Ngày 13/9: Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục – Tiến sĩ Hội Thánh

608 lượt xem

Ngày 13 tháng 9
THÁNH GIOAN KIM KHẨU
(337 – 407)

1. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ.

Thánh nhân sinh tại nước Thổ nhĩ Kỳ vào năm 334 tại Antiokia. Người ta gọi Ngài là Gioan thành Antiokia. Ngài được mệnh danh là Kim Khẩu: “Chrysostome” bởi vì miệng ngài khi giảng thì luôn luôn tuôn ra những lời quí như vàng. Thánh nhân có tài hùng biện và trí khôn ngoan minh mẫn hiếm có. Gioan thành Antiokia ngay từ khi còn nhỏ đã được mẹ Ngài giáo dục với một lòng nhân ái bao la, truyền đạt cho ngài một đức tin sắt đá và lòng hy sinh hào hiệp. Năm 373, thánh nhân được tuyển vào chức đọc sách, nhưng tài lợi khẩu, hoạt bát của Ngài đã làm say mê bao người, từ đó danh tiếng Ngài vang dội khắp nơi.

Vì danh tiếng lẫy lừng nổi bật do lòng đạo đức thánh thiện và tài hùng biện có sức thuyết phục nhiều người trở về với Chúa, người ta nhất loạt tôn thánh nhân lên chức giám mục, nhưng Ngài khiêm tốn khước từ và chỉ thích ẩn mình, ăn chay và cầu nguyện. Nhưng ý Chúa lạ lùng không ai hiểu thấu, sau bốn năm sống khắc khổ, ngài lâm bệnh dạ dày nặng, buộc ngài phải trở về Antiokia. Năm 386, thánh nhân lãnh nhận sứ vụ linh mục và trong cương vị linh mục, suốt 12 năm, thánh nhân đã làm say mê dân thành Antiokia nhờ lòng sốt sắng, tài ăn nói thuyết phục, miệng tuôn trào những lời quí như vàng và đưa rất nhiều người quay về với Chúa do lời giảng dạy của ngài. Thánh nhân đả phá những cổ tục mê tín, cuộc sống hào phóng, xa hoa, trụy lạc của những người giàu và kêu gọi mọi người lưu tâm đến những người nghèo. Chính thánh nhân nêu gương sáng sống khó nghèo và giúp đỡ người nghèo tận tình. Năm 397, Ngài được bầu làm giám mục thành Constantinople. Thánh nhân lưu tâm nghiên cứu về thánh Phaolô tông đồ, cải tổ hàng giáo sĩ, thiết lập một số qui chế để thánh hóa bản thân, hủy bỏ tận căn mọi tập tục xa xỉ gây tốn phí tiền bạc, của cải, vật chất. Ngài chống đối kịch liệt các bè rối Ariô, Novatio vv.

Năm 403, Ngài bị Nữ hoàng Eudoxie kết án lưu đày vì thánh nhân dám lên tiếng phản đối Eudoxie đã chiếm đoạt tài sản của một bà goá ở Callitrope. Thánh nhân đã phải chịu biết bao nhiêu đau khổ, cay đắng, chông gai và thử thách vì Chúa. Mọi người sẽ mãi mãi thán phục lòng bác ái, tài giảng thuyết và các sách vở giá trị ngài đã để lại cho hậu thế.

Cuộc đời của ngài có thể ví như một bông hoa đẹp giữa những bông hoa khác muôn màu, muôn sắc, muôn hương. Bông hoa thơm là chính ngài bị cầm tù, bị tra khảo, đánh đập, nhưng hương thơm mãi mãi tỏa ra thơm ngát làm say mê mọi người.

Thánh nhân qua đời vào ngày 14/7/407. Chúa thưởng công Ngài bằng vô số phép lạ sau khi Ngài chết. Ðức Thánh cha Piô X đã nâng Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh và đặt Ngài làm bổn mạng của những nhà giảng thuyết.

2. NHỮNG SỰ NGHIỆP ĐẶC BIỆT.

+ Trước hết, ta thấy thánh nhân là một con người thật can đảm, không hề lùi bước trước những thế lực xấu.

Sự kiện Gioan Kim Khẩu bị lưu đày cho thấy vào lúc ấy quyền lực thế tục đang khống chế Giáo Hội Đông Phương, cũng như hé lộ những tranh chấp giữa Constantinople và Alexandria nhằm giành quyền kiểm soát Giáo Hội. Trong khi ấy, từ thế kỷ thứ tư, ưu thế vượt trội của Rôma là vấn đề không còn gì để tranh cãi. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng mặc dù ảnh hưởng ngày càng phát triển của Giáo Hoàng, sự kiện những lời phản kháng của Đức Giáo Hoàng Innocent không được chấp thuận, cho thấy sức mạnh thế tục của Giám Mục thành Rôma không có mấy tác dụng tại Phương Đông vào thời kỳ ấy.

+ Tiếp đến ai cũng phải nhận ngài là “một nhà thuyết giáo vĩ đại nhất trong thời kỳ Hội Thánh đầu tiên”. Những bài giảng của Gioan có ảnh hưởng to lớn và lâu dài. Số lượng các bài giảng của ngài rất lớn, bao gồm hàng trăm bài giảng theo cách giải nghĩa Kinh Thánh trong Tân Ước (đặc biệt là những thư tín của thánh Phaolô và Cựu Ước. Trong số các bài luận giải Kinh Thánh của Gioan, có tới 67 bài giảng về Sáng thế ký, 59 bài về Thi Thiên (Thánh vịnh), 90 bài về Tin mừng Mathêô, 88 bài về Tin Mừng Gioan, và 55 bài về sách Công Vụ Các Tông Đồ

Được ghi lại, sao chép và lưu hành, những bài giảng này thể hiện phong cách của Gioan, rất thẳng thắn và cũng rất gần gũi:

“Nếu quý vị hỏi (các tín hữu Kitô) xem Amos hoặc Obadiah là ai, hoặc có bao nhiêu vị sứ đồ và các nhà tiên tri, họ sẽ đứng yên câm lặng; nhưng nếu quý vị hỏi họ về các con ngựa đua hoặc các nài ngựa, họ sẽ trả lời cách hào hứng và trang nghiêm còn hơn các nhà thông thái hoặc các nhà hùng biện.”

Một trong những điểm đặc trưng được tìm thấy trong các bài thuyết giáo của Gioan Kim Khẩu là việc nhấn mạnh đến bổn phận chăm sóc những người nghèo khó. Được soi dẫn từ những giáo huấn chép trong Tin Mừng Mátthêô, ông kêu gọi người giàu từ bỏ những tham vọng vật chất mà quan tâm nhiều hơn đến người nghèo. Gioan thường sử dụng các kỹ năng hùng biện để phô bày sự hợm hĩnh của những người giàu vô cảm:

Anh em có muốn tôn vinh thân thể Chúa Kitô? Chớ xa lánh Chúa khi ngài đang trần truồng. Chớ tôn kính Chúa khi ngài mặc trang phục lụa là trong đền thờ, mà xa lánh Chúa khi ngài đang rách rưới, đói lạnh bên ngoài. Đấng đã nói: “Nầy là thân thể ta” cũng chính là đấng đã bảo “Vì ta đã đói, các ngươi không cho ta ăn”, và “hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy”… Có ích gì khi đến trước bàn Tiệc thánh đầy những chén thánh mạ vàng trong khi anh em chúng ta đang chết vì đói ngoài kia? Hãy đi ra mà chăm sóc những người đói khát, rồi vào mà dự lễ trước bàn thờ”

Lạy thánh Gioan Kim Khẩu, xin ban cho chúng con biết dùng miệng lưỡi để ca tụng và cảm tạ tri ân Thiên Chúa.

Xin cho chúng con lòng can đảm dám nói lên sự thật, dù sự thật làm người khác mất lòng.

Xin ban cho mọi người Kitô hữu biết sống khó nghèo như Chúa.

Nguồn: tgpsaigon.net

Có thể bạn quan tâm