Sức mạnh của sự dịu dàng

47 lượt xem

Trái tim của Giáo hội đang có những nhịp đập pha trộn giữa đau buồn và hy vọng. Sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời, nhiều người trong chúng ta cảm thấy như mất phương hướng, như thể có ai đó vừa dập tắt một giọng nói biết cách diễn tả chính xác những gì chúng ta đang cần nghe.

Nhưng lời nói của ngài vẫn còn mãi. Di sản của ngài cũng vậy, trong số đó, có một điều rực sáng: đó là cuộc cách mạng của sự dịu dàng.

Vậy, sự dịu dàng đó là gì? Làm thế nào để chúng ta có thể sống tinh thần dịu dàng ấy ngay ngày hôm nay?

Sau đây là 5 điểm then chốt để biến cuộc cách mạng dịu dàng ấy thành hiện thực ngay lúc này, khi mà thế giới cần đến nó hơn bao giờ hết.

1. Sự dịu dàng không phải là sự yếu đuối: đó là sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng đang cúi xuống để gần gũi với con người.

Đức Phanxicô đã phá vỡ định kiến ​​cho rằng sự dịu dàng là thái độ của kẻ yếu đuối. Ngược lại, ngài coi đó là biểu hiện mạnh mẽ nhất của tình yêu đích thực, có khả năng biến đổi mọi thứ.

“Sự dịu dàng là ngôn ngữ của những người bé nhỏ, của những ai cần đến tha nhân. Đó là một dạng tình yêu đã trở nên gần gũi và cụ thể. Đó là ngôn ngữ của Thiên Chúa và chúng ta cần phải học ngôn ngữ này.” (Bài giảng, Lễ Giáng sinh 2020)

Trong một nền văn hóa đề cao tính hiệu quả, đề cao vẻ bề ngoài và quyền lực, Đức Phanxicô đã mời gọi chúng ta cúi xuống, như chính Thiên Chúa đã làm, để có thể chạm đến người khác với sự tôn trọng, niềm trắc ẩn và lòng nhân đạo.

Còn chúng ta, chúng ta có dám thực hành một dạng sức mạnh đã trở nên gần gũi cách dịu dàng như thế không?

2. Một Thiên Chúa hạ mình, chạm đến những vết thương, ôm lấy ta mà không hề sợ hãi.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã không biết mệt mỏi khi nhắc đi nhắc lại điều này: Thiên Chúa không sợ những vết thương, không sợ bùn đất hay sự vấp ngã của chúng ta. Thiên Chúa không phải là một quan tòa xa cách. Ngài là một Người Cha luôn đến gần, chạm đến và nâng đỡ.

“Sự dịu dàng là đường đi của những con người dũng cảm và mạnh mẽ nhất. Giữa bóng tối của chúng ta, chính Chúa đã đến với sự nhân hậu và dịu dàng của Ngài.” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 88)

“Thiên Chúa đã trở thành một trẻ thơ. Thiên Chúa đã trở nên yếu đuối để chạm đến trái tim chúng ta.” (Bài giảng, Lễ Giáng sinh 2014)

Bạn có bao giờ cảm thấy như Chúa đang giơ tay xuống để giúp đỡ bạn không? Và bạn có để cho sự dịu dàng của Ngài chạm tới bạn không?

3. Đức tin là được sống với trái tim của trẻ thơ: tín thác nhiều hơn, kiểm soát ít hơn.

Đức Phanxicô thúc giục chúng ta sống với thái độ của những người nhỏ bé, của những người không cố gắng kiểm soát mọi thứ, nhưng thay vào đó là sự tin tưởng. Đây chính là sự trưởng thành đích thực của Kitô hữu: học cách phó thác bản thân vào tay Chúa.

“Làm Kitô hữu trước hết không phải là một hệ thống luân lý, mà là một chuyện tình, là chào đón một vị Thiên Chúa đã trở nên dịu dàng.” (Gặp gỡ các giáo lý viên, 2013)

“Chỉ những ai trở nên giống trẻ nhỏ mới được vào Nước Trời: không phải theo nghĩa ấu trĩ, mà là theo nghĩa tin tưởng, cởi mở, có khả năng ngạc nhiên.” (Buổi tiếp kiến ​​chung, ngày 18 tháng 3 năm 2015)

Bạn thấy thế nào khi từ bỏ thái độ muốn kiểm soát mọi sự ngay trong ngày hôm nay? Bạn thấy thế nào khi cho phép mình sống như trẻ bé, hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của một vị Thiên Chúa hằng chăm sóc bạn?

4. Giáo hội được rộng mở, bắt đầu từ chính bạn

“Giáo hội là một bệnh viện dã chiến,” Đức Phanxicô nói. Và để làm được điều đó, bạn phải mở rộng cánh cửa, không chỉ về mặt kiến ​​trúc, mà còn trong cử chỉ, lời nói và cách ứng xử hằng ngày của bạn. Và điều này bắt đầu từ bạn và tôi.

“Tôi thích một Giáo hội bị bầm dập, bị thương tích và lấm lem vì phải ra đường, hơn là một Giáo hội bệnh hoạn vì bị giam cầm.” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 49)

“Sự dịu dàng không phải là một chiến lược mục vụ, mà là cách sống của một Giáo hội đang sống theo Tin Mừng.” (Buổi tiếp kiến ​​với các linh mục, 2018)

Lời nói và hành động của bạn có mở ra cánh cửa cho người khác, hay đóng chúng lại? Bạn có biết dịu dàng nhìn những người có suy nghĩ khác biệt không?

5. Chỉ có tình yêu mới chữa lành được: không có sự dịu dàng thì không thể chữa lành được.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy thương tích. Và không có hệ tư tưởng, kỹ thuật, chiến lược nào có thể chữa lành trái tim con người. Chỉ có tình yêu. Chỉ có sự dịu dàng.

“Sự dịu dàng là sự âu yếm của Chúa đối với chúng ta. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự dịu dàng của Chúa. Và khi chúng ta buồn, Người an ủi chúng ta bằng sự dịu dàng này.” (Bài giảng, kính Thánh nữ Marta, ngày 8 tháng 4 năm 2016)

“Sự dịu dàng khiến chúng ta trở thành chứng nhân của tình yêu trong một thế giới thường khắc nghiệt và tàn nhẫn.” (Amoris Laetitia, 28)

Hôm nay ai đang cần sự dịu dàng của bạn? Bạn có thể tiếp cận ai với sự âu yếm của Chúa?

Cuộc cách mạng của sự dịu dàng không kết thúc với Đức Phanxicô. Bây giờ nó là của chúng ta. Chúng ta đã được trao phó di sản này: trở thành một Giáo hội với những cánh cửa mở, những Kitô hữu với trái tim rộng mở, những con người không sợ yêu thương, không sợ khiêm nhường.

Bởi vì chính Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dạy chúng ta rằng: sự dịu dàng không chỉ là một cảm giác, mà là một quyết định, một lối sống.

Vậy thì chúng ta có sẵn sàng tiếp tục làm thay đổi thế giới bằng lòng nhân từ của Chúa hay không?

Tác giả: María Claudia Arboleda

Đaminh Nguyễn Bảo Lộc (TGPSG) biên dịch từ CatholicLink

Nguồn: tgpsaigon.net