KINH MÂN CÔI, KINH NGUYỆN CỦA GIA ĐÌNH VÀ CHO GIA ĐÌNH
Cảm thức tôn giáo của người tín hữu trong mọi thời đại đều có những cách diễn tả lòng đạo đức của mình qua nhiều hình thức khác nhau luôn đi kèm theo đời sống Bí tích của Hội thánh, như việc tôn kính các di tích thánh, kính viếng các đền thánh, những cuộc hành hương, những cuộc rước kiệu, chặng đàng thánh giá, Kinh Mân Côi. Tuy nhiên, người tín hữu ưa chuộng hình thức tôn kính Đức Trinh Nữ Maria hơn cả. Chính vì thế, Giáo hội có cả một kho tàng kinh nguyện cũng như ca nguyện về Đức Maria. Giáo hội đặc biệt dành riêng hai tháng trong năm để kính Mẹ Maria với tên gọi khác nhau “Tháng Hoa” vào tháng 5 và “Tháng Mân Côi” vào tháng 10. Khi nói về tháng Đức Mẹ, Đức Phaolô VI viết: “Trong tháng này, các kitô hữu, tại thánh đường cũng như tại tư gia, tận đáy lòng dâng lên Mẹ Maria một niềm sốt sắng đặc biệt hòa trong kinh nguyện và lòng sùng kính mến yêu. Cũng như trong tháng này, từ ngai tòa của Mẹ, ân sủng lòng nhân lành Thiên Chúa cũng sẽ tràn đổ xuống cho chúng ta dồi dào hơn”.[1]
1.Lịch sử Mừng Kính trọng thể Lễ Mân Côi
Tháng Mân Côi chính thức hình thành vào năm 1886 do Đức Giáo hoàng Leo XIII qua thông điệp Supremi Apostolatus. Trong thông điệp này, Đức Giáo hoàng viết: “Tôi xác định và truyền lệnh rằng, trong năm nay, Đại Lễ Kính Đức Trinh Nữ Rất Thánh Mân Côi sẽ được cử hành một cách long trọng ở bậc Lễ trọng trên toàn thế giới Công giáo, và từ ngày mồng 01 tháng 10 tới ngày mồng 02 tháng 11, mỗi ngày phải tổ chức đọc ít nhất năm chục Kinh Mân Côi cùng với Kinh Cầu Đức Bà tại tất cả các Giáo đường, và nếu các Đức Giám mục thấy là thích hợp và hữu ích, thì cũng làm như thế tại tất cả các ngôi Thánh Đường khác hay tại các Thánh Địa được cung hiến cho Mẹ Thiên Chúa Chí Thánh, trên toàn thế giới”.
Chuỗi Mân Côi dâng kính Đức Trinh Nữ Maria đã dần dần phát triển dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Chuỗi kinh này được nhiều vị thánh yêu thích và phổ biến cho người tín hữu. Với tính chất đơn sơ nhưng rất thâm sâu, chuỗi này vẫn là một kinh nguyện mang đầy ý nghĩa, đem lại nhiều hoa trái thánh thiện. Chuỗi Mân Côi đã đi vào mọi khía cạnh trong đời sống của người tín hữu. Ở đây, chúng ta thử nhìn lại Chuỗi Mân Côi là kinh nguyện của gia đình và cho gia đình
2.Kinh Mân Côi, bản tóm Phúc Âm
Chuỗi Mân Côi là “bản tóm Phúc Âm”[2] và cũng là lời kinh dẫn chúng ta đến với Chúa. Thật vậy, khi người tín hữu lần chuỗi Mân Côi với các sự ngắm “Vui-Sáng-Thương-Mừng”, người tín hữu chiêm ngắm dung nhan Đức Kitô từ khi sứ thần truyền tin và nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, cho đến khi Đức Giêsu chịu Thương Khó, Phục Sinh và lên trời. Với cấu trúc Kinh Lạy Cha-Kính Mừng-Sáng Danh, người tín hữu lặp đi lặp lại lời kinh Chúa Giêsu dạy, lời kinh ca tụng không ngừng về Đức Kitô “người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (x.Lc 1,42) và lời vinh tụng ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi.
Kinh Mân Côi là lời kinh cùng Mẹ đến với Chúa. Lời thưa “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử”, người tín hữu chạy đến nương náu bên mẹ với một niềm tín thác cậy trông. Với tâm tình con thảo, người tín hữu nhờ Đức Mẹ chuyển cầu từ đời sống tinh thần đến đời sống vật chất lên Chúa. Cũng như xưa, Mẹ đã cùng với các tông đồ cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,8-14), thì nay với lời Kinh Mân Côi, Mẹ hiện diện với gia đình. Cùng với Mẹ, chúng ta không chỉ cầu cho kẻ sống là những người đang lữ hành ở nơi thế gian đang phải đối mặt với nhiều cám dỗ, cạm bẫy, dễ dàng phạm tội, sa ngã và xa rời Thiên Chúa. Chúng ta còn nhớ đến những người đã khuất là ông bà, cha mẹ, là người thân, bạn bè khi thốt lên “Ôi Chúa Giêsu lòng con mến yêu, xin tha các tội lỗi chúng con đã phạm, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục, và xin đưa các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn đang cần đến lòng khoan nhân Chúa hơn hết”.
3.Kinh Mân Côi là lời kinh quy tụ
Kinh Mân Côi là lời kinh quy tụ thành viên với nhau. Kinh nguyện này rất thân thiết trong mọi gia đình và tạo điều kiện cho gia đình hợp nhất với nhau. Chắc hẳn, nhiều người chúng ta khi lớn lên, còn có ấn tượng những giờ kinh gia đình. Những giờ kinh sáng, kinh tối các thành viên trong gia đình quy tụ với nhau. Ông bà, cha mẹ thức dậy sớm, gọi con gọi cháu quy tụ trước bàn thờ, dâng những lời kinh lên Thiên Chúa. Với lòng tin sốt mến, dầu cho có lúc còn “ngái ngủ”, hay người này bận việc này, việc kia, nhưng lời kinh vẫn được đối đáp hài hòa giữa hai các thành viên trong gia đình.
Kinh Mân Côi là lời kinh nuôi dưỡng, giáo dục đức tin. Lớn lên trong một gia đình đạo đức, cảm thức đức tin của người tín hữu được lớn lên và trưởng thành. Khi xưa, Đức Giêsu đã lớn lên trong gia đình dưới sự hướng dẫn của Đức Maria và Thánh Giuse. Nhờ sự giáo dục của các ngài, Đức Giêsu đã lớn lên và thấm nhuần giáo lý của người Do Thái. Kinh Thánh khi viết về Ngài diễn tả Ngài hằng vâng phục Đức Maria và Thánh Giuse. Ngài càng lớn lên càng thêm khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời (x. Lc 2, 51-52).
Nhờ lời kinh Mân Côi, chúng ta bước vào trường học của Đức Maria. Chúng ta không chỉ học về giáo lý của Đức Giêsu mà còn học về chính Ngài. Noi gương Mẹ “hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng”, chúng ta chiêm ngắm và tiến sâu vào các mầu nhiệm Tin Mừng của Đức Giêsu. Khi lớn khôn, người ta hay quên những kỷ niệm thời thơ ấu, nhưng họ không sao quên được lòng đạo đức vững vàng của người cha, lòng sùng đạo hiền dịu của người mẹ. Như lời của Hồng y Newman “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện từ kinh Tin Kính, đó chính là sức mạnh vĩ đại. Chuỗi Mân Côi bao gồm toàn bộ các mầu nhiệm đức tin và có thể nói là giúp chúng ta nắm trọn đức tin trong tay.
Kinh Mân Côi là lời kinh không chỉ giúp ta đến với Chúa mà còn giúp ta sống với nhau. Sống trong đời sống gia đình, giữa cha mẹ, con cái, hay giữa anh chị em không thể thiếu những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Lời kinh gia đình như là sự hòa giải, là sự tha thứ, là hy sinh. Lời kinh Mân Côi giúp mỗi người biết nhìn vào gương Chúa Giêsu để học cách yêu thương, tha thứ cho nhau.
4.Kinh Mân Côi, suy ngắm mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô
Khi cùng nhau ngắm những mầu nhiệm Vui-Sáng-Thương-Mừng, ta nêu lên những ơn xin trong đời sống hằng ngày. Ngắm Năm Sự Vui, chúng ta xin cho được ở khiêm nhường, có lòng yêu người, biết vui lòng chấp nhận những khó khăn, học hỏi sự vâng lời chịu lụy và luôn giữ nghĩa cùng Chúa luôn. Ngắm Năm Sự Sáng, chúng ta xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa, vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa, xin cho biết lắng nghe Lời Chúa và kết hợp với Chúa nhất là qua bí tích Thánh Thể (là chính nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu). Ngắm Năm Sự Thương, chúng ta xin cho được cùng Chúa Giêsu chịu mọi sự khốn khó trong cuộc sống này, chịu những đau thương thử thách về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, để rồi được kết hợp những hy sinh của ta vào cuộc Thương Khó của Ngài. Cuối cùng, chúng ta hướng về niềm vui hạnh phúc ở quê hương thiên đàng khi ngắm Năm Sự Mừng. Chúng ta vững lòng trông cậy vào ơn Chúa, vào lòng thương xót và lượng từ bi của Chúa, Ngài sẽ dẫn chúng ta về quê hương đích thực như Ngài đã thưởng Đức Maria trên nước thiên đàng.
Khi đọc kinh Mân Côi, lời kinh Kính Mừng là lời chào của thiên thần và của bà Êlizabet dành cho Đức Maria, người phụ nữ có phúc vì Đức Chúa ở cùng bà, thì nay lời kinh này được lặp đi lặp lại nơi môi miệng của những người con cái của Mẹ. Lời chào ấy làm cho tình chị em bà Êlizabet và Maria thêm thắm thiết và thấu hiểu những tâm tư trong lòng, đến nỗi những người con trong lòng cũng hiểu nhau. Thì bây giờ, lời kinh ấy giúp các thành viên cùng nhìn lên Mẹ, nhìn vào các mầu nhiệm của Chúa Giêsu con Mẹ. Có thể, mỗi người chúng ta không thể suy niệm và hiểu thấu hết mầu nhiệm ngắm ấy, nhưng lặp đi lặp lại lời kinh Kính Mừng giúp chúng ta cùng Mẹ đến với Chúa, đến với nguồn ân sủng tràn đầy Chúa tuôn đổ xuống trên ta qua lời chuyển cầu của Đức Maria.
Trong một xã hội phát triển, một xã hội con người chỉ muốn hưởng thụ và nuông chiều đời sống vật chất. Trong một xã hội người trẻ không còn chú trọng đến đời sống thiêng liêng, chỉ biết bám víu vào những niềm vui giả tạo, những cạm bẫy của thế giới ảo đang mời gọi. Các gia đình trẻ không còn biết dành thời gian để ngồi lại cùng nhau dâng lên Chúa những lời kinh chung. Tháng Kinh Mân Côi như là lời mời gọi chúng ta trở về với đời sống tinh thần. Chúng ta cầu xin Đức Mẹ đến ở với gia đình chúng ta, quy tụ mọi thành viên trong gia đình. Lần Chuỗi Mân Côi làm cho chúng ta gắn bó với tình Mẹ và đặc biệt trong việc chúng ta cầu nguyện như lời kinh chúng ta thường đọc “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ Mẹ con cùng nhau chia sẻ…”. Xin cho mỗi người tín hữu biết yêu mến Đức Mẹ hơn, xin cho mỗi gia đình biết dành thời gian để quy tụ cùng nhau dâng lên Mẹ những tràng Chuỗi Mân Côi, nhờ đó, đời sống đức tin ngày càng lớn lên theo những lời kinh dâng lên Mẹ.
Phêrô Quốc Thanh
[1] Đức Phaolô VI, Tông thư Tháng Năm, số 1.
[2] Đức Phaolô VI, Tông huấn Sosarium Virginis Mariae, số 18.
Có thể bạn quan tâm
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1
Sống tinh thần Năm Thánh trong thực hành cụ thể của Giáo xứ..
Th1
Hành Hương Thời Tân Ước – Phần 2: Tại Sao Hành Hương Cần..
Th1
Nước Đóng Vị Trí, Vai Trò Gì Trong Kinh Thánh?
Th1
Cáo Phó: Ông Cố Phêrô – Thân Phụ Của Linh Mục Phêrô Nguyễn..
Th1
Cẩm Nang Học Hỏi Năm Thánh 2025
Th1