LÀ KITÔ HỮU, THÁNH LỄ TRÊN TIVI CÓ ĐỦ CHĂNG?
Suy nghĩ về Thánh lễ online, sau thời cách ly vì Covid-19
Chúng ta đang dần trải qua thời gian cách ly “tránh Covid-19”. Việc đến nhà thờ tham dự Thánh lễ cách hiện diện và sống động cũng bắt đầu được khôi phục ở đây – đó. Nhưng dường như thời kỳ bùng nổ “Thánh lễ online” trong thế giới Kitô giáo trong thời gian cách ly sẽ không thể dừng lại.
Vì cách ly, nên việc tham dự Phụng vụ nói chung qua hình thức online đã phần nào làm cho nhiều người cảm thấy được an ủi và nâng đỡ tinh thần, và hẳn nhiên đó là điều thật quý báu. Song nhiều người cũng cảm thấy “thương nhớ nhà thờ”[1] và “khát khao rước Chúa”[2] thật chứ không phải “thiêng liêng” mãi! Hàng ngũ các linh mục thì “nhớ giáo dân” và thật khó khi phải đối diện với những hàng ghế trống và đòi buộc chúng ta phải “tư duy trừu tượng” để hiện tại hóa những tín hữu thân quen của mình.
Tuy nhiên, hình thức thánh lễ trực tuyến rồi đây có thể tồn tại trong suy nghĩ của một thành phần Kitô hữu về sự trọn vẹn của việc tham dự thánh lễ qua hình thức online và nguy cơ của sự bằng lòng với việc “ở lại trong ghế bành” nhà mình để “theo dõi” hay “xem lễ” hơn là đến nhà thờ.
Bỏ qua ý nghĩa của “Domus Ecclesiae” của lịch sử Giáo hội. Câu hỏi được đặt ra trong hoàn cảnh này là: việc tham dự thánh lễ online liệu có đủ cho đời sống Kitô hữu chúng ta chăng?
1- Thánh lễ trực tuyến đầu tiên
Lịch sử Thánh lễ trực tuyến đầu tiên được thực hiện bởi các Tu sĩ Đaminh ở Paris cách đây hơn 70 tại Nhà Thờ Đức Bà Paris, và dưới thời Hồng Y Emmanuel Suhard (1874-1949), Tổng giám mục Paris thời ấy. Chính vị Hồng Y đã khuyến khích và thánh lễ đầu tiên ấy được phát trực tiếp là thánh lễ đêm Noel, năm 1948 qua kênh truyền hình France 2 của Pháp. Kênh Truyền hình cho Thánh lễ có tên: “Jour du Seigneur – Ngày của Chúa”[3]; hoặc với một tên gọi khác là “Những ngày Chúa nhật trên truyền hình”. Và cũng chính đêm Noel năm 1948 là đêm đầu tiên của thế giới Kitô giáo theo ghi nhận của “Le Monde des Religions (Thế giới các Tôn giáo), nhân kỷ niệm 65 năm khai sinh kênh truyền hình Công giáo: “Đêm nay, chúng ta đã thấy sinh ra hệ thống truyền hình tôn giáo, đánh dấu lịch sử của Công giáo và cách thức liên hệ của tôn giáo này với thế giới”[4]. Và cùng với hình thức của thánh lễ trên sóng truyền hình này, các hình thức của thánh lễ trên Radio cũng xuất hiện và tồn tại cho đến ngày nay.
2- Tham dự thánh lễ online: đối tượng?
Vấn đề được đặt ra ở đây là nhắm cho những người bị ngăn cản và bệnh nhân không thể đến nhà thờ tham dự vào lời cầu nguyện chung của các tín hữu cách thể lý và sống động.
Trong hướng dẫn của Thánh Bộ Phụng tự qua: “Sắc lệnh trong thời gian dịch bệnh COVID-19 (II)”, số 154/20, ngày 25/3/2020 xác định: “…Các phương tiện viễn thông phát trực tiếp, (không phải thu sẵn) có thể giúp ích cho các tín hữu”, trong việc cử hành Phụng vụ. Và Hướng dẫn của Ủy Ban Phụng tự trực thuộc HĐGM Việt Nam, ngày 27/3/2020 như sau: “Khi người tín hữu ở trong hoàn cảnh đặc thù như hiện nay (tránh Covid), không thể tham dự cử hành bí tích tại giáo xứ, họ vẫn có thể hiệp thông với Hội Thánh đồng thời lãnh nhận ơn chữa lành và an ủi của Chúa qua việc tham dự thánh lễ trực tuyến tại nhà…” (số 4).
Như vậy, mục đích ở đây thật rõ ràng về đối tượng và thời gian. Nhưng còn đối với những ai khỏe mạnh thì sao, khi họ lại muốn tham dự Thánh lễ từ các phương tiện truyền thông? Người ta có thể thấy hài lòng khi tham dự thánh lễ qua các phương tiện truyền thông ngay khi thời gian tránh Covid-19 đã kết thúc?
Trong một bài viết vào năm 1952 và công bố vào năm 1966 với tựa đề: “Thánh Thể và con người ngày nay”, thần học gia nổi tiếng Kark Rahner đã tự hỏi: “Ống kính camera truyền hình có là căn bản và đủ cho cùng những quyền dưới con mắt của các tín hữu?”
Câu trả lời của thần học gia cho vấn đề là phủ định. Dĩ nhiên, trước Karl Rahner, thánh Augustino cũng đã suy tư rất nhiều về các bí tích của Giáo hội khi ngài nói về Bí tích Thánh Thể qua hai khía cạnh: một phần là thân thể bí tích của Đức Kitô (nghĩa là bánh và rượu); phần khác đó là thân thể giáo hội, tức là cộng đoàn.
Điều này cho thấy rằng, Tivi hay hệ thống truyền thông xã hội lại chẳng thuộc vào khía cạnh nào trong hai khía cạnh này. Bật Tivi để theo dõi lễ là một hành động rất riêng tư. Trong khi đó, Phụng vụ của Giáo hội hay Phụng vụ Kitô giáo lại là một hành động công cộng, cộng đoàn; là một tiến trình của một sự quy tụ cộng đoàn mà ở đó diễn tả các yếu tố giác quan như: Thấy, Nghe, Nếm (Niềm vui), Đụng chạm và Tôn thờ, mà nhờ đó xây dựng Cộng đoàn và làm chứng về niềm tin. Hiến chế Phụng vụ của Giáo hội, số 26 nói thế này:
“Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội, là “bí tích hiệp nhất”, nghĩa là dân thánh được qui tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám Mục”.
Vậy khi chúng ta cử hành thánh lễ hay tham dự lễ theo cách sống động, nghĩa là hiện diện thể lý thì điều đó, đối với kitô hữu nó thể hiện giá trị căn bản và quan trọng của từng kitô hữu và cho cả cộng đoàn nữa. Trong thời gian bách hại đạo, các cuộc quy tụ vào Ngày của Chúa đã cho phép Giáo hội đứng vững và được nâng đỡ đặc biệt.
“Vì vậy, các hoạt động đó (Phụng vụ) thuộc về Thân Thể phổ quát của Giáo Hội, diễn tả và ảnh hưởng trên Giáo Hội; tuy nhiên còn có liên quan khác nhau với từng chi thể riêng biệt của Thân Thể, tùy theo khác biệt về phẩm trật, phận vụ, và sự tham dự hiện thực” (HCPV, số 26).
3- Cộng đoàn Phụng vụ
Việc quy tụ để cử hành Thánh thể thì đặc biệt quan trọng. Điều này còn quan trọng hơn cả việc đánh giá về mức độ lớn rộng của cộng đoàn hay tính xuất sắc của các bài giảng của linh mục. Điều quan trọng hàng đầu đó chính là chất lượng của các mối tương quan và của niềm tin, là căn bản cho sự quy tụ của các tín hữu. “Anh em là thân thể của Đức Kitô” (1Cr 1.26), Thánh Phaolo đã nói như thế về cộng đoàn trong Thư thứ nhất gởi tín hữu Corinto, nhưng đã không phân biệt theo cách những người khôn ngoan, những người quyền lực hay những kẻ hảo tâm, tốt lành. Ngài nhấn mạnh: “Vậy anh em là thân thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,27). Những cộng đoàn bé nhỏ này hình thành và quy tụ ngày xưa tại dải bờ biển Địa Trung hải đã trở thành những điểm khởi đầu cho các hành trình truyền giáo khắp thể giới và sự phát triển của các cộng đoàn kitô hữu khác bên ngoài vùng Địa Trung hải ấy.
Công đồng Vatican II tiếp tục khẳng định về giá trị của Cộng đoàn trong cử hành Phụng vụ như sau:
“Khi các nghi lễ, tùy theo bản chất riêng tư của chúng, được cử hành chung với sự tham dự đông đảo và linh hoạt của giáo dân, nên ghi nhớ rằng phải quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và có vẻ riêng tư.
Ðiều này có giá trị đặc biệt cho việc cử hành Thánh Lễ, cho dầu bản tính công cộng và xã hội của mỗi Thánh Lễ vẫn luôn luôn được duy trì; điều này còn có giá trị cho việc ban phát các Bí Tích” (HCPV, số 27).
Chúng ta có thể thấy về những thánh lễ qua các phương tiện truyền thông đã cung cấp một sự nâng đỡ đặc biệt và quý báu cho việc phục vụ những ai không thể di chuyển để quy tụ với nhau để cử hành Thánh Thể. Nhưng để so sánh, chúng ta có thể nói rằng: điều tốt nhất là ăn và uống tại bàn ăn hơn là lật đi lật lại trong chiếc ghế bành của mình “menu – thực đơn”[5] để tìm những youtube đang phát các Thánh lễ. Hoặc ai đó vẫn có thể di chuyển nhưng lại thích xem lễ qua truyền hình, tựa như những khách mời được mời tham dự một bữa tiệc gia đình và hài lòng với việc nhìn ngắm qua cửa sổ tiến trình của buổi tụ họp gia đình này.
Về điều này thì Đức Biển Đức XVI đã muốn làm sáng tỏ như sau: “Đối với những gì liên quan đến giá trị của việc tham dự vào Thánh lễ, đem lại từ các phương tiện truyền thông xã hội; những ai tham dự vào đó từ những phương tiện truyền tải lại cần phải biết rằng: trong những hoàn cảnh bình thường nó không làm thỏa mãn về sự tham dự ngày Chúa Nhật. Hẳn nhiên, ngôn ngữ hình ảnh giới thiệu tính thực tại, nhưng nó không mang lại như chính nó (bản chất của Phụng vụ). Thật là hữu ích cho những người già và những người bệnh tham dự vào thánh lễ qua các phương tiện truyền tải này, nhưng chúng ta cũng không thể nói như thế đối với những ai mà dựa vào những phương tiện truyền thông ấy để không đến nhà thờ tham dự vào việc cử hành Thánh Thể trong Cộng đoàn Giáo hội sống động”[6].
Tạm kết
Giáo hội là một gia đình của tất cả những ai tin vào Đức Kitô, chính Người đã quy tụ chúng ta từ Chúa nhật này đến Chúa nhật khác để lắng nghe Lời Thiên Chúa và cử hành Thánh Thể; chính Người đón nhận cuộc sống của chúng ta trong sự thông hiệp với Mình và Máu Thánh của Người, và từ đó, chúng ta được sai đi vào trong thế giới như những chứng nhân của Tin mừng. Vì thế, đến nhà thờ vào mỗi Chúa nhật, đó chính là và trước hết là đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa để cử hành Đức Kitô và cầu nguyện trong sự hiệp thông “communio” với tất cả các tín hữu, là anh chị em của chúng ta. Chính trong sự bước đi và quy tụ ấy, chúng ta làm thành Ekklesia.
“Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người” (HCPV, số 48).
Fr. Joseph Nguyễn Hiển, OP
Viết theo bài viết cùng tên của Cha Jean-Paul Sagadou, “La messe à la télévision suffit-elle?” trong nhật báo Burkinabe L’Observateur Paalga, năm 2012 và được đăng lại trên báo La Croix.
Bài trả lời phỏng vấn của Cha Eric Morin, giáo sư thần học tại trường Bernardins, Paris: “La messe à la télévision suffit-elle?”, trên Radio Notre Dame và đăng lại trên nhật báo La Croix, 26/10/2019.
Vatican II, Sacrosanctum Concilium. Bản dịch Việt ngữ.
[1] Một người bạn Pháp của tôi nói: “l’Eglise me manque!”: tôi nhớ nhà thờ!
[2] “Khi nào thì được rước Chúa thật đây?” Đó là câu hỏi của rất nhiều tín hữu.
[3] Ngày nay thánh lễ vẫn tiếp tục trên Kênh Truyền hình France 2, vào lúc 10h30 mỗi Chúa nhật.
[4] Xem trong Yves COMBEAU, L’Evangile en direct, Presses de la Renaissance/CFRT, 2018. André MORELLE, Raymond Pichard, le dominicain cathodique, Buchet-Chastel/Parole et Silence, 2009.
[5] Một tín hữu đã viết cho tôi những lời này, xin trích nguyên văn: “Bí zờ đi lễ Chúa Nhật ở hòa an xưa òy, hôm thì em đi giáo phận này hôm đi giáo phận khác, có khi thik qua Roma dư lễ của Đức Thánh Cha lun hì hì… hu hu nói zị chứ em thèm đi lễ quá…”. Còn các anh chị của tôi ở ngoài Bắc thì đi lễ trong Cần Thơ, ở Đà Lạt, ở Sài gon…; trong khí đó, các anh chị khác ở Miền Tây thì “đi lễ” ở Địa Phận Bùi Chu, Hải Phòng hay Đà Nẵng… Một người khác thì bào, nhờ Co-vy mà tôi có thể đi rất nhiều lễ trong một ngày!
[6] Trích trong ĐGH. Biển Đức XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng về Thánh Thể năm 2007.
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12