Kiện toàn Lề Luật

1171 lượt xem

Nhiều Kinh sư nghĩ rằng, khi Đức Giêsu chỉ trích họ về việc rửa tay và giữ ngày Sabat, là Ngài muốn hủy bỏ tất cả Lề Luật và truyền thống của tổ tiên. Thực ra, Đức Giêsu chỉ phê bình thói giả hình của họ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn nói rõ lập trường của Ngài là, Ngài đến không phải để bãi bỏ Lề luật, bãi bỏ đạo Do thái như một số Pharisêu và kinh sư hiểu nhầm, Ngài chỉ làm việc gạn đục khơi trong, kế thừa có chọn lọc. Vì lề luật đối với đời sống cộng đồng xã hội là rất quan trọng, nó duy trì trật tự ổn định trong đời sống chung, nó tham gia điều chỉnh các mối quan hệ xã hội bị tác động bởi những hành vi vô lối do tham vọng quá đáng của con người gây ra. Hơn thế, Lề Luật ở đây còn là những thánh chỉ và quyết định của Thiên Chúa để con người được sống, được khôn ngoan và thông minh.

Đức Giêsu không hề chủ trương một lối sống vô trật tự, thiếu kỷ cương để nói Ngài bãi bỏ Lề Luật, nhưng, thay vì chỉ biết bám vào hình thức của Luật, thì Đức Giêsu mặc cho nó một tinh thần mới. Ngài giữ chay và kêu gọi con người xé lòng chứ đừng xé áo. Ngài giữ ngày Sabat và kêu gọi con người thực thi bác ái. Ngài cảnh cáo những Pharisêu và luật sĩ khi họ cố tình bóp nghẹt tinh thần của Lề Luật. Ngài không ngần ngại lên án thái độ giả hình của họ bằng những lời quở trách nặng nề. Ngài ví họ như những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ bóng bẩy nhưng bên trong thì thối tha. Đức Giêsu muốn lột trần bộ mặt giả hình của những kẻ thích khoác áo lề luật để lòe thiên hạ, vì kiểu giữ luật của họ chẳng giúp biến đổi đời sống họ.

Phải kiện toàn lề luật, vì một đời sống nệ luật thì không có hạnh phúc. Thật vậy, người Do thái đang bị lạc lối trong cả một rừng luật với 613 điều, trong đó có 365 điều cấm và 248 điều buộc, mà các kinh sư đã bày ra khi giải thích Cựu Ước. Các bậc thầy thông luật trong Do thái giáo thường mang não trạng nệ luật, giải thích một cách chi ly và áp dụng một cách máy móc các quy định của lề luật. Họ đã tạo nên một bầu khí nặng nề, vất vả cho người dân, đến mức người dân cảm thấy mình là một kẻ nô lệ cho Giavê Thiên Chúa hơn là người con trong gia đình; yêu Giavê thì chẳng bao nhiêu mà sợ Giavê thì quá nhiều. Nói theo cách của thánh Phêrô thì luật ấy là cái ách quàng lên cổ như một tên nô lệ. Trong hoàn cảnh đó, Đức Giêsu không thể không tỏ rõ lập trường đối với việc tuân giữ lề luật. Vì Lề Luật cần thiết cho cuộc sống con người, nhưng cũng có thể gây ra bầu khí chết chóc khi nó trở thành phương tiện, thậm chí là vũ khí của Sự Dữ. Chính cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá, cũng là một cái chết được nhân danh công lí của Lề Luật: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết”. Đức Giêsu muốn giải thoát người dân khỏi những ràng buộc khắt khe vô lý của thứ lề luật đó, nên Ngài muốn thay đổi nếp sống cũ, thay đổi cung cách sống đạo cũ để đi vào thực chất hơn của việc tuân giữ lề luật.

Nhưng kiện toàn như thế nào? Đức Giêsu kiện toàn Lề Luật bằng cách đặt nền tảng cuộc sống của con người, không phải trên chữ viết của Lề Luật, nhưng trên Lời của Ngài, trên chính cuộc sống của Ngài. Theo đó, giữ Lề Luật không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng phải khởi đi từ chốn sâu thẳm trong tâm hồn, nơi con tim của chúng ta, trong cõi lòng chúng ta, chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Kiện toàn Lề Luật là không chỉ khử trừ cái ác cách hời hợt mà là chữa trị tận căn nguyên của tội ác đó. Luật dạy rằng: “Chớ giết người”, còn Đức Giêsu dạy: “Ai giận anh em mình thì phải bị đưa ra tòa”. Hành vi giết người bao giờ cũng bắt nguồn từ động cơ giận ghét, nên không đợi đến lúc ra tay giết người mới là phạm tội mà ngay khi giận ghét nhau, hành vi giết người đã nhen nhúm từ trong tư tưởng của mình rồi. Cũng vậy, hành vi ngoại tình bao giờ cũng được nẩy sinh trong tư tưởng, những ước muốn bất chính nung nấu bên trong thúc đẩy con người đến việc làm cụ thể bên ngoài. Quả thật mọi điều xấu xa như là: “gian tà, giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống”, đều từ lòng người mà phát xuất ra (Mt 15,19).

Mọi luật lệ đều qui về việc mến Chúa và yêu người. Một khi luật bị cắt đứt khỏi nguồn gốc là chính Thiên Chúa và cắt đứt khỏi cùng đích là vì con người, thì luật sẽ trở thành phương tiện hãm hại con người. Thánh Augustinô đã chia sẻ một kinh nghiệm quý giá: “Khi ta yêu thì ta không cảm thấy mệt mỏi”, nghĩa là nếu biết nghĩ đến lý do và mục đích của luật thì sẽ dễ vâng theo hơn; biết giữ luật vì tình yêu thì tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Thật vậy, nếu không có lòng yêu mến Chúa thật, chúng ta sẽ dễ tạo ra muôn ngàn cách để tự an ủi và miễn thứ cho mình khỏi phải tuân giữ luật Chúa, hoặc giải thích Lời Chúa theo sở thích riêng. Nếu không có lòng mến Chúa thì chúng ta cũng chỉ dựa vào câu chữ của lề luật để tạo lập sự công chính của mình; từ đó, sẽ dẫn đến thái độ kiêu ngạo và thú vui xăm xoi, dò xét và lên án người khác, tạo ra bầu khí căng thẳng và mệt mỏi trong gia đình, nơi cộng đoàn, bóp nghẹt tình yêu thương.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết yêu mến luật Chúa, vì Chúa đã nói: “Ách của Ta thì êm ái, gánh của Ta thì nhẹ nhàng”. Amen./.

BBT

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận