Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.
Carlo có chương trình cho cuộc sống của mình không?
Carlo là một đứa trẻ và sau đó là một thiếu niên rất trưởng thành. Carlo không lãng phí thời gian của mình, Carlo dùng thời gian cách tốt nhất. Carlo luôn nói, thời gian và cuộc sống là ơn Chúa ban cho chúng ta và chúng ta phải dùng cách tốt nhất có thể. Với Carlo, “tốt nhất” là phát triển tình yêu với Chúa và với người anh em. Sự tăng trưởng tình yêu này càng lớn thì niềm hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta trong cuộc sống sắp tới sẽ càng lớn lao.
Carlo viết: “Mỗi phút trôi qua là chúng ta bớt đi một phút được thánh hóa chính mình. Vì thế không được lãng phí thì giờ vào những việc không đẹp lòng Chúa, chúng ta phải biến Ngài thành đồng minh của mình”. Đó là lời kêu gọi tối ưu hóa thời gian, mang lại cho thời gian phẩm chất tốt nhất có thể để sống theo các nhân đức.
Carlo luôn lấy Chúa Giêsu làm điểm tham chiếu vì chính Chúa Giêsu khi nhập thể đã chỉ cho chúng ta cách tận dụng thời gian tốt nhất. Qua việc nhập thể của Ngôi Lời vĩnh cửu, Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu đã công khai tỏ mình trong thời gian và Ngài đã ban cho mỗi chúng ta khả năng sống hiệp thông với Ngài. Đây là ý nghĩa của kairos (thời gian) hay đúng hơn là ngày hôm nay của ơn cứu độ, giúp chúng ta đến với Thiên Chúa, đến với Ba Ngôi, đến cõi vĩnh hằng của Ngài. Carlo biết ngày hôm nay là ơn vô cùng quý giá của Chúa, nhưng còn là một thử thách. Một thử thách không phải để làm chúng ta sa ngã, để kích động chúng ta có thái độ từ chối, nhưng đúng hơn là làm cho chúng ta lớn lên trong sự hòa hợp với ý của Chúa dành cho chúng ta, để lớn lên trong lòng biết ơn trước lòng nhân từ của Ngài, để tiến bộ trong tình yêu bác ái. Vì vậy Carlo tin chắc các bí tích là nguồn lực chính mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta dành toàn bộ thì giờ của mình cho Ngài. Carlo thường nói với chúng tôi: “Mục tiêu của chúng ta phải là Vô hạn chứ không phải hữu hạn.”
Vài ngày sau khi rước lễ lần đầu, Carlo viết chương trình của em: “Luôn được kết hợp với Chúa Giêsu, đó là chương trình cuộc đời của con.” Trước hết Carlo loại những thứ mà bằng cách này hay cách khác làm em xa Chúa. Đó là cam kết hoán cải cá nhân của Carlo: “Hoán cải không gì khác hơn là chuyển cái nhìn từ dưới lên trên. Một chuyển động đơn giản của mắt là đủ.” Khi nói điều này, Carlo làm vẻ nửa nghiêm túc, nửa đùa giỡn. Carlo biết cách chuyển giao các chân lý vĩ đại của kitô giáo một cách thân thiện và vui vẻ, Carlo dùng các ẩn dụ: hoán cải có nghĩa là ngừng lao xuống và bắt đầu leo lên trở lại. Chúng ta càng xuống thấp thì việc leo lên càng khó khăn và mệt mỏi. Chúng ta sẽ phải đảo ngược tiến trình của mọi việc. Bước này nối tiếp bước khác, ngày này qua ngày khác, tiến về phía trước và không bao giờ dừng lại. Càng lên cao, chúng ta sẽ càng nhìn mọi thứ theo đúng quan điểm, một cách trọn vẹn và tổng thể. Càng lên cao, chúng ta càng bước vào bầu khí bao quanh sự đồng vĩnh cửu. Chúng ta sẽ hít thở bầu khí vô tận.
Để việc hoán cải chân thành và liên tục, Carlo thường xuyên xưng tội, ít nhất mỗi tuần một lần. Carlo gần như xưng tội với một linh mục trong giáo xứ của chúng tôi ở Milan. Linh mục đã làm chứng, Carlo là một thanh niên rất trong sáng, Carlo mong muốn cải thiện mọi thứ, cả về tình yêu Thiên Chúa lẫn tình yêu cho người anh em, bắt đầu từ cha mẹ mình. Carlo muốn phát triển tình bạn với những người trẻ cùng tuổi, với các bạn cùng lớp, với giáo viên của mình. Carlo cố gắng đào sâu các môn học và các máy tính khác nhau, bên cạnh những môn liên quan đến đức tin. Carlo không muốn có các “vết nhơ” làm vấy bẩn tâm hồn. Bí tích xưng tội giúp Carlo có được mục tiêu này. Carlo nói: “Nhiều điểm nhỏ ghép lại với nhau sẽ tạo thành một điểm lớn, và cuối cùng sẽ không còn khoảng trắng nữa.” Carlo cầu nguyện với lời Thánh vịnh 50, Miserere, Vua Đavít xin Chúa tha thứ tội cho ông: “Xin rửa cho con và con sẽ trắng, trắng hơn tuyết. Xin xóa bỏ mọi tội lỗi của con. Lạy Thiên Chúa của con, xin tạo cho con một trái tim trong sạch, đổi mới và củng cố tinh thần con trong sâu thẳm con.”
Khi dạy giáo lý cho trẻ em, Carlo kể cho các em câu chuyện về cuộc đời của Thánh Antôn thành Pađua: Một ngày nọ, một người đến xưng tội với quyết tâm thay đổi cuộc đời và sửa chữa mọi lỗi lầm. Anh quỳ dưới chân Thánh Antôn để xưng tội, anh xúc động đến mức không thể mở miệng, nước mắt sám hối rơi lã chã trên mặt. Thánh Antôn bước sang một bên xin anh viết tội mình lên giấy. Người đàn ông viết một danh sách dài. Thánh Antôn đọc cao giọng và ngài trả lại tờ giấy cho người xưng tội đang quỳ. Người này ngạc nhiên khi thấy tờ giấy trắng tinh! Tội đã biến mất ø và tâm hồn của người xưng tội cũng trắng như tờ giấy.
Khi dạy giáo lý cho các em nhỏ hơn mình, để mô tả những hậu quả mà tội lỗi để lại trong tâm hồn con người, Carlo dùng hình ảnh: “Lỗi lầm nhỏ nhất giữ chúng ta lại như quả bóng chúng ta cầm trong tay, nó không bay được.” Nên xưng tội thường xuyên là tốt, Carlo dùng một so sánh khác: Để khinh khí cầu bay lên cao chúng ta cần phải loại bỏ trọng lượng, cũng như linh hồn, muốn bay lên cần loại bỏ những trọng lượng nhỏ là tội nhẹ. Nếu vướng phải tội trọng, linh hồn sẽ rơi xuống đất và việc xưng tội giống như ngọn lửa cho phép khinh khí cầu bay lên lại. Chúng ta phải xưng tội thường xuyên vì tâm hồn rất phức tạp.
Vì Carlo thích thả diều trên núi Subasio ở Assisi, Carlo bắt đàn chó chạy theo sau nên Carlo dùng một hình ảnh khác: như chiếc diều, để bay cao, diều cần gió vì thế linh hồn chúng ta cần Chúa Thánh Thần.
Một cách nói khác cho thấy Carlo đặt quan trọng trong việc gắn liền với ân sủng: “Nếu chúng ta nghĩ sống trong ân sủng của Chúa là một ơn lớn lao, thì chúng ta giữ các điều răn của Chúa, chúng ta không phạm tội trọng, chúng ta giúp đỡ những người sống xa Chúa.” Carlo thích trích lời của Thánh Giacinta Fatima: “Nếu con người biết thế nào là vĩnh cửu, họ sẽ làm mọi cách để thay đổi cuộc đời của mình.”
Carlo thấy một số bạn hoặc người quen thay vì đi xưng tội thì lại đến các nhà tâm lý học hoặc đi theo những người có ảnh hưởng. Carlo nói: “Những chuyên gia này chắc chắn sẽ lắng nghe, phân tích và tư vấn. Nhưng họ sẽ không bao giờ đề nghị hoán cải, thay đổi cuộc sống, định hướng cuộc sống bằng cách nhìn vào Chúa Giêsu. Họ cho phép mọi người tiếp tục phạm tội, như thế sẽ làm cho những người này đau buồn và bệnh tật.” Carlo lập luận – đúng – bất hạnh phát sinh từ tội lỗi và xa cách Chúa. Từ bỏ tội lỗi và bắt đầu cuộc sống mới trong Chúa Kitô, trong ân sủng thánh hóa của Ngài là giải pháp duy nhất giúp chúng ta thực sự có hạnh phúc. Nhà tâm lý học sẽ nêu bật những khó khăn, cảm giác tội lỗi, những tổn thương của chúng ta, nhưng họ không bao giờ nói về tội lỗi, về mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa, về tình yêu bác ái mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, và về việc chúng ta đã hư mất vì tội lỗi. Carlo biết trong bí tích giải tội, chính Chúa Kitô đang hoạt động, Đấng ban cho chúng ta lòng thương xót, ban Chúa Thánh Thần để hòa giải chúng ta với Giáo hội, với Chúa Cha, và một trong những hoa quả là chúng ta có được bình an mà chỉ có Chúa mới ban được, một bình an ngọt ngào và không thể lay chuyển.
Theo Carlo, điều quan trọng là phải luôn xưng tội với cùng một linh mục, ngài có thể khuyên chúng ta tốt hơn, đưa ra những đề nghị cụ thể để chúng ta hoán cải, để chúng ta có được mục tiêu mình mong muốn.
Một khía cạnh cơ bản trong chương trình sống của Carlo từ khi Carlo rước lễ, đó là việc đọc và suy niệm Tin Mừng. Một trong những dụ ngôn ưa thích của Carlo là dụ ngôn người gieo giống (Mt 13:4). Theo Carlo, điều quan trọng là làm sao cho hạt giống sinh hoa kết trái 100%, không để bị gai cuộc đời bóp nghẹt. Một ngày nọ, trong thánh lễ ngày thường, chúng tôi nghe đoạn Phúc âm kể Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. (Ga 12:24-25).
Sau đó Carlo ghi lại một số suy nghĩ: “Càng thành công trong việc chết đi chính mình mỗi ngày, tôi càng được tái sinh trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói về hạt lúa mì rơi xuống đất, nếu nó không chết đi thì vẫn trơ trọi một mình. Tất cả chúng ta đều là hạt lúa mì này, chúng ta là những sinh vật nhỏ bé như hạt lúa mì. Nhưng chúng ta là hạt lúa quý giá đến mức Chúa mong chờ chúng ta mọi điều chúng ta có thể tưởng tượng được. Chúng ta có trong mình một nguồn tài nguyên to lớn, được gọi là tinh thần hay linh hồn. Đó là yếu tố thiết yếu cấu thành nên chúng ta: chúng ta bao gồm linh hồn và thể xác. Nhưng tâm hồn thì đơn giản và cái gì đơn giản thì không thể phân hủy, không phức tạp. Và tâm hồn chúng ta không được tạo ra cho thời gian hay không gian.
Hiện tại, chừng nào chúng ta còn sống, chúng ta như bị nhốt trong cái bẫy chuột, trong một cái lồng gọi là không gian-thời gian mà chúng ta tùy thuộc vào, vì thời gian và không gian làm sự tồn tại thành khó khăn; chúng ta có một tinh thần vừa đơn giản vừa bất tử, và vì bất tử nên nó không tồn tại trong thời gian và không gian. Hạt giống nhỏ bé mà tất cả chúng ta là, được chôn sâu trong lòng đất, để nó có thể trưởng thành, phát triển và đạt đến “mức độ của tâm hồn”, một tâm hồn không cần đến thời gian cũng như không gian, một tâm hồn được tạo dựng cho cõi vĩnh hằng. Nhưng ngoài việc là hạt lúa mì, chúng ta phải cộng tác để phát triển hạt lúa thành bông lúa, thành lúa mì, chúng ta cần hai nhân đức: khiêm nhường và đơn sơ. Khiêm nhường là sự thật, là thực tế, không phải là hạ thấp giá trị bản thân nhưng cảm thấy mình kém hơn Thiên Chúa. Chúa rồi mới đến chúng ta. Nguồn gốc chữ khiêm nhường từ chữ la-tinh humus, có nghĩa là đất. Vì thế, người từ đất là người khiêm tốn, người ở bên dưới. Nếu chúng ta cảm thấy mình ở dưới Chúa, chúng ta khiêm tốn. Sự khiêm tốn giữ chúng ta ở vị trí của chúng ta, mời gọi, dẫn đưa, củng cố nguồn tài nguyên, những nguồn chúng ta không được xem thường, phải vun trồng vì vinh quang Thiên Chúa. Đơn sơ là đức tính không làm nhầm lẫn mọi việc. Từ “đơn sơ” có nguồn gốc từ tiếng la-tinh sem và plicare. Sem là “một lần” và plicare là “gấp lại”. Đơn sơ là nghệ thuật không làm phức tạp mọi chuyện nhưng để mọi chuyện mở ra, để cho vinh quang Thiên Chúa và cho lợi ích cho anh em. Khiêm tốn và đơn sơ là hai nhân đức giúp hạt nảy mầm khỏi lòng đất, phát triển và trở thành lúa mì. Lúa mì thành bột, bột thành bánh, Bánh sẽ được dùng trong Bí tích Thánh Thể. Khi Chúa Giêsu nói về hạt lúa mì, như Bánh được thánh hiến, trong đó sự biến đổi bản thể diễn ra, Ngài nghĩ về chúng ta là những người sống nhờ Bánh này, Bánh hướng về cõi vĩnh hằng. Carlo có lời cầu nguyện sau: “Lạy Chúa, xin biến con thành hạt lúa mì, để con có thể bước vào thực tại Thánh Thể của Chúa, Đấng thực sự làm cho con sống.”
Cũng những dòng chữ này, Carlo nói lên một khía cạnh khác trong chương trình hoán cải của mình: cuộc chiến chống tự ái, chống kiêu ngạo, luôn trau dồi đức khiêm nhường. Carlo tin chắc thiên thần hộ mệnh đã gợi ý để em nói: “Không phải cái tôi của mình, nhưng là vinh quang của Chúa.” Cái tôi, bản ngã khép kín là nền tảng của kiêu ngạo và từ đó khởi đầu mọi tội lỗi. Kiêu ngạo là kẻ thù của Thiên Chúa, vì nó thách thức sự thống trị hoàn vũ và tuyệt đối của Chúa. Nó là kẻ thù của con người, vì nó kích động xung đột làm mọi người cáu kỉnh với nhau. Nó là kẻ thù của mọi người vì nó làm chúng ta ra khỏi sự tốt lành của mình. Liên tục dấn thân làm môn đệ Chúa Giêsu sẽ làm cho cái tôi của mình bị rối loạn. Khởi đầu đời sống thiêng liêng là giảm phạm vi hoạt động của tính kiêu ngạo; đó cũng là khởi đầu hiệp thông với Chúa Kitô để có được bình an đích thực. Vì hành động cho vinh quang Thiên Chúa là hành động nói lên thiên tính của Ngài, lòng thương xót của Ngài.
Carlo cho chúng ta thấy, tập trung vào cuộc đời Chúa Giêsu mang tính quyết định như thế nào:
Chúa Giêsu muốn đặt nhân đức khiêm nhường làm nền tảng cho đời sống người tín hữu kitô. Khiêm nhường cũng là nền tảng của đức bác ái. Khiêm nhường là đức tính giúp chúng ta sống trong xã hội, giúp chúng ta hoán cải, gắn kết mọi người lại với nhau. Khiêm tốn là gì? Là nhận ra mọi thứ là của Chúa, điều tốt lành chúng ta có là từ Chúa. Là nhận ra những gì xấu xa còn tồn tại nơi chúng ta là từ chúng ta. Nhân đức khiêm nhường là nhân đức điển hình của kitô giáo. Chúa xuống thế gian trong khiêm nhường, Ngài là người đầu tiên thực hiện đức khiêm nhường. Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ khó nghèo, và chính vì tất cả những điều này, Ngài sinh ra đã khiêm nhường. Nhưng đây không phải là lý do vì sao Chúa Giêsu sinh ra đã khiêm nhường. Khiêm nhường cao cả nhất của Ngài là kết hợp thiên tính và nhân tính của Ngài. “Hãy học cùng Ta là người hiền lành và khiêm nhường trong lòng.”
Sau khi rửa tội, Chúa Giêsu vào sa mạc bốn mươi ngày. Tất cả ở trong kế hoạch của Ngài. Trong suốt quá trình chúng ta gọi là cuộc đời công khai của Ngài, trong những chuyến đi từ vùng này sang vùng khác, Ngài bị theo dõi, truy lùng, bị ném đá, bị nghi ngờ, ganh tị, tấn công, chỉ trích, không tin tưởng, bị bỏ rơi, Ngài đã chịu tất cả, Ngài dạy: “Hãy học nơi tôi là người hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” Nhẹ nhàng và khiêm tốn: bình yên, điềm tĩnh, sẵn sàng, khiêm tốn, hữu ích, tôn trọng, yên bình, thanh thản, cân bằng, làm gương cho người khác.
Tội kiêu ngạo không thể chế ngự Ngài. Ngài đặt đức tính khiêm nhường, một đức tính gần như chưa được biết đến trong lịch sử trước Ngài, làm nền tảng cho đạo đức, làm bản chất tâm linh của Ngài. “Hãy học nơi tôi là người hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Từ trái tim trong tiếng do thái là tâm trí, vì theo họ, thận và trái tim là nơi đưa ra hầu hết các quyết định sâu xa của chúng ta. Chúa là người duy nhất có thể xem xét tình cảm và những suy nghĩ thầm kín nhất của chúng ta. “Ta sẽ giết chết con cái của nó. Tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng Ta là Đấng dò thấu lòng dạ, và Ta sẽ tùy theo việc các ngươi làm mà thưởng phạt mỗi người. Ta là Đấng dò xét tâm trí và tấm lòng, và Ta sẽ báo cho mỗi người tùy theo việc làm của họ” (Kh 2:23). Những quyết định xứng đáng đến từ trái tim và quả thận của chúng ta sẽ xứng đáng hoặc không xứng đáng nhận phần thưởng sự sống đời đời. Thận và trái tim là nơi ẩn náu của những suy nghĩ bí mật, của nhạy cảm và ý chí tiềm ẩn. Mọi suy nghĩ của chúng ta đều bắt nguồn từ trái tim, đó là nơi xuất phát mọi quyết định của chúng ta dù tốt hay xấu. Đó là lý do vì sao Kinh Thánh khuyên chúng ta hãy giữ gìn tâm hồn trong sạch, cẩn thận để mọi điều không đẹp lòng Chúa không xâm nhập vào: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Châm ngôn 4: 23). “Chúa Giêsu đã nói: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7:15).
Khi Thiên Chúa nói với tâm hồn chúng ta, điều đó có nghĩa là Ngài nói với ý chí, tinh thần, lương tâm của chúng ta. Tấm lòng đối với Kinh Thánh là trọng tâm của con người đưa ra những quyết định theo ý Chúa. Sách tiên tri Giêrêmi viết: “ Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta; họ sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi. (Gr 3:15) Và: “Lạy Chúa, Ngài quá công chính đến nỗi không thể xét xử Ngài” (Gr 12:1). Đây là những gì chúng ta phải thường xuyên lặp lại! Chỉ có thần dữ mới muốn tranh luận với Chúa. Vì vậy, nếu tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng, có nghĩa là tôi có tinh thần khiêm nhường. Đó là tuyên ngôn về nhân đức đầu tiên của Chúa Giêsu lập ra và được tôn giáo của Ngài áp dụng. Đức tính khiêm tốn là khả năng cảm nhận cái ác đến từ chính mình và cái tốt đến từ Thiên Chúa. Khả năng không phán xét người anh em, nhưng chỉ phán xét chính mình: quả thực, đức tính khiêm nhường này đến từ Chúa Kitô, là nhân đức nền tảng, cơ bản và trọng tâm của linh đạo công giáo. Khiêm nhường mà Chúa Giêsu thể hiện qua việc Ngài nhập thể. Khiêm nhường của Ngài không phải do Ngài sinh ra trong máng cỏ, nhưng do chặng đường mệt mỏi mà chúng ta gọi là nhập thể, đã đưa Chúa Giêsu từ bản chất vô hạn đến hữu hạn. Sự sỉ nhục của Chúa nằm ở chặng đường mệt mỏi từ vô hạn đến hữu hạn. Và đó là tấm gương khiêm nhường liên tục mà Ngài ban cho chúng ta qua sự nhập thể của Ngài, Ngài đã sống trong hơn ba mươi năm, Ngài đã chịu đau khổ và dâng hiến khi luôn khiêm nhường.
Vì thế chúng ta người công giáo phải sống nhân đức cơ bản khiêm nhường này, chúng ta cúi đầu trước Thiên Chúa, và chúng ta cống hiến hết mình cho một lòng bác ái không gì khác hơn là khiêm nhường.
Vì thiếu lòng bác ái là thiếu khiêm tốn và ngược lại. Thế giới tràn ngập tự hào. Vì nếu chúng ta thực sự khiêm nhường, Chúa sẽ ban cho chúng ta nhiều ân sủng.
Bất kỳ ân sủng nào không được ban đều tương ứng với việc hoàn thành một hành động kiêu ngạo. Bất kỳ ân sủng nào được ban đều đến sau một hành vi khiêm nhường: “Hãy mang lấy ách của Ta và trở thành môn đệ của Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29). “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:5-11).
Carlo nhớ lại lời dạy của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy” (Lc 9, 23). Để hiểu chúng ta đã tiến được bao xa trong việc giảm tính kiêu ngạo và phát triển tính khiêm tốn cũng như tự do nội tâm, Carlo gợi ý chúng ta nên xem cách chúng ta chấp nhận chỉ trích, dù công bằng hay không công bằng. Chúng ta càng bối rối và khó chịu trước những lời chỉ trích, đó là dấu hiệu cho thấy mức độ tự ái của chúng ta bị rối loạn cao độ. Hành trình loại bỏ tự ái sẽ dài hơn, nó là trở ngại nghiêm trọng trên con đường nên thánh.
Carlo tin chắc con người, khi được giải thoát khỏi tội lỗi và mọi ràng buộc ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa, sẽ thực sự bình an và hạnh phúc. Dành nhiều không gian hơn cho những điều siêu nhiên trong cuộc sống, quyết định dứt khoát không đặt quan trọng quá nhiều cho những thực tại trần thế, chỉ đặt tin tưởng của chúng ta vào Chúa: đó là chương trình sống của Carlo.
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: phanxico.vn
Có thể bạn quan tâm
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
Th11
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Cho 76 Em Tại Giáo Xứ..
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11
Niềm Vui Khánh Thành Nhà Mục vụ Giáo Xứ Tràng Lưu Trong Tuần..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXII TNB: Ai Vui Vẻ Dâng Hiến Thì Được..
Th11
Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th11
Tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà Paris ngân vang sau 5 năm hỏa..
Th11
Đức Thánh Cha thêm Đức TGM Domenico Battaglia vào danh sách tân Hồng..
Th11
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô
Th11