Sáng 13/09/2021 Đức Thánh Cha đã cử hành Phụng vụ Thánh Thể lễ Suy tôn Thánh Giá, theo nghi lễ Byzantine. Ngài mời gọi các tín hữu chiêm ngắm Thánh giá để nhận ra đó là vinh quang của Thiên Chúa, là nguồn ơn cứu độ của chúng ta, để không còn cảm thấy bị bỏ rơi, đơn độc. Chiêm ngắm Thánh gia để từ đó làm chứng cho Thánh Giá bằng đời sống theo Phúc âm và các Mối Phúc. Người mang Thánh Giá trong tâm hồn sẽ yêu thương và đi theo con đường yêu thương khiêm nhường của Chúa Giêsu.
Sáng thứ Ba 14/9/2021, ngày thứ 3 trong chuyến viếng thăm Budapest và Slovakia, từ thủ đô Bratislava Đức Thánh Cha đi máy bay đến thành phố Košice cách đó 311 km. Khi đến phi trường Košice, Đức Thánh Cha được Đức tổng giám mục Bernard Bober, thị trưởng và chính quyền địa phương đón tiếp. Sau đó, ngài di chuyển bằng xe hơi đến sân vận động Mestska của thành phố Prešov cách đó 47 km, thành phố lớn thứ ba của Slovakia.
Khoảng 10 giờ, xe của Đức Thánh Cha đến sân vận động Mestska. Đức Thánh Cha được Đức tổng giám mục của Prešov, Đức cha Ján Babjak, dòng Tên, 68 tuổi, đón tiếp. Hai người tặng hoa cho ngài và hai thiếu nhi dâng bánh mì và rượu để ngài chúc lành. Sau đó Đức Thánh Cha và Đức tổng giám mục của giáo phận Prešov lên xe mui trần đi vòng quang quảng trường.
Giáo tỉnh Công giáo Hy Lạp tại Slovakia
Giáo hội Slovakia có một Giáo tỉnh Công giáo Hy Lạp tự quản, đặt trụ sở tại Prešov, bao gồm tổng giáo phận Prešov, giáo phận Bratislava và giáo phận Košice, chiếm 6% trong tổng số 5,5 triệu dân Slovakia.
Giáo phận Công giáo Hy Lạp Prešov được thành lập vào năm 1818 và đến năm 2008 được nâng thành tổng giáo phận. Những cột mốc đáng nhớ của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Slovakia trong khoảng thời gian này là năm 1959, Giáo hội Công giáo Hy Lạp ở Tiệp Khắc, khi đó bao gồm cả Slovakia, bị chế độ cộng sản xoá bỏ, nghĩa là không còn hiện diện chính thức nữa; năm 1968, năm của “mùa xuân Praha”, khi Giáo hội Công giáo Hy Lạp, đã bị xoá bỏ nhưng không hoàn toàn bị tiêu diệt, đã có thể chính thức bắt đầu lại đời sống và hoạt động từ con số không. Tổng giáo phận Prešov có 117.800 tín hữu với 163 giáo xứ, 282 linh mục giáo phận, trong đó có 8 linh mục được truyền chức trong vòng một năm qua, 42 chủng sinh, 22 nam tu sĩ và 73 nữ tu. Giáo phận có 9 cơ sở giáo dục, 4 cơ sở bác ái. Trong năm vừa qua có 1.572 người được rửa tội.
50 ngàn tín hữu chào đón Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha đứng trên xe mui trần đi vòng quanh quảng trường trong sự reo hò hân hoan của hơn 50 ngàn tín hữu. Một rừng những lá cờ nhỏ của Toà Thánh với hai màu vàng trắng được các tín hữu vẫy chào đón khi xe chở Đức Thánh Cha đi ngang qua.
Nghi lễ Byzantine
Vào lúc 10 giờ 30, một số Hồng y và giám mục trong đoàn đồng tế với Đức Thánh Cha tiến ra lễ đài tại quảng trường trước sân vận động, có sức chứa hơn 50 ngàn người, bắt đầu Phụng vụ Thánh Thể lễ suy tôn Thánh giá, được cử hành theo nghi lễ Byzantine của thánh Gioan Kim Khẩu, có nhiều chi tiết khác với nghi lễ Latinh như chúng ta thường tham dự. Đây là nghi lễ được cử hành trong các Giáo hội Công giáo Đông phương. Nghi lễ Byzantine có 3 nghi thức, trong đó nghi thức của thánh Gioan Kim Khẩu được cử hành thường xuyên nhất.
Phụng vụ gồm các phần: nghi thức phụng vụ chuẩn bị, nghi thức phụng vụ tân tòng, các bài đọc (gồm một bài thư thánh Phao-lô: Cor 1, 18-24, và một bài phúc âm thánh Gioan: Gv, 19, 6b–11a. 13–20. 25–28a. 30b–35a), bài giảng của Đức Thánh Cha, nghi thức phụng vụ các tín hữu, và nghi thức kết thúc.
Bài giảng: thấy và làm chứng
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha suy tư về hai hành động: thấy và làm chứng cho Thập giá Chúa Giêsu. Ngài mời gọi các tín hữu chiêm ngắm Thập giá để nhận ra vinh quang của Thập giá, đó là con đường Chúa đi để cứu độ chúng ta, để không ai phải thất vọng và cảm thấy bị đơn độc, bị bỏ rơi; và từ đó làm chứng tá cho Thập giá bằng lối sống trong sáng của Tin Mừng và các Mối phúc.
Nghịch lý của Thánh Giá
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh cha nhấn mạnh đến nghịch lý của Thập giá. Dù thánh Phaolô nói rằng “chúng ta rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh… sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”, nhưng ngài cũng không giấu giếm rằng theo sự khôn ngoan của con người, thập giá lại là một điều gì đó hoàn toàn khác: đó là “cớ vấp phạm” và “sự ngu xuẩn” (1Cr1, 23-24). Và Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa của ngày lễ Suy tôn Thánh giá: “Thập giá đã là công cụ của sự chết, nhưng nó đã trở thành nguồn gốc của sự sống. Đó là một cảnh tượng kinh khủng, nhưng nó đã mặc khải cho chúng ta vẻ đẹp của tình yêu thương của Thiên Chúa”. Chính thánh sử Gioan, người đứng dưới chân Thánh giá, “vừa nhìn thấy vừa làm chứng” về điều này. Đức Thánh Cha suy tư về hai điểm này.
Nhìn thấy Thánh Giá theo cái nhìn thế gian
Trước tiên là nhìn thấy. Điều thánh Gioan thấy và nhiều người cũng đã thấy qua hình ảnh Thánh giá là “Chúa Giê-su, một người vô tội và tốt lành, đã chết một cách tàn nhẫn giữa hai tên tội phạm; một điều bất công, một hy sinh không thay đổi được thế giới. Đức Thánh Cha lưu ý: “Chúng ta cũng có thể có nguy cơ không vượt trên cái nhìn đầu tiên, hời hợt này; chúng ta cũng có thể không chấp nhận thông điệp của Thánh giá, không chấp nhận rằng Thiên Chúa cứu độ chúng ta bằng cách cho phép tất cả những điều xấu xa trên thế giới của chúng ta hoành hoành trên chính than thể Người. Chúng ta có thể cũng không chấp nhận, có lẽ ngoại trừ bằng lời nói, một Thiên Chúa yếu ớt và bị đóng đinh, và mơ về một Thiên Chúa mạnh mẽ và chiến thắng. Đây là một cám dỗ lớn”. Nhưng “một Ki-tô giáo không có thập giá là một Ki-tô giáo của thế gian, và trở thành vô ích”.
Nhận ra vinh quang của Thánh Giá
Mặt khác, “thánh Gioan đã nhìn thấy nơi Thánh giá sự hiện diện và công trình của Thiên Chúa. Ngài đã nhận ra vinh quang của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh. Ngài đã thấy rằng bất chấp vẻ bề ngoài, Chúa Giê-su không phải là kẻ thua cuộc, mà là Thiên Chúa, Đấng sẵn lòng hiến thân vì mọi người”. Chúa chọn đi vào lịch sử nhân loại, chọn con đường thập giá, “Để không ai trên trái đất phải tuyệt vọng đến mức không thể tìm gặp Chúa, ngay cả ở đó, giữa đau khổ, tăm tối, bị bỏ rơi, tai tiếng về sự khốn khổ và sai lầm của chính mình. Ở đó, ở chính nơi mà chúng ta nghĩ rằng Chúa không thể hiện diện, thì Người đã đến. Để cứu những người tuyệt vọng, chính Chúa đã chọn nếm trải sự tuyệt vọng; tự mình gánh lấy nỗi thống khổ cay đắng nhất của chúng ta”. Với Người, chúng ta không bao giờ còn cô đơn nữa.
Học cách nhìn thấy vinh quang nơi Thánh Giá
Để học cách nhìn thấy vinh quang trên thập giá, theo Đức Thánh Cha, chúng ta cần chiêm ngắm Thánh giá. Thánh giá giống như một cuốn sách: để biết nó, chúng ta phải mở nó ra và đọc; chỉ mua sách thôi thì chưa đủ. Đức Thánh Cha nhận định rằng Thánh giá “được vẽ hoặc chạm khắc ở khắp mọi nơi trong các nhà thờ của chúng ta. Các cây Thánh giá được tìm thấy ở khắp nơi xung quanh chúng ta: trên cổ, trong nhà, trong xe hơi, trong túi. Điều này có ích gì, trừ khi chúng ta dừng lại để chiêm ngắm Chúa Giê-su chịu đóng đinh và mở lòng với Người, trừ khi chúng ta để mình bị ngạc nhiên bởi những vết thương Người đã chịu vì chúng ta, trừ khi trái tim chúng ta thổn thức vì xúc động và chúng ta khóc trước Thiên Chúa bị thương tích vì yêu chúng ta. Nếu chúng ta không làm điều đó, Thánh giá vẫn là một cuốn sách không được đọc, dù chúng ta biết tựa đề và tác giả nhưng nó không có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta”. Ngài cảnh giác: “Chúng ta đừng biến Thánh giá thành một đồ vật để sùng kính, tệ hơn nữa là một biểu tượng chính trị, một dấu hiệu của địa vị tôn giáo và xã hội”.
Làm chứng
Chiêm niệm Chúa bị đóng đinh đưa chúng ta đến bước thứ hai: làm chứng. Đức Thánh Cha khẳng định: “Nếu chúng ta chăm chú nhìn vào Chúa Giê-su, khuôn mặt của Người sẽ được phản chiếu trên khuôn mặt của chính chúng ta: các nét của Người trở thành của chúng ta, tình yêu của Đấng Ki-tô chiến thắng chúng ta và biến đổi chúng ta”. Đức Thánh Cha nhắc lại chứng tá của các vị tử đạo Slovakia, những người không thể im lặng vì vì Danh Chúa Kitô! “Chứng tá của họ là chứng tá của tình yêu Chúa, Đấng mà họ đã chiêm ngắm lâu dài. Đến mức họ trở nên giống Người, ngay cả trong cái chết”.
Bằng lối sống thuần của Tin Mừng và các Mối Phúc
Đức Thánh Cha nhắc rằng thời nay chúng ta không thiếu cơ hội để làm chứng. Ngài lưu ý rằng chứng tá của chúng ta có thể bị suy yếu bởi tính thế tục và sự tầm thường trong khi thập giá đòi một chứng tá trong sáng, vì “thập giá không phải là ngọn cờ để vẫy, nhưng là nguồn mạch thuần khiết của một lối sống mới của Tin Mừng, của các Mối Phúc”.
Chứng nhân của Thánh Giá
Dấu hiệu của người mang Thánh giá trong lòng chính là “không xem ai là kẻ thù, nhưng xem tất cả mọi người đều là anh chị em mà Chúa Giê-su đã hiến mạng sống vì họ. Một chứng nhân của thập giá không bám vào những điều sai trái của quá khứ hoặc cứ than thở về hiện tại. Chứng nhân của thập giá không sử dụng những cách lừa dối và quyền lực thế gian: họ không muốn áp đặt bản thân và những gì của họ, nhưng muốn hiến mạng sống của mình cho người khác. Họ không tìm kiếm lợi ích cho riêng mình, để được coi là đạo đức: đây sẽ là một tôn giáo giả hình, không phải là một chứng tá cho Chúa bị đóng đinh. Các chứng nhân của thập giá chỉ có một chiến lược, đó là chiến lược của Thầy: tình yêu thương khiêm nhường. Họ không tìm kiếm những chiến thắng trên thế gian, bởi vì họ biết rằng tình yêu của Đức Ki-tô sinh hoa kết trái trong những biến cố của cuộc sống hàng ngày, đổi mới mọi sự từ bên trong, giống như hạt giống rơi xuống đất, chết đi và sinh nhiều bông hạt”.
“Con có muốn trở nên chứng nhân của Thầy không?”
Theo Đức Thánh Cha, đó là câu hỏi mà từ trên Thánh giá Chúa đang hỏi từng người chúng ta.
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha xin Mẹ Maria, người đã thấy cuốn sách thập giá mở rộng nhất và đã làm chứng cho điều này bằng tình yêu thương khiêm nhường, ban ơn để chúng ta hướng đôi mắt tâm hồn về Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Khi đó đức tin của chúng ta sẽ có thể nở hoa trong sự viên mãn của nó; và chứng tá của chúng ta sẽ sinh hoa kết trái.
Đức tổng giám mục của giáo phận Prešov cảm ơn Đức Thánh Cha
Cuối cử hành Phụng vụ Thánh Thể, Đức tổng giám mục của giáo phận Prešov của tín hữu Công giáo theo nghi lễ Byzantine, Đức cha Ján Babjak, đã đại diện cộng đoàn cảm ơn Đức Thánh Cha.
Đức cha Ján Bajak cảm ơn Đức Thánh Cha đã viếng thăm các con cái thiêng liêng của ngài, các tín hữu Công giáo nghi lễ Byzantine ở Slovakia. Đức cha nói rằng cộng đoàn sẽ suy tư về lời Chúa thốt ra từ miệng và con tim của Đức Thánh Cha và sẽ khắc sâu vào tâm hồn, để lời Chúa “có thể khơi dậy trong chúng con tình yêu và lòng trung thành lớn hơn nữa đối với Chúa Giêsu Kitô, với Mẹ Đồng Trinh Cực Thánh của Thiên Chúa, với Thập giá của Chúa Giêsu, cũng như đối với Đức Thánh Cha”.
“Thánh Phêrô của Roma” rất được Giáo hội Công giáo Hy Lạp ở Slovakia yêu mến. Do đó, Đức tổng giám mục của Prešov nói với Đức Thánh Cha: “Chúng con cầu nguyện cho ngài và cho hoạt động tông đồ mà ngài thực hiện trên toàn thế giới để củng cố các anh chị em trong đức tin”.
Kết thúc cử hành Phụng vụ Thánh Thể, Đức Thánh Cha di chuyển đến chủng viện Košice cách đó 43 km để dùng bữa trưa.
Hồng Thủy – Vatican News
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12