Chúa Nhật 29 thường niên hôm nay (20/10/2019) Giáo Hội đặc biệt hướng đến việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo; riêng năm 2019 này nhân kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud – Sứ vụ cao cả (1919 – 2019) – của Đức thánh cha Bênêđíctô 15 về hoạt động truyền giáo trên toàn thế giới, Đức thánh cha Phanxicô đã mời gọi toàn thể Giáo Hội cử hành “Tháng ngoại thường về truyền giáo” vào tháng 10/2019 này để cầu nguyện cho hòa bình thế giới và làm mới lại tinh thần Loan Báo Tin Mừng nơi người Kitô hữu. Đáp lại lời mời gọi của vị cha chung, Giáo phận Hà Tĩnh, Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay được tổ chức theo từng Giáo hạt cho các cặp hôn nhân tân tòng hay khác đạo theo Thông báo số 2 của Ban Loan báo Tin Mừng ngày 10/9/2019.
Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội đã khẳng định Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo; hay nói cách khác, truyền giáo là sứ mạng duy nhất làm nên căn tính của Giáo Hội. Nghĩa là nếu Giáo Hội không truyền giáo cũng đồng nghĩa với việc Giáo Hội không còn lý do tồn tại. Vì loan báo Tin Mừng là sứ mạng mà Giáo Hội nhận từ nơi Đức Kitô: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ…” (Mt 28,19-20), và Đức Kitô nối tiếp sứ mạng đó từ nơi Chúa Cha: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Cách cụ thể, loan báo Tin Mừng là sứ mạng của Thiên Chúa, được Chúa Giêsu thi hành trước, rồi trao cho các Tông đồ và Giáo Hội qua lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo” (Mc 16,15).
Vậy, truyền giáo là gì? Trước hết, chúng ta cần hiểu truyền giáo không đơn thuần chỉ là truyền bá giáo lý của một tôn giáo để nhằm chiêu mộ tín đồ, mà bản chất của truyền giáo là nói cho con người biết kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa – Thiên Chúa yêu thương con người và muốn cho con người chia sẻ sự sống với Người, muốn cho mọi người được cứu độ.
Vì thế, để nói về Tình Yêu của Thiên Chúa cho người khác, trước hết người Kitô hữu phải cảm nhận được Tình Yêu mà Chúa đã dành cho mình, rồi nhờ sự thúc đẩy của Tình Yêu chúng ta nhận được nơi Thiên Chúa mà ra đi rao giảng về Người, như Đức thánh cha Phanxicô trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay đã dùng hình ảnh một người đang yêu để diễn tả động lực lên đường của nhà truyền giáo: “Ai đang yêu thì không bao giờ bất động; họ bị lôi cuốn; và đến lượt mình lại lôi cuốn người khác; họ hiến mình cho người khác và xây dựng những mối quan hệ trao ban sự sống. Trong mọi việc liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa, không ai là vô ích hay vô nghĩa. Mỗi người chúng ta là một nhà truyền giáo cho thế giới này, vì mỗi người chúng ta là hoa trái tình yêu của Thiên Chúa”.
Trước khi thánh lễ được cử hành, cha Giuse Nguyễn Viết Nam, quản xứ Tĩnh Giang, đã gặp gỡ, chia sẻ với anh chị em tân tòng với chủ đề “Loan báo Tin Mừng”. Qua những lời chia sẻ cha Giuse đã giải thích, gợi mở cũng như khẳng định tầm quan trọng của việc Loan Báo Tin Mừng. Cha cũng khuyên nhủ mọi người, đặc biệt là anh chị em tân tòng cần canh tân nếp sống và tích cực loan báo Tin Mừng cho mọi người qua đời sống thường ngày.
Sau bài chia sẻ, cha Giuse đã mời gọi anh chị em tân tòng và cộng đoàn tham dự cùng nắm tay nhau cất lên lời Kinh Lạy Cha mà chính Chúa Giêsu đã dạy để thể hiện tinh thần hiệp nhất của đoàn con cái Chúa. Kết thúc buổi gặp gỡ cha Giuse cùng với cha Phaolô Lê Văn Hùng, quản xứ Vĩnh Luật, đã giải đáp những thắc mắc của anh chị em tân tòng hầu góp phần củng cố đời sống Đức Tin, sống đúng Lời Chúa, đúng với những gì Giáo Hội dạy.
Thánh lễ Khánh Nhật Truyền Giáo bắt đầu vào lúc 9 giờ do Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ tế. Đồng hiệp dâng thánh lễ với ngài có quý cha trong và ngoài Giáo hạt Văn Hạnh. Thánh lễ như một hồng ân, một dấu ấn khắc ghi trong lòng bà con giáo dân Giáo hạt vì trong thánh lễ có sự hiện diện của gần 1000 anh chị em tân tòng đến từ 16 Giáo xứ trong Giáo hạt.
Trong bài giảng lễ, Đức cha Phaolô đã dùng hình ảnh cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các môn đệ để diễn tả cuộc gặp gỡ của mọi người tham dự thánh lễ, cách riêng là với anh chị em tân tòng, với Chúa Giêsu. Ngài đã mô tả cho cộng đoàn thấy được chính Chúa Thánh Thần đã tác động, thúc đẩy mọi người gặp gỡ nhau để cùng trao ban Tin Mừng cứu độ. Đức cha cũng bày tỏ mong muốn cộng đoàn tham dự sống Lời Chúa và truyền rao Tin Mừng.
Ngài cũng chia sẻ những trăn trở với tình trạng hiện nay của các Kitô hữu, nhiều người còn sống trong lầm lạc, hoặc đang sống trong tinh thần thiếu yêu thương làm gương mù gương xấu. Đức cha Phaolô mời gọi cộng đoàn truyền giáo bằng chính đời sống chứng tá qua những cách thế khác nhau phù hợp với từng đối tượng, một cách cụ thể và rõ nét. Ngài nói: “Phải thông truyền Đức Giêsu cho mọi người tại bất cứ nơi nào, một Tân Tòng, một công nhân cũng có thể nói về Chúa và trình bày cho mọi người một con đường tốt nhất, một con đường chắc chắn nhất để về với Chúa trên trời, phù hợp với trình độ mỗi người, nhưng quan trọng nhất là cần phải làm chứng bằng đời sống, bằng con tim”.
Đức cha đã giảng giải cho cộng đoàn biết phương pháp truyền giáo tốt nhất là bằng đời sống chứng nhân nơi những công việc đời thường. Ngài nói thêm về việc Loan báo Tin Mừng và hội nhập văn hóa, để mọi người biết dung hòa giữa văn hóa và công cuộc Loan Báo Tin Mừng sao cho phù hợp nhất. Chúng ta cần có cách truyền giáo mới, bắt kịp những xu hướng đổi mới để thay đổi cách truyền giáo truyền thống để giúp mọi người có thể đón nhận Chúa cách dễ dàng hơn. Đức cha cũng khuyên sử dụng phương pháp đối thoại, mời gọi, kể cho họ nghe về Tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu. “Những anh chị em tân tòng cần truyền rao cho những người thân để mọi người hiểu hơn về Giáo Hội tránh những lầm lẫn không đáng có”, Đức cha Phaolô nói. Ngoài ra ngài cũng đưa thêm một số dẫn chứng để minh họa, làm gương sáng cho cộng đoàn tham dự, Đức cha cũng thể hiện ước muốn, hy vọng sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ với anh chị em tân tòng hơn để có thể trau dồi đời sống Đức tin cho mỗi người.
Thánh lễ kết thúc trong tâm tình tạ ơn Chúa với điệp khúc “Hồng ân cảm tạ”, sau đó là những lời tâm tình tạ ơn Chúa, tri ân Đức cha, quý cha, quý cộng đoàn của vị đại diện anh chị em tân tòng. Đáp lời, Đức cha cũng thể hiện niềm vui mừng và cũng không quên nhắn nhủ đoàn con cái luôn luôn cố gắng sống chứng nhân giữa đời với tinh thần của niềm vui tin mừng cứu độ.
Hy vọng rằng, sau thánh lễ mọi người sẽ ý thức hơn trong công cuộc truyền rao Tin Mừng, đem Chúa đến cho mọi người bằng những cách thế khác nhau và luôn sống đúng như Lời Chúa dạy hầu có thể “làm muối”, “làm men”, tạo sức thu hút cho những người chưa biết Chúa đến với Chúa, đến với Giáo Hội.
Thanh Tấn
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12