Ngày Tự do Báo chí thế giới nghĩ về truyền thông Việt Nam

1122 lượt xem

Ngày 3-5 là thường niên dịp kỷ niệm “Ngày Tự do Báo chí thế giới” (World Press Freedom Day – WPFD). Đây là ngày Liên Hiệp Quốc dành riêng để cổ vũ và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí trên toàn thế giới suốt 27 năm qua (1993 – 2020).

Nhiều năm qua, từ khi internet ngày càng trở nên phổ biến, cùng với nó là sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội đã làm cho việc cập nhật thông tin được dễ dàng và mang tính đa chiều hơn.

Truyền thông nhà nước ngày càng “mất giá”

Sự phát triển của internet, điện thoại thông minh… đã thay đổi thói quen người đọc. Người đọc hiện nay dễ dàng tiếp cận đa dạng nguồn thông tin từ khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ đón chờ những tin tức được cung cấp từ các cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước.

Bản chất của truyền thông nhà nước là một công cụ tuyên truyền cho nhà nước và do nhà nước quản lý. Chính khi mang nặng tính tuyên truyền, định hướng, thông tin từ những kênh này thường chậm chạp, mất tính thời sự nhất là những tin tức về chính trị, xã hội thường phải chờ chỉ đạo. Và chính internet giúp người dùng chỉ cần một số vốn ngoại ngữ tương đối, cũng có thể xem trực tiếp tin tức từ các hãng thông tấn uy tín trên thế giới mà không cần phải qua trung gian các trang tiếng Việt.

Yếu tố internet cùng bản chất truyền thông tuyên truyền đã làm các kênh truyền thông nhà nước ngày càng “mất giá”, trở thành kênh tham khảo. Thậm chí, một số người từ trước đến nay “tin sái cổ” những gì ti vi, truyền thông “chính thống” của nhà nước đăng tải thì hiện nay cũng bắt đầu có sự “sao nhãng”. Điều này từng làm các nhà lý luận của đảng gọi là hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hoá”. Nhiều người trẻ hôm nay khi tiếp cận thông tin mới và mang tính đa chiều, đa diện, ít nhiều chính họ cũng có sự thẩm định lại nguồn thông tin từ bất cứ cơ quan truyền thông nào, dù là “lề phải” hay “lề trái”.

Internet không chỉ là tin tức thời sự nhưng còn là nơi để tìm hiểu về nhiều vấn đề với nguồn kiến thức phong phú như: Lịch sử, văn hóa, tôn giáo, triết học, chính trị… với vô số các chương trình dạy và học trực tuyến (online) từ các cơ sở đào tạo trên khắp thế giới. Điều đó rõ ràng là cơ hội rất tốt cho những ai muốn nâng cao kiến thức, thẩm định lại những tri thức đã học trước đây. Tất cả những yếu tố ấy càng khiến cho sự hoài nghi nào đó về những gì mà người ta được tiếp nhận từ trước đến nay qua sách báo trong nước, đồng thời thúc đẩy sự tìm hiểu từ những nguồn thông tin phong phú khác nhau. Bởi thế việc “tự diễn biến, tự chuyển hoá” chẳng có gì lạ trong thế giới hôm nay, ở bất cứ đâu.

Báo chí phải biết bạn đọc cần gì

“Hữu xạ tự nhiên hương”, ông bà ta nói không sai và nó cũng đúng trong trường hợp này. Ở thế giới đa chiều và dễ dàng tiếp cận thông tin như hôm nay, người ta có thể chọn cho mình những “món ăn truyền thông” phù hợp. Cái gì không phù hợp chắc chắn người ta sẽ không chọn. Nếu như quá nhiều người thấy không phù hợp và bỏ qua, “món ăn” đó sẽ bị “ế”.

Điều này ông Phan Đăng Lưu (1902-1941), một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng nói cách nay gần một thế kỷ: “Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ” [Báo Dân Tiến, số ra ngày 10-11-1938]. Như thế, để thu hút trở lại, nó cần phải tự làm mới mình. Điều đó có nghĩa là người nắm giữ truyền thông phải biết đổi mới về cả tư duy và phương pháp, không thể cứ áp dụng tư duy và phương pháp cũ vốn đã lỗi thời được. Bởi thực tế cho thấy, sự áp đặt hay tuyên truyền chỉ có tác dụng trong một xã hội mà nguồn thông tin là độc quyền, bằng không nó chỉ dẫn tới phản ứng ngược và thất bại.

Truyền thông vốn được xem như quyền lực thứ tư sau tam quyền Lập Pháp, Hành pháp và Tư pháp trong một quốc gia. Các đảng phái và các chế độ chính trị thường tận dụng thứ quyền lực ngầm này để củng cố quyền lực cho mình. Điều này không có vấn đề nếu sự tuyên truyền minh bạch, công khai và sẵn sáng chấp nhận sự phản biện từ xã hội. Ngược lại, thứ quyền lực ấy cũng lung lay và thất bại nếu dựa trên sự dối trá.

Một món ăn cần phải chăm chút để lôi kéo khách hàng và một điều quan trọng không kém, khách hàng có quyền lựa chọn món ăn mà mình thích. Người nắm giữ truyền thông muốn giữ chân được khách hàng, ắt phải chấp nhận cuộc chơi và biết tự đổi mới chính mình.

K. Marx chống kiểm duyệt báo chí

Từ năm 1948, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, điều 19, khi nói về quyền tự do ngôn luận, cũng đã nhấn mạnh quyền được “tìm kiếm, thu nhận cũng như phổ biến những thông tin và tư tưởng”. Đây cũng là điều mà điều 25 trong Hiến pháp năm 2013 của nước CHXNCN Việt Nam ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…”.

K. Marx, ông tổ của chủ nghĩa cộng sản cũng là người ủng hộ tự do báo chí: “Báo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người. Do đó ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí. Bản chất của báo chí tự do – đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do”[Mác và Ăngghen Toàn tập, Tập 1, Nxb. CTQG 1995, tr. 84, 89].

Cần phải nói rõ rằng, ở đây Marx không phủ nhận cần phải có sự kiểm duyệt báo chí. Nhưng sự kiểm duyệt chân chính, theo ông, “bắt rễ từ chính bản chất của tự do báo chí, là sự phê bình. Phê bình là một sự xét xử mà tự do báo chí sản sinh ra từ bản thân mình”. Còn nếu kiểm duyệt như là “sự phê bình với tư cách là độc quyền của chính phủ” bằng cách áp đặt ý chí của mình bởi sức mạnh, thì đó là điều bất hợp lý. Ông viết: “Khi sự phê bình tác động không phải bằng lưỡi dao sắc bén của lý tính mà bằng cái kéo cùn của sự tùy tiện, khi sự phê bình coi việc dùng sức mạnh thô bạo là luận cứ mạnh mẽ – khi đó lẽ nào sự phê bình lại không mấy tính chất hợp lý của mình” [Mác và Ăngghen Toàn tập, Tập 1, Nxb. CTQG 1995, tr. 91].

Rõ ràng K. Marx là người ủng hộ tự do báo chí, chống lại độc quyền báo chí và nhất là chống lại việc kiểm duyệt bằng quyền lực nhà nước. Việc nhà nước hạn chế quyền tự do báo chí là không phù hợp với quan niệm về tự do và đó chính là một thứ bạo lực tinh thần.

Không ai nói tự do báo chí là tuyệt đối, nhưng chức năng của báo chí là phải thông tin sự thật, “phục vụ sự thật”. Ngày 18-5-2019, gặp gỡ Hội Báo chí nước ngoài tại Ý, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lưu ý như thế. Ngài còn nhấn mạnh: “Sự tự do báo chí và tự do thể hiện là một dấu chỉ quan trọng về tình trạng sức khỏe của một quốc gia”.

Một vài lưu ý từ Giáo hội về truyền thông

Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông đã xác định: “Xã hội nhân loại có quyền thông tin những gì thích hợp với con người – hoặc cá nhân hoặc liên kết với nhau trong đoàn thể – tùy theo hoàn cảnh từng người” [TT, 5]. Do đó, theo Công đồng, nhiệm vụ của bất cứ một chính quyền nào là phải “bênh vực và bảo đảm sự tự do đích thực và chính đáng của việc thông tin, sự tự do mà xã hội ngày nay rất cần để tiến bộ, nhất là những gì thuộc về báo chí” [TT, 12].

Trong học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, vai trò của truyền thông cũng được đánh giá cao như là “một trong những công cụ chính yếu” để người dân có thể tham gia vào tiến trình dân chủ. Và để đảm bảo quyền có được thông tin cách khách quan, thì vấn đề thông tin đa chiều và bình đẳng trong việc sở hữu và sử dụng các phương tiện truyền thông là điều cần thiết: “Thông tin là một trong những công cụ chính yếu để tham gia dân chủ. Không thể hình dung được việc tham gia chính trị mà không hiểu rõ tình hình của cộng đồng chính trị, các sự kiện và những giải pháp đề nghị cho các vấn đề. Cần phải bảo đảm cho có một sự đa nguyên thật sự trong lĩnh vực tế nhị này của đời sống xã hội, bảo đảm cho có nhiều hình thức và phương tiện thông tin và truyền thông. Cũng vậy, cần tạo điều kiện cho có sự bình đẳng trong việc sở hữu và sử dụng các phương tiện ấy qua những luật lệ thích hợp. Trong số những trở ngại ngăn cản việc thực thi đầy đủ quyền được có thông tin khách quan, cần đặc biệt chú ý tới hiện tượng các phương tiện thông tin chỉ do một số ít người hay một vài tập thể kiểm soát. Điều này sẽ gây ra những hậu quả tai hại cho toàn bộ hệ thống dân chủ, một khi hiện tượng này đi kèm theo những mối ràng buộc càng ngày càng chặt chẽ giữa các hoạt động của chính phủ với các cơ sở tài chính và thông tin”. [HTXH, 414].

Dĩ nhiên, truyền thông, báo chí cũng có tính hai mặt của nó: một mặt nó có thể phục vụ cho lợi ích cá nhân và cộng đồng, nhưng nó cũng có thể được sử dụng để phục vụ phục vụ cho lợi ích của một nhóm thiểu số nào đó, hoặc để thống trị và làm băng hoại xã hội bằng việc kích động bạo lực, hận thù, chia rẽ, tuyên truyền thông tin giả, thông tin độc hại, xuyên tạc, bóp méo sự thật [Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông XH, Đạo đức Internet, 1]. Do đó, Giáo huấn của Giáo Hội cũng lưu ý mục đích của truyền thông, thông tin phải là để xây dựng và bảo vệ con người: “Thông tin do các phương tiện truyền thông cung cấp phải nhằm phục vụ công ích. Xã hội có quyền nhận được những thông tin căn cứ trên sự thật, tự do, công lý và liên đới” [HTXH, 415].

Vì vậy, để sử dụng đúng đắn và tiếp nhận có chọn lọc những thông tin bổ ích từ các phương tiện truyền thông trong một xã hội “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, người sử dụng cần phải ý thức được trách nhiệm của mình với một lương tâm ngay thẳng: “Để sử dụng đúng đắn những phương tiện này, mọi người khi sử dụng cần phải hiểu biết những nguyên tắc luân lý và đem áp dụng cách trung thành vào phạm vi đó… Điều quan trọng nhất là tất cả những người liên hệ đến vấn đề này cần phải tự đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng về việc sử dụng các phương tiện đó” [TT, 4 – 5].

Tạm kết

Quả thật, nhờ các phương tiện truyền thông xã hội, cách riêng báo chí, con người ngày càng có cơ hội tìm hiểu về thế giới và xã hội mà mình đang sống, cũng như có thể để trao đổi, học hỏi lẫn nhau trong tinh thần đối thoại để hướng tới mục tiêu tốt đẹp mà nhân loại đang hướng đến. Tuy nhiên, thật nguy hiểm nếu người ta sử dụng chúng như một công cụ tuyên truyền để thực hiện những ý đồ của mình một cách phi đạo đức.

Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong bản nhận định về một số Vấn đề trong Hoàn cảnh Hiện nay, nhấn mạnh: “Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ. Quả thật chưa bao giờ các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như ngày nay, nhờ đó, con người được gia tăng hiểu biết và tình liên đới. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chỉ thực sự mang lại lợi ích cho con người và cho cộng đồng xã hội khi phục vụ sự thật và phản ánh thực tại cách trung thực. Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và của dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này” [Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay, 2008].

Người làm truyền thông chân chính, cách riêng trong lĩnh vực báo chí, phải là những người biết tôn trọng con người, tôn trọng sự thật với một lương tâm trong sáng, ngay lành và phải can đảm, như lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Do đó, những ai làm việc trong lãnh vực sản xuất và phổ biến các nội dung của các phương tiện truyền thông mới không thể không cảm thấy dấn thân đối với sự tôn trọng phẩm giá và giá trị của nhân vị. Nếu các công nghệ kỹ thuật mới phải phục vụ cho thiện ích của các cá nhân và xã hội, thì những người sử dụng chúng phải tránh sự chia sẻ những lời nói và hình ảnh làm mất phẩm giá con người, và như thế loại trừ những gì đang nuôi dưỡng lòng hận thù và sự bất bao dung, những gì làm giảm giá vẻ đẹp và sự sâu kín của giới tính con người, những gì khai thác những người yếu đuối và những người dễ bị thương tổn” [Sứ điệp của đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI Năm 2009 Nhân ngày thế giới truyền thông lần thứ 43].

Đỗ Minh

Tham khảo

  1. Công đồng Vatican II: Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông.
  2. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội: Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo.
  3. Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông XH: Đạo đức Internet.
  4. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: Sứ điệp Nhân ngày thế giới truyền thông lần thứ 43(2009).
  5. Đức Giáo Hoàng kêu gọi một nền báo chí khiêm nhường phục vụ sự thật và sự tốt lànhhttps://masimpress.com(18/05/2019)
  6. HĐGMVN: Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay(2008).
  7. Phan Đăng Lưu: Về tự do báo chí. Báo Dân Tiến, số ra ngày 10-11-1938.
  8. Nguyễn Khắc Mai: Đọc lại Mác về báo chí tự do. Tạp chí Tia Sáng (2009).
  9. Hoàng Đình Cúc: Sự hình thành tư tưởng triết học của C. Mác qua thực tiễn đấu tranh trên báo chí những năm 1842 – 1843. Tạp chí Triết học, số 11 (186), tháng 11 – 2006.
  10. Trần Huyền Phương: Quyền tự do báo chí trong Luật Báo chí năm 2016 và một số kiến nghị triển khai thi hành luậthttp://lapphap.vn(01/01/2018).

Để lại một bình luận