Trọng kính Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp,
Kính thưa quý Cha, quý Xơ, quý Thầy,
Kính thưa các văn nghệ sĩ, trí thức gần gũi với gia đình,
Thưa toàn thể cộng đoàn Dân Chúa đang hiện diện trong ngôi thánh đường này.
Tôi là Nguyễn Khắc Phi, bào đệ của thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương.
Hôm nay, chúng tôi – anh em con cháu trong gia đình của thân phụ tôi là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, những người con của Hà Tĩnh, quê hương địa linh nhân kiệt – rất vui mừng và vinh hạnh được tham dự Thánh lễ Tạ ơn, mừng sinh nhật lần thứ 95 của thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương, bào huynh của chúng tôi, do Đức Cha Phaolô chủ tế.
Thật là hồng phúc cho anh trai chúng tôi. Và thầy Nguyễn Khắc Dương của Cộng đoàn tín hữu Công giáo chúng ta hôm nay chắc chắn đang rất hạnh phúc.
Kính thưa Đức Cha Phaolô,
Cách đây trên dưới 70 năm, đã diễn ra một cuộc chuyển mình kỳ diệu trong tư tưởng nhà giáo Nguyễn Khắc Dương, từ Nho giáo đến Ki tô giáo rồi gia nhập vào Cộng đoàn đức tin mạnh mẽ của Giáo hội Công giáo.
Năm 1949, anh tôi nhận lãnh Bí tích Rửa tội tại Đức Thọ – Hà Tĩnh. Sau đó, anh quyết định xuất gia mà bấy giờ ở vùng Nghệ Tĩnh chỉ có một dòng tu duy nhất là dòng Phanxicô. Thế là một buổi chiều đầu thu năm 1949, anh tôi từ giã gia đình, quê hương, xuống Thành phố Vinh, nhập tu viện. Nhưng đến năm 1950-1951, anh mới chính thức được Hội đồng nhà dòng chấp nhận nhập Tập viện. Trong lễ mặc áo dòng năm đó, theo nguyện vọng của anh tôi, song thân tôi, thể hiện sự tôn trọng việc chọn lựa của con, đã bảo tôi, lúc bấy giờ mới 16 tuổi, đi bộ từ Hương Sơn – Hà Tĩnh xuống Vinh dự lễ. Đó là chuyến đi đầu tiên đáng nhớ trong cuộc đời của tôi. Thấm thoắt 70 năm đã trôi qua, hôm nay, cũng vào một ngày đầu thu, cũng tại quê hương xứ Nghệ, Cộng đoàn Dân chúa lại tổ chức lễ mừng thượng thọ cho anh tôi trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác, với sự hiện diện đông đủ của gia đình, dòng họ, theo mỹ tục truyền thống của dân tộc.
Tất cả những người bạn thân nhất cùng trang lứa với anh tôi đều đã ra đi, trong đó, học giả Phan Ngọc, người bạn đồng hương xứ Nghệ, người bạn đồng môn của anh ở trường Thiên Hựu (Providence), người mà anh suýt phải gọi là anh rể, vừa qua đời cách đây mấy tuần. Anh Dương chúng tôi, người yếu nhất so với tất cả số người đó, nhờ ơn Bề trên, vẫn còn ở đây với chúng ta, vẫn an nhiên thanh thản, đầu óc minh mẫn, giọng nói hào sảng.
Bảy mươi năm đã trôi qua, vượt lên mọi nghịch cảnh, giải toả dần những trăn trở vướng mắc, anh tôi ngày càng vững vàng, kiên định, dần được coi như một biểu tượng, một hiện thân về sức mạnh thần kỳ của nghị lực, của đời sống tinh thần. Anh là chứng nhân của thời cuộc, là mẫu mực về Đức tin, lối sống không màng danh lợi, không nệ hình thức của một người tu hành. Nhưng, nói theo ngôn từ của hoàng đế – thiền sư Trần Nhân Tông, anh Dương tuy “lạc đạo” (vui với đạo) nhưng vẫn “cư trần” (ở với đời). Anh lên lớp cho các trường dòng nhưng cũng vui vẻ nhận lời đến nói chuyện với Trường viết văn Nguyễn Du, với Viện Khoa học giáo dục. Anh từng diện kiến đủ các bậc chức sắc tôn giáo, cả Đức Giáo hoàng, nhưng lại có thể say sưa, rỉ rả trò chuyện hàng giờ với những người nông dân bình dị. Anh không ít lần về ăn Tết âm lịch, dự lễ Vu Lan báo hiếu ở quê nhà. Anh góp tiền cho dòng tộc tu bổ nhà thờ, nâng cấp phần mộ tổ tiên. Khi đã hơn 90 tuổi, anh vẫn chống gậy lên lưng chừng núi viếng mộ song thân và các bậc tiền nhân. Qua hành trình chiêm nghiệm về cuộc đời của anh, qua phẩm chất của anh, mọi người, từ những góc độ khác nhau, có thể rút ra một số ý nghĩa, bài học sâu sắc về nhân sinh, triết lý.
Học giả Vũ Ngọc Khánh đã nhận xét về tính chất “đặc biệt” của gia đình chúng tôi: “Gần như tất cả các luồng văn hoá Đông Tây, cũ mới đều quy về gia đình này”. Xin tỏ lòng biết ơn Giáo hội Kitô đã góp phần làm phong phú thêm cho diện mạo văn hoá đa dạng của gia đình chúng tôi.
Kính thưa Đức Cha Nguyễn Thái Hợp,
Ngày hôm nay, trong ngôi thánh đường này, gia đình chúng tôi đều cảm nhận được thấm thía hạnh phúc của anh Nguyễn Khắc Dương trong gia đình Giáo hội Việt Nam và gia đình Giáo phận Hà Tĩnh của Đức Cha.
Tự đáy lòng, xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Đức Cha Phaolô vì những ân tình đặc biệt mà Giáo phận Hà Tĩnh đã dành cho anh Nguyễn Khắc Dương và gia đình chúng tôi trong dịp này.
Cũng nhân đây, xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Tu đoàn Bác ái xã hội ở Bình Thuận, trong những năm gần đây, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho anh tôi nghỉ dưỡng trong những năm cuối đời, đồng thời cũng có cơ hội để tiếp tục giúp đỡ các tập sinh của Tu đoàn.
Xin kính chúc Đức Cha Phaolô, quý Cha, quý Xơ, quý Thầy và Cộng đoàn Dân Chúa luôn dồi dào sức khoẻ, bình an trong ân sủng của Đức Kitô.
Xin trân trọng cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12