DẪN NHẬP
Truyền thông kỹ thuật số phát triển với những tính năng vượt trội trong việc lan tỏa thông tin, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống quanh ta, mà còn làm thế giới xích lại gần nhau. Quả thật, công cụ hiện đại nầy giúp mọi người, mọi giới nắm bắt các biến cố thời sự diễn ra từng giờ, từng phút, mọi lúc mọi nơi trên toàn cầu bằng việc nghe, nhìn, đọc với các phương tiện đơn giản. Đề cập tới lãnh vực công nghệ đặc biệt nầy, người ta hay dùng các khái niệm như “kỷ nguyên thông tin” hoặc “bùng nổ truyền thông” hoặc “thời đại @”…
Nhưng đằng sau những cụm từ ấy, chuyện gì đang thực sự xảy ra?
Trên thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ số mang tới cho đời sống xã hội cũng như gia đình. Trước kia, khi internet và những thiết bị hiện đại chưa phát triển, các hình thức giải trí của con người rất hạn chế. Còn giờ đây, với những tiện ích giải trí phong phú, công nghệ số giúp các thành viên gia đình giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống thường ngày, thư giãn sau thời gian học tập, làm việc mệt mỏi. Họ có thể thoải mái lựa chọn những hình thức giải trí phù hợp với bản thân mình như đọc tin tức, xem phim, nghe nhạc, chơi game, hay chuyện trò, chia sẻ với bạn bè, người thân trên các mạng xã hội…
Ngoài chức năng giải trí, trẻ em cũng có thể thông qua các ứng dụng hay trò chơi hữu ích, mang tính giáo dục, học tập để rèn luyện khả năng tư duy, cũng như thu nhận thêm kiến thức. Còn người lớn, bên cạnh những kiến thức thông thường khác, hoàn toàn có thể tìm kiếm các thông tin hữu ích trên internet về chăm sóc gia đình, vừa mở mang tri thức, nâng cao hiểu biết, vừa góp phần củng cố hạnh phúc…
Quả thực, các phương tiện truyền thông đang mang lại cho nhân loại vô vàn tiện ích; nhưng bên cạnh đó, vẫn có không ít những tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới các chuẩn mực, giá trị và mối quan hệ xã hội. Gia đình Việt Nam cũng không nằm ngoài cơn bão công nghệ số và phải chịu những ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực. Các thiết bị số len lỏi vào từng gia đình đã làm thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, hay nghiêm trọng hơn, còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa các thành viên và tương lai con trẻ. Cách riêng, các gia đình Công Giáo, công nghệ kỷ thuật số tác động không nhỏ trên đời sống đức tin của gia đình.
Chúng ta thử cùng nhau phân tích những tác động tiêu cực nầy để phần nào giúp các gia đình tỉnh táo khi sử dụng các phương tiện kỷ thuật hiện đại mà không để bị chi phối và lệ thuộc, đến độ làm băng hoại những giá trị cao quý của đời sống gia đình.
1. Thiết bị công nghệ số và tương quan vợ chồng
Hình ảnh những nhóm bạn bè, cặp đôi yêu nhau hay cả gia đình đi ăn tại các nhà hàng, các quán café mà mỗi người chăm chú vào một chiếc smartphone đã trở nên rất quen thuộc. Và điều đáng lo ngại hơn nữa đó là hình ảnh trong bữa cơm của một gia đình mà vợ, chồng, con cái đều cầm trên tay một thiết bị thông minh rồi ngụp lặn trong cái thế giới ảo riêng tư, thay vì sẻ chia tâm sự cùng nhau. Không ít người có thói quen sử dụng smartphone những lúc rảnh rỗi; và thời điểm rảnh rỗi nhất là trước khi đi ngủ. Do vậy nhiều người đã mang theo smartphone lên cả giường ngủ để đọc báo, lướt mạng xã hội hay chơi game…
Nhiều người cũng công nhận rằng: khi một trong hai người bị lôi cuốn mải mê chú tâm vào chiếc smartphone thì nó cứ như người thứ 3 xen vào giữa hai vợ chồng khiến những câu chuyện cứ ngắt quãng làm cho họ chẳng còn hứng thú để nói chuyện với nhau. Nhiều người cũng rất đau khổ vì bạn đời của mình chỉ thích kết bạn và tâm sự những chuyện buồn vui với những người bạn trong thế giới ảo chứ nhất định không chịu chia sẻ với bạn đời thực sự của mình. Điều này làm cho tình cảm vợ chồng rạn nứt và nguy cơ tan vỡ rất lớn.[1]
2. Thiết bị công nghệ số với tương quan giữa cha mẹ và con cái
Chúng ta đều biết rằng, bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần xây dựng trên nền tảng thấu hiểu, tôn trọng và dành thời gian quan tâm chăm sóc cho nhau. Thế nhưng, những thiết bị công nghệ số đang tìm cách xen vào trong mọi thời khắc sinh hoạt chung của gia đình như: bữa cơm, giờ gặp mặt… Rất ít ông bố bà mẹ cùng con học hát, học múa… mà thường chỉ bật nhạc, video cho con nghe và học theo và ngày một ít gần gũi với con hơn. Nhiều bố mẹ còn sử dụng những phần mềm để quản lý và theo dõi con thay vì trực tiếp chỉ dạy và nói chuyện với con. Trẻ em vì vậy sẽ không được trò chuyện, chia sẻ với bố mẹ nhiều. Điều này có nguy cơ làm cho đứa trẻ có tâm lý bất ổn vì thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc của gia đình.
Mối liên kết giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng. Nhưng thực tế, các thiết bị công nghệ thông minh đang có nguy cơ hủy hoại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nhiều cha mẹ vì muốn con trẻ ngồi yên cho mình làm việc nhà nên đã cho con tiếp cận với các thiết bị thông minh từ khi em còn rất nhỏ. Nhiều trẻ em khi ở nhà trẻ về không còn thích kể chuyện bi bô với cha mẹ nữa mà vội vàng ôm lấy chiếc smartphone. Cứ thế, em bé lớn lên với tâm lý bất ổn vì thế giới ảo vốn dĩ đã trở thành trọng tâm cuộc sống của chúng khiến chúng lười trò chuyện với cha mẹ, người thân, bạn bè và dễ bị khập khiễng về kỹ năng hòa nhập xã hội.
Ngược lại, khi cha mẹ thường xuyên sử dụng các thiết bị thông minh bên cạnh con cái cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Trẻ thường cảm thấy bị bỏ rơi và có xu hướng hành động bất thường để thu hút sự chú ý từ cha mẹ. Khi cha mẹ chú tâm vào thế giới ảo thì thật khó để kéo mình ra khỏi đó để cùng con chơi đùa hoặc trả lời những câu hỏi bất tận của trẻ.
Cuốn sách “Bảo vệ tuổi thơ và các mối quan hệ gia đình trong thời đại kỹ thuật số”, tác giả đồng thời là nhà tâm lý học Catherine Steiner-Adair đã trình bày các nghiên cứu cho thấy trẻ em rơi vào mặc cảm tự ty, buồn, cô đơn…; và thậm chí bùng phát cơn tức giận, khi cha mẹ chỉ tập trung vào máy tính, điện thoại thông minh và các “màn hình” khác thay vì tập trung vào chúng.[2]
3. Thiết bị công nghệ số và tương quan xã hội
Việc ứng dụng công nghệ số cũng tạo ra một ranh giới mới. Ranh giới của những cơ hội tiếp cận, ranh giới của sự giàu nghèo, giữa nam với nữ, giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Thời gian dành cho việc sử dụng các thiết bị này đã chiếm hết thời gian dành cho các hoạt động vui chơi bạn bè, rèn luyện thể chất, giao tiếp xã hội, thăm hỏi họ hàng… Trước kia, anh em họ hàng hay bạn bè thường đến thăm nhau; nhưng những cuộc gặp gỡ “tay bắt mặt mừng” đó dần dần trở nên hiếm thấy, đặc biệt là ở người trẻ; chỉ cần một cái click chuột hay lướt nhẹ màn hình là họ có thể thăm hỏi nhau được rồi. Có lẽ vì vậy mà tình thân gắn kết giữa người với người ngày càng nhạt nhòa. Nếu tiếp tục để smartphone, mạng xã hội, công nghệ… chiếm hết thời gian, các mối quan hệ của chúng ta sẽ có nguy cơ tan vỡ rất lớn.
4. Thiết bị công nghệ số và thói quen sinh hoạt đạo đức của gia đình
Đối với các gia đình Công Giáo, thiết bị công nghệ số cũng đang là “một kẻ quấy rối” nguy hiểm, làm mất dần thói quen sinh hoạt đạo đức của gia đình.
Trước kia, cha mẹ con cái quây quần cùng nhau đọc kinh tối, sáng; nhưng bây giờ ai nấy bị lôi cuốn chăm chú theo dõi những bộ phim hấp dẫn trên truyền hình cáp cũng như các thiết bị thông minh khác. Tivi có kết nối wifi với đủ mọi chương trình giải trí khiến con trẻ không sao dứt ra được để đi tham dự thánh lễ hằng ngày. Xưa kia, trong thời bách hại, người tín hữu muốn tới nhà thờ dự lễ thì bị cấm cản, ngăn trở đủ điều. Còn ngày nay, chẳng ai cấm cản ta nhưng chính các phương tiện truyền thông giải trí lại khiến người ta tự nguyện bỏ lễ và rất có thể “tự nguyện bỏ đạo”.
Chìa khoá mở cửa vào chốn hạnh phúc là sự thánh thiện. Nếu vợ cHồng Yêu thương nhau như mối tình giữa Chúa Kitô và Hội thánh thì chắc chắn phải có đời sống thánh thiện. Phải rước Chúa vào trong đời sống gia đình. Nhà nào có Chúa ngự trong gia đình thì nhà ấy có hạnh phúc. Kinh nghiệm cho hay những gia đình nào hay đi dự lễ, buổi tối đọc kinh trong gia đình thì gia đình ấy thường sống yêu thương, nhường nhịn, thuận hoà, giúp đỡ nhau; họ vẫn cảm thấy hạnh phúc ngay khi gặp những khó khăn trong gia đình. Thế nên, nếu để cho các thiết bị thông minh cuốn hút mà xao nhãng các giờ kinh sách đạo đức trong gia đình, không sớm thì muộn, hạnh phúc gia đình sẽ sớm vụt bay !
5. Một vài đề nghị
Để các thiết bị công nghệ số không trở thành kẻ phá bĩnh trong các mối quan hệ, mỗi người nên có biện pháp cân bằng thời gian sử dụng điện thoại, mạng xã hội và dành thời gian để có những khoảnh khắc bên nhau. Các bậc cha mẹ cũng nên là tấm gương thực hiện tốt điều này để con cái noi theo.
Thời gian gần đây, nhiều người Việt đã ý thức được sự nguy hại của các thiết bị thông minh này và bắt đầu thực hiện “ngày không công nghệ” để cải thiện các mối quan hệ và tạo tình thân. Những việc làm cần thiết như bữa cơm không smartphone, cuộc hẹn không Facebook, cuối tuần tạm gác điện thoại qua một bên, không đem các thiết bị số lên giường ngủ… cũng sẽ góp phần mang đến nhiều chuyển biến tích cực cho các mối quan hệ trong cuộc sống, cũng như chính sức khỏe của mỗi người.
Bên cạnh đó, việc lên mạng có mục đích sẽ giúp bạn hạn chế việc lãng phí thời gian vô ích. Một lời khuyên nữa là đừng đặt mình vào những cuộc tranh cãi vô bổ vì thông tin chưa được xác minh trên mạng xã hội. Nếu có mâu thuẫn hay hiểu lầm, bạn nên trao đổi trực tiếp với nhau thay vì chia sẻ trên mạng xã hội. Hãy để công nghệ, smartphone là phương tiện giúp chúng ta gắn kết với nhau nhiều hơn, chứ không phải điều ngăn cách mối quan hệ ngoài đời thực.
KẾT LUẬN
Bài viết này ước mong góp phần nhỏ bé giúp mọi thành phần trong Giáo Hội ý thức hơn về sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, cũng như xu hướng không thể đảo ngược của những tác động truyền thông đang chi phối đời sống gia đình của nhân loại. Điều này cũng nhắc nhở người tu sĩ chúng ta cần biết cẩn trọng suy xét, khôn ngoan khi sử dụng hay hướng dẫn người khác trong việc dùng các phương tiện truyền thông, bởi vì: “…Một cá nhân hôm nay có thể leo cao tới tận đỉnh của thiên tài và đức độ, cũng như có thể ngụp sâu tới tận đáy của sự suy đồi mà chỉ cần ngồi một mình trước bàn phím và màn hình. Công nghệ truyền thông liên tục thực hiện những cuộc đột phá, với tiềm năng khổng lồ – cho cả điều tốt lẫn điều xấu”.[3]
Như một lời nhắn gởi sau cùng, xin được chi sẻ tâm tình qua bài thơ sau đây :
Ngày nao hạnh phúc tròn đầy
Vợ chồng con cái vui vầy bên nhau.
Yêu thương nồng ấm biết bao,
làng trên xóm dưới cao rao ngợi mừng !
Đoàn con quấn quýt tưng bừng,
Dẫu muôn vất vả chất chồng đôi vai
Dãi dầu mưa nắng đầy tay
Nhủ lòng vun đắp tương lai đẹp màu !
Bây giờ nhà đã sang giàu,
mà sao bỗng thấy lòng đau ngập tràn !
Tiếng cười xưa mãi âm vang,
Bây giờ mái ấm thênh thang lặng thầm ?
Bữa cơm chung cũng vội vàng,
Mỗi người mỗi góc tìm đàng vui riêng…
Mấy lời một chút làm tin :
Đừng (vì) “công nghệ số” mà quên gia đình !
Anna Đỗ Thị Khuyên (MTG.QN)
[1]Trong Sứ điệp Ngày thế giới Truyền Thông xã hội, Đức Bênêdictô XVI phân tích những điểm tích cực và những rủi ro, nguy hiểm cũng như những thái độ cần tránh trong thời đại thông tin kỹ thuật số, đặc biệt đối với những người sử dụng mạng xã hội. Ngài nói: “Các công nghệ mới cho phép người ta gặp nhau vượt qua giới hạn không gian và nền văn hóa của riêng mình, tạo ra một thế giới tình bạn tiềm tàng hoàn toàn mới mẻ. Đây là một cơ hội to lớn, nhưng nó cũng đòi hỏi phải lưu tâm nhiều hơn và ý thức về những nguy cơ có thể có. Ai là “người thân cận” của tôi trong thế giới mới này? Liệu có mối nguy cơ là chúng ta có thể ít hiện diện hơn với những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày? Liệu có nguy cơ chúng ta trở nên xao lãng hơn, bởi vì sự chú ý của chúng ta bị phân mảnh và bị mất hút trong một thế giới “khác” với thế giới chúng ta đang sống? Chúng ta có còn thời gian suy nghĩ nghiêm túc về các chọn lựa của mình và nuôi dưỡng các mối tương quan nhân bản thực sự sâu xa và bền vững không? Điều quan trọng là luôn nhớ rằng việc tiếp xúc ảo không thể và không được thay thế cho việc tiếp xúc nhân vị trực tiếp với những con người ở mọi bình diện của cuộc sống của chúng ta.”(http://ubdkcgvn.org.vn/vi/tin-tuc-hoat-dong/2011/06/81E20464/su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-45/)
[2]https://viettimes.vn/mo-uoc-cua-tre-con-ghet-dien-thoai-cua-me-con-uoc-me-dung-su-dung-dien-thoai-nua-304955.html
[3]Tài liệu Đạo Đức trong Truyền Thông, số 27.
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12