Covid-19: Bản Tuyên ngôn của các nhà lãnh đạo Công giáo Châu Mỹ Latinh

940 lượt xem

Một người đàn ông vô gia cư nhận thức ăn từ cư dân của khu ổ chuột Chapeu Mangueira ở Rio de Janeiro, Brazil.

Các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội dân sự Công giáo trên khắp châu Mỹ Latinh đã phát hành một ‘Tuyên ngôn’, trong đó họ nêu ra sự cần thiết phải bảo vệ các thành viên mong manh nhất của xã hội, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch coronavirus. 

Cam kết đối mặt với những khó khăn hiện tại và hành động theo quan điểm Kitô giáo là tiền đề để các nhà lãnh đạo Công giáo châu Mỹ Latinh thực hiện và phổ biến bản tuyên bố cùng với những lời kêu gọi. 

Bản “Tuyên ngôn của Châu Mỹ Latinh với trách nhiệm chính trị” vừa được phát hành, nói lên sự cần thiết phải bảo vệ những người mong manh và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, và thúc đẩy hợp tác nhiều hơn trên bình diện quốc tế. 

Danh sách những người ký vào bản tuyên ngôn, gồm khoảng 170 người có trách nhiệm và quyền lực chính trị – xã hội, trong đó có 3 cựu nguyên thủ quốc gia, 1 cựu thư ký của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, 1 cựu giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế, cùng các nghị sĩ đương thời và đã nghỉ hưu. 

Sáng kiến ​​này được thúc đẩy bởi Hàn lâm viện các nhà Lãnh đạo Công giáo, được thành lập ở Chile và hiện đang có mặt ở nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác nhau. 

Hội đồng Quản trị của Hàn lâm viện bao gồm các nhà thần học nổi tiếng, Chủ tịch Liên đoàn tôn giáo châu Mỹ Latinh và Caribê, và Phó chủ tịch danh dự của Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh. 

Tuyên ngôn 

Tuyên ngôn nói rằng: khởi đi từ “nỗi đau của những người đang và sẽ phải chịu đựng nhiều nhất từ ​​đại dịch này”: những người nghèo là những người cô đơn và bị bỏ rơi, những người mong manh và dễ bị tổn thương là những người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra. 

Bản tuyên bố mời gọi: “Hãy nghĩ về tác động khủng khiếp mà đại dịch gây ra trên vô số anh chị em tại châu Mỹ Latinh đang sống nhờ vào những việc làm không tên, những người sống trên đường phố, những người già bị bỏ rơi,” 

Bản tuyên ngôn nói tiếp: Những người nghèo là những người phải rời khỏi nhà của họ để kiếm sống hằng ngày và thường không thể tuân thủ các quy tắc về cách ly và kiểm dịch. 

Những người đồng ký tên nói: Thực tế đòi hỏi những lựa chọn đưa ra phải phản ánh sự lựa chọn của Chúa Giêsu, “do vậy, phải nhìn về tác động của đại dịch đối với những người dễ bị tổn thương nhất để thực hiện tất cả các hoạt động dấn thân giải quyết khủng hoảng.” 

Đoàn kết, công ích và đồng hành thiêng liêng 

Với những cụm từ cụ thể, Tuyên ngôn nói tiếp: Phải thực hiện sự đoàn kết giữa các khu vực lãnh thổ khác nhau và giữa các quốc gia khác nhau vì đại dịch không ảnh hưởng giống nhau trên toàn lãnh thổ quốc gia 

Tuyên ngôn kêu gọi: Sự tham gia của các phương tiện truyền thông phải hoạt động vì lợi ích chung, tránh chủ nghĩa giật gân và hãy góp phần tạo ra bầu khí “có ý thức về rủi ro nhưng thanh thản và tự tin”. 

Tuyên ngôn cũng nhấn mạnh một thực tế là các giáo hội phải được tham gia, vì sự đồng hành về tâm lý và tinh thần là nền tảng, đặc biệt là đối với những người bị chấn thương hoặc căng thẳng. 

Các nhà lãnh đạo Công giáo tiếp tục nhấn mạnh cách thức nền kinh tế được kêu gọi để chứng minh khả năng đối mặt với thách thức chưa từng có: “những ý thức hệ hay các truyền thống không thể được ưu tiên hơn thực tế.” 

Những thách thức chính trị và kinh tế chưa từng có 

Khi lưu ý rằng: “cần phải có sự sáng tạo để chống lại khủng hoảng”, bản tuyên ngôn kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị ở châu Mỹ Latinh hãy tìm cách phối kết và hòa hợp với nhau, để đảm nhận trách nhiệm và lãnh đạo không bỏ sót một ai.” 

“Các giáo hội hãy gánh vác trong phạm vi của mình để thực thi những biện pháp này”. 

Tuyên ngôn tóm kết: đây là thời điểm chủ yếu để tăng cường các định chế hội nhập (như Liên minh Thái Bình Dương, Mercosur, Hệ thống hội nhập Trung Mỹ) cũng như sự hợp tác giữa các quốc gia có dân số lớn nhất lục địa (Mexico, Colombia, Brazil, Argentina và Chile). 

Do đó, sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ và Ngân hàng Phát triển châu Mỹ Latinh là rất quan trọng; và quan trọng không kém là việc hoãn lại và tái cơ cấu nợ nước ngoài nhờ sự liên đới của các chủ nợ. 

170 người tham gia tuyên ngôn kết luận: “Chắc chắn chúng ta đang ở trong một tình huống rất nghiêm trọng của hành tinh này. Có lẽ đây là thách thức lớn nhất mà thế hệ của chúng ta đang trải qua trong dòng lịch sử.” 

Linda Bordoni
Phêrô Quốc Vũ chuyển ngữ từ Vatican News

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận