“Tình yêu làm cho chúng ta kiên nhẫn. Chúng ta đã nhiều lần mất kiên nhẫn. Chuyện đó cũng đã xẩy ra với tôi. Tôi xin lỗi vì đã làm gương xấu đêm qua”.
Bốn mệnh đề độc lập trên là tâm tình thốt ra từ miệng Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi ngài cử hành thánh lễ đón Năm Mới 2020 tại Đền Thờ thánh Phêrô, Rôma.
Chẳng là đêm trước, trong khi đi bộ chào khách hành hương, một bà đã ghì chặt tay ngài, khi ngài bắt tay bà, và có lẽ vì đau quá, ngài đã lấy bàn tay còn lại đập đập vào tay bà, với nét mặt khó chịu, không hài lòng.
Tấm hình và đoạn phim trên đã nhanh chóng được phát tán khắp nơi, và người ta thi nhau bình luận.
Riêng tôi, dựa vào bốn câu của Đức Thánh Cha, sau sự cố mà truyền thống chống công giáo cho là gương xấu nghiêm trọng, đã có những suy nghĩ hoàn toàn không giống như họ:
1. “Tình yêu làm cho chúng ta kiên nhẫn”
Nếu tình yêu là một món quà có sẵn, thì tình yêu chẳng có giá trị gì. Trái lại, người ta lớn lên trong tình yêu, nghĩa là phải tập yêu mỗi ngày, tập yêu từng giờ để biết yêu hơn, yêu đúng hơn, yêu trọn vẹn hơn. Tình yêu huấn luyện, hoán cải, đổi mới, thanh luyện chúng ta; tình yêu đào tạo chúng ta từng bước trở nên nhân hậu, bao dung, chịu đựng, tha thứ, cảm thông nhau hơn, bởi tình yêu là mầm non phải được chăm bón, vun xới; là chồi xanh cần được săn sóc, cắt tỉa để lớn lên và cho hoa trái.
Khi khởi đầu lời xin lỗi, Đức Phanxicô không chỉ xác tín vai trò và khả năng huấn luyện của tình yêu, mà còn công khai nhận mình là học trò trong trường dậy yêu thương, và bài học ngài đang chăm chú học, đang quyết tập thực hành, đó là “kiên nhẫn trong tình yêu, kiên nhẫn khi yêu thương”. Ngài khiêm tốn biết mình tuổi già sức yếu, mà gánh nặng Mục Tử nhân lành, đòi yêu thương đoàn chiên đến cùng và hy sinh cả mạng sống vì đoàn chiên đôi khi trở nên quá nặng nề, vượt sức người có hạn. Ngài cũng ý thức giới hạn con người, và biết mình chưa đủ kiên nhẫn trong sứ vụ yêu thương và hy sinh cho đoàn chiên được trao phó.
Chính vì thế, ngài đã khởi đầu thánh lễ đầu năm mới, bằng đấm ngực ăn năn và thì thầm: tôi thú nhận cùng Thiên Chúa, và cùng anh chị em, đặc biệt với người mà tôi đã bực bội đập lên bàn tay đêm qua, vì tôi đã thiếu kiên nhẫn trong tình yêu, thiếu kiên nhẫn khi yêu thương.
2. “Chúng ta nhiều lần mất kiên nhẫn”
Sẽ không khỏi “mất kiên nhẫn”, bởi người chúng ta yêu chưa là “thánh”, nhưng vẫn là “người” với nhiều khuyết điểm, tật xấu như ta. Hai người bất toàn yêu nhau, hai người bất xứng trước tình yêu của nhau, hai người yếu đuối, tương đối, không hoàn hảo cùng đi chung tuyến đường “lý tưởng” của tình yêu tuyệt vời, tuyệt hảo tuyệt đối, nên dễ mất bình tĩnh vì tính khí bất thường, khác thường, dị thường, hoặc những “thái quá, bất cập” đáng trách của nhau; mất kiên nhẫn vì những thiếu sót, lầm lỗi, kể cả xúc phạm làm tổn thương nhau.
Vì thế, bao lâu còn là người, và còn đồng hành trên hành trình yêu thương, chúng ta còn phải học kiên nhẫn, bởi kiên nhẫn mãi mãi là thách đố rất lớn của tình yêu; là thử thách rất khó vượt qua trong tình yêu. Bằng chứng là nguyên nhân chính đã làm đổ vỡ hầu hết các cuộc tình đều do những người yêu nhau đã không đủ kiên nhẫn khi yêu nhau.
Chẳng thế mà Đức Giêsu đã quả quyết với các tông đồ tình yêu cực kỳ kiên nhẫn của Ngài, khi nói với các ông: Ngài yêu họ đến cùng. Chắc chắn Đức Phanxicô của chúng ta cũng luôn tâm niệm, và cố gắng sống “tình yêu đến cùng”, tình yêu “kiên nhẫn” chịu đựng của Thầy mình đối với đoàn chiên được trao phó, nhưng vào đêm cuối cùng của năm cũ 2019, có lẽ mệt vì đi bộ trên lộ trình dài chào thăm đoàn chiên, bàn tay lại bị xiết đau, “con người” Phanxicô đã đuối sức, mất thăng bẳng, chao đảo…
3. “Chuyện đó cũng đã xẩy ra với tôi”
Tưởng không còn lời nào dễ thương hơn lời nhận lỗi khiêm tốn và chân thành phát xuất từ trái tim của vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, không phải lỗi cố tình làm hại ai, không phải lỗi nghiêm trọng làm tổn thương người nào, càng không phải lỗi nặng nề ảnh hưởng xấu đến thanh danh cá nhân hay tập thể, nhưng lỗi đã không đủ sức chịu nổi cơn đau, khi bàn tay của một cụ già tám mươi tư tuổi bị xiết chặt, buốt nhói tận xương; lỗi của một con người già yếu, vì đau đã không đủ sức chịu đựng, để bình tĩnh giữ nguyên nụ cười hiền hoà và nét mặt vui tươi.
Thực vậy, đã xẩy ra với Đức Phanxicô “lỗi của sức người có hạn” trong tình yêu hy sinh đến cùng cho đoàn chiên; đã xẩy ra cho Đức Thánh Cha “lỗi của một con người dòn mỏng” đang gánh vác trọng trách và thi hành sứ vụ yêu thương đến hy sinh mạng sống.
4. “Tôi xin lỗi, vì đã làm gương xấu đêm qua”
Thánh lễ Minh Niên năm nay thật thánh thiện với “Kinh Cáo Mình” sống động, khiêm tốn và chân thành của người kế vị Tông đồ trưởng Phêrô, đứng đầu Giáo Hội. Quả thực, đây là “Kinh Cáo Mình” lịch sử, lời thú tội tuyệt vời, tâm tình nhận lỗi và thống hối cực kỳ đáng kính, đáng yêu, đáng nhớ, đáng học hỏi vì giá trị và sức lôi cuốn, ấn tượng của nó.
Đức Thánh Cha đã khiêm nhường nghĩ mình làm gương xấu, nhưng gương xấu “dễ thương” của ngài đã là tấm gương ngời sáng tinh thần xóa mình của “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, bởi có được mấy người, mấy đấng bậc ở những vị thế cao trọng đã dám nhận mình có lỗi và can đảm xin lỗi vì đã làm nhiều gương xấu cho đoàn chiên.
Đức Phanxicô nhận mình đã làm gương xấu, và xin lỗi, vì ngài đơn sơ trong tình yêu, và hồn nhiên trong phục vụ. Chính vì đơn sơ và hồn nhiên, mà tâm hồn ngài bình an khi nhận mình còn nhiều thiếu sót; bình an biết mình có thể vấp ngã, sai lầm; bình an thấy mình mãi là con người có giới hạn và bất toàn, cần được nâng đỡ, thương xót, và nhất là bình an xin lỗi, mà không chút khó khăn, mặc cảm, bởi tận đáy sâu tâm hồn Mục Tử nhân lành, ngài đã sẵn sàng “xuống thấp đến tận cùng”, để hiến mình, hiến cả mạng sống cho đoàn chiên.
Vâng lậy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội Đức Phanxicô, Mục Tử của tình yêu xóa mình và khiêm tốn phục vụ. Vì hết mình phục vụ đoàn chiên mà “lỗi đã xẩy ra với ngài”; cũng vì xóa mình để yêu đoàn chiên đến cùng, ngài đã khiêm cung cúi đầu, đấm ngực “nhận lỗi và xin lỗi”.
Như bao nhiêu trái tim đang rạo rực, thổn thức lòng yêu kính Thánh Cha Phanxicô những ngày đầu năm, con cầu nguyện cho ngài và muốn nói với ngài: “Chúng con luôn yêu mến Đức Thánh Cha!”
Jorathe Nắng Tím
01. 2020
Có thể bạn quan tâm
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
Th11
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Cho 76 Em Tại Giáo Xứ..
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11
Niềm Vui Khánh Thành Nhà Mục vụ Giáo Xứ Tràng Lưu Trong Tuần..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXII TNB: Ai Vui Vẻ Dâng Hiến Thì Được..
Th11
Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th11