Giáo phận Hà Tĩnh: Nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu, 15h00 thứ Sáu Tuần Thánh

1655 lượt xem

Thánh Giá là tâm điểm của thực hành phụng vụ trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Vì thế, hôm nay, chúng ta được mời gọi tập trung vào Thánh Giá, nhìn lên Thánh giá, vì đó là địa chỉ mạc khải tình yêu của Thiên Chúa và là suối nguồn ơn cứu độ. Chúng ta được mời gọi hãy nhìn lên Thánh giá với tâm tình sám hối và tin yêu, để được Chúa thứ tha và được múc lấy nguồn sự sống dồi dào.

Hình phạt đóng đinh vào cây thập giá là một hình phạt ghê rợn nhất mà người La Mã thời xưa áp dụng cho các tử tù, những người phạm tội chống đối họ.

Trước cuộc khổ nạn với những cực hình khủng khiếp như thế, Chúa Giêsu đã phải thốt lên với Thiên Chúa Cha lời kêu xin: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Thật sự, khi những đau đớn và sợ hãi sắp xảy đến cho Chúa Giêsu, Ngài vẫn có xu hướng muốn né tránh. Nhưng Chúa Giêsu đã không làm thế. Chúa đón nhận thập giá vốn là cái mà bản tính tự nhiên con người không thích. Ngài chiến thắng được cám dỗ muốn buông xuôi, muốn tìm kiếm một con đường dễ dàng hơn, thoải mái hơn. Chúa Giêsu chiến thắng bằng việc vui lòng đón nhận thập giá với một sự tự nguyện và với một tình yêu thương vô bờ bến. Vì thế, nếu thập giá bị người Do thái cho là một sự ô nhục, người Hy lạp cho là sự điên rồ và người lương dân Việt Nam chúng ta gọi là cây thập ác thì với người tin vào Đức Giêsu, thập giá lại trở thành thánh giá, là sức mạnh của tình yêu. Bởi vì, như Thánh Phêrô đã cho chúng ta biết, tất cả “tội lỗi của chúng ta, chính Chúa Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2, 24). Tất cả tội lỗi của chúng ta đã được Đức Giêsu mang lên thập giá, đóng đinh vào thập giá.

Nghĩa là khi Con Thiên Chúa đặt mình vào thập giá và được giương lên cao, thì thập giá không còn là sự thất bại, không còn là đồ chúc dữ nữa, nhưng đã trở thành Thánh Giá, thành cờ hiệu chiến thắng đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Từ nay, Thánh Giá chính là hy vọng và là niềm vinh dự của chúng ta. Từ nay, thay vì là biểu tượng của sự ô nhục và thất bại thì ngang qua cái chết của Chúa Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của sự chiến thắng tội lỗi và đem lại vinh quang cho con người bằng một tình yêu vô vị lợi. Thay vì là biểu tượng của sự đau khổ và vô cảm, thì ngang qua sự hiến thân của Chúa Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của sự hòa giải và tình liên đới với Thiên Chúa bằng một tình yêu khiêm hạ. Thay vì là biểu tượng của sự hận thù và chết chóc, thì ngang qua việc hy sinh mạng sống của Chúa Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của một đức tin tinh tuyền và một tình yêu son sắt Thiên Chúa dành tặng cho nhân loại.

Nhưng thập giá không chỉ là hai thanh cây gỗ chéo nhau như chúng ta thấy, mà còn là phận người, là cái đói, cái khát, là cái nghèo, cái rét, nhất là bị xua trừ, khinh bỉ, sỉ nhục và phản bội…

Và sống đạo, làm người kitô hữu là bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Bước đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá hôm nay, cho dù chúng ta không bị đòn vọt, tù tội, không có mão gai, không bị đóng đinh vào tay chân, không bị lưỡi đòng đâm thâu, nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Đi con đường thập giá của Chúa Giêsu hôm nay chúng ta vẫn phải đối diện với nỗi đau đớn của sự phản bội, vu khống, bội bạc nơi chính những người đang cùng sống với chúng ta. Thậm chí, có khi là sự vô ơn, bội bạc đến từ những người thân yêu nhất của chúng ta, những người cùng chung chăn chung gối, anh chị em trong một nhà, con cái, bạn bè, cộng đoàn, lối xóm…

Bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá hôm nay đòi hỏi chúng ta phải hy sinh liên lỉ. Giữa một thế giới người ta đặt vật chất, danh vọng và thú vui là trên hết, thì đi con đường thập giá của Chúa Giêsu là ta chọn Chúa và đặt Chúa làm giá trị cao nhất, chọn một người không có chỗ gối đầu. Giữa một thế giới người ta chỉ muốn hưởng lạc thú thể xác mà không muốn sinh con, người ta dễ dàng “khóc”, và lớn tiếng kêu gọi “chia sẻ” khi thấy những nạn nhân của sóng thần, thiên tai, dịch bệnh… nhưng lại cho phép và cổ võ việc giết những con người vô tội, vô phương chống cự, giết những thai nhi còn trong dạ mẹ… Giữa một thế giới như vậy người kitô hữu chúng ta được mời gọi cộng tác với Chúa một cách ý thức và trách nhiệm trong việc sinh sản và giáo dục con cái theo giáo huấn của Chúa Giêsu, đó chính là đang bước theo Chúa trên con đường thập giá.

Đi con đường thập giá của Chúa Giêsu hôm nay là phải sống chân thật, phải chấp nhận chịu thiệt thòi, mất mát giữa một thế giới người ta xem lường gạt và dối trá như là điều bình thường.

Như vậy, bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá là mời gọi mỗi chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa bằng cách sống đời sống công chính – đời sống đòi hỏi khước từ những quyến rũ của danh lợi thú trần gian, đòi hỏi đóng đinh tính xác thịt mình, đòi hỏi chấp nhận đau khổ, chấp nhận hiến thân, hy sinh vì phần rỗi của mình và của người khác.

Xin cho chúng con biết nhìn lên Thập giá Chúa, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa và thực hành tình yêu tự hiến hy sinh mỗi ngày trong đời.

BBT

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận