Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII – Giáo phận Vinh: Những bước hình thành và phát triển

2940 lượt xem

Sứ vụ Loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo Hội, chính vì thế, việc đào tạo những người sống đời thánh hiến – những thợ gặt, thợ làm vườn nho của Chúa – luôn là mối quan tâm hàng đầu và bổn phận thiêng liêng của Giáo Hội mọi nơi mọi thời. Giáo phận Vinh là một cánh đồng truyền giáo rộng lớn, được Thiên Chúa phú ban cho những vụ mùa bội thu; đặc biệt, mảnh đất này được ví như một “vựa ơn gọi” rất đỗi phong nhiêu. Phải chăng chính từ những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt mà con người nơi đây được hun đúc trở nên rắn rỏi, chân chất, gan góc, nhiệt thành, luôn dám xả thân vì lý tưởng ơn gọi tu trì? Dường như những gì tinh túy nhất của xứ Vinh đã tinh đọng nơi con người và được chắt lọc để dâng hiến cho Thiên Chúa. Một Giáo phận lớn như thế, số lượng ơn gọi đông như vậy, ấy thế mà viễn tượng thành lập một cơ sở Học viện để đào tạo đội ngũ những người sống đời thánh hiến cho công cuộc Truyền giáo vẫn là một ước mơ lớn, chưa thể hiện thực hóa qua nhiệm kỳ của nhiều vị chủ chăn. Sau nhiều năm ấp ủ và chuẩn bị, ngày 08/09/2014, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, đã quyết định thành lập Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII (St. Pope John XXIII Inter-Congregational Institute) để tạo điều kiện nâng cao chất lượng Tri thức – Đức tin – Mục vụ cho các học viên thuộc các Hội dòng, Hiệp hội cũng như những giáo dân trong và ngoài giáo phận muốn theo học. Một hiện hữu mới đã thực sự tháp nhập vào gia sản của Giáo phận; từ đây, Giáo phận Vinh đã có một Học viện hội nhập vào “mạng lưới giáo dục Kitô giáo” tại Việt Nam.

1/ Bổn mạng và Tinh thần

Học Viện nhận Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII làm mẫu gương để bước theo trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa và ơn cứu độ của Người qua việc học hỏi và thẩm thấu kiến thức Thần học. Niềm tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa là điểm nhấn trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Sự tín thác của ngài đã được ý Chúa nhiệm mầu đặt vào đúng thời đúng buổi. Bằng hành động mở toang cửa sổ phòng của mình, ngài đã thực hiện một công cuộc vĩ đại. Đó là triệu tập Công Đồng Vaticanô II, đưa Hội Thánh vào luồng gió mới của Chúa Thánh Thần, dù dưới con mắt nhiều người, ngài chỉ là vị Giáo hoàng “già nua” và đóng vai trò “chuyển tiếp”. Điều mà lý luận của con người cho là không thể thì ngài đã chứng minh là có thể thực hiện với ơn Chúa. Ngoài ra, sự thánh thiện, thanh thản, bình an, và vâng phục là những nét đặc trưng trong nhân cách của ngài mà mỗi học viên cần học hỏi. Nhìn vào những điểm sáng và nhân đức của thánh quan thầy, tất cả học viên của Học Viện được mời gọi: “Bước theo Đức Kitô” theo tinh thần của ngài.

Khóa II

2/ Mục tiêu

Học viện đặt mục tiêu hoàn thành chương trình huấn luyện một cách có hệ thống và chuyên biệt, theo định hướng của Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ[1], đồng thời góp phần đào tạo nhân sự cho các Hội dòng. Với nguyên lý hiện hữu như đã nói ở trên, tự thân, Học Viện là một thực tại mang đặc tính và giá trị Tông đồ. Học viện nhắm đến sứ mạng cổ võ, vun trồng, cung cấp một môi trường không chỉ xứng hợp để đào sâu các suy tư về triết học, thần học, Thánh kinh, mục vụ, truyền giáo, mà còn là nơi thuận lợi để nghiên cứu về nguồn mạch sâu xa của tri thức nhân loại, để có thể suy tư thần học dựa trên kinh nghiệm sống đức tin và văn hóa của dân tộc Việt. Qua đó, khuyến khích học viên việc tìm kiếm những phương pháp mới, sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ và truyền giáo của Giáo hội Việt Nam trong hoàn cảnh đặc trưng của mình.

Khóa III

3/ Cơ sở đào tạo

Những năm đầu, vì điều kiện cơ sở vật chất của Giáo phận chưa ổn định, Bề Trên Giáo phận đã cho phép Học viện hoạt động tại Tòa nhà Đa năng của Hội dòng Mến Thánh Giá Vinh. Kể từ năm 2021, cơ sở đào tạo của Học viện chuyển về khuôn viên Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vinh. Có 3 phòng học, 1 phòng thư viện, 1 phòng máy, một phòng giao ban, Hội trường lớn, Nhà nguyện, phòng nghỉ cho giáo sư, phòng nghỉ cho học viên khi học cả ngày. Ngoài ra, có nhiều khoảng không gian thích hợp cho các giờ giải lao hoặc các hoạt động ngoại khóa khác.

Khóa IV

4/ Nguyên tắc tổ chức

– Nguyên tắc tổ chức: Hoạt động theo Quy chế của Học viện, trong khuôn khổ và dưới sự giám sát của Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh. Theo đó, Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh là người giám sát chung. Hiện tại, Học viện đang hoạt động dưới sự giám sát của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long.

– Cơ chế phục vụ và điều hành: Ban Điều Hành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển, tổ chức điều hành mọi hoạt động của Học viện. Để hình thành một cơ chế phục vụ, giảng dạy, điều hành học viện cách vững chắc và hữu hiệu, Học viện Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tổ chức quản trị học viện với đội ngũ các nhân sự được tuyển chọn kỹ lưỡng, trên nền tảng quy chiếu vào những quy tắc hiện hành của Bộ Giáo Luật; đồng thời cũng thích ứng theo quy chế và nội quy riêng của học viện. Ban Giám hiệu hiện tại của Học viện là cha Giám đốc Phaolô Nguyễn Thiện Tạo và Phó Giám đốc là chị Anna Nguyễn Thị Quế (Hội dòng Mến Thánh Giá Vinh), cùng với quý cha trong Ban điều hành.

Khóa IV và V

– Các tiểu ban khác: Các học viên sẽ bầu các tiểu ban hoạt động cho phù hợp với nhu cầu thực tế và trình Ban Điều hành phê duyệt.

– Giảng viên: Bao gồm các giảng viên cơ hữu của Học viện và những giảng viên được Ban Điều hành mời tham gia giảng dạy tại Học viện. Các giảng viên có nhiệm vụ khơi dậy, thăng tiến và thông truyền nhận thức đức tin và là chứng nhân của Chúa và Giáo hội trong môi trường sống.

Khóa VI

5/ Nguyên tắc hoạt động

Để thực hiện đúng mục đích của mình, Học viện đảm bảo các nguyên tắc trong hoạt động như sau:

– Tuân thủ các định hướng của Đức Giám mục Giáo phận và Quy chế của Học viện.

– Chương trình Đào tạo đúng đường hướng của Giáo hội.

– Trong việc truy tầm tri thức thánh và trong việc gìn giữ truyền thống nhân văn Ki-tô giáo, suốt thời gian Học Viện, việc học là việc tông đồ chính của mỗi học viên. Để có hoàn tất cách tốt đẹp sứ mạng này, mỗi học viên được mời gọi phát huy tinh thần hy sinh và tình yêu lớn dành cho Thiên Chúa và con người, cần biết “biến bàn học thành bàn thờ”, nơi học viên dâng hiến con tim, trí tuệ và cả con người mình cho Thiên Chúa.

– Phát huy quyền chủ động sáng tạo của các học viên, của Ban Điều hành; Hợp tác chặt chẽ với những người có trách nhiệm trong Học viện cũng như trong các Hội dòng, Hiệp hội và Tu đoàn hay các tổ chức khác gửi học viên đến học tại Học viện.

– Mời gọi các Hội dòng, Hiệp hội và những học viên sau khi đã tốt nghiệp tại Học viện tiếp tục xây dựng Học viện phát triển.

Khóa VII

6/ Chương trình đào tạo

Giai đoạn I: Nền tảng Thần học

– Thời gian đào tạo là 2 năm, mỗi năm 2 học kỳ.

– Nội dung đào tạo: Gồm 34 môn học căn bản và quan trọng, chiếm 1200 tiết học và 120 tín chỉ, nhắm đến tất cả các chiều kích tri thức triết học, thần học, nhân học và kỹ năng mục vụ. Ngoài ra, Học Viện tổ chức các buổi chuyên đề mang tính thời sự, thực tiễn và ứng dụng cao cho các môn đệ truyền giáo. Các hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm truyền giáo khác cũng được chú trọng, với mục đích chuẩn bị những hành trang tốt nhất cho đời sống ơn gọi và cho sứ vụ của những người thánh hiến nói riêng và cho những ai theo học tại đây nói chung.

Giai đoạn II: Huấn luyện cho các nhà đào tạo ơn gọi đời sống thánh hiến

– Thời gian đào tạo là 1 năm chuyên biệt, gồm 2 học kỳ.

– Nội dung đào tạo: Các môn học thánh và kỹ năng huấn luyện và đồng hành, các chương trình ngoại khóa, hội thảo chuyên đề và các giảng khóa. Tất cả gồm 600 tiết học và 60 tín chỉ.

– Mục đích: Nhằm hỗ trợ nhân sự cho công tác huấn luyện tại các Hội dòng, Hiệp hội và các Cộng đoàn sống đời sống thánh hiến, Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII thiết lập Khóa học đào tạo liên tục hàng năm cho các nhà đào tạo ơn gọi đời sống thánh hiến.

– Điều kiện: Các học viên đã tốt nghiệp thần học tại Hiện viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII hoặc các Học viện khác được Bề trên giới thiệu.

Khóa VIII

7/ Các khóa đã tốt nghiệp

Cho đến bây giờ, các học viên theo học tại Học Viện là các nữ tu sĩ của các Hội Dòng và Hiệp Hội, chưa có sự tham gia của giáo dân. Những khóa học đầu tiên, chỉ có sự tham gia của Dòng Mến Thánh Giá Vinh và Hiệp Hội Thừa Sai Bác Ái Vinh vì đây là hai nguồn lực nữ tu chủ yếu của Giáo phận. Theo thời gian, đã có thêm sự góp mặt của các Hội dòng, Hiệp hội khác. Hiện tại, có 7 Hội dòng và Hiệp hội đang gửi người tu học tại Học Viện Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Đó là Dòng Mến Thánh Giá Vinh, Hiệp Hội Thừa Sai Bác Ái Vinh, Dòng Chị Em Bác Ái Thouret, Dòng Tiểu Muội Đức Mẹ Lên Trời, Hiệp Hội Đaminh Tin Mừng, Dòng Carmel Giuse, Dòng Chúa Thánh Thần. Trải qua 9 khóa, có 533 học viên đã tốt nghiệp (Khóa 1 đến Khóa 7) và 146 học viên đang theo học hiện tại (Khóa 8 và Khóa 9), trong đó có 65 học viên sẽ tốt nghiệp vào ngày 25/05/2023. Đây là một thành quả đáng ghi nhận.

Khóa IX

Các khóa đã tốt nghiệp:

TTKHÓA HỌCTHỜI GIANSỐ HỌC VIÊNCÁC HỘI DÒNG
1Khóa 12014 – 201686MTG Vinh + TSBA Vinh
2Khóa 22015 – 201737MTG Vinh + TSBA Vinh
3Khóa 32016 – 201870MTG Vinh + TSBA Vinh
4Khóa 42017 – 201979MTG Vinh + TSBA Vinh
5Khóa 52018 – 202066MTG Vinh + TSBA VinhThouret + Tiểu Muội
6Khóa 62019 – 202195MTG Vinh + TSBA VinhThouret + Tiểu Muội + Đaminh Tin Mừng
7Khóa 72020 – 2022100MTG Vinh + TSBA VinhThouret + Tiểu Muội + Đaminh Tin Mừng

Các khóa đang trong thời gian đào tạo:

TTKHÓA HỌCTHỜI GIANSỐ HỌC VIÊNCÁC HỘI DÒNG
1Khóa 82021 – 202368MTG Vinh + TSBA VinhThouret + Tiểu Muội + Đaminh Tin Mừng + Carmel Giuse
2Khóa 92022 – 202478MTG Vinh + TSBA VinhThouret + Tiểu Muội + Đa minh Tin Mừng + Dòng Chúa Thánh Thần

Khóa VIII và IX

LỜI TẠ ƠN

Chặng đường ân phúc của Học Viện Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã đi qua chín năm hiện hữu và đang hướng đến cột mốc 10 năm thành lập. Dù hành trình này có lắm thử thách nhưng vượt trên tất cả, ơn Chúa vẫn đong đầy ngang qua tâm sức và công sức của biết bao tấm lòng cao cả. Để rồi, đến hôm nay, Học Viện được lớn lên từng ngày trên mọi chiều kích tự nhiên lẫn siêu nhiên, không còn tập tễnh bước đi nhưng có thể vững bước đương đầu với những trái khuấy của thời cuộc liên hệ đến sứ mạng Loan báo Tin Mừng. Với nền tảng và đà tiến hiện tại, Học Viện Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đang hướng đến những viễn tượng tròn đầy và hứa hẹn hơn trong tương lai, nhằm góp một phần sức lực vào công cuộc Truyền giáo của Mẹ Giáo Hội.

Xin tri ân Quý Đấng Bậc, Ban Điều Hành, quý Giáo sư, quý ân nhân và toàn thể các học viên đã cho Học Viện một khởi đầu và qua từng ngày, vẫn miệt mài kiến tạo mái nhà Học Viện. Nơi đây đã thực sự trở nên một gia đình, nơi gặp gỡ của các Linh đạo và tâm điểm của những nẻo đường tâm linh. Với nét đặc trưng là triển nở văn hóa thiêng liêng “cho và nhận”, Học Viện như một khung trời bừng sáng giá trị cao đẹp của Tin Mừng. Quý Giáo sư luôn thao thức truyền đạt cho các học viên những gì là tinh anh nhất, để hun đúc nên hồn tông đồ và hành trang sứ vụ cho các môn đệ truyền giáo. Còn các học viên thì không ngừng miệt mài khám phá những chân lý mặc khải cũng như những nét đẹp nhân sinh được trao ban nơi giảng đường để thu góp vốn liếng mà ra đi thực thi sứ mạng. Dù mang đặc tính khoa bảng, tuy vậy, với phương châm: “Các môn Thần học không biến Thiên Chúa thành đối tượng để học viên phân tích nhưng là giúp học viên hiểu biết, yêu mến và gắn bó hơn với Người trong đức tin và cầu nguyện”, thì Học Viện có thể giúp các tông đồ mang thánh hiệu “Sequela Christi” ngày càng đi sâu hơn vào mối thân tình với Thiên Chúa trên con đường hoàn thiện. Từ đó, phương thức Phúc Âm hóa này sẽ được nhân rộng và lan tỏa đến những nơi mà các học viên được sai đến thực thi sứ vụ của mình giữa lòng thế giới.

Địa chỉ liên lạc chính thức của Học viện
Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Địa chỉ: Tầng II, Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vinh
Nghi Diên – Nghi Lộc – Nghệ An,
E-mail: [email protected]

[1] Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các hội dòng “Potissimum institutioni, 02-02-1990”, số 61

 Maria Diệu Huyền, MTG Vinh
Học Viện Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII

Nguồn:gpvinh.org

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận