Phong tục cưới hỏi tại Papua New Guinea

1463 lượt xem

“Ở Papua New Guinea lấy được vợ là một trong những dấu hiệu của một người đàn ông trưởng thánh. Còn nữ giới ở nước này lại chưa thực sự được xem trọng phẩm giá”.

Để lấy được vợ thì người chồng sắp cưới phải trả một số tiền rất lớn cùng với đó là những sản phẩm quý giá, đắt tiền, đặc biệt là… heo. Sản phẩm được xem là quý và mắc tiền ở Papua New Guinea là heo. Heo tại Papua New Guinea được xem là vật nuôi dùng trong việc cưới hỏi và có giá trị rất cao. Ở vùng miền núi thì một con heo khoảng 60 đến 70 kg có giá từ 2 đến 3 nghìn Kina (khoảng 15 đến 20 triệu VNĐ). Các khoản phải chi cho nhà gái khi cưới gồm tiền mặt từ 10 đến 50 nghìn Kina hoặc nhiều hơn nữa (tương đương gần 70 đến 350 triệu VNĐ), 10 đến 50 con heo, 2 hoặc 3 con bò. Cô dâu tương lai có công ăn việc làm càng tốt như giáo viên thì giá để cưới càng cao. Nếu hai người đã sống với nhau và có con thì sau một thời gian giá để cưới lại càng cao hơn vì dân ở đây quan niệm rằng người cô gái đã sinh ra con nên giá cưới buộc nhà trai phải trả ở mức cao hơn. 

Thường thì số tiền và hiện vật được quyên góp từ cả dòng họ nhà trai và đem đến cho cha mẹ của nhà gái để “mua” vợ, số tiền này thuộc về cha mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng người con gái đó.

Vì sao con gái lại có mức giá để cưới cao như vậy? Theo người dân địa phương “vì cô dâu sau này sẽ sinh ra nhiều người con, chăm sóc cho chồng con và gia đình”. Do đó khi người con gái được gả về nhà chồng và sau đó không có khả năng sinh con thì dòng họ bên chồng sẽ trả về, đồng thời đòi lại khoản tiền họ đã trả khi cưới. 

Nhiều người con gái được gả bán không phải vì tình yêu nhưng vì tiền bạc. Nghĩa là người đàn ông có tiền thì có thể cưới được nhiều vợ. Có nhiều  người con gái phải lấy người chồng đã già và thậm chí người đàn ông đó có 1, 2 vợ đang sống cùng. Còn nam giới không có tiền để cưới vợ thì đành ở độc thân. Vì người Papua New Guinea quan niệm đàn ông là phải mạnh mẽ, phải có đủ gia sản để lấy vợ.

Ở Papua New Guinea, mỗi vùng sẽ có những thử thách khác nhau để “chứng nhận” một người con trai trưởng thành, có quyền lấy vợ. Chẳng hạn ở vùng sông nước, người trong bộ lạc cùng nhau làm một căn nhà lớn tách biệt với cộng đồng. Khi người con trai đã đến tuổi trưởng thành thì sẽ trải qua giai đoạn thử thách. Họ sẽ rời gia đình và đến ở nơi căn nhà tách biệt nói trên trong 30 ngày.

Thử thách lớn nhất là cắt da thịt để tạo nên các vết sẹo theo hình da cá sấu. Việc cắt da thịt này được thực hiện bằng dao lam và không có thuốc giảm đau. Sau khi cắt  da thì được bôi vào một loại nước để ngăn không cho máu chảy quá nhiều. Có những thanh niên chết vì nhiễm trùng. Kết thúc 30 ngày thử thách này thì người con trai sẽ có một lớp sẹo trên người theo hình dạng da cá sấu đẹp mắt và đầy sức mạnh. Từ đây anh ta được công nhận là người trưởng thành và có các quyền lợi trong cộng đồng hay trong bộ lạc.

Sau khi về nhà chồng, người vợ phải làm việc vất vả và hầu như ghánh vác mọi việc của gia đình nhưng lại không có quyền lợi và thường không có tiếng nói.

Tôi thật sự thấy ưu tư về mặt nhân phẩm của người phụ nữ ở nước thổ dân này. Về mặt nhân phẩm chưa được tôn trọng, nhiều người phụ nữ bị chồng đánh đập, hành hạ vì người chồng cho rằng mình đã bỏ tiền ra để mua vợ nên mình có quyền như vậy. Có nhiều bộ tộc phụ nữ không được tham gia việc chung của cộng đồng, vì họ bị xem là những người thấp cổ bé họng.

Giuse Hoàng Quốc Phán
Dòng truyền giáo Ngôi Lời

Để lại một bình luận