Hơn 365 triệu Kitô hữu bị bách hại trên thế giới trong năm 2023

1760 lượt xem

Các Kitô hữu bị giết ở Kafanchan, Nigeria
Theo phúc trình được công bố hôm thứ Tư 17/01 của Tổ chức Open Doors-Những cánh cửa mở, trong năm 2023 vừa qua có hơn 365 triệu Kitô hữu bị bách hại trên khắp thế giới. Bắc Hàn đứng đầu trong danh sách này, và bách hại của Hồi giáo vẫn là nguyên nhân chính của các hành động chống Kitô hữu.

Vatican News

Trong năm 2023 có 4.998 Kitô hữu bị sát hại vì đức tin

Được trình bày tại Ý trong phòng họp báo của Nghị viện, phúc trình là kết quả công việc của một nhóm các nhà nghiên cứu từ 31 năm qua, theo dõi thực tế hoàn cảnh của các Kitô hữu ở 100 quốc gia trên thế giới.

Theo đó, trong năm qua số Kitô hữu bị phân biệt đối xử và bách hại tăng từ 360 triệu lên 365 triệu trên khắp thế giới. Có 4.998 Kitô hữu bị giết vì những lý do liên quan đến đức tin. Trong khoảng 100 quốc gia được theo dõi, tình trạng đàn áp đang gia tăng mạnh mẽ, với 78 quốc gia với mức độ “cao”, và các nước có mức độ “cực đoan” tăng từ 11 lên 13. Các cuộc tấn công chưa từng có nhắm vào các nhà thờ tăng từ 2.110 lên 14.766. Trung Quốc nổi lên với hình thức bách hại kỹ thuật số. Và Ấn Độ bách hại bạo lực gia tăng.

Bắc Hàn là quốc gia có nhiều Kitô hữu bị bách hại nhất

Trong danh sách các quốc gia nơi Kitô hữu bị bách hại nhiều nhất, Bắc Hàn ở vị trí số 1. Việc Trung Quốc bắt hồi hương những người đến từ Bắc Hàn, kết hợp với chính sách bất khoan nhượng đối với các Kitô hữu của chế độ Bắc Hàn khiến việc sống đức tin Kitô ở đất nước này là bất khả thi.

Trong danh sách 5 quốc gia đứng đầu về bách hại Kitô hữu có 3 quốc gia Hồi giáo mạnh mẽ, điều này cho thấy sự bách hại từ Hồi giáo vẫn là một trong những nguồn gây ra sự bất khoan dung chống Kitô hữu: Somalia đứng thứ 2, Libya thứ 3 và Yemen thứ 5. Ở những quốc gia này đức tin Kitô giáo phải sống trong bí mật và nếu bị phát hiện có thể bị kết án tử.

Eritrea đứng vị trí thứ 4, được gọi là Bắc Hàn của Phi châu. Nigeria ở vị trí thứ 6 và Pakistan thứ 7 là hai quốc gia có nhiều Kitô hữu bị sát hại nhiều nhất trên thế giới.

Các vụ bắt cóc Kitô hữu

Phúc trình cho thấy số vụ bắt cóc tuy giảm nhưng vẫn ở mức độ cao, với 3.906 vụ, trong đó ít nhất 3.500 vụ ở châu Phi, chủ yếu ở Nigeria, Cộng hoà Trung Phi và Cộng hòa Dân chủ Congo. Tuy nhiên, hàng năm, có hàng chục ngàn Kitô hữu bị tấn công chỉ vì đức tin, và đa số các trường hợp này không được đưa ra ánh sáng, trong năm qua có 42.800 trường hợp trong khi năm ngoái là 29.400.

Tấn công nhà cửa và cơ sở kinh doanh của các Kitô hữu

Các cuộc tấn công vào nhà cửa, cửa hàng và cơ sở kinh doanh đã gia tăng rất nhiều từ 6.700 lên hơn 27.100 vụ. Hậu quả là tài sản bị hư hại, các Kitô hữu mất kế sinh sống phải chạy trốn. Do đó hiện tượng Giáo hội tị nạn đang gia tăng trở lại trong năm nay.

Bách hại tôn giáo liên quan đến phụ nữ

Các phân tích của phúc trình cũng cung cấp một cái nhìn tổng quan về các trường hợp bạo lực và lạm dụng đối với phụ nữ. Hàng ngàn người là nạn nhân của các vụ hãm hiếp để làm xấu hổ gia đình và cộng đồng của họ, hoặc các cuộc hôn nhân cưỡng ép nhằm mục đích ép cải đạo. Phúc trình chỉ ghi lại một số ít trường hợp: hơn 2.622 vụ hãm hiếp và 609 cuộc hôn nhân cưỡng ép. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì các lý do xã hội và văn hóa, hầu hết các trường hợp không được báo cáo với chính quyền.

Nói về tự do tôn giáo trong cuộc tranh luận công khai

Giám đốc Open Doors, Cristian Nani nhận xét, không chỉ các vụ thảm sát và bắt cóc, nhưng hơn 14.000 nhà thờ, bệnh viện và trường học Kitô giáo đã bị tấn công hoặc đóng cửa, hơn 27.000 hoạt động kinh tế bị cướp bóc hoặc phá hủy, buộc các gia đình và toàn bộ cộng đoàn Kitô giáo phải chạy trốn, gây ra các cuộc di cư vô nhân đạo và một “Giáo hội tị nạn kêu cứu”. Ông nói: “Trong 31 năm nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận sự gia tăng liên tục của cuộc bách hại chống Kitô giáo. Do đó, năm 2023 là một năm kỷ lục: cứ 7 Kitô hữu thì có 1 người bị phân biệt đối xử hoặc bách hại vì đức tin. Điều quan trọng là quay trở lại nói về tự do tôn giáo trong cuộc tranh luận công khai”.

Có thể bạn quan tâm