Lộc Thánh đầu Xuân

1258 lượt xem

Khi bắt chước các sĩ phu, học trò thời xưa khai bút đầu Xuân, những suy tư được khai nhụy sau khi nhận lộc Thánh trong Thánh lễ Giao thừa như lại được tưới mát nở rộ trong những ngày đầu năm. Người Việt Nam chúng ta có tục “hái lộc” vào dịp đầu Xuân: người ta hái về một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc sau khi lễ ở đền, chùa. Cành lộc non tượng trưng cho ơn trời giúp con người phát đạt thịnh vượng được đặt trước bàn thờ để cầu may, lấy phước.

Các năm gần đây, tập tục đó cũng đã được hội nhập vào sinh hoạt đầu năm của người Công Giáo. Thay vì hái một cành lộc non, chúng ta nhận một câu Lời Chúa. Câu Lời Chúa này sẽ trở thành phương châm sống đức tin cho chúng ta trong năm mới và suốt đời chúng ta. Như vậy, “Hái Lộc Xuân” đối với người Công Giáo là “Hái Lộc Thánh”. Lộc Thánh bản thân người viết lãnh nhận năm nay là Lời Chúa trong thư Thánh Giacôbê: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận” (Gc 1, 19) gợi lên một vài suy tư khi làm công tác truyền thông.

“Mau nghe” biểu thị một thái độ tôn trọng của mình đối với người khác, đồng thời cũng biểu lộ sự khiêm tốn của chính bản thân mình. “Lòng tự cao dẫn đến suy sụp, đức khiêm tốn đem lại vinh quang” (Cn 18,12). Lắng nghe giúp ta kiềm chế được cảm xúc của mình và còn giúp ta học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích. Nếu ta tôn trọng lắng nghe ý kiến của người khác thì chắc chắn họ cũng tôn trọng lắng nghe ý kiến của ta và ngược lại. Người biết lắng nghe sẽ tạo được cảm giác quan tâm, gần gũi, thân thiết.

Đạo Công Giáo là đạo của tình yêu. Tình yêu này được thể hiện qua điều răn cao trọng nhất là mến Chúa, yêu người. Nếu ta muốn yêu được người khác, ta phải khiêm tốn lắng nghe để hiểu, cảm thông và cùng chia sẻ với họ. Một việc tưởng như đơn giản nhưng khi thực hiện không phải dễ vì “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn” (Cn 11,19). 

Trong cuộc sống, chúng ta thường nói hoặc viết để trao đổi thông tin, để diễn đạt ý tưởng hoặc để bày tỏ, biểu lộ tâm tư tình cảm của mình… Nói chung, nhờ lời nói/viết mà con người có thể hiểu nhau và dễ đến gần nhau hơn. Nói thì dễ nhưng nói/viết như thế nào để không mất lòng người nghe, người đọc; nói như thế nào để “lọt” đến xương, nói làm sao để “mật ngọt chết ruồi” thì không dễ chút nào. Vì vậy, cha ông chúng ta có câu: “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói/viết” (xin mạn phép thêm vào chữ “viết”) và chúng ta cần nói/viết với nhau bằng tấm lòng yêu thương. “Đức mến tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7).

Con người thường có thói quen chỉ trích người khác bằng lời nói, đặc biệt là khi chưa biết rõ căn nguyên của sự việc. Bình thường mọi người trong cùng một gia đình, đoàn thể… vì muốn chứng tỏ bản thân mình đúng nên luôn luôn tìm cách biện hộ cho mình. Khi điều đó xảy ra thì việc cãi vã khó mà tránh khỏi được và hậu quả là mọi người càng ngày càng xa lánh nhau. Chúng ta hãy noi gương Thánh Tâm Chúa Giêsu “hiền lành và khiêm nhường” để khoan phê bình, chỉ trích… mà yêu thương nhau “chín bỏ làm mười”, “sao cho trong ấm, ngoài êm”… “Thà ăn mẩu bánh khô mà được êm ấm còn hơn đầy yến tiệc mà nhà cửa bất hòa” (Cn 17,1).

Con người trong cuộc sống hằng ngày thường dễ bị xoáy vào vòng xoáy của sự giận hờn. Vợ giận hờn chồng, con cái giận hờn cha mẹ, học sinh giận hờn thầy cô, cấp dưới giận hờn cấp trên… Mỗi người chúng ta luôn cảm thấy hình như người khác có điều gì đó thua kém mình, và có cảm giác mình bị thiệt thòi quá mức nếu người đó thành công hơn mình.

Nhưng cũng rất ít người khi đang giận hờn lại có thể tự hỏi lại mình rằng: liệu mình có thể là đối tượng để người khác giận hờn hay không, liệu mình có tệ bạc với người khác không, và mình đã khiến cho người khác thiệt thòi quá không. Giận hờn làm chúng ta tự tách mình ra khỏi anh em. “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà” (Mt 5, 22a).

Nếu ta thương yêu anh em thì xin đừng bao giờ oán  trách mà hãy chung tay góp ý xây dựng. “Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng” (Phl 2,14). Hãy hướng tâm vào lòng từ bi, thương xót của Thánh Tâm Chúa Giêsu mỗi khi chúng ta cảm thấy bực bội, nóng giận để cầu xin và bắt chước vì “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145,8).
Lộc Thánh năm nào cũng có ý nghĩa, củng cố niềm tin, thêm niềm hy vọng… cho mỗi người. Những ngày đầu Xuân thanh thản đầy ắp tiếng cười đã qua đi như “bóng câu ngoài cửa sổ”. Mọi người lại trở về với những công việc thường ngày với những lo toan tất bật cho cuộc sống. Mỗi người lại bắt đầu một năm cầu nguyện và làm việc Tông đồ mới. Xin cầu chúc cho những anh em làm công tác Mục vụ Truyền thông luôn mau nghe được ý Chúa qua những sinh hoạt, việc làm Tông đồ của mình để thông truyền sứ điệp yêu thương của Tin Mừng đến cho mọi người.

Jos. Hoàng Mạnh Hùng

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận