào? Tìm hiểu kỹ, sẽ dễ nhận thấy sự khác biệt lớn nhất chính là ở quan điểm phát triển con người.

Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, đạo Lão, luôn gắn với gia đình, chi phái, dòng họ và thôn làng. Các gia đình trâm anh thế phiệt khuyến khích lớp con cháu kế thừa gia phong. Các gia đình bần nông cũng cố gắng động viên con cái dùi mài kinh sử với mục đích chính là để “đỗ đạt rồi ra làm quan”. Người ta đi học không phải vì những lý tưởng cao xa (như cải biến/làm mới xã hội chẳng hạn), mà cơ bản là nhằm thay đổi địa vị xã hội của bản thân trong trật tự xã hội sẵn có và đáp ứng sự kỳ vọng của gia đình/dòng họ. Nếu không đỗ đạt làm quan, ít nhất cũng có mớ chữ thánh hiền để mở lớp gõ đầu trẻ, coi bói, xem thế đất/hướng nhà/đặt mồ mả hoặc bốc thuốc kiếm cơm. Con người là trung tâm, nhưng là “con người cộng đồng”, luôn thuộc vào một nhóm xã hội nhất định, không có con người cá nhân/sáng tạo/bứt phá. Trước khi chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây, hình hài con người/cá nhân trong cộng đồng làng Việt cả ngàn năm chẳng thay đổi là bao.

Phật giáo là một tôn giáo. Hiển nhiên vậy. Nhưng đó là một tôn giáo cá nhân. Đạo Phật không có Giáo hội tập trung, không có Giáo chủ/Giáo quyền; không có bộ máy thần quyền với các định chế bắt buộc; không có các giáo lệnh để áp đặt cho các tín hữu toàn cầu. Tín đồ đạo Phật hoàn toàn được tự do khi phát nguyện, thậm chí có thể quy y tam bảo rồi tu tại gia. Nhưng Phật giáo cũng là một triết học – một trường phái triết học thực tiễn. Dựa trên nguyên lý Chuyển pháp luân, Phật giáo hướng mỗi người tự tu tập để đạt đến giác ngộ, thoát ra ngoài bể khổ. Và để có thể tu tập theo Phật pháp, mỗi người cần loại bỏ được “lục dục” là “tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến”. Trong “lục dục” kể trên, 5 điểm sau không có gì phải bàn cãi. Nhưng ở điểm thứ nhất (tham), vừa có yếu tố tích cực, vừa có yếu tố tiêu cực. Một mặt, nó khuyên người tu tập “đừng tham lam, cưỡng cầu”; nhưng mặt khác, nó khiến cho người ta trở nên thụ động, với tâm niệm “nếu đã là duyên, ắt tự đến”. Chính điều này khiến cho Phật tử không có khát vọng bứt phá.

Công giáo nói riêng, Thiên Chúa giáo nói chung, thì khác. Phúc âm Công giáo quan niệm rằng, Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ở trong mỗi tín hữu. Vì thế, “chúng ta phải kính trọng thân xác chúng ta và thân xác người khác”; và rằng, “chúng ta phải kính trọng phẩm giá của người khác qua việc đối xử với họ bằng một tình yêu đích thật. Chúng ta mong muốn cho mọi người có được tất cả những gì chúng ta tìm kiếm cho chính mình.” Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Phúc âm còn chỉ rõ: “Sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ giúp mỗi người chúng ta ý thức về phẩm giá của mình như là một con người có giá trị bền vững với những sức mạnh và tài năng Chúa ban. Nói cụ thể, chúng ta kính trọng mình như một CON NGƯỜI qua việc LÀM PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG, NĂNG KHIẾU CỦA CHÍNH MÌNH. Điều này sẽ giúp chúng ta thắng được những áp lực và tránh được những cám dỗ.” Hiến chế Mục vụ viết: “Ngôi Lời Thiên Chúa (tức Chúa Jesus – MTS) đã làm người và đến sống trên trái đất (của) con người … dạy cho chúng ta biết rằng: luật căn bản để kiện toàn con người, và do đó cải biến thế giới”.

Chính vì dựa trên nền tảng văn hóa đó, châu Âu mới có những đột phá trong khoa học – kỹ thuật – công nghệ – văn học – nghệ thuật và nhận thức về nhân quyền trong mấy trăm năm qua. Những thành tựu trong quá trình đột phá đó rất nhiều khi phủ nhận các định đề mang tính tiên thiên được ghi lại trong Kinh Thánh. Và trên thực tế, đã có những cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Nhà thờ với các nhà khoa học. Nhưng rồi cuối cùng, chính Giáo hội Roma lại có những chuyển động tích cực (đặc biệt là từ sau Công đồng Vatican II) để phù hợp với trật tự thế giới mới cũng như những phát kiến khoa học luôn không ngừng cập nhật. Nhờ vậy, Giáo hội Roma vẫn khẳng định được quyền uy. Văn hóa Công giáo vẫn bao phủ rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Các quyền cơ bản của con người vẫn được nhà thờ đảm bảo/khuyến khích. Là một bộ phận không thể tách rời của Giáo hội Roma, cộng đoàn Công giáo Việt cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong các hoạt động của mình, họ luôn khuyến khích/tạo điều kiện cho mỗi cá nhân tín hữu có thể làm chủ bản thân/tự do sáng tạo/hiệp thông đa chiều/dân chủ – tự chủ trong Hội Thánh/và trên hết là sự vị tha. Trên thực tế, ở Việt Nam, chính cộng đoàn giáo dân mới là những người đi tiên phong trong nhận thức về nhân quyền và dân chủ. Rất ít khi những đặc điểm này của văn hóa Công giáo Việt được giới thiệu/quảng bá trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

P/S: Tại Việt Nam, vào thời Lý-Trần, Phật giáo đã thực sự nhập thế, khuyến khích sự thể hiện tinh thần tự cường rất mạnh. Quảng Nghiêm thiền sư từng viết:

“Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”.

(Dịch nghĩa:

Lìa được sự ham muốn đi vào niết bàn thì mới có thể bàn chuyện đi vào niết bàn
Sinh vào cõi vô sinh rồi mới có thể bàn chuyện vô sinh
Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm
Đừng nhọc mình dẫm theo vết chân của Như Lai).

Tiếc rằng, những thế kỷ sau đó, xã hội Việt Nam rập theo khuôn phép Khổng Nho, Phật giáo bị đẩy xuống hàng thứ yếu và không còn giữ được tinh thần này nữa.

***

Catholic Việt – Dòng văn hóa đơn côi (6)

Khi tôi dẫn lại lời của một người bạn ở Huế, khẳng định “tất cả các tôn giáo đều lấy con người làm trung tâm”, một vài bạn thảo luận, cho rằng “Trong Công giáo, Thiên Chúa mới là trung tâm”. Các bạn không hoàn toàn sai, nhưng chỉ đúng một cách nửa vời. Đúng. Trong Đức Tin Công giáo, Thiên Chúa là trung tâm. Ngài hiển linh qua 3 thân vị: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh. Nhưng trong cuộc sống trên trái đất, Thánh ý luôn khẳng định: con người mới là trung tâm. Có thể nhận thấy điều này qua các luận cứ: (i) Đức Chúa Cha là Đấng Tạo hóa, là nguồn gốc của muôn loài. Khi Người nhận thấy, các con chiên của mình đang phải chịu nhiều đau khổ, liền phái Đức Chúa Con hóa thân sống đời trái đất để chịu nạn và cứu rỗi thế giới; (ii) Trong 3 thân vị Thiên Chúa, Đức Chúa Thánh Linh luôn ngự trong lòng tín hữu, xem họ là đền thờ của Ngài. Ngài ban cho con người các loại khả năng (ân tứ) khác nhau, dẫn dắt họ đến với Đức Tin và thực hiện các Thánh ý. Mỗi sứ vụ mà một tín hữu thực hiện vị tha đều là một biểu hiện cụ thể của Thánh ý; (iii) Theo Phúc Âm, mỗi con người cá nhân luôn nằm giữa một tam giác quyền năng – Thiên Chúa, tín hữu đồng đạo, và thế giới thụ tạo. Và họ luôn phải hiệp thông với cả 3 quyền năng đó; (iv) Khi các chức vị trong hàng Giáo phẩm được trao các sứ vụ mục tử, là họ đang thực hiện Thánh ý nhằm dẫn dắt đàn chiên khỏi lạc lối. Mà trong việc chăn chiên, thì tất nhiên đàn chiên phải là trung tâm; (v) Tất cả các dòng tu trên thế giới được lập ra đều có sứ mạng hàng đầu, theo Thánh ý, là loan truyền Tin Mừng/mở rộng nước Chúa; ngoài ra, mỗi dòng tu đều có những sứ mạng cụ thể khác. Nhưng tất cả các sứ vụ mà mỗi dòng tu thực hiện đều hướng đến mục đích chính là tạo cho con người cuộc sống tốt hơn. Vậy con người không phải là trung tâm thì là gì?

Trên báo chí, hàng ngày mọi người đều có thể đọc được tin tức về các chương trình quốc gia “hỗ trợ người nghèo, người dân các dân tộc thiểu số, và các đối tượng dễ bị tổn thương”; về việc các tăng ni Phật tử thực hiện các chương trình thiện nguyện, nuôi dưỡng/chăm sóc người lang thang cơ nhỡ/trẻ mồ côi không nơi nương tựa… Tất nhiên, điều đó rất nên và các hoạt động vị tha luôn cần được quảng bá.

Nhưng có mấy người “bên lương” biết rằng, tại Việt Nam, hiện có hơn 240 dòng tu Công giáo với hơn 22.000 tu sỹ và hàng triệu tín hữu hoạt động trong các huynh đoàn; mỗi ngày, họ thực hiện hàng ngàn sứ vụ khác nhau, đều hướng đến mục đích mang lại cho mọi người cuộc sống tốt hơn? Tôi chắc là chỉ có rất ít. Bởi báo chí chính thống chẳng bao giờ đưa tin, còn nhiều người thuộc “bên lương” lại quá thờ ơ với đời sống đồng bào Công giáo.

Ít người biết rằng, thuộc quyền quản lý của 24 dòng nữ tu Mến Thánh Giá tại Việt Nam, có hàng ngàn trường Dục anh đang nuôi dạy hàng vạn trẻ em không phân biệt “lương”/giáo và ở đó chẳng bao giờ có chuyện “bạo hành học đường”. Các nữ tu trọn đời tu trì, tận tâm Thánh hiến, âm thầm thực hành các Thánh ý thông qua các việc làm cụ thể: chăm sóc bệnh nhân/người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em lang thang cơ nhỡ, những người nghèo khó….

Ít người hình dung được rằng, nếu không có các giáo sỹ, tu sỹ và huynh đoàn thuộc dòng Chúa Cứu Thế, thì hàng vạn thương/phế binh VNCH sẽ sống như thế nào. Sau tháng 4/1975, các thương/phế binh VNCH trở nên bơ vơ, gần như hết đường sống. Đối với xã hội mới, họ trở thành một gánh nặng. Họ được coi là “đối tượng dễ bị tổn thương”, nhưng sự trợ giúp từ phía nhà nước chẳng được bao nhiêu. Không phải Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mà chính dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam mới là bên chủ trì thực hiện các sứ vụ nhằm đảm bảo cho cuộc sống của họ tốt hơn.

Có điều, khi thực hiện những sứ vụ “giải cứu” các đối tượng dễ bị tổn thương, người Công giáo không gọi đó là việc làm “từ thiện”, mà thường gộp chung vào khái niệm “công tác xã hội”. Họ coi đó là sứ mạng tất nhiên, là Thánh ý do đó “nên/cần/và phải” được thực hiện mà không đòi hỏi bất cứ sự ghi nhận nào từ các bên liên quan. Điều này có hơi khác với việc làm từ thiện của các Phật tử một chút. Khi làm từ thiện, các Phật tử cũng không đòi hỏi sự tri ân từ phía các đối tượng được trợ giúp. Nhưng mục đích sâu xa hơn của họ khi giúp đỡ người khác (vị tha) là để nhận được sự phù hộ độ trì của Phật tổ, để họ được thanh tâm, để cuộc sống của họ tốt hơn, để thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc (vị kỷ). Điều đó chẳng có gì sai trái, bởi khát vọng hạnh phúc là tâm điểm chung của nhân loại. Khác chăng, chỉ là con đường để đạt đến mục đích đó. Giữa các giáo dân và Phật tử có những quan niệm riêng về con đường của mình.

Thiết nghĩ, mọi con đường để đi đến mục đích nhân sinh đều phải được trân trọng. Và những nét đẹp trong sáng, vô tư trong văn hóa Công giáo Việt cũng cần được xã hội ghi nhận và quảng bá rộng rãi.

Ảnh 1: Anh chị em dòng Mến Thánh Giá Hà Nội chuẩn bị cho một sứ vụ công tác xã hội.

Ảnh 2 và 3: Anh chị em trong huynh đoàn dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn thực hiện các sứ vụ chăm sóc thương/phế binh VNCH.

***

Catholic Việt – Dòng văn hóa đơn côi (7)

Tôi có hơn chục năm tham gia các chương trình/dự án phát triển cộng đồng ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong thời gian đó, tôi từng tổ chức khoảng hơn 300 phiên làm việc nhóm với những người tham gia thuộc nhiều tầng lớp xã hội, nhiều tộc người, và tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Quá trình làm việc với mỗi nhóm tác nhân đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Các anh chị em từng tham gia hoạt động nhóm chắc đều thuộc lòng công thức: (1)+(1)+…+(n)<1. Điều ấy có nghĩa là, để đi đến sự đồng thuận, mỗi người đều phải hi sinh một phần “cái Tôi” của mình và kết luận cuối cùng được chốt lại về một vấn đề nào đó không bao giờ có thể thỏa mãn hoàn toàn ý muốn của tất cả mọi người. Những nguyên tắc/quy định trong làm việc nhóm thì nhiều, nhưng có 2 điều không được phép quên: (i) trao quyền điều hành cho các thành viên trong nhóm tác nhân; và (ii) tất cả mọi người đều có quyền/và nghĩa vụ tham gia đóng góp ý kiến. Nhưng đã là nhóm, luôn có hiện tương “chín người mười ý”. Và một trong những căn bệnh khá phổ biến của người Việt là ai cũng nghĩ mình là trung tâm. Vì thế, nhiều cuộc họp nhóm bà con cãi nhau như mổ bò, không ai chịu nghe ai, nhất là nếu chủ đề lại liên quan đến lợi ích (phân loại hộ nghèo, hỗ trợ vật chất/vốn tài chính…). Cuộc họp sẽ càng trở nên khó khăn hơn, nếu có sự tham gia chung của cả người giàu và người nghèo, hoặc người Kinh với người dân tộc thiểu số. Xu hướng chung, là những người giàu thường hay tham góp ý kiến hơn những người nghèo, và những người Kinh thường lấn át các tác nhân là dân tộc thiểu số.

Riêng với các nhóm tác nhân là người Công giáo (và Tin Lành), tôi chưa bao giờ gặp những khó khăn tương tự. Thách thức lớn nhất đối với cán bộ phát triển cộng đồng ở khu vực Công giáo (và Tin Lành) là phải tạo được niềm tin đối với người dân. Một khi đã được bà con tin mến, việc tổ chức các phiên làm việc nhóm chỉ còn là chuyện nhỏ.

Điều khiến tôi cực kỳ ấn tượng, là kỹ năng làm việc nhóm của hầu hết thành viên trong cộng đoàn giáo dân (cũng như các nhóm Tin Lành) đều hết sức thuần thục. Họ đĩnh đạc trong việc thay nhau điều hành các phiên họp. Họ tự tin đưa ra các ý kiến của mình. Và khi một người nói, tất cả những người khác đều kiên nhẫn lắng nghe. Khi đạt được sự đồng thuận, mọi người ai vào việc nấy với một tâm thế hết sức thoải mái. Hiện tượng này phổ biến cả ở vùng người Kinh cũng như vùng dân tộc thiểu số và vùng xen cư Kinh-Thượng.

Có thể giải thích hiện tượng này như thế nào? Thực sự là không khó, nếu chúng ta trở lại với Giáo lý Hội Thánh Công giáo, với các nguyên tắc của Học thuyết xã hội Công giáo, và với các hoạt động thường xuyên trong các cộng đoàn giáo dân cũng như các dòng tu.

Ngay từ khi còn nhỏ, mọi giáo dân đều được thuyết giảng theo Giáo lý rằng mỗi người – không phân biệt nam nữ – đều được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì giống Thiên Chúa, mỗi người đều là một ngôi vị, một ngã vị có ý thức và tự do. Mặt khác, con người cũng là một hữu thể tương quan với nhiều chiều cạnh và quy mô khác nhau. Chính trong quá trình hiệp thông với các tín hữu, mỗi người mới phát triển được tiềm năng của mình và nhờ đó họ có thể đáp trả lại ơn gọi làm người của Thiên Chúa. Và vì thế, họ chủ động/tự tin tham gia trong các phiên họp nhóm cũng là điều dễ hiểu. Bởi mỗi cuộc làm việc nhóm như vậy đều được coi là một quá trình hiệp thông.

Học thuyết xã hội Công giáo đề ra các nguyên tắc cơ bản: (i) Nhân vị, được hiểu là mọi người đều phải tôn trọng phẩm giá của bản thân và của tha nhân, không phân biệt nam nữ, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội; (ii) Mọi người đều hành động theo công ích, lấy công ích – tức là lợi ích của cộng đồng – làm mục tiêu tiên quyết của mình; (iii) An sinh xã hội dựa trên quyền tư hữu về tài sản nhưng có sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo; (iv) Dân chủ và tham gia; và (v) Đoàn kết và hợp tác.

Tìm hiểu kỹ các nguyên tắc xã hội Công giáo, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự tương đồng gần như trùng lặp với các nguyên tắc phát triển xã hội của các quốc gia trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Nhưng khác với các bài giảng trong trường học ngoài đời, các nguyên tắc trong Học thuyết xã hội Công giáo mang tính thiêng, bởi nó được truyền dạy trong nhà thờ, thông qua các buổi thuyết giảng của các chức vị có sứ vụ mục tử (chăn chiên). Do vậy, có thể không phải tất cả giáo dân đều nhớ được nguyên văn, nhưng hầu hết trong số họ đều nắm được những nội dung căn bản.

Mai Thanh Sơn

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận