Mẹ về trời

999 lượt xem

Tháng 7 Âm lịch với những cơn mưa dầm dề như nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ sướt mướt tiễn biệt, sau khi được gặp nhau hằng năm vào đêm mùng 7. Đây cũng là thời gian các tín đồ Phật giáo bước vào mùa báo hiếu với đỉnh cao là lễ Vu lan tổ chức vào giữa tháng. Vu lan, còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. 

Trong ngày này, các Phật tử khi lên Chùa lễ Phật thường cài trên ngực áo một bông hoa: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa”. (Theo tản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Tháng 7 Âm lịch cũng tương ứng với tháng 8 theo lịch Gregorien mà ta gọi là Dương lịch. Trong tháng này, người Công giáo cũng có một lễ trọng vào giữa tháng là lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời. Mỗi người Công giáo, ngoài người mẹ trần thế – người mẹ mà khi người khuất núi, ta thấy xót xa, nhớ thương không nguôi – còn có một người Mẹ chung luôn yêu thương, chăm sóc chúng ta suốt cuộc đời. Mẹ có mặt trong cuộc đời chúng ta không chỉ là linh hồn mà còn cả thân xác, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria trọn đời đồng trinh.

Người mẹ E-và của nhân loại đã từ bỏ Thiên đàng khi nghe lời con rắn rủ rê chồng cùng mình nếm thử trái cấm và từ đó “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3,19). Trong lúc trần truồng trốn chạy khi biết mình phạm tội, E-và đã đánh mất thiên chức làm mẹ chúng sinh khi Thiên Chúa phán với con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,15). Cũng chính vì tội tổ tông mà khi từ giã cuộc sống trần thế, thân xác con người sẽ phải mục nát và trở về kiếp tro bụi.

Sau khi đã viên mãn cuộc đời trần thế, Mẹ đã được Chúa đưa cả hồn và xác về trời vì Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội không hề mắc tội tổ tông và cũng không hề có tội riêng. Suốt cuộc đời thánh thiện, Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa. Mẹ không hề phạm tội, nên thân xác Mẹ, cũng như thân xác Chúa Giêsu không bị huỷ hoại tiêu tan. Thân xác Mẹ trực tiếp đi từ tình trạng dương thế qua tình trạng vinh quang mà không bị hủy hoại, mục nát.

Không giống như các Phật tử khi mất mẹ trở thành người mồ côi và ngậm ngùi nhận lấy bông hồng trắng trong ngày Vu lan như lời thơ tiếc nuối:

Giờ đây cài đoá hoa hồng
Còn đâu dáng mẹ, chìm trong ngút ngàn

Người Công giáo chúng ta có niềm tin chắc chắn vào Đức Kitô Phục sinh. Đức Kitô là khởi đầu của những người sống lại, và Đức Maria là khởi đầu của những người được cứu rỗi, là người đầu tiên giữa “những người thuộc về Đức Kitô” đã sống lại. Đức Mẹ về trời là ấn tín bảo đảm cho những ai tin vào Đức Kitô cũng sẽ được sống lại – dù sẽ phải trải qua một thời kỳ huỷ hoại, mục nát – và lên trời sau khi hoàn tất cuộc sống lữ hành trần gian.

Sự bảo đảm đó chỉ thành hiện thực nếu chúng ta luôn luôn cầu nguyện và tuân theo chỉ dẫn của Mẹ: sống vâng phục thánh ý Chúa (Lc 1,38). Chỉ một câu kinh Kính Mừng, chúng ta ca tụng Mẹ là Đấng đầy ân phước để rồi từ đó chúng ta xin Mẹ gìn giữ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy trong cuộc đời. Bắt chước Mẹ xác quyết xin vâng theo ý Chúa chứ không bắt Chúa phải theo ý của mình. Đón nhận ý Chúa với lòng tin là luôn sống vâng phục và đẹp lòng Chúa trong sự giằng co của cái tôi chính mình, đón nhận mọi thăng trầm của cuộc sống trong bình an phó thác.

Trong tâm tình hân hoan mừng kính Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, hết thảy người Công giáo chúng ta cùng vui mừng cài một bông hoa màu hồng trên áo vì có một người Mẹ bất tử, một người Mẹ ở trên thiên quốc luôn sẵn lòng ban ơn cho con cái khi chúng kêu xin. Một người Mẹ đã đi qua biết bao thăng trầm của dòng đời để có thể hiểu hết những khó khăn của con người. Mẹ đã hiểu và chắc chắn Mẹ sẽ chia sẻ với chúng ta những khó khăn trong cuộc đời. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa – qua lời Mẹ chuyển cầu – cho chúng ta sống cuộc đời thánh thiện đẹp lòng Chúa. Luôn tín thác nơi Ngài, xa tránh mọi tội lỗi, để sau cuộc lữ hành trần thế này, chúng ta cũng được về trời hưởng phúc Thiên Đàng cùng Mẹ và các Thánh.

Mẹ về trời, con không mất mẹ
Mẹ về trời, dọn chỗ cho con
Mẹ về trời, khẩn cầu cùng Chúa
Cho chúng con được phúc Thiên Đàng.

Jos. Hoàng Mạnh Hùng
(Bán nguyệt san GSVN, số 333)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận