Sau hai cuốn“Chỉ nam Huấn giáo” được ban hành trong năm 1971 và 1997, hôm thứ Năm 25/6/2020 “Chỉ nam Huấn giáo” mới được Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng công bố. Tài liệu được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn ngày 23/3/2020, ngày lễ nhớ thánh Turibio Mogrovejo, ở thế kỷ XVI, vị thánh đã thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc loan báo Tin Mừng và giảng dạy giáo lý.
Nét đặc thù của Chỉ nam mới về Huấn giáo là mối liên hệ chặt chẽ giữa việc loan báo Tin Mừng và huấn giáo, nhấn mạnh việc kết hợp giữa lời loan báo đầu tiên và trưởng thành của đức tin, dưới ánh sáng của nền văn hóa gặp gỡ.
Nét đặc thù này rất cần thiết khi Giáo hội phải đối diện với hai thánh đố trong thời đại ngày này: văn hóa kỹ thuật số và toàn cầu hóa văn hóa. Trong hơn 300 trang, được chia thành 3 phần với 12 chương, bản văn nhắc nhở mỗi người được rửa tội là môn đệ truyền giáo và kêu gọi sự dấn thân và trách nhiệm để tìm ra những ngôn ngữ mới trong việc thông truyền đức tin.
Có ba nguyên tắc cơ bản được tài liệu đề cập trong hoạt động huấn giáo: Trước hết chứng tá, bởi vì “Giáo hội không phát triển bằng chiêu dụ tín đồ, nhưng bằng sự thu hút”. Tiếp đến là lòng thương xót, là huấn giáo chân chính làm cho việc loan báo đức tin trở nên đáng tin cậy. Ngoài ra, là việc đối thoại, tự do và nhưng không, không ép buộc, nhưng đi từ tình thương, góp phần xây dựng hòa bình. Nhờ đó, việc huấn giáo các tín hữu Kitô mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mình.
Đào tạo các giáo lý viên
Trong phần đầu tiên, tựa đề “Giáo lý trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội”, bản văn đặc biệt tập trung vào việc đào tạo giáo lý viên: để trở thành những chứng nhân đáng tin cậy của đức tin, họ phải “là giáo lý viên trước khi dạy giáo” và do đó họ phải hoạt động cách nhưng không, trao ban, nhất quán, theo một linh đạo truyền giáo, giúp tránh xa “lo lắng hoạt động mục vụ không đem lại kết quả” và chủ nghĩa cá nhân.
Các giáo viên, nhà giáo dục, chứng nhân, giáo lý viên phải đồng hành bằng sự khiêm nhường và tôn trọng tự do của người khác. Đồng thời, cần phải “cảnh giác với quyết tâm trong việc đảm bảo cho mọi người, đặc biệt trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương được bảo vệ tuyệt đối khỏi mọi hình thức lạm dụng”. Giáo lý viên cũng được mời áp dụng một “phong cách hiệp thông” và là những người sáng tạo trong việc sử dụng các công cụ và ngôn ngữ.
Ngôn ngữ của huấn giáo: kể chuyện, nghệ thuật, âm nhạc
Trong phần thứ hai với tựa đề “Tiến trình giáo lý”, Chỉ nam nói đến thánh đố của ngôn ngữ. Có nhiều phương thức diễn cảm được trích dẫn.
Trước hết là kể chuyện, được định nghĩa là “một mô hình giao tiếp sâu sắc và hiệu quả” bởi vì chúng có thể đan xen câu chuyện về Chúa Giêsu, đức tin và cuộc sống của con người.
Tiếp đến là nghệ thuật, qua việc chiêm ngắm vẻ đẹp, cho phép con người trải nghiệm cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.
Cuối cùng là âm nhạc, đặc biệt thánh nhạc, là ngôn ngữ làm thấm nhuần trong con người tinh thần ước muốn vô tận.
Huấn giáo trong đời sống con người: tầm quan trọng của gia đình
Khi giáo lý đi vào đời sống cụ thể của con người, vai trò của gia đình rất quan trọng: gia đình là chủ thể tích cực của việc loan báo Tin Mừng và nơi tự nhiên để sống đức tin một cách đơn giản và tự phát. Trong thực tế, gia đình cung cấp một nền giáo dục Kitô giáo “được làm chứng nhiều hơn là dạy”, qua một cách thức khiêm tốn và lòng trắc ẩn. Trước những tình huống bất thường và những bối cảnh gia đình mới xuất hiện trong xã hội đương đại, trong đó có một sự trống rỗng về ý nghĩa siêu việt của gia đình, Giáo hội kêu gọi đồng hành đức tin với sự gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu, quan tâm, tôn trọng và ân cần, để khôi phục niềm tin và hy vọng cho tất cả và giúp vượt qua sự cô độc và phân biệt đối xử.
Tài liệu còn nhắc đến việc dạy giáo lý phải được thực hiện theo các nhóm tuổi: trẻ em, người trẻ, người trưởng thành, người già. Mặc dù đa dạng về ngôn ngữ, việc dạy giáo lý phải có một phong cách duy nhất, đó là đồng hành, làm cho các chứng tá của các giáo lý viên đáng tin cậy, thuyết phục và lôi cuốn. Truyền đạt giáo lý cách kín đáo nhưng hiện diện, có thể nâng cao phẩm chất của mỗi tín hữu và khiến họ cảm thấy được đón tiếp và nhìn nhận trong cộng đồng Kitô giáo.
“Văn hóa hòa nhập” và tiếp nhận người khuyết tật, người di cư
Tài liệu không quên đến việc dạy giáo lý cho người khuyết tật và người di cư. Tài liệu khẳng định, đón tiếp và nhìn nhận là những từ khóa phải đồng hành trong huấn giáo dành cho người khuyết tật. Khi đối diện với sự bối rối và sợ hại, điều quan trọng là phải đáp lại bằng một “văn hóa hòa nhập” vượt qua “sự loại bỏ”. Thực tế, người khuyết tật là nhân chứng của sự thật thiết yếu của cuộc sống con người: dễ bị tổn thương và mong manh, và do đó họ phải được đón nhận như một món quà lớn, trong khi gia đình họ xứng đáng được “tôn trọng và cảm phục”.
Một thành phần đặc biệt khác được Chỉ nam đề cập là những người di cư, xa quê hương, họ có thể gặp khủng hoảng đức tin: đối với họ, giáo lý phải tập trung vào lòng hiếu khách, tin tưởng và liên đới, để họ được hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại định kiến và những nguy hiểm nghiêm trọng mà họ có thể phải gánh chịu, chẳng hạn như nạn buôn người.
Nhà tù, vùng đất đích thực cho việc loan báo Tin Mừng, lựa chọn ưu tiên người nghèo
Và một lần nữa, tài liệu chú ý đến các nhà tù, như là “một vùng đất đích thực cho sứ vụ loan báo Tin Mừng”: đối với các tù nhân, huấn giáo sẽ là một loan báo ơn cứu độ trong Đức Kitô, tha thứ và giải thoát, cùng với việc lắng nghe cách ân cần cho thấy khuôn mặt người mẹ của Giáo hội. Giữa các hình thức bị loại trừ, Giáo hội không quên người nghèo.
Chỉ nam yêu cầu “lựa chọn ưu tiên dành cho các tù nhân cũng phải chú ý đến đời sống tâm linh của họ”. Bác ái và tầm quan trọng của sự năng động truyền giáo trong khi gặp gỡ với người nghèo, hiện thực hóa cuộc gặp gỡ với Đức Kitô.
Bản văn khuyến nghị “Giáo hội cũng được kêu gọi sống khó nghèo như một sự phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, không quá cậy dựa vào các phương tiện thế gian”. Trong lãnh vực này, huấn giáo phải giáo dục về khó nghèo Tin Mừng, thúc đẩy văn hóa huynh đệ và khuyến khích các tín hữu biết “phẫn nộ” trước những hoàn cảnh khốn cùng và bất công.
Giáo xứ, hiệp hội và trường học Công giáo
Trong phần thứ ba, tài liệu dành riêng cho “Huấn giáo trong các Giáo hội địa phương”, nhấn mạnh trước hết vai trò của giáo xứ, hiệp hội và phong trào Giáo hội và trường Công giáo. Trước đây, các tổ chức này được định nghĩa là “mẫu gương về hoạt động tông đồ cộng đoàn”, nhấn mạnh “tính mềm dẻo”, làm cho các tổ chức này có khả năng sáng tạo trong huấn giáo, “lắng nghe” và “đi ra ngoài”.
Mặt khác, đối với các hiệp hội và phong trào, Chỉ nam nhắc rằng các tổ chức này “có khả năng lớn trong việc loan báo Tin Mừng, làm cho Giáo hội phong phú”, miễn là các tổ chức này chăm sóc việc đào tạo và phải hiệp thông với Giáo hội.
Đối với các trường Công giáo, tài liệu khuyến khích chuyển từ các trường học-tổ chức sang trường học-cộng đoàn, hoặc cộng đoàn đức tin với một dự án giáo dục đặt nền tảng trên các giá trị Tin Mừng.
Giảng dạy các tôn giáo và huấn giáo: khác biệt, nhưng bổ sung
Trong bối cảnh này, một đoạn dành riêng cho việc giảng dạy tôn giáo được nhấn mạnh: khác biệt, nhưng bổ sung cho huấn giáo, có hai khía cạnh: bước vào các mối quan hệ với các tri thức khác và biết cách biến kiến thức thành sự khôn ngoan. Chỉ nam khẳng định: “Tôn giáo là một chiều kích của tồn tại và không được bỏ qua. Vì thế, “đó là quyền của cha mẹ và học sinh” được nhận một sự huấn luyện toàn diện. Điều quan trọng là điều này luôn được thực hiện qua một cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng, không vấp phải ý thức hệ.
Đa nguyên văn hóa và đa nguyên tôn giáo: mối quan hệ với Do Thái giáo và Hồi giáo
Sau đó, một chương lớn tập trung vào các bối cảnh đương đại khác mà giáo lý phải đối diện: đa nguyên văn hóa dẫn đến đối xử hời hợt đối với các vấn đề đạo đức; bối cảnh đô thị thường vô nhân đạo, bạo lực và cô lập; đối với người bản địa đòi hỏi kiến thức đầy đủ để vượt qua định kiến; lòng đạo đức bình dân và sự hiện hữu của nó, một mặt là “nơi thần học” và “vùng dành cho đức tin”, nhưng mặt khác nó có nguy cơ mở ra cho các mê tín và giáo phái. Trong tất cả các lĩnh vực này, huấn giáo được kêu gọi mang lại hy vọng và phẩm giá, thúc đẩy bảo vệ môi trường.
Tiếp đến, lĩnh vực đại kết và đối thoại liên tôn với Do Thái giáo và Hồi giáo: Đối với Do Thái Giáo, Chỉ nam nhấn mạnh làm thế nào huấn giáo phải “khơi dậy mong muốn hiệp nhất” giữa các Kitô hữu, để trở thành “một công cụ đáng tin cậy của công cuộc truyền giáo”. Đối với Do Thái giáo, Chỉ nam mời gọi một cuộc đối thoại, đấu tranh chủ nghĩa bài Do Thái và thúc đẩy hòa bình và công lý. Bên cạnh đó, trong khi phải đối phó với khuynh hướng cực đoan bạo lực đôi khi có trong Hồi giáo, Giáo hội kêu gọi tránh những khái quát hời hợt, thúc đẩy hiểu biết và gặp gỡ với người Hồi giáo. Trong mọi trường hợp, trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo, giáo lý phải “đào sâu và củng cố căn tính của các tín hữu”, giúp họ phân định và thúc đẩy truyền giáo qua chứng tá, hợp tác và đối thoại “nhã nhặn và thân tình”.
Thế giới kỹ thuật số: ánh sáng và bóng tối
Tiếp theo, Chỉ nam chuyển sang chủ đề kỹ thuật số: trước hết, tầm quan trọng của việc đảm bảo sự hiện diện các chứng nhân cho các giá trị của Tin Mừng trong “mạng lưới” được nhắc lại. Do đó, các giáo lý viên được khuyến khích giáo dục mọi người sử dụng tốt kỹ thuật số: đặc biệt, những người trẻ phải được đồng hành, bởi vì thế giới ảo có thể có những tác động sâu sắc đến việc quản lý cảm xúc và xây dựng căn tính.
Tài liệu tiếp tục: “Ngày nay, văn hóa kỹ thuật số được coi là “tự nhiên”, đến mức nó đã thay đổi ngôn ngữ và thứ bậc các giá trị trên phạm vi toàn cầu. Giàu về mặt tích cực (ví dụ, nó làm phong phú các kỹ năng nhận thức và thúc đẩy thông tin độc lập để bảo vệ những người dễ bị tổn thương), đồng thời thế giới kỹ thuật số cũng có một “mặt tối”: nó có thể mang lại sự cô đơn, thao túng, bạo lực, đe doạ trực tuyến, định kiến, thù hận. Không chỉ vậy: kể chuyện kỹ thuật số là cảm xúc, trực quan và luôi cuốn, nhưng thiếu phân tích quan trọng, cuối cùng làm cho người nhận đơn giản là người dùng, thay vì là người giải mã một thông điệp.
Chống lại văn hóa tức thời
Vậy giáo lý có thể làm gì trong lĩnh vực này? Đầu tiên là giáo dục để chống lại “văn hóa tức thời”, không có phân cấp các giá trị và quan điểm, yếu kém về ký ức và không thể phân biệt sự thật và chất lượng. Trước hết, những người trẻ sẽ được đồng hành trong việc tìm kiếm tự do nội tâm giúp họ khác biệt với “đám đông xã hội”. Chỉ Nam khẳng định: “Thách đố của công cuộc loan báo Tin Mừng đòi hỏi cần phải hòa nhập vào đại lục kỹ thuật số. Tầm quan trọng của việc cung cấp không gian kinh nghiệm đức tin đích thực, có khả năng cung cấp các bí quyết diễn giải cho các chủ đề mạnh mẽ, như tính cụ thể, ảnh hưởng, công lý và hòa bình.
Khoa học và đức tin: làm sáng tỏ những xung đột, tăng giá trị chứng tá của các nhà khoa học Kitô giáo
Sau đó, Tài liệu tập trung vào khoa học và công nghệ, khẳng định khoa học và công nghệ phải được định hướng theo hướng cải thiện điều kiện sống và sự tiến bộ của gia đình nhân loại, phục vụ của con người. Đồng thời, Chỉ nam khuyến nghị một giáo lý được chuẩn bị kỹ lưỡng và chuyên sâu biết cách chống lại sự phổ biến khoa học và công nghệ thường không chính xác. Vì thế, tài liệu khuyến khích loại bỏ những định kiếnvà ý thức hệ và làm rõ những xung đột rõ ràng giữa khoa học và đức tin, cũng như tăng giá trị chứng từ của các nhà khoa học Kitô giáo, thí dụ về sự hòa hợp và tổng hợp giữa hai. Trên thực tế, nhà khoa học tìm kiếm sự thật bằng sự chân thành, thiên về giao tiếp và đối thoại, yêu thích sự trung thực trí tuệ và do đó có thể khuyến khích hội nhập văn hóa của niềm tin vào khoa học.
Đạo đức sinh học: không phải mọi thứ khả thi về mặt kỹ thuật đều được cho phép về mặt đạo đức
Trái lại, một suy tư riêng biệt phải được thực hiện cho đạo đức sinh học, khởi đi từ giả định rằng “không phải mọi thứ khả thi về mặt kỹ thuật đều được cho phép về mặt đạo đức”. Do đó, cần phải phân biệt giữa các can thiệp điều trị và thao tác trị liệu, và chú ý đến ưu sinh học và sự phân biệt đối xử mà nó đòi hỏi. Về việc đặt tên cho “giới tính”, tài liệu nhắc lại rằng Giáo hội “luôn đồng hành và trong mọi hoàn cảnh”, không phán xét, những người sống trong những tình cảnh phức tạp và đôi khi xung đột. Tuy nhiên, “trong một quan điểm của đức tin, phái tính không chỉ là một dữ liệu thể lý, mà nó còn là một thực tế cá nhân, một giá trị được giao phó cho trách nhiệm của con người”, “một đáp trả với tiếng gọi ban đầu của Thiên Chúa”. Do đó, trong lĩnh vực đạo đức sinh học, các giáo lý viên cần được đào tạo cụ thể bắt đầu từ nguyên tắc thánh thiêng và bất khả xâm phạm của cuộc sống con người và trái ngược với văn hóa sự chết. Về vấn đề này, Chỉ Nam lên án án tử hình, được định nghĩa là “một biện pháp vô nhân đạo làm nhục nhân phẩm con người”.
Hoán cải sinh thái, dấn thân xã hội và bảo vệ việc làm
Trong số các vấn đề khác được tài liệu đề cập, đó là một “hoán cải sinh thái sâu xa” được thúc đẩy thông qua một huấn giáo chú ý đến việc bảo vệ Tạo dựng và truyền cảm hứng cho một cuộc sống đạo đức, tránh xa lối sống duy tiêu thụ, bởi vì “sinh thái toàn diện là một phần không thể thiếu của đời sống Kitô giáo”. Ngoài ra còn có sự khuyến khích mạnh mẽ cho dấn thân xã hội tích cực của người Công giáo hành động vì lợi ích chung, trái ngược các cấu trúc tội lỗi với đạo đức ngay thẳng và cởi mở đối thoại.
Đối với thế giới công việc, tài liệu khuyến khích truyền giáo theo Học thuyết xã hội của Giáo hội, đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ quyền của những người yếu nhất.
Cuối cùng, hai chương cuối, Chỉ nam tập trung vào các bài giáo lý địa phương, với các chỉ dẫn liên quan để được Tòa thánh thông qua, và về các cơ quan phục vụ giáo lý, bao gồm Thượng Hội đồng Giám mục và các Hội đồng Giám mục.
Ngọc Yến
Có thể bạn quan tâm
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12