Người trẻ nên thánh

1008 lượt xem

Lời mời gọi nên thánh

Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium đã viết: “Tất cả các tín hữu dù trong bậc sống hay hoàn cảnh nào cũng đều được kêu gọi theo mỗi người mỗi cách vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành.”[1]

Thật vậy, lời mời gọi hướng tới đời sống thánh thiện của mẹ Giáo hội dành cho mọi thành phần con cái vẫn luôn vang vọng trong mọi thời đại, thế nhưng đáng tiếc thay ngày nay giữa một xã hội phát triển không ngừng, con người dường như đang lao theo nhịp sống hối hả của nền kinh tế hiện đại và chẳng mấy ai ý thức được con đường nên thánh theo lời mời gọi của Tin mừng, trong bối cảnh đó, mới đây trong Tông huấn Christus Vivit (Đức Kitô Hằng Sống), Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa mời gọi các bạn trẻ hãy chiêm ngưỡng các vị thánh trẻ trong lòng Giáo hội, bởi các ngài là những mẫu gương đích thực cho chúng ta noi theo, vị cha chung nhắn nhủ: “Giữa lòng Giáo hội có rất nhiều vị thánh trẻ, những người dâng hiến đời mình cho Đức Kitô, đến mức nhiều người trong đó nhận cái chết tuẫn đạo. Các ngài là những phản ánh quý giá của Đức Kitô trẻ trung, chứng tá sáng ngời của các ngài khích lệ và đánh thức chúng ta khỏi cơn mê.”[2] 

Tông huấn còn nói thêm rằng: “Nhiều vị thánh trẻ đã cho phép các nét trẻ trung chiếu sáng trong tất cả vẻ đẹp của chúng và trong cuộc sống của mình, các ngài đã thực sự là những ngôn sứ đem lại sự thay đổi. Mẫu gương của các ngài cho thấy rõ những gì người trẻ có thể làm, mỗi khi họ mở lòng ra gặp gỡ Đức Kitô.”[3]

Có thể nói các vị thánh trẻ trong lòng Giáo hội với gương chứng tá đức tin của mình, mỗi người mỗi cách đã kiên cường làm chứng cho Tin mừng, cho Chúa Kitô dẫu phải hi sinh tuổi xuân cao quý, bao lý tưởng cao đẹp hay phải đối diện với bao thăng trầm và thách đố của thời cuộc nhưng các ngài vẫn luôn hiên ngang, can đảm, sẵn sàng hi sinh cả mạng sống vì tình yêu Đức Kitô, vì lời mời gọi của Tin mừng. Quả thật, gương sống thánh thiện, sự quả cảm, lòng trung kiên, sự tận hiến của các vị thánh trẻ thật sự đáng để cho người trẻ, là những người con của Giáo hội hôm nay sống theo gương của các ngài. Ta hãy cùng nhìn lại một số vị thánh qua dòng lịch sử, mỗi người mỗi cách đã sống đời thánh thiện và làm chứng cho Chúa Kitô:

Gương các thánh trẻ

– Thánh Giuse Túc, giáo dân Tử đạo. Thánh nhân sinh năm 1843, trong một gia đình đạo hạnh tại Hưng Yên, Việt Nam. Nhờ lòng nhiệt thành với đạo Chúa, dẫu phải đối diện với lao tù xiềng xích của quan quyền nhà Nguyễn, nhưng Ngài vẫn trung kiên, hiên ngang giữ vững đức tin. Thánh nhân chịu tử đạo trảm quyết vào ngày 01.6.1862, khi vừa được 19 tuổi đời. Với tuổi xuân đáng quý ấy anh hùng tử đạo Giuse Túc chiếu sáng như một vì sao.

– Thánh Casimia sinh ngày 05.10.1458 tại Cracôvi, Ba Lan. Cha ngài là vua Casimia IV, và mẹ là hoàng hậu Êlisabet nước Áo. Mặc dù xuất thân trong một gia đình hoàng tộc nhưng suốt cuộc đời thánh nhân là một mẫu gương sáng chói về đời sống cầu nguyện, lòng sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể và tôn sùng Mẹ Maria. Ngài yêu thương người nghèo và sẵn sàng nâng đỡ người yếu thế. Thánh nhân qua đời khi mới 26 tuổi vì bệnh lao phổi.

– Thánh Maria Goretti sinh vào ngày 16.10.1890, tại Ancona, Italia. Ngài tử đạo vào ngày 06.7.1902 khi mới 12 tuổi. Cuộc đời thánh nhân là một gương sáng về đức khiết tịnh. Tuy phải nhiều lần đương đầu với kẻ thù hung hãn đòi hãm hiếp nhưng thánh nữ nhất định cự tuyệt. Hậu quả là ngài bị kẻ sát nhân sát hại với 14 nhát dao. Trong cơn hấp hối thánh nữ vẫn không quên tha thứ cho kẻ thù: “Vì tình yêu Đức Kitô, chớ gì anh ấy được lên thiên đàng với con.”[4]

– Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu sinh ngày 02.1.1873 tại Normandi, Pháp. Lúc còn nhỏ thánh nhân đã sống đời thánh thiện và say mê cầu nguyện. Đến 15 tuổi ngài mong ước được dâng mình cho Chúa và đã được chấp nhận. Con đường nên thánh của chị không gì khác hơn là “con đường tình yêu.”[5] Ngài luôn đặt tình yêu Chúa và tình yêu tha nhân lên trên tất cả. Ngài hoàn toàn tín thác vào tình yêu Chúa và quyết tâm dùng lời cầu nguyện của mình để thổi ngọn lửa tình yêu bùng cháy lên giữa lòng Giáo hội. Ngài qua đời vào ngày 30.9.1897 và được Đức Piô IX tôn phong hiển thánh 28 năm sau đó.

– Thánh Phanxicô Asissi sinh năm 1182 tại Asissi, miền Ubria, nước Ý. Khi còn rất trẻ thánh nhân đã mang đầy những giấc mơ lớn nhưng sau khi nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi đã trở nên nghèo khó như Người và cải tổ Giáo hội bằng chứng tá đời sống. Ngài đã hân hoan từ bỏ mọi sự và nay đã trở thành vị thánh của tình huynh đệ đại đồng, trở thành vị thánh của thiên nhiên, của hoà bình, ca ngợi công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Thánh Phanxicô qua đời vào ngày 03.10.1226. Hai năm sau, ngày 16.7.1228, ngài được Đức Grêgôriô IX tôn phong lên bậc hiển thánh.

– Thánh Đa minh Saviô sinh ngày 02.4.1842 tại San Giovanni di Riva, tỉnh Tôrinô, miền bắc nước Ý. Đa minh Saviô được biết đến là một người luôn cởi mở, vui tươi và thánh thiện ngay từ thuở nhỏ. Trong nhật ký của mình ngài viết rằng: “Tôi sẽ xưng tội thường xuyên và tôi sẽ rước lễ tất cả mọi lần như cha giải tội cho phép. Bạn của tôi sẽ là Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Thà chết mà không phạm tội.”[6] Càng khôn lớn Đa minh Saviô càng thêm đạo đức, thánh thiện. Ngài sống khiêm tốn, hoà nhã và tận tâm giúp đỡ mọi người. Ngài qua đời vào ngày 09.3.1857 và được phong hiển thánh vào ngày 02.6.1954.

– Thánh Tôma Trần Văn Thiện sinh năm 1820 trong một gia đình nông dân tại làng Trung Quán, Quảng Bình, Việt Nam. Ngài là một chủng sinh với ý chí can trường, tinh thần dũng cảm, đức tin sắt đá. Dù phải chịu đựng bao cực hình, đòn roi, lao tù nhưng vẫn hiên ngang, can trường giữ vững đức tin và trung kiên vì lý tưởng tông đồ. Sau bao lần chịu tra tấn cực hình, ngài đã chịu tử đạo vào ngày 21.9.1838 khi vừa mới 18 tuổi xuân. Ngài được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh vào ngày 19.6.1988.  

Gợi ý nên thánh

Gương các thánh trẻ cho chúng ta biết rằng dù sống trong bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh hay thuộc tầng lớp địa vị nào trong xã hội, người trẻ vẫn có thể sống thánh thiện và nên thánh trong mọi môi trường của mình. Thiết nghĩ, dẫu cho thời đại chúng ta hôm nay vẫn còn đó biết bao nhiêu sự xáo trộn, hỗn tạp và sự lọc lừa của thế gian, nhưng tin rằng với niềm tin vào Đấng Toàn Mỹ và sự cố gắng của bản thân từng ngày thì con đường nên thánh của người trẻ vẫn luôn là điều có thể làm được trong thế giới hôm nay. Sau đây, xin được gợi ý một số điểm góp phần vào hành trang nên thánh của người trẻ:

– Tập sống kỷ luật: Kỷ luật là biết đặt mình vào khuôn khổ, biết giới hạn bản thân, không để mình buông theo những sở thích và ý muốn. Kỷ luật sẽ giúp điều chỉnh con người và tính cách của chúng ta. Kỷ luật không chỉ là nếp sống đúng giờ đúng giấc, nhưng còn là một thái độ biết trên biết dưới, biết mình ở đâu, biết mình cần phải làm gì từ những việc nhỏ nhất. Có kỷ luật, người trẻ như có được nền tảng vững chắc cho một hành trình huấn luyện lâu dài về sau.

– Tập sống trung thực: Trung thực là thái độ yêu mến chân lý. Có thì nói có, không thì nói không, chỉ giữ những cái thuộc về mình chứ không tham lam những thứ của người khác. Trung thực cũng là thẳng thắn, rõ ràng, không quanh co, lọc lừa, dối trá. Sự trung thực giúp người trẻ sống cách quang minh chính đại, không hình thành trong đầu mình những suy tính muốn chiếm đoạt cái này cái kia cho bản thân. Người trẻ sẽ học biết cách tôn trọng người khác, biết nghĩ cho người khác.

– Tập sống tiết độ: Đây là một nhân đức Kitô giáo giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng của cải trần thế. Nó giúp ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong những giới hạn của sự lương thiện. Người tiết độ quy hướng các thèm muốn giác quan của mình về điều thiện, giữ sự cẩn trọng lành mạnh. Lấy lý trí để chế ngự và chiến thắng các đam mê dục vọng, không chiều theo khuynh hướng sức mạnh của trái tim, như lời thánh tông đồ mời gọi, chúng ta hãy sống chừng mực, công chính và đạo đức ở trong thế gian này (Tt 2,12).

– Tập sống khiêm tốn: Khiêm tốn không phải là thu mình vào góc nhỏ, phủ nhận hết mọi điều tốt đẹp và cao cả mà mình đã làm, nhưng là một nhận thức đúng đắn về bản thân mình. Rằng những gì mình có chẳng là gì so với những gì mình chưa có, và ngay cả những gì mình đang có, không phải chỉ do công sức và tài năng của riêng cá nhân, nhưng còn có sự trợ giúp của người khác và đôi khi còn có chút may mắn Chúa ban nữa. Càng thành công, càng cần phải khiêm tốn. Khiêm tốn sẽ tạo thế cân bằng với thành công và giúp người ta tiến xa hơn trên những nấc thang mới.

– Ngoài ra, mới đây trong thông điệp gửi các bạn trẻ nhân dịp đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVII, Đức Thánh Cha Phanxicô còn nhắn nhủ các bạn trẻ công giáo Việt Nam hãy sống lạc quan, trung thực và ý thức – trách nhiệm: Các con hãy là muối, là ánh sáng làm thấm đẫm những giá trị Tin mừng vào giữa những người trẻ trong lòng xã hội qua cung cách hiện diện, sống chứng nhân với một đời sống huynh đệ, yêu thương, phục vụ. Ngài mời gọi các bạn trẻ, giữa một môi trường tục hoá duy vật đang lũng đoạn và làm hư hoại mọi nền tảng đạo đức trong xã hội đó, các con hãy chiếu sáng như những vì sao (x.Pl 2,15).

Tựu trung, “Truy tìm sự thánh thiện là mục tiêu cốt lõi của chúng ta; đó là điểm nòng cốt của Tin mừng, là tư tưởng chủ đạo mà Công đồng Vaticanô II tập trung nhắc nhở chúng ta và là lời đáp trả duy nhất cho những khát vọng hạnh phúc không thể dập tắt luôn chế ngự trong tâm trí chúng ta, thế nhưng ngày nay số đông các tín hữu công giáo thời thượng đã chối bỏ lời mời gọi vươn tới sự thánh thiện.”[7].

Thật vậy, ngày nay đứng trước một nền văn hoá hiện đại, một bộ phận các bạn trẻ công giáo dường như đang dần đánh mất cảm thức về con đường nên thánh của mình. Họ đang bị cuốn theo cơn lốc nền công nghiệp hiện đại với vòng xoáy của kim tiền và biết bao mối bận tâm lo toan, cũng như bao sự khủng hoảng về nhân cách và lối sống khiến cho tâm hồn họ không còn có chổ cho những giá trị của Tin mừng ngự trị. Tuy nhiên dù vậy, Thiên Chúa là Cha vẫn dang rộng vòng tay đón đợi họ, lời mời gọi của Tin mừng vẫn còn vang vọng: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Nguyện xin các vị thánh trẻ trên thiên quốc chuyển cầu cho Giáo hội để Giáo hội có thêm nhiều người trẻ dấn thân can đảm sống chứng tá Tin mừng, hầu trở thành những chứng nhân thánh thiện tiếp bước dấu chân các bậc tiền nhân, cống hiến những chứng từ thánh thiện mới giữa lòng thế giới hôm nay.

Đỗ Nhiên

[1] Lumen Gentium,  số11.
[2] Tông huấn Christus Vivit, số 49.
[3] Tông huấn Christus Vivit, số 49.
[4] Lm. Giuse Phạm Đức Tuấn, Hạnh tích các thánh, (2004), tr.540.
[5] Lm. Giuse Phạm Đức Tuấn, Hạnh tích các thánh, (2004), tr.951.
[6] Ngọc Yến, “Thánh Đa Minh Saviô,” http://conggiao.info. Truy cập ngày 25 tháng 02 năm 2020.
[7] Matthew Kelly, Tái khám phá đạo Công Giáo, Đcv Bùi Chu dịch (Hà Nội: Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2015), 137.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời