Ơn Cứu Độ và sự cần thiết của ơn cứu độ đối với con người

6683 lượt xem

ƠN CỨU ĐỘ VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA ƠN CỨU ĐỘ ĐỐI VỚI CON NGƯỜI

GPHT (10.9.2023) Con người chúng ta sinh ra chỉ với hai bàn tay trắng và khi chết đi cũng vậy. Nhưng sự ra đi của chúng ta thì khác vì khi sống trên trần gian này ta có thời gian để trải nghiệm cuộc đời, để sống thiên chức làm người cao quý của mình là được phụng thờ và yêu mến Thiên Chúa. Nếu sống một cuộc sống mà không có đời sau đồng nghĩa với một cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì, cho dù cho mình có hy sinh cố gắng để làm những điều tốt.

Ngày hôm nay, khi nền văn minh khoa học phát triển với những gì đang được thừa hưởng con người lại rơi vào những khủng hoảng trầm trọng về niềm tin. Cơn cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa trở nên mạnh mẽ hơn lúc nào hết, người ta nghĩ rằng mình có thể làm được mọi sự mà không cần đến Thiên Chúa, họ không tin khi kết thúc cuộc sống trần gian sẽ có một cuộc sống mới trong Thiên Chúa. Vì thế, con người hôm nay vẫn còn ngụp lặn trong muôn vàn đau khổ, tội lỗi và sự chết.

 Là một Kitô hữu tôi xác tín rằng con người rất cần đến ơn cứu độ để sống một cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Trở về với thâm sâu của cõi lòng, con người nhận ra rằng khát vọng sống của ta vẫn là được tìm về chân lý và được sống trong niềm tin mà Đấng tạo hóa đã ban cho. Ơn cứu độ quả là một sự tìm kiếm phổ quát và mang tính nền tảng căn bản trong đời sống của con người như thánh Augustinô đã từng nói:  “Lạy Chúa! Chúa đã tạo dựng nên con cho Chúa và lòng con khắc khoải khôn nguôi cho tới khi được an nghỉ trong Ngài”.

1. Ơn cứu độ là trung tâm điểm của mầu nhiệm Kitô giáo

Để hiểu về sự cần thiết của ơn cứu độ trước hết cần hiểu ơn cứu độ là mầu nhiệm chính và là niềm tin cốt yếu của Kitô giáo.

Vậy cứu độ là gì?

Ơn cứu độ trước hết và trên hết là công trình của Thiên Chúa, Đấng tự đi vào trong lịch sử chúng ta, thông qua mạc khải trong cựu ước và cuối cùng với lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa ơn cứu độ ấy được mạc khải trọn vẹn nơi chính Đức Giêsu Kitô. Ơn cứu độ là một ân ban như không của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài không đòi hỏi nơi con người một điều kiện nào hết mà Ngài chỉ cần con người đáp lại lời mời gọi của Ngài mà thôi. Trong sự cứu độ này Thiên Chúa đã đích thân đến cắm lều cư ngụ giữa con người, Ngài tìm kiếm, hiện diện và trao ban chính Ngài cho chúng ta. Qua lịch sử cứu độ Thiên Chúa đã đích thân tuyển chọn, lập giao ước với con người. Khi con người bất trung Thiên Chúa đã tha thứ và ban Đức Giêsu Con Một yêu dấu của Ngài cho chúng ta để nối kết hòa giải ta với Ngài[1].

Thế nhưng ngay từ ban đầu con người đã lãng quên ân huệ cao quý đó. Lịch sử dân Do Thái là dân riêng của Chúa tuyển chọn đã quên mình cần được ơn cứu độ. Dân Israel đã nhiều lần phản bội, chối bỏ Thiên Chúa để đi thờ ngẫu tượng và các thần ngoại. Khi các ngôn sứ đến kêu gọi họ trở về thì họ lại nhạo cười, phỉ báng và khinh bỉ lời Thiên Chúa (x. 2Sb 36, 14-16). Thiên Chúa đã thịnh nộ giáng xuống những hình phạt và khi bị lưu đày tại Ba-bi-lon phải sống một cuộc sống cực khổ, lầm than họ mới tỉnh ngộ và nhận ra mình cần được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa là cha giàu lòng xót thương cho dù con người có phạm tội bất trung, “đĩ điếm”. Thiên Chúa vẫn yêu thương tôn trọng tự do của con người Ngài tìm mọi cách để cứu chữa và đem họ trở về. Ở nơi Thiên Chúa ta thấy một tình yêu ngút ngàn, sống cho con người và chết cho con người, một tình yêu vô thủy vô chung vượt lên trên sự hiểu biết của con người “Người mẹ có thể quên được con mình đã mang nặng đẻ đau không? Chắc là không, nhưng ngay cả người mẹ ấy có quên con mình đi nữa thì Ta đây vẫn không bao giờ quên con”(Is 49,15). Ngài không quên con người đã được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, chính nhờ Ngài mà chúng ta được gặp gỡ chung phần hạnh phúc với Ngài.Thiên Chúa đã xuống thật sâu, thật thấp để cuộc đời chúng ta được nâng cao lên được thánh hóa  và có một giá trị tuyệt đối trong tình yêu của Ngài[2]. Thánh Gioan đã từng định nghĩa :  “Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga4,8). Một Thiên Chúa đã quá yêu con người, sống cho con người và cũng chết cho con người. Một Thiên Chúa bao dung quên hẳn uy quyền của Ngài trước sự yếu đuối bất lực, tội lụy của con người “Đức Giêsu Đấng chẳng hề biết  tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến mình thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5, 21). Tình yêu ấy không chỉ giải thoát chúng ta khỏi sự chết còn biến đổi chúng ta và dẫn chúng ta tới một cuộc sống mới[3]. Sau cùng ơn cứu độ còn có nghĩa là chúng ta cảm nhận mình có một quê hương đích thực, một nơi cuối cùng để tìm về trong Thiên Chúa là nguồn tình yêu và ở nơi đó có một mái nhà và một người cha đầy yêu thương đang đợi chờ chúng ta trở về ‘Nếu ngôi nhà chung của chúng  ta là chiếc lều này bị phá hủy …thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng nên , một ngôi nhà vỉnh cửu ở trên trời không do tay người thế làm ra” (2Cr 5,1). Ơn Cứu độ đến từ Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người, đến từ lòng thương xót vô biên của Chúa đem xuống cho nhân loại để cứu giúp và ban hạnh phúc đích thực cho chúng ta.

2. Sự cần thiết của ơn cứu độ đới với con người theo Kitô giáo

Tại sao con người cần ơn cứu độ?

Phải chăng vì con người tội lỗi và cần được cứu thoát  khỏi tình trạng tội lỗi. Thiên Chúa đã ban tự do và hạnh phúc cho con người, thế nhưng ta đã lạm dụng tự do để chống lại, bất phục tùng với Ngài, từ đó mối dây liên kết của Ngài với ta bị phá hủy, giữa Thiên Chúa và chúng ta có một khoảng cách ngàn trùng không thể cứu vãn. Nếu Đức Kitô không xuống thế làm người, không chết cho chúng ta thì chúng ta không thể làm gì để tự cứu mình và cứu người khác được. Con người cần đến một ai đó ? Và qua hy tế thập giá Đức Giêsu Kitô đã làm Đấng trung gian nối kết ta lại với Thiên Chúa. Ngài đã tự hiến trên thập giá làm của lễ sống động, thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa và máu Ngài trở nên hiến lễ đền tội cho con người vì thế ơn cứu độ là hồng ân vô giá Thiên Chúa ban cho con người để có đời sống vỉnh cửu. “Thánh Phaolô đã quả quyết “ở đâu tội lỗi lan tràn ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm5, 20) nhưng để thực hiện công trình của Ngài ân sủng phải vạch trần tỗi lỗi nhằm hoán cải trái tim chúng ta và làm cho chúng ta nên công chính để được sống đơi đời nhờ đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”[4]. Như vậy ơn cứu độ giải thoát con người khỏi tội lỗi là sự dữ đối nghịch lại với tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là sáng kiến kỳ diệu của lòng thương xót Chúa, Đấng ban ơn tha thứ, giải thoát con người.

Con người cũng cần được cứu độ để thoát  khỏi sự dữ. Xung quanh cuộc sống của chúng ta ma quỷ đang ngày đêm rình rập và reo rắc sự dữ và chúng ta có thể vấp ngã bất cứ lúc nào. Thánh Phêrô đa từng nói : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ là thù địch anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé anh em” (1 Pr 5,8). Trước một nguy cơ đáng sợ như thế đang xảy ra xung quanh chúng ta, chúng ta rất cần đến ơn cứu độ.

Hơn nữa con người cần ơn cứu độ để được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Khi con người tham dự vào sự sống đời đời thì đồng nghĩa với con người đã được cứu độ. Thiên Chúa được ví như nguồn sung mãn của con người và làm cho con người được no thỏa.

Ơn cứu độ một sự kiếm tìm mang tính phổ quát và căn bản của con người

Trước hết ơn cứu độ là một sự tìm kiếm phổ quát và căn bản đối với tất cả mọi người. Mặc dù thời đại biến đổi con người có thể phủ nhận ơn cứu độ nhưng nó lại đụng chạm đến cõi thâm sâu và khát vọng muôn thuở của con người. Đặc biệt là khi con người đối diện với muôn vàn thách đố và vấn nạn ập xuống. Thiết nghĩ đã là con người ai cũng có niềm tin không ít thì nhiều ngay cả những người ngoài Kitô giáo. Từ trong sâu thẳm của cõi lòng, vẫn có một sức mạnh vô hình lôi kéo họ hướng tới trời, họ vẫn tin có thần thánh và đời sau. Đó là một niềm tin và một sự kiếm tìm phổ quát luôn tồn tại trong lòng mọi người qua mọi thời đại. Càng ngày, nhu cầu tâm linh càng trở nên cần thiết, có rất nhiều người khi gặp đau khổ họ đã tìm đến chùa chiền, miếu mạo thắp hương lạy trời khấn phật để được cứu thoát. Ngay cả những người thuộc chủ nghĩa vô thần hay những người vô tín ngưỡng, họ có thể chối bỏ Thiên Chúa, chối bỏ những gì Ngài dựng nên nhưng khi đối diện với lương tâm họ sẽ nhận ra mình đang lừa dối chính mình.  Họ có thể vô thần vì đam mê lạc thú, vì tuyệt vọng, vì quá sùng bái tin tưởng vào khoa học nhưng đến cuối đời họ sẽ tự tra vấn và một cách nào đó họ bị khuất phục, thua cuộc và phải nhìn nhận Thiên Chúa có trong cuộc đời họ. Chính Renan một nhà vô thần, về cuối đời đã viết : “Lạy Đấng Thiên Chúa tôi phụng thờ khi còn trai trẻ, tôi luôn luôn hy vọng sẽ trở về với Ngài…Có lẽ tôi sẽ trở lại với Ngài với một thái độ khiêm tốn khuất phục…Ôi đáng lẽ tôi phải đấm ngực, thành thực sám hối, nếu tôi được nghe tiếng nói đã làm cho tôi vui sướng ngày xưa. Lạy Thiên Chúa tôi phụng thờ thời thanh niên có lẽ trên dường chết tôi sẽ lại phụng thờ ngài[5]

Ơn cứu độ cũng mang tính phổ quát cho Thiên Chúa ban cho tất cả loài người. Đó là một quà tặng vô giá như Công Đồng Vaticanô II nói: “Với ý định tự do và nhiệm mầu đầy khôn ngoan nhân lành, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng toàn thể vũ trụ. Ngài quyết định nâng con người để chia sẻ sự sống thần linh, và đã không bỏ mặc loài người sa ngã nơi nguyên tổ Ađam nhưng luôn giúp họ đón nhận ơn cứu rỗi nhờ Đức Kitô Đấng cứu chuộc”[6]. Chúng ta thấy rằnng tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở dân Do Thái mà thôi nhưng còn lan tỏa đến mọi chủng tộc, sắc dân, tận hang cùng ngõ hẻm. Tình yêu của Thiên Chúa vượt trên biên giới đất trời. Đức Giêsu đã nói “ Bất cứ ai đến với Ta, Ta sẽ không từ chối xua đuổi” (Ga 6,37). Ơn cứu độ được dành cho tất cả mọi người không chỉ dừng lại ở người kitô hữu, mà cả những người lương dân nữa. Thiên Chúa không đặt ra mẫu người để hưởng ơn cứu độ, Ngài không loại trừ cũng không đưa ra một khuôn thước nào để chọn. Ngài kêu mời và đón nhận tất cả vào vườn nho của Ngài, ngay cả những người thu thuế và những cô gái điếm, những người bị xã hội bỏ rơi khinh bỉ, lên án, … Ngài biết nhu cầu của từng người, thấu suốt những gì trong tâm hồn họ. Tâm hồn Ngài luôn là một không gian bất tận để có chổ cho mọi người cư ngụ. Ngài khơi lên trong họ niềm tin và hy vọng, tình thương của Ngài ôm trọn tất cả mọi người chúng ta.

3. Để hưởng ơn cứu độ con người chúng ta phải làm gì?

Trước hết chúng ta cần phải mở lòng ra đón nhận để đón nhận. Vì Thiên Chúa đã mạc khải mầu nhiệm tình thương ấy với mong muốn chúng ta sẽ được hưởng sự sống đời đời. Khi mở lòng ra đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa đồng nghĩa với việc nhận biết và yêu mến Ngài. Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên bạn của Ngài như chúng ta với tất cả những ưu điểm, khuyết điểm, và tội lỗi. Và điều đặc biệt hơn là chúng ta phải có niềm tin Thánh Gioan đã từng quả quyết rằng: “Ai tin Ngài sẽ không bị luận phạt  và ai không muốn tin Ngài họ đã bị luận phạt rồi,bởi vì họ đã không tin (Ga3,18). Khi không tin vào Đức Giêsu thì chính con người đã tự tách mình ra với Ngài. Đặc biệt để đón nhận ơn cứu chuộc ta phải có lòng sám hối luôn ý thức mình là tội nhân cần ơn tha thứ và cứu chuộc của Thiên Chúa.

Là người Kitô hữu chúng ta cần có trách nhiệm loan báo ơn cứu độ, nếu không sự thiếu sót đó sẽ là một bất trung đối với Thiên Chúa và Giáo hội. Ơn cứu độ không chỉ là lý do cho sự tồn tại của Giáo Hội, mà còn là lý do chung cục cho sự hiện hữu của mỗi chúng ta. Ơn cứu độ phải là mục đich, niềm hi vọng và hạnh phúc cuối cùng mà con người nhắm tới. Ngày nay Chúa không đòi hỏi ta phải tử đạo bằng gươm giáo nhưng Ngài muốn chúng ta rao truyền về ơn cứu độ ấy qua đời sống chứng tá thiết thực, không phải chỉ là những lời nói suông và sáo rỗng. Ngài mời gọi chúng ta trở nên hình bóng Ngài để hiện diện với tha nhân và trở nên sứ giả của lòng thương xót bằng đời sống phục vụ, bác ái, hy sinh với người khác bằng trái tim yêu thương, đôi tay nâng đỡ, xoa dịu những vết thương và môi miệng nói lời yêu thương xây dựng để minh chứng  niềm tin sống động của mình vào Thiên Chúa.

Tôi rất hạnh phúc vì bản thân mình được sinh ra và lớn lên trong lòng Giáo Hội, được hấp thụ tinh thần Kitô giáo từ khi mới có trí khôn và khi lớn lên tôi lại lựa chọn đời sống tu trì. Tôi cảm nghiệm được Thiên Chúa luôn yêu tôi và săn sóc và quyến rũ tôi mỗi ngày bằng những cái mới mẻ rất nhiệm mầu mà chỉ những người đang yêu và được yêu mới hiểu được. Tôi nghĩ thiết nghĩ, niềm tin vào ơn cứu độ cũng chính là niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu, luôn trung tín. Chính con đường mà tôi đang lựa chọn để nói lên rằng tôi tin và rất cần ơn cứu độ. Tôi tin vào Đấng đã yêu tôi và chết vì tôi, tình yêu đó càng khiến tôi ngày càng gắn chặt vào mối tình không biên giới của Ngài. Và tôi nghĩ rằng trái tim Thiên Chúa luôn có một chổ đặc biệt dành cho tôi và cả những nhân vị khác. Khi gặp những khó khăn, thử thách trong cuộc đời tôi luôn nhìn lên thánh giá Chúa và ở nơi đó tôi thấy Thiên Chúa đã dành cho tôi một tình yêu trọn vẹn và tròn đầy và ước chi tôi luôn cảm nghiệm được điều đó trong quảng  đời còn lại của mình rằng : “Ta đã cứu chuộc con, Ta đã gọi chính tên con: Con là của riêng Ta…Bởi vì con tuyệt vời và quý hóa trước mắt Ta, và bời vì Ta yêu con” (Is 43,1-7).

Mây Ngàn – MTG Vinh

———————————————————————

[1]Xem. J. B. Nguyễn Khắc Bá,  Giáo Trình Kitô học, ĐCV Vinh Thanh, trang 375

[2] Xem, Jorather Nắng Tím, Đức Ki tô là ai để tôi tin, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2013.

[3] Ibid,…sđt, trang 341

[4] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Số 1848.

[5] . Lm. Lê Duy Lượng, Có Thiên Chúa Không Câu trả Lời Của Con Người.Tài Liệu giảng dạy Triết Học ĐCV. Vinh Thanh, Trang 42

[6] Công Đồng VaticanôII, (Hội Đồng GMVN-Ủy ban Giáo Lý Đức Tin, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, (21/11/1964) Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2012, số 2.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận