Luật luân lý

2200 lượt xem

415. Luật luân lý là gì?

Luật luân lý là công trình khôn ngoan của Thiên Chúa, chỉ cho con người những con đường và qui luật sống, dẫn đến hạnh phúc Thiên Chúa đã hứa, và ngăn cấm những nẻo đường đưa con người xa lìa Thiên Chúa. 

416. Luật luân lý tự nhiên hệ tại điều gì?

Được Đấng Sáng Tạo khắc ghi trong tâm hồn mọi người, luật tự nhiên hệ tại việc tham dự vào sự khôn ngoan và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Luật tự nhiên diễn tả cảm thức luân lý nguyên thủy, giúp con người sử dụng lý trí để phân định điều tốt điều xấu. Luật tự nhiên mang tính phổ quát và bất biến, đặt nền tảng cho các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của con người, cũng như của cộng đồng nhân loại và của chính luật dân sự. 

417. Mọi người có nhận thức được luật tự nhiên không?

Vì tội lỗi, mọi người không thể nhận thức luật tự nhiên cách rõ ràng và trực tiếp như nhau.  
Vì vậy, “Thiên Chúa đã viết trên các bảng Luật, tất cả những gì mà con người không đọc nổi trong tâm hồn họ” (thánh Augustinô). 

418. Tương quan giữa luật tự nhiên và Luật Cựu Ước như thế nào?

Luật Cựu Ước là cấp độ đầu tiên của Luật mạc khải, trình bày nhiều chân lý mà lý trí tự nhiên có thể đạt tới; những chân lý này được củng cố và chính thức hóa trong các Giao ước cứu độ. Các qui định luân lý của chúng được tóm lại trong Mười điều răn, đặt nền tảng cho ơn gọi của con người. Các qui định này ngăn cấm những gì nghịch lại tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, và ấn định những đòi hỏi căn bản của tình yêu ấy.    

419. Luật Cựu Ước có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ? 

Luật Cựu Ước giúp chúng ta nhận biết nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt được. Luật Cựu Ước chỉ cho thấy điều người ta phải làm hay không được phép làm, và nhất là, như một nhà sư phạm khôn ngoan, chuẩn bị con người sám hối để đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, dù thánh thiện, thiêng liêng và tốt lành, Luật Cựu Ước vẫn bất toàn, vì tự nó không ban sức mạnh và ân sủng của Chúa Thánh Thần để giúp người ta tuân giữ nó. 

420. Luật Mới hay Luật Tin Mừng là gì?

Luật Mới hay Luật Tin Mừng được Đức Kitô rao giảng và thực hiện, là sự viên mãn và hoàn thành Luật Thiên Chúa, tự nhiên và mạc khải. Luật Mới được tóm kết trong giới răn mến Chúa yêu người, “yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta”. Luật Mới cũng là một thực tại trong thâm tâm con người, đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có thể thực hiện một tình yêu như thế. Đó là “luật tự do” (Gc 1,25), hướng dẫn chúng ta mau mắn hành động dưới sự thúc đẩy của tình yêu.   
“Trước tiên, Luật Mới là  ân sủng của Chúa Thánh Thần, được ban cho các tín hữu trong Đức Kitô”(thánh Tôma Aquinô).   

421. Chúng ta gặp được Luật Mới ở đâu?

Chúng ta gặp được Luật Mới trong suốt cuộc đời và lời rao giảng của Đức Kitô, cũng như trong huấn giáo luân lý của các Tông đồ. Bài giảng trên núi là cách diễn tả chính yếu của luật này.   

ÂN SỦNG VÀ CÔNG CHÍNH HOÁ

422. Công chính hoá là gì ?

Công chính hoá là công trình tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa. Đó là hành động nhân từ và nhưng không của Thiên Chúa, Đấng tha thứ tội lỗi cho chúng ta và làm cho chúng ta nên công chính, thánh thiện trong con người chúng ta. Điều đó được thực hiện bằng ân sủng của Chúa Thánh Thần, ân sủng đó được dành sẵn cho chúng ta nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, và được trao ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Việc công chính hóa mở đường cho lời đáp trả tự do của con người, nghĩa là cho đức tin vào Đức Kitô và cho sự cộng tác với ân sủng của Chúa Thánh Thần.  

423. Ân sủng công chính hóa chúng ta là gì ?

Ân sủng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban giúp chúng ta tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và có khả năng hành động vì tình yêu dành cho Ngài. Ân sủng được gọi là ơn thường sủng, ơn thánh hóa hay ơn thần hóa, vì ân sủng thánh hóa và thần hóa chúng ta. Ân sủng siêu nhiên, vì tùy thuộc hoàn toàn vào sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa và vượt quá mọi khả năng của lý trí và sức lực con người. Vì vậy, ân sủng vượt khỏi kinh nghiệm của chúng ta. 

424. Các loại ân sủng khác là gì ?

Ngoài ơn thường sủng, còn có ơn hiện sủng (ân sủng tùy hoàn cảnh), các ơn Bí tích (ân sủng đặc biệt của mỗi Bí tích), các ân sủng đặc biệt hay đặc sủng (có mục đích là sự thiện ích của Hội thánh), trong đó có ơn chức phận, là ơn đi kèm theo việc thi hành các thừa tác vụ trong Hội thánh và các trách nhiệm của đời sống.   

425. Đâu là tương quan giữa ân sủng với tự do con người ?

Ân sủng dọn đường, chuẩn bị và khơi dậy lời đáp trả tự do của con người. Ân sủng thỏa mãn những khát vọng thâm sâu của sự tự do con người, mời gọi tự do cộng tác, và hướng dẫn tự do đến sự toàn thiện. 

426. Công phúc là gì ?

Công phúc là điều đem lại quyền được thưởng cho một hành động tốt. Trong những liên hệ với Thiên Chúa, con người tự mình không có gì được gọi là công phúc, vì họ lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa cho con người khả năng lập công nhờ kết hợp vào đức ái của Đức Kitô, nguồn mạch các công phúc của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, công phúc của những việc lành trước hết là do ân sủng của Thiên Chúa, thứ đến mới do ý chí tự do của con người. 

427. Chúng ta có thể lập công để lãnh nhận những điều thiện hảo nào?

Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể lập công để lãnh nhận, cho chính mình và cho người khác, những ân sủng hữu ích cho việc thánh hoábản thân và cho việc đạt tới đời sống vĩnh cửu, cũng như của cải vật chất cần thiết cho chúng ta, theo kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không ai có thể lập công để lãnh nhận ân sủng đầu tiên, là ân ban lúc khởi đầu để sám hối và được nên công chính.  

428. Có phải mọi người đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo không?

Mọi tín hữu đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo. Sự thánh thiện này là sự viên mãn của đời sống Kitô hữu, sự toàn hảo của tình yêu, được thực hiện trong việc kết hợp mật thiết với Đức Kitô và, trong Người, với Thiên Chúa Ba Ngôi. Con đường nên thánh của người Kitô hữu, sau khi kinh qua thập giá, sẽ được hoàn thành trong cuộc phục sinh chung cuộc của những người công chính, trong đó “Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài.”  

GIÁO HỘI, MẸ VÀ THẦY

429. Hội thánh nuôi dưỡng đời sống luân lý của người Kitô hữu như thế nào?

Hội thánh là cộng đoàn các người Kitô hữu. Trong Hội thánh, họ đón nhận lời Chúa và những giáo huấn về “Luật của Đức Kitô” (Gl 6,2), lãnh nhận ân sủng các Bí tích, kết hợp bản thân vào hy lễ Thánh Thể của Đức Kitô, để đời sống luân lý của họ trở thành một phượng tự thiêng liêng. Trong Hội thánh, họ học gương thánh thiện của Đức Trinh Nữ Maria và của các thánh. 

430. Tại sao Huấn quyền Hội thánh can thiệp vào lãnh vực luân lý?

Trách nhiệm của Huấn quyền Hội thánh là rao giảng đức tin để mọi người tin và áp dụng vào đời sống cụ thể. Trách nhiệm này cũng bao gồm cả những giới luật đặc thù của luật tự nhiên, bởi vì tuân giữ những giới luật đó rất cần thiết cho ơn cứu độ. 

431. Các điều răn của Hội thánh có mục đích gì ?

Năm điều răn của Hội thánh có mục đích bảo đảm cho người tín hữu những điều tối thiểu thiết yếu về tinh thần cầu nguyện, đời sống Bí tích, dấn thân luân lý và tăng trưởng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. 

432. Năm điều răn của Hội thánh là gì ?

Năm điều răn của Hội thánh là : (1) tham dự Thánh lễ Chúa nhật cũng như các ngày lễ buộc, kiêng việc xác và những hoạt động có thể cản trở việc thánh hoá những ngày đó; (2) xưng tội để lãnh nhận Bí tích Giao hoà ít là mỗi năm một lần; (3) Rước lễ ít là trong mùa Phục sinh; 4) Kiêng thịt và giữ chay trong những ngày Hội thánh quy định; (5) Mỗi người theo khả năng, đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Hội thánh. 

433. Tại sao đời sống luân lý của người Kitô hữu rất cần thiết để loan báo Tin Mừng ?

Nhờ đời sống luân lý phù hợp với Chúa Giêsu, các người Kitô hữu lôi kéo mọi người tin vào Thiên Chúa thật; họ xây dựng Hội thánh; đem tinh thần Phúc Âm vào giữa lòng đời và chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa đến. 

Trích trong sách TOÁT YẾU GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận