Lòng hiếu thảo: Điểm gặp gỡ liên tôn

1208 lượt xem

Để tưởng nhớ nữ tu Mai Thành Bùi Thị Như Kha (1928-2019), thành viên Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP Sài Gòn, BBT NCTG xin giới thiệu suy tư của tác giả về chữ Hiếu, như điểm giao thoa trong cuộc đối thoại giữa tín đồ các tôn giáo. Bài viết đã đăng trên Nhịp cầu Tâm giao, số 2 (tháng 9/ 2010).

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

Lục địa Á châu đã thừa hưởng những truyền thống tôn giáo lâu đời và phong phú: Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Nước Việt Nam từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên đã hội nhập Tam giáo: Phật, Khổng, Lão mà điểm gặp gỡ mạnh mẽ nhất là “Đạo Hiếu”, tôn kính Cha Mẹ và thờ cúng tổ tiên.

Là người Việt Nam, phần đông chúng ta đều thuộc và ngâm nga:

Uống nước nhớ nguồn,
Làm con phải hiếu,
Ai ơi hãy nhớ năm xưa,
Những ngày còn thơ.
Công đức sinh thành,
Người ơi đừng quên:
Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Theo tinh thần Khổng Mạnh thì Hiếu là một Thiên đạo:

Đạo Hiếu là kinh sách của Trời,
Nghĩa lý của đất,
Là hành động của muôn dân.

Theo Phật giáo:

Hiếu là hàng đầu của muôn hạnh,
Thiện không gì cùng cực hơn hiếu
Ác không gì cùng cực hơn bất hiếu.

Đạo Hiếu đi vào lòng người Việt Nam không những qua truyền thống dân gian hay văn học Việt Nho mà còn được hấp thụ từ Phật giáo, đặc biệt qua lễ Vu Lan của Phật giáo Đại Thừa.

Vu Lan được phiên âm từ tiếng Phạn Ullumbana, tiếng Hán-Việt là “Giải đạo Huyền”, nghĩa là cởi trói cho người bị treo ngược, bị đói khát dày vò và suốt ngày đau khổ. Theo một câu chuyện truyền thuyết Ấn Độ: Tương truyền, mẹ của Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật, vì bà tham lam độc ác nhiều kiếp trước nên nay bị hành hạ nặng nề, cần chúng tăng mười phương cầu nguyện cho mới thoát được. Vâng lời Phật, sau 3 tháng an cư kiết hạ, rất nhiều chư tăng làm lễ Vu Lan Bồn để giải nghiệp cho mẹ ông. Từ đó, cứ đến rằm tháng 7, lễ Giải đạo huyền nhằm cứu vớt những vong hồn đang chịu khổ vì nghiệp chướng do mình đã gây ra khi ở trần gian.

Lễ Vu Lan còn gọi là lễ xá tội vong nhân. Theo lời Phật dạy phải thành tâm cầu nguyện, rước các chư tăng đến cúng dường cho vong linh đau khổ. Từ đó về sau, cứ đến rằm tháng 7, các Phật tử chí hiếu đều làm lễ Vu Lan để đền đáp công ơn cha mẹ và cứu vớt các vong hồn. Việt Nam có câu ca dao:

Dù cho buôn bán đâu đâu
Đến rằm tháng bảy mưa ngâu lại về.

Tháng 7 là tháng báo hiếu cũng là mùa cầu siêu cho các vong nhân. Ngay từ đầu tháng, Phật tử cũng như người thiên về Phật giáo bắt đầu tưởng nhớ tới tổ tiên, cha mẹ, người thân đã khuất bóng bằng ăn chay, niệm Phật, làm phúc; dành tiền, quần áo, thực phẩm để cúng dường cho tăng ni, đồng thời cũng để mua đồ cúng tổ tiên trên bàn thờ tại gia.

Đã nhiều năm, ngày lễ Vu Lan, mỗi lần đến chùa Vĩnh Nghiêm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tôi đều thấy xung quanh chùa được trưng bày bán la liệt nhang hương, hoa lá, hương sắc thiên nhiên hoặc làm bằng giấy vàng óng ánh. Có cả kinh Vu Lan, các lồng chim để phóng sinh (mua chim để thả chúng bay đi), đặc biệt là có bán hoa hồng bằng giấy hay vải để gắn vào áo, bông màu trắng cho cha mẹ đã khuất bóng, bông màu hồng cho cha mẹ còn sống. Trong chùa, một hồi trống báo hiệu lễ Vu Lan bắt đầu. Các Tăng Ni mặc lễ phục. Một sư trụ trì nói lời khai lễ. Một thượng tọa giảng ý nghĩa lễ Vu Lan. Mọi người tụng kinh Vu Lan nói về công ơn ông bà, cha mẹ và bổn phận báo hiếu của con cháu. Trong một số chùa, tụng kinh xong, Tăng Ni được mời sang phòng Thọ Trai, bất cứ ai có mặt đều có thể dùng bữa với các Tăng Ni. Các Tăng Ni được cúng dường; mỗi người một gói quà, có thể là thuốc men, mùng mền, thực phẩm hay những đồ hữu dụng khác.

Trong suốt hai tuần cuối tháng 7, các gia đình Phật giáo đều tưởng nhớ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, những thân nhân, bạn hữu quá cố, cũng không quên những vong linh mồ côi:

Tháng sáu buôn nhãn bán trâm,
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.

Trong rất nhiều bài thơ diễn tả lòng hiếu thảo được treo tại các chùa hoặc đăng trên báo chí Phật giáo, xin ghi lại nơi đây bài “Lễ Vu Lan nhớ Mẹ”

Vu Lan nhớ về Mẹ biết bao nhiêu,
Trời u ám, nắng mùa thu le lói,
Con thấy Mẹ như vầng trăng vòi vọi
Soi sáng đường chỉ lối con đi.
Dẫu biết rằng sinh ký tử quy,
Hoa lá rụng cũng về cõi đất.
Bản nhạc lòng con vẫn hát thiết tha,
Thương nhớ Mẹ mắt nhòa trong hương khói,
Những lúc đi về mưa dầm nắng gội
Vẫn khát thèm, muốn gọi: Mẹ yêu ơi!
Vu Lan về rộn rã khắp nơi nơi,
Tìm an ủi trong lời kinh báo hiếu,
Vẫn trống trải vì trong đời vẫn thiếu
Một dáng hình âu yếm Mẹ thân yêu,
Vu Lan về nhớ Mẹ biết bao nhiêu.
(Như Vân)

Đề cao và sống hiếu thảo rất thâm sâu trong Phật giáo được cử hành công khai và trân trọng ở thành thị cũng như thôn quê, bất cứ nơi đâu có chùa và gia đình Phật tử.

Trong Kitô giáo, tinh thần hiếu thảo đối với tổ tiên, cha mẹ có ý nghĩa và vị trí nào?

Từ Cựu ước, sách Cách ngôn (96,20-22) dạy: “Hãy nghe lời cha truyền, đừng quên lời mẹ dạy. Những lời đó hướng dẫn khi con đi, bảo vệ khi con ngủ, dạy dỗ khi con thức”.

Trong sách Xuất hành, Thập giới (10 Điều răn) chia ra: phần đầu gồm 3 giới nói đến tương quan với Thiên Chúa. Phần thứ hai, giới thứ tư nói đến tương quan với cha mẹ là giới quan trọng nhất sau việc thờ kính Thiên Chúa.

Bước vào Tân ước, người Kitô hữu khám phá ra một chân lý kỳ diệu nối kết gia đình trần thế với gia đình Thiên Chúa gồm có Ba Ngôi: CHA, CON, THÁNH THẦN.

Thiên Chúa là suối nguồn và đỉnh cao nhất của Tình yêu, của tình Phụ tử:

Con người nguồn gốc tự đâu,
Thượng nguồn là Chúa, đỉnh cao khôn dò.

Chính tình phụ tử này là nguồn phát xuất của mọi tình Cha Con ở trần thế. Như thánh Phaolô đã diễm tả: “Con xin quỳ gối trước mặt Chúa Cha vì từ Cha mà mọi gia đình từ trên trời dưới đất mới có tên” (Eph 3, 14)

Tình phụ tử này được bộc lộ qua biến cố Đức Kitô nhập thể, Con Thiên Chúa hóa thân làm người để đưa mọi người về thượng nguồn Tình yêu cứu độ theo thánh ý nhiệm màu của Chúa Cha. Làm người, Đức Kitô đã ôm lấy phận con người, vào sinh ra tử, tự hạ và tự hủy rồi sống lại để ban đời sống vĩnh cửu Thiên Chúa dành cho những ai sống trong yêu thương.

Đức Giêsu Kitô là Đấng Tuyệt Đại Hiếu tử, vì vâng lời Cha mà tự hiến tế cho loài người được tái sinh: “Như Cha đã biết con, con biết Cha và thí mạng sống vì đàn chiên của Cha.” (Ga 10, 2). Trước giờ lâm tử, Đức Giêsu đã thưa cùng Đức Chúa Cha lời trối tâm huyết: “Con không ở trong thế gian nữa nhưng những ai Cha đã ban cho con còn ở trong thế gian. Lạy Cha chí thánh, xin giữ các môn đệ của con trong danh Cha để họ nên một trong chúng ta” (Ga 15, 9-10). Với các môn đệ, Ngài dặn dò: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 12-13). Vì yêu Cha, Đức Giêsu tự hiến cho anh em nhân loại, thực hiếu “Hiếu” và “Để” trong một tình yêu duy nhất: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” (Ga 15, 19)

Trái tim Đức Giêsu luôn kết hiệp và đồng hóa tình yêu kính Cha với tình yêu mến anh em. Ai yêu mến Chúa mà không yêu mến anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4, 20).

Tình yêu của gia đình tại thế là thước đo của lòng hiếu thảo siêu thế. Cuộc gặp gỡ giữa đạo Hiếu của Tin Mừng và truyền thống tôn giáo Việt Nam là cao trọng như thế. Nhưng tiếc thay, trong quá khứ đã có bao nhiêu ngộ nhận giữa Giáo hội Công giáo với Tam giáo, nhất là việc thờ kính ông bà cha mẹ mà vì không hiểu đúng đắn về ngôn ngữ, tâm lý và văn hóa dân tộc Việt Nam. Hậu quả là Tòa thánh Giáo hội Công giáo nghiêm cấm nghi lễ thờ kính tổ tiên, gây nhiều đổ vỡ trong gia đình có những tân tòng Kitô giáo và nhiều đố kỵ giữa Giáo hội Công giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhưng sau Công Đồng Vatican II, từ 1965, Giáo hội Công giáo nhìn nhận giá trị của Hiếu đạo Đông Phương, khuyến khích người tân tòng Công giáo trở về với việc phụng thờ người thân quá cố. Hội đồng Giám mục Việt Nam công khai khích lệ hành động đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Với bước ngoặt này, tín hữu Công giáo Á châu được lập bàn thờ Tổ trong gia đình, được thắp nhang đèn, có thể dâng hương vái lạy trước bàn thờ gia tộc.

Ngoài việc phụng tự cổ truyền trên được tái lập, phụng tự Công giáo đã từ lâu trong thánh lễ hàng ngày, linh mục cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, thân nhân quá cố. Trong mỗi kinh chiều, giờ kinh phụng vụ luôn có lời cầu xin cho người khuất bóng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên quốc. Phụng vụ mỗi năm dành ngày 2 tháng 11 Dương lịch cầu cho các đẳng, cha mẹ và bà con xa gần. Thánh lễ ngày mồng 2 Tết là ngày dành riêng kính nhớ Ông Bà Cha Mẹ.

Cùng với anh chị em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam giàu Tâm đạo, nặng tình Hiếu nghĩa, chúng ta, bất cứ thuộc tôn giáo nào vẫn gặp nhau, hòa đồng thân thiện với nhau trong trái tim hiếu thảo là nguồn gốc thánh đức cao trọng:

Uống nước nhớ nguồn
Trái tim hiếu thảo luôn tràn phúc ân.

Nữ tu Mai Thành

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận