Một số vấn đề cần lưu ý liên quan đến Phụng vụ Thánh Lễ

1218 lượt xem

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, đã nhắc nhở về tầm quan trọng của bí tích Thánh Thể như là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Giáo Hội.[1] Chính vì tầm quan trọng này, cũng như vị trí và vai trò của bí tích Thánh Thể trong đời sống của Giáo Hội, trong Thông điệp của ngài, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II thấy là cần phải lưu ý mọi thành phần của Dân Chúa về những tiêu cực và lạm dụng có thể là nhân danh chính tinh thần cởi mở của Công đồng Vatican II, trong việc cử hành thánh lễ[2]“cần phải lên tiếng một cách cương quyết, để trong cử hành thánh lễ, những quy luật phụng vụ luôn được tuân giữ một cách đúng đắn.”[3]

Thật vậy, các quy tắc phụng vụ vốn là những yếu tố rất quan trọng và cần thiết, bởi vì các quy tắc ấy sẽ bảo đảm cho sự linh thánh trổi vượt của các cử hành phụng vụ, vốn dĩ không một hành vi nào của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét về danh hiệu lẫn đẳng cấp.[4] Phụng vụ, nhất là thánh lễ, không thuộc cá nhân, nhưng là của toàn thể Giáo Hội. Các quy tắc phụng vụ được soạn thảo liên quan đến việc cử hành thánh lễ đều nhằm mục đích diễn đạt và bảo vệ mầu nhiệm Thánh Thể.[5] Kết quả là “Linh mục nào và cộng đoàn nào trung thành cử hành thánh lễ theo quy luật phụng vụ chứng tỏ tình yêu của họ đối với Giáo Hội một cách âm thầm nhưng rõ rệt”[6].

Bài viết này – chủ yếu dựa trên Huấn thị Redemptionis Sacramentum, Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma ấn bản 2002, Bộ Giáo luật 1983 và một số tài liệu khác – nhằm trình bày về một số vấn đề cần lưu ý liên quan đến phụng vụ thánh lễ, để nói lên tầm quan trọng của việc cử hành thánh lễ sao cho đúng với các quy tắc được Giáo Hội quy định. Một cách tổng quát, các quy tắc này liên quan đến:

– Nơi chốn và vật dụng của việc cử hành thánh lễ
– Việc cử hành thánh lễ
– Phụng vụ Lời Chúa
– Phụng vụ Thánh Thể
– Việc rước lễ
– Việc cho rước lễ
– Việc rước lễ dưới hai hình
– Lễ phục của các thừa tác viên trong thánh lễ.

1. NƠI CHỐN VÀ VẬT DỤNG CỦA VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ

a. Nơi chốn

Linh mục phải cử hành thánh lễ trong một nơi thánh, trong trường hợp đặc biệt, không thể cử hành trong nơi thánh, thì cũng phải cử hành ở một nơi tôn nghiêm. Thánh Thể phải được cử hành trên bàn thờ đã được cung hiến hoặc đã được làm phép. Nếu thánh lễ được cử hành ngoài nơi thánh, có thể sử dụng một bàn xứng đáng, nhưng luôn luôn phải có trải khăn bàn thờ và khăn thánh.[7]

Linh mục không bao giờ được phép cử hành thánh lễ tại một đền thờ hoặc một nơi tôn nghiêm của một tôn giáo không phải là Kitô giáo, nếu không có phép minh nhiên của Đấng bản quyền địa phương.[8]

Không được cử hành thánh lễ trên bàn ăn, tại nhà cơm, hay những nơi dành cho việc ăn uống hay bất cứ nơi nào có thức ăn, trừ những trường hợp cần thiết hay đặc biệt. Nếu phải cử hành trong nhà ăn, thì phải giữ một khoảng thời gian tách biệt sau hoặc trước bữa ăn. Cũng không dọn thức ăn ra khi đang cử hành thánh lễ.[9]

Không được dâng thánh lễ riêng cùng lúc với thánh lễ đồng tế đang được cử hành trong cùng một nhà thờ hay nhà nguyện.[10]

Không được đồng tế thánh lễ với các tư tế hay thừa tác viên thuộc các Giáo Hội hay các cộng đoàn Giáo Hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo.[11]

b. Vật dụng

Các mục tử phải bảo đảm các khăn thánh của bàn thánh phải luôn luôn sạch sẽ, đặc biệt những khăn có chạm đến Mình Máu Thánh Chúa. Các khăn này phải được giặt rất thường xuyên.[12]

Cần phải chuẩn bị chu đáo để thánh lễ được diễn ra một cách sốt sắng: âm nhạc, trang trí hoa đèn, khăn thánh, bàn thờ… phải đẹp đẽ và sạch sẽ xứng đáng với việc cử hành nghi lễ cực thánh.[13] Việc cử hành thánh lễ cũng cần phải được chuẩn bị kỹ càng và cẩn thận: nghi thức, bản văn phụng vụ, bản văn thánh kinh, bài diễn giải… nhằm gìn giữ và nuôi dưỡng đức tin các tín hữu.[14]

Đĩa thánh, các bình thánh, dùng để đựng Mình và Máu Thánh Chúa, phải được làm hoàn toàn đúng với các quy tắc của truyền thống và của các sách phụng vụ. Các vật dụng này phải được làm với những chất liệu quý giá, chắc chắn và có tính nghệ thuật để bày tỏ sự tôn kính Chúa, và tránh nguy cơ làm giảm lòng tôn kính và lòng tin đối với sự hiện diện thực sự của Đức Kitô dưới hình bánh và hình rượu. Do đó, phải loại bỏ những đồ vật không có chút nào là nghệ thuật, hay chỉ là những cái giỏ thường, hay những đồ đựng bằng thuỷ tinh, đất sét, đất nung hay bằng những chất liệu khác dễ bể, dễ hỏng.[15]

Trước khi sử dụng, các bình thánh phải được linh mục làm phép, theo các nghi lễ được các Sách phụng vụ ấn định.[16] Tốt hơn nữa là để chính giám mục giáo phận làm phép, qua đó, ngài có thể đánh giá coi các bình thánh có thật đúng với công dụng dành cho chúng không.[17]

2. VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ

Không được thay đổi hay biến đổi các bản văn phụng vụ thánh, vì việc thay đổi này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng là làm mất tính ổn định trong việc cử hành phụng vụ thánh, làm biến mất ý nghĩa đích thực của phụng vụ.[18]

Chủ tế chỉ đọc các lời nguyện nhập lễ, tiến lễ, và hiệp lễ của thánh lễ đó mà thôi, không được đọc ghép các lời nguyện của các thánh lễ khác nhau lại với nhau.[19] Không được thay thế các bài hát trong Lễ quy bằng các bài hát khác.[20]

Không được tách rời phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, cũng như tách các phần khác nhau của thánh lễ để cử hành trong những thời gian và địa điểm khác nhau, cho dù trong cùng một ngày.[21]

Không được cử hành thánh lễ chung với bí tích giao hòa như một phụng vụ duy nhất. Tuy nhiên, một linh mục không đồng tế có thể ngồi tòa giải tội trong khi thánh lễ đang được cử hành. Nhưng cũng cần tiến hành việc này một cách thích hợp.[22]

Không được cử hành thánh lễ đi liền với việc cử hành các bí tích và phụ tích trong các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay, mùa Phục Sinh, các lễ trọng, các ngày trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, lễ Cầu cho các tín hữu qua đời, thứ Tư lễ Tro và các ngày trong Tuần thánh.[23]

Các thông báo hay trình bầy do giáo dân thực hiện phải được thực hiện ngoài thánh lễ, hoặc nếu vì lý do nghiêm trọng, thì có thể làm sau lời nguyện hiệp lễ. Không để điều này trở thành thói quen, cũng như tránh gây lầm lẫn với bài giảng hoặc làm nguyên nhân để bỏ bài giảng.[24]

Không được dâng thánh lễ theo kiểu trình diễn. Tuyệt đối không được đưa vào thánh lễ những nghi thức vay mượn từ các tôn giáo khác.[25]

Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho một linh mục lạ cử hành hay đồng tế thánh lễ, miễn là linh mục này xuất trình chứng thư (hay celebret) của Tông Toà, hay của Đấng bản quyền, hay bề trên của mình, được cấp trong năm, hoặc vị chịu trách nhiệm có thể nhận định cách khôn ngoan rằng không có gì ngăn trở vị linh mục ấy được dâng lễ.[26]

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng La tinh hay bằng một ngôn ngữ khác, với điều kiện phải sử dụng những bản văn phụng vụ đã được phê chuẩn theo quy tắc luật định. Ngoại trừ các thánh lễ phải cử hành theo ngôn ngữ của dân chúng, theo thời khóa biểu và theo thời gian do giáo quyền ấn định, các linh mục được phép cử hành thánh lễ bằng tiếng La tinh, ở mọi nơi và mọi lúc.[27]

Khi thánh lễ được nhiều linh mục đồng tế, kinh nguyện Thánh Thể phải được đọc trong ngôn ngữ mà tất cả các linh mục và dân chúng hiện diện trong buổi cử hành đều biết. Có thể xảy ra trường hợp, trong số các linh mục hiện diện, có vị không biết ngôn ngữ được dùng khi cử hành và không thể đọc các phần kinh nguyện Thánh Thể dành riêng cho mình. Trong trường hợp này, các ngài không đồng tế, nhưng tốt hơn các ngài chỉ tham dự cử hành và mặc áo dành riêng, ở trong cung thánh, theo quy định.[28]

Trong các thánh lễ đồng tế, không được phép thay đổi vị chủ tế, trừ hai trường hợp ngoại lệ: Trường hợp thứ nhất, khi vị giám mục chủ tọa việc cử hành trong y phục kinh hội, nghĩa là ngài tham dự thánh lễ nhưng không cử hành thánh lễ, điều này xảy ra khi vị giám mục đến tham dự lễ ngân khánh của một linh mục. Khi đó, vị giám mục có thể giảng và ban phép lành cuối lễ. Trường hợp thứ hai xảy ra trong lễ tấn phong giám mục, sau khi được tấn phong, vị tân giám mục sẽ chủ tế thánh lễ. Những điều này liên quan đến bản chất của tác vụ giám mục.[29]

Phải dứt khoát bài trừ sự lạm dụng tùy tiện của các linh mục trong việc đình chỉ cử hành thánh lễ cho dân chúng, trái quy tắc của Sách lễ Rôma và truyền thống đúng đắn của Nghi lễ Rôma, viện cớ để khuyến khích “chay tịnh Thánh Thể”.[30]

Không được tăng số lượng thánh lễ trái với quy tắc giáo luật. Những gì liên quan đến bổng lễ, phải tuân thủ tất cả các quy tắc của giáo luật hiện hành.[31]

3. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Phải cử hành phụng vụ Lời Chúa thế nào để tạo thuận lợi cho việc suy gẫm, vì thế tuyệt đối tránh mọi hình thức vội vã, ngăn trở việc hồi tâm. Nên có những giây phút thinh lặng ngắn, tùy theo cộng đoàn tụ họp, để nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa được tiếp nhận trong tâm hồn và lời đáp trả qua kinh nguyện. Những lúc nên giữ thinh lặng đó là sau bài đọc thứ nhất và thứ hai, cũng như sau bài giảng.[32]

Cần phải đọc đúng bản văn Thánh Kinh theo quy tắc có sẵn trong sách phụng vụ. Không được phép bỏ hay thay đổi một cách tùy tiện, nhất là không được thay thế bằng các bản văn không phải là Thánh Kinh.[33]

Không một giáo dân hay tu sĩ nào được phép công bố bài Tin Mừng trong thánh lễ.[34]

Bài giảng là một thành phần quan trọng trong phụng vụ thánh lễ, do đó, buộc phải có và không được bỏ, trừ khi có lý do quan trọng, vào các ngày Chúa nhật và lễ buộc trong mọi thánh lễ cử hành có đông giáo dân tham dự.[35]

Tuyệt đối cấm giáo dân hay chủng sinh, sinh viên thần học hoặc bất cứ ai không có chức thánh giảng trong thánh lễ.[36]

Giám mục là người có trách nhiệm chăm chú theo dõi bài giảng của các thừa tác viên có chức thánh, chia sẻ cho họ những quy tắc, phương hướng cũng như những giúp đỡ khác cho việc soạn bài giảng.[37]

Không được thay thế kinh Tin Kính hoặc Tuyên xưng Đức tin bằng các bản văn khác không có trong sách phụng vụ được phê chuẩn hợp lệ.[38]

4. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Bánh dùng trong thánh lễ phải là bánh được làm bằng bột lúa mì nguyên chất và mới làm để tránh nguy cơ hư hại.[39] Những thứ bánh làm bằng các chất liệu khác hoặc bánh được làm từ bột mì có pha các chất khác không được xem là chất thể thành sự cho việc cử hành thánh lễ.[40] Ngoài ra phải biết chắc là bánh được làm ra bởi những người đứng đắn, biết cách làm và làm với dụng cụ thích hợp.

Rượu nho phải là rượu tự nhiên từ trái nho, không bị hư, không được pha thêm những chất khác.[41] Trong lúc cử hành thánh lễ, người ta thêm vào rượu nho một chút nước. Tuyệt đối cấm sử dụng rượu không rõ hoặc nghi ngờ về tính xác thực và nguồn gốc. Và chắc chắn không được sử dụng một thức uống nào khác thay thế rượu nho trong thánh lễ.[42]

Việc dâng lễ vật không nhất thiết chỉ là bánh rượu, ngoài bánh rượu ra còn có thể dâng những tặng vật khác, do các tín hữu mang đến hoặc chuẩn bị sẵn, có thể là tiền bạc, nhằm mục đích thi hành bác ái dành cho người nghèo. Những tặng vật này phải để ở nơi xứng hợp ngoài bàn tiệc Thánh Thể.[43]

Không được truyền phép một chất thể mà không có chất thể kia, hoặc truyền phép cả hai chất thể ngoài lúc cử hành thánh lễ, cho dù trong trường hợp khẩn cấp và hết sức cần thiết.[44]

Không được tự biên soạn kinh nguyện Thánh Thể hoặc tự ý sửa đổi bản văn kinh nguyện Thánh Thể đã được phê chuẩn.[45]

Kinh nguyện Thánh thể phải được đọc hoàn toàn bởi linh mục, và chỉ bởi ngài mà thôi. Như vậy, thừa tác viên giáo dân hoặc một tín hữu hoặc toàn thể tín hữu, thậm chí phó tế cũng không được đọc bất cứ phần nào của kinh nguyện Thánh Thể.[46]

Khi đọc kinh nguyện Thánh Thể, không được đàn hát hay đọc kinh gì, ngoại trừ những lời tung hô, đối đáp như được ghi trong Sách lễ Rôma, hoặc đã được Hội đồng Giám mục phê chuẩn và Tòa Thánh xác nhận.[47]

Không được bỏ sót tên Đức giáo hoàng và giám mục giáo phận, để bày tỏ sự hiệp thông với giám mục của mình và với giám mục Rôma.[48]

Không được bẻ bánh khi đọc lời truyền phép.[49] Việc bẻ bánh được thực hiện sau khi chúc bình an, trong khi hát hoặc đọc kinh Agnus Dei. Chỉ có vị chủ tế bẻ bánh, hoặc nếu cần, với sự trợ giúp của phó tế hay vị đồng tế. Giáo dân không được bẻ bánh. Cần thực hiện việc này với một tấm lòng hết sức tôn kính, nhưng đơn giản, và ngắn gọn, tránh những nghi thức kéo dài không cần thiết.[50]

Bánh sau nghi thức bẻ bánh, nên được trao cho ít là một vài tín hữu rước lễ, để diễn đạt ý nghĩa “ăn chung một bánh”. Dĩ nhiên, người ta được dùng bánh nhỏ để khỏi phải bẻ ra, đáp ứng được số lượng người rước lễ đông.[51]

5. VIỆC RƯỚC LỄ

a. Việc rước lễ của linh mục

Mỗi khi linh mục cử hành thánh lễ, ngài sẽ rước lễ tại bàn thờ, vào lúc do Sách Lễ ấn định. Bên cạnh đó, các vị đồng tế sẽ rước lễ trước khi đi trao Mình Thánh Chúa. Linh mục chủ tế hay đồng tế không bao giờ đợi dân chúng rước lễ xong rồi mới rước lễ.[52]

Các linh mục đồng tế rước lễ bằng bánh đã được truyền phép trong chính thánh lễ cử hành[53]; vả lại, tất cả các vị đồng tế phải luôn luôn rước lễ dưới hai hình. Phải lưu ý rằng, khi linh mục hoặc phó tế trao mình thánh hay chén thánh cho các vị đồng tế, ngài không nói gì, nghĩa là không có đọc những lời: “Mình Thánh Chúa Kitô” hay “Máu Thánh Chúa Kitô”.[54]

Các linh mục không thể cử hành hay đồng tế luôn luôn được phép rước lễ dưới hai hình.[55]

b. Việc rước lễ của giáo dân

Cần nhắc nhở cho giáo dân chuẩn bị tâm hồn xứng hợp khi lên rước lễ. Đặc biệt, trong những ngày lễ lớn với số đông người tham dự, cần lưu ý đừng để những người không phải Công giáo lên rước lễ, và cần tuân thủ điều này một cách chặt chẽ.[56]

Các vị mục tử phải khẩn khoản thúc giục các tín hữu lãnh bí tích giao hòa ngoài thánh lễ, nhất là vào những giờ ấn định, để họ được xưng tội một cách êm thắm và thực sự có ích cho họ, mà họ cũng không bị ngăn trở tham dự thánh lễ cách tích cực. Phải nhắc nhở những ai có thói quen rước lễ hằng ngày hoặc rất thường, sự quan trọng của việc lãnh bí tích sám hối một cách đều đặn, theo khả năng của mỗi người.[57]

Trước khi cho trẻ em rước lễ lần đầu, luôn luôn phải cho chúng lãnh nhận bí tích sám hối và lời xá giải.[58] Hơn nữa, việc cho rước lễ lần đầu luôn luôn phải do một linh mục cử hành và không bao giờ được làm ngoài thánh lễ. Cần chọn ngày thích hợp như các Chúa nhật sau lễ Phục Sinh (từ Chúa nhật thứ 2 đến thứ 6) hay lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa hay các Chúa nhật “quanh năm”, vì ngày Chúa nhật được kể một cách hợp lý là ngày của phép Thánh Thể.[59]

Khi cho rước lễ xong, linh mục hoặc phó tế lau sạch đĩa thánh, chén thánh và bình thánh. Khi có nhiều bình, có thể phủ kín chúng kỹ càng, linh mục hoặc phó tế sẽ làm sạch chúng ngay sau thánh lễ, khi dân chúng đã ra về. Thầy giúp lễ có thể giúp linh mục hoặc phó tế làm sạch các bình thánh trước khi xếp gọn chúng vào chỗ đã ấn định.[60]

6. VIỆC CHO RƯỚC LỄ

Linh mục chủ tế có nhiệm vụ cho rước lễ, các linh mục đồng tế và các phó tế khác phụ giúp ngài. Các tín hữu rước lễ liền sau khi linh mục chủ tế rước lễ.[61] Khi nào các tín hữu rước lễ xong, thánh lễ mới được tiếp diễn.[62]

Cần nhớ rằng thừa tác viên thông thường cho rước lễ là giám mục, linh mục và phó tế, vì các ngài đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh[63]; do đó, việc cho giáo dân rước lễ khi cử hành thánh lễ là thuộc quyền của các ngài.[64]

Khi số các thừa tác viên có chức thánh hiện diện trong cử hành thánh lễ là đủ cho việc rước lễ, thì không được phép cử các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Trong những trường hợp này, những ai được cử cho một thừa tác vụ như thế, thì không được thi hành tác vụ ấy. Vậy, phải dứt khoát bài trừ thái độ của các linh mục tuy có mặt ở buổi cử hành lại không cho rước lễ, mà để cho giáo dân đảm nhận công việc này. Thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ chỉ có thể cho rước lễ trong trường hợp không có linh mục hay phó tế, khi linh mục bị ngăn trở vì bệnh tật, vì lớn tuổi hay vì một lý do khác nghiêm trọng, hay nữa khi số tín hữu đến rước lễ quá đông, có thể kéo dài quá đáng việc cử hành thánh lễ.[65]

Nên cho các tín hữu rước lễ với những bánh đã được truyền phép trong thánh lễ ấy, để việc rước lễ tỏ ra rõ ràng hơn là một sự tham dự vào hy tế đang cử hành.[66] Cần phải nhắc nhở người tín hữu có thái độ tôn kính khi rước lễ, nhất là theo đúng cách thức mà Hội đồng Giám mục quy định.[67]

Không được từ chối không cho một người tín hữu rước lễ khi người này đã được chuẩn bị một cách hợp lệ và không bị giáo luật cấm nhận lãnh bí tích.[68] Như vậy, tất cả các người Công giáo đã chịu phép rửa, mà không bị ngăn trở bởi giáo luật, thì phải được cho rước lễ. Do đó không được phép từ chối không cho một tín hữu rước lễ, chỉ vì, như ví dụ, người ấy muốn rước lễ quỳ gối hay đứng.[69]

Khi cho rước lễ bằng tay, thừa tác viên cần bảo đảm người tín hữu rước lễ tại chỗ, không được đem về chỗ ngồi để tránh dịp gây xúc phạm.[70] Phải duy trì việc dùng đĩa hứng khi cho các tín hữu rước lễ, để tránh bánh thánh, hay một mảnh bánh thánh, rơi xuống đất.[71]

Các tín hữu không được phép tự tay cầm lấy bánh đã được truyền phép hay chén thánh, lại cũng không được để họ chuyền tay nhau.[72] Vả lại, về vấn đề này, phải chấm dứt sự lạm dụng sau đây: trong thánh lễ hôn phối, đã xảy ra trường hợp đôi tân hôn cho nhau rước lễ.[73]

Người giáo dân đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong cùng ngày đó, nhưng chỉ ở trong cử hành thánh lễ mà họ tham dự, ngoại trừ quy định ở điều 921 §2 của giáo luật.[74]

Cần phải dứt khoát bài trừ việc phân phát những bánh chưa truyền phép hay những đồ vật khác có thể ăn được hay không ăn được giống như khi rước lễ, xảy ra trong hoặc trước khi cử hành thánh lễ. Quả nhiên, điều đó không hợp với truyền thống của nghi lễ Rôma, và có nguy cơ làm tâm trí các tín hữu lẫn lộn về giáo lý về bí tích Thánh Thể của Giáo Hội.[75]

7. VIỆC RƯỚC LỄ DƯỚI HAI HÌNH

Để biểu lộ rõ ràng hơn cho các tín hữu về tính viên mãn của dấu chỉ bàn tiệc Thánh Thể, giáo dân cũng được rước lễ dưới hai hình trong những trường hợp mà các sách phụng vụ đã dự liệu, với điều kiện trước đó phải luôn luôn giảng dạy cách thích hợp về các nguyên tắc tín lý đã được Công đồng chung Trentô ấn định trong lãnh vực này.[76]

Để cho giáo dân rước lễ hai hình, phải để ý một cách thích hợp đến các hoàn cảnh, mà việc đánh giá trước tiên là thuộc quyền Giám mục giáo phận. Phải tuyệt đối loại bỏ việc này khi có một nguy cơ, dù là rất nhỏ, xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa.[77]

Khi cho giáo dân rước Máu Thánh với chén thánh, cần tránh nguy cơ còn lại quá nhiều cần phải rước cuối buổi cử hành.[78] Ngoài việc phải biết rõ nguồn gốc và phẩm chất của rượu, việc cho giáo dân rước lễ hai hình còn cần phải có những thừa tác viên cho rước lễ được huấn luyện đầy đủ, cũng như tránh tình trạng có nhiều giáo dân từ chối rước Máu Chúa với chén thánh, vì như vậy sẽ làm mờ nhạt dấu chỉ hiệp nhất.[79]

Trong những cách thức được cho phép khi rước lễ hai hình, có thể rước Máu Chúa Kitô hoặc bằng cách uống trực tiếp với chén thánh, hoặc bằng cách chấm Mình Thánh vào Máu Thánh, hoặc dùng ống hút hay một cái muỗng,[80] luôn duy trì cách cho rước lễ bằng cách chấm. Tuy nhiên, cần lưu ý phải dùng những bánh lễ không được quá mỏng, cũng không quá nhỏ, và người rước lễ phải nhận Thánh Thể do vị linh mục trao trực tiếp vào miệng.[81]

Nếu dùng nhiều chén thánh, thì cần có một chén thánh chính lớn hơn, nổi bật hơn so với những chén phụ. Khi đã truyền phép, không được sang Máu thánh từ chén này qua chén khác.[82]

Cần tôn trọng Mình Máu Thánh Chúa. Khi cử hành thánh lễ, Máu Thánh Chúa Kitô có thể còn lại phải được chính linh mục hay, theo quy tắc, một thừa tác viên khác rước ngay lúc ấy. Cũng vậy, Mình Thánh Chúa có thể còn lại, phải được linh mục rước tại bàn thờ, hay được đem cất vào một nơi dành để lưu giữ Mình Thánh Chúa.[83]

8. LỄ PHỤC CỦA CÁC THỪA TÁC VIÊN TRONG THÁNH LỄ

Cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định liên quan đến lễ phục, nhằm diễn tả cách hiệu quả và rõ ràng đặc tính của các mầu nhiệm đức tin được cử hành, và, do đó, ý nghĩa của đời sống Kitô giáo đang tiến triển qua tiến trình của năm phụng vụ.[84] Mặc đúng lễ phục còn góp phần làm tăng vẻ đẹp của hành động phụng vụ.[85] Lễ phục chung cho các thừa tác viên là áo trắng dài (alba) được sợi dây nhỏ buộc ôm sát vào thắt lưng, trừ khi nó được may vừa vặn với thân hình mà không cần có dây buộc. Phải quàng khăn vai trước khi mặc áo alba nếu áo này không hoàn toàn phủ kín áo thường quanh cổ.[86]

Ngoài ra, linh mục chủ tế, để cử hành thánh lễ hay các hành động thánh khác liên quan trực tiếp với thánh lễ, mặc áo lễ (casula), trừ trường hợp có dự trù một lễ phục khác mặc trên chồng lên áo alba và dây stola.[87] Cũng thế, khi linh mục mặc áo lễ, ngài đừng bỏ không mang dây stola.[88]

Ngoại trừ vị chủ tế phải luôn luôn mặc áo lễ theo màu ấn định, Sách lễ Rôma cho quyền các linh mục đồng tế trong thánh lễ khỏi mặc áo lễ, mà chỉ mang dây stola trên áo alba,[89] ví dụ như trong trường hợp các vị đồng tế quá đông và không có đủ lễ phục. Nhưng nếu có thể tiên liệu một trường hợp như thế, phải cố gắng hết sức cho có đủ lễ phục. Ngoại trừ vị chủ tế, các vị đồng tế có thể, khi cần, mặc áo lễ màu trắng. Về phần còn lại, các ngài phải tuân thủ các quy tắc khác của các sách phụng vụ.[90]

Lễ phục phụng vụ riêng của phó tế là áo dalmatica mặc ngoài áo alba và dây stola. Để tôn trọng một truyền thống cao quý của Giáo Hội, việc không dùng quyền khỏi mặc áo dalmatica là điều đáng làm.[91]

Không được cử hành thánh lễ mà không mặc lễ phục phụng vụ, hay chỉ mang dây stola trên áo thụng của tu viện, hay trên áo tu sĩ thường, hay nữa trên áo thường.[92]

Thông thường “các linh mục hiện diện trong cử hành thánh lễ nên thi hành chức vụ thuộc Chức Thánh của mình, ngoại trừ những khi có một lý do chính đáng miễn cho họ làm thế, và do đó họ nên mặc y phục phụng vụ mà đồng tế. Nếu không, họ mang áo surplis trên áo soutane.[93] Ngoại trừ những trường hợp rất đặc biệt khi có lý do chính đáng, không cho phép họ tham dự thánh lễ, mà vẻ bề ngoài như giáo dân.[94]

KẾT LUẬN

Nếu không quan tâm chú ý tuân thủ theo các quy tắc phụng vụ, người mục tử lẫn giáo dân rất dễ đi đến những lạm dụng. Những lạm dụng trong các cử hành phụng vụ nói chung và thánh lễ nói riêng là điều rất nghiêm trọng, bởi vì chúng vi phạm đến bản tính của phụng vụ và của các bí tích, và đồng thời cũng vi phạm đến truyền thống và uy quyền của Giáo Hội. Việc làm dụng như vậy còn có thể dẫn đến những sai lạc liên quan đến đức tin và giáo lý, bởi vì mối liên lạc mật thiết giữa lex orandi, lex credendi. Thậm chí, nguy hiểm hơn, khi ở trong một vài nơi, những việc làm sai trái trong lãnh vực phụng vụ đã trở nên một tập quán quen thuộc.[95] Chúng thường thường được dán những nhãn mác là canh tân, đại kết, thích nghi… một cách thiếu hiểu biết,[96] hoặc người ta cho rằng những điều đó mang lại lợi ích cho dân chúng. Nhưng thật ra, mầu nhiệm Thánh Thể quá cao trọng, “đến nỗi không ai được cảm thấy tự do hành động cách tuỳ tiện và xem nhẹ tính chất thiêng thánh và chiều kích phổ quát của mầu nhiệm này.”[97]

Thật vậy, những việc làm sai trái trong cử hành phụng vụ không giúp ích gì trong việc canh tân phụng vụ, hay đáp ứng lòng đói khát Thiên Chúa của dân chúng. Nhưng trái lại, chúng làm tổn hại “tính cách duy nhất thuộc về bản chất của nghi chế Rôma,[98] gây chia rẽ trong việc cử hành, gây ra sự bấp bênh về mặt giáo lý, sự nghi ngờ và gương mù trong dân Thiên Chúa, đồng thời cũng gây ra nhiều sự chống đối mãnh liệt gây xáo trộn và làm buồn lòng rất nhiều tín hữu.[99] Do đó, rõ ràng rằng những việc làm sai trái này chủ yếu phát xuất từ sự thiếu hiểu biết lẫn thái độ xem thường, là những điều không thể nào được chấp nhận, và chúng cần phải được chấm dứt. Thay vào đó, người mục tử lẫn người giáo dân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Giáo Hội liên quan đến thánh lễ, nhờ đó, thánh lễ thực sự trở thành bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, để người lãnh nhận Đức Kitô được tràn đầy vinh quang và đón nhận bảo chứng cho vinh quang đời sau.[100]

Tuấn Việt
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 95 (tháng 7 & 8 năm 2016)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu của Huấn quyền

– Công đồng Vatican II. Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nhà xuất bản Tôn giáo. Hà Nội 2012.
– Bộ Giáo luật 1983. Bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nhà xuất bản Tôn giáo. Hà Nội 2007.
– BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT bí tích. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, về một số điều phải tuân thủ hay phải xa lánh liên quan đến phép Thánh Thể Chí Thánh (25.3.2004)Bản dịch Việt Ngữ của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Third Instruction on the Correct Implementation of the Constitution on the Sacred Liturgy. Truy cập ngày 22.9.2015; http://www.catholicliturgy. com/index.cfm/FuseAction/documentText/Index/2/SubIndex/16/ ContentIndex/376/Start/375
– GIOAN PHAOLÔ II. Thông điệp Ecclesia de Eucharistia. Truy cập ngày 2.11.2015; http://www.giaoly.org/vn/tai–lieu/thong– diep–ecclesia–de–eucharistia/
– General Instruction Of The Roman Missal (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma), ấn bản 2002. Truy cập ngày 2.11.2015; http:// www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/documents/ rc_con_ccdds_doc_20030317_ordinamento–messale_en.html

Sách tham khảo

– MCNAMARA, EDWARD. Giải đáp thắc mắc phụng vụ. Tập 1. Nguyễn Trọng Đa dịch. Nhà xuất bản Phương Đông 2013. Giải đáp thắc mắc phụng vụ. Tập 2. Nguyễn Trọng Đa dịch. Nhà xuất bản Phương Đông 2015.

[1] x. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, các số 3, 8, 9.

[2] x. ibidem, số 10.

[3] Ibidem, số 52.

[4] Công đồng VATICAN II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 7.

[5] x. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 52.

[6] Ibidem.

[7] Bộ Giáo luật, điều 932; x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, số 9.

[8] x. Bộ Giáo luật, điều 932; x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, các số 108–109.

[9] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 77.

[10] Bộ Giáo luật, điều 902.

[11] Ibid., điều 908.

[12] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 120.

[13] x. Ibid., số 57.

[14] x. Ibid., số 58.

[15] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, các số 327–333; Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 117.

[16] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, số 333.

[17] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 118.

[18] x. Ibid., số 59.

[19] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, số 363.

[20] Ibid., số 366.

[21] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 60.

[22] x. Ibid., số 76.

[23] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, số 372.

[24] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 74.

[25] x. Ibid., số 79.

[26] x. Bộ Giáo luật, điều 903.

[27] x. Công đồng VATICAN II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 36, § 1; Bộ Giáo luật, điều 928.

[28] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, số 114.

[29] x. BỘ PHỤNG TỰ, Thư riêng liên quan đến việc thay đổi chủ tế, trích lại trong EDWARD MCNAMARA, Giải đáp thắc mắc phụng vụ, tập 1, Nguyễn Trọng Đa dịch, Nhà xuất bản Phương Đông 2013, trang 130–131.

[30] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 115.

[31] x. Bộ Giáo luật, điều 905, 945–958.

[32] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, số 56.

[33] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, các số 61–62; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, số 57.

[34] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 63.

[35] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, các số 65 – 66.

[36] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, các số 64–66.

[37] x. Ibid., số 68.

[38] x. Ibid., số 69.

[39] x. Ibid., số 48, đồng thời x. Bộ Giáo luật, điều 924 § 2.

[40] x. Bộ Kỷ luật bí tích, Huấn thị Dominus Salvator noster, số 1.

[41] x. Bộ Giáo luật, điều 924, §3.

[42] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 50.

[43] x. Ibid., số 70.

[44] Bộ Giáo luật, điều 927.

[45] Bộ Bí tích và Phụng tự, Huấn thị Inaestimabile donum, số 5, trích trong Huấn thị Redemptoris Sacramentum, số 51.

[46] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 52.

[47] x. Ibid., các số 53–54.

[48] x. Ibid., số 56; GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 39.

[49] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 55.

[50] x. Ibid., số 73.

[51] x. Ibid., số 49.

[52] x. Công đồng VATICAN II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 55; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, các số 158–160, 243–244, 246.

[53] x. Ibid., các số 237–249, 85, 157.

[54] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 98.

[55] x. Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích các văn bản luật, Responsio ad propositum dubium, 3/7/1999. Trích lại trong Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 99.

[56] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, các số 83–84.

[57] x. Thánh Bộ Nghi lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, số 35, được trích lại trong Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 86.

[58] x. Bộ Giáo luật, điều 914.

[59] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 87.

[60] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002các số 163, 183, 192; số 119.

[61] x. Công đồng VATICAN II, Hiến chế về phụng vụ Sacrosanctum Concilium, số 55.

[62] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 88.

[63] x. Bộ Giáo luật, điều 910, § 1.

[64] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 154.

[65] 72 (1980) p. 336; Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích các văn bản luật, Responsio ad propositum dubium, 11.7.1984, trích lại trong số 157–158.

[66] x. Công đồng VATICAN II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 55; Thánh Bộ Nghi lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, số 31; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, các số 85, 157, 243.

[67] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, số 160.

[68] Bộ Giáo luật, điều 843 § 1; x. điều 915.

[69] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 91.

[70] x. Ibid., số 92.

[71] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, số 118; x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 93.

[72] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, số 160.

[73] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 94.

[74] Bộ Giáo luật, điều 917; Đồng thời x. Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích các văn bản luật, Responsio ad propositum dubium, 11.7.1984 (trích lại trong Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 95).

[75] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 96.

[76] x. Công đồng VATICAN II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 55; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, các số 282–283.

[77] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, số 283.

[78] x. Ibid., số 285a.

[79] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 102.

[80] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, số 245.

[81] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, các số 103–104.

[82] x. Ibid., các số 105–106.

[83] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, các số 163, 284.

[84] x. Ibid., số 345.

[85] x. Ibid., số 335.

[86] x. Ibid., số 336.

[87] x. Ibid., số 337.

[88] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 123.

[89] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002số 209.

[90] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 214.

[91] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002số 338.

[92] x. Bộ Phụng tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, số 8c , trích lại trong số 126.

[93] x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, ấn bản 2002, các số 114, 116–117.

[94] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 217.

[95] x. Ibid., các số 4, 6, 10.

[96] x. Ibid., các số 7–9.

[97] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 52.

[98] Công đồng VATICAN, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 38.

[99] x. Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 11.

[100] Công đồng VATICAN, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 47.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận